November 13, 2009
NGUYỄN XUÂN NGHĨA-Việt Tribune
Đồng “Nguyên” Trong Quan Hệ Mỹ-Hoa
Chuẩn bị chào đón Tổng thống Hoa Kỳ, Trung Quốc bắn tiếng sẽ điều chỉnh hối suất đồng “Nhân dân tệ” của họ so với đồng Mỹ kim. Ai ơi xin chớ vội mừng.
Hôm 11 tháng 11, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc bỗng đổi giọng trong phúc trình về chính sách tiền tệ. Rằng họ sẽ định giá đồng “Nhân dân tệ” (Renminbi – đồng Nguyên) “theo luồng giao dịch tư bản và sự chuyển động của các ngoại tệ khác”. Diễn giải cho dễ hiểu, Bắc Kinh bắn tiếng là có thể điều chỉnh hối suất thay vì giàng giá đồng bạc vào tiền Mỹ theo một tỷ giá nhất định quá thấp. Các thị trường trên thế giới lập tức phỏng đoán là vài ngày trước chuyến viếng thăm đầu tiên của Tổng thống Barack Obama (vào các ngày 15-18 tháng 11), Bắc Kinh muốn giải tỏa một đầu mối tranh chấp với Hoa Kỳ.
Người dân Tàu đọc báo về TT Obama tại Bắc Kinh. LIU JIN/AFP/Getty Images
Sự thật có khi không được như vậy.
Nhưng vì sao hối suất đồng bạc Trung Quốc lại là một đầu mối tranh chấp?
Xưa kia, dưới chế độ tập trung quản ký kinh tế, vấn đề hối suất đồng Nguyên không được đặt ra vì không có sự trao đổi rộng rãi với bên ngoài mà chỉ một số cơ quan nhất định là có quyền giao dịch về ngoại tệ. Khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa – ba chục năm trước – chánh sách hối đoái trở thành bài toán mới: làm sao định giá đồng bạc với các ngoại tệ khác? Vì mua bán nhiều nhất với Hoa Kỳ, Bắc Kinh ấn định hối suất đồng bạc theo một tỷ giá cố định so với Mỹ kim – ta gọi là giàng giá đồng nội tệ vào tiền Mỹ. Chính sách hối đoái ấy có ưu điểm là bảo đảm một hối suất ổn định khiến doanh nghiệp xuất nhập cảng có thể dự báo phí tổn và lời lãi mà không bị nhiều giao động giá cả từ bên ngoài dội vào.
Nhưng, ấn định tỷ giá nào thì thích hợp sau khi Trung Quốc được gia nhập Tổ chức Mậu dịch Thế giới WTO năm 2001 và ngày càng đạt xuất siêu cao hơn nhờ xuất cảng nhiều hơn nhập cảng? Hối suất chính thức do Ngân hàng Trung ương đặt ra bị sức ép của lượng xuất siêu ấy, như một dây neo ngày một căng vì con thuyền đã nổi lên cùng con nước. Các quốc gia buôn bán với Trung Quốc cũng than phiền là hối suất được Bắc Kinh ấn định quá thấp để giúp cho hàng rẻ và dễ bán ra ngoài, một hình thức cạnh tranh bất chính. Than phiền nhiều nhất là Hoa Kỳ, một quốc gia bị nhập siêu quá nặng khi mua bán với Trung Quốc.
Vì vậy, năm 2005, Bắc Kinh phải nhượng bộ và đồng ý cho đồng Nguyên được tăng giá một cách tiệm tiến, như chầm chậm thả dây neo cho dài hơn. Tháng Bảy năm đó, Trung Quốc bắt đầu điều chỉnh tỷ giá đồng bạc và trong ba năm liền, đồng Nguyên tăng được 21% so với Mỹ kim.
Nhưng, đến tháng Bảy năm ngoái thì Bắc Kinh quyết định chấm dứt chính sách điều chỉnh tiệm tiến ấy. Lý do là họ đã thấy nạn suy trầm kinh tế tại Hoa Kỳ rồi vụ khủng hoảng tài chánh khiến kinh tế toàn cầu bị suy thoái. Mặc dù khi ấy lạm phát đang hoành hành vì giá lương thực và năng lượng tăng vọt, Trung Quốc ấn định trị giá đồng bạc theo hối suất khoảng 6,83 đồng Nguyên ăn một đô la (trước đó, vào những năm 2000, hối suất cố định là 8,28). Bắc Kinh duy trì hối suất ấy trong suốt một năm bão tố của kinh tế toàn cầu, cho tới ngày nay.
Ngày nay, kinh tế thế giới đã đụng đáy và bắt đầu hồi phục, riêng kinh tế Trung Quốc thì bật lên rất mạnh vì chánh sách kích cầu qua tăng chi và bơm thêm tín dụng. Trong khi ấy, Mỹ kim lại tuột giá nặng so với các ngoại tệ mạnh của thế giới vì kế hoạch tăng chi để cải tạo xã hội của Chính quyền Obama. Bội chi ngân sách (tới 12% Tổng sản lượng GDP) và quyết định ghìm lãi suất căn bản ở số không của Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ khiến Mỹ kim mất giá liên tục từ đầu năm nay. Trong hoàn cảnh ấy, Mỹ kim chìm giá tới đâu thì đồng Nguyên chìm theo tới đó, lại là hiện tượng dây neo quá căng.
Trung Quốc bị sức ép của thế giới là phải thả thêm dây neo, là điều chỉnh hối suất. Nhưng, với đởm lược bằng trái quít, Chính quyền Obama chỉ dám úp mở than phiền thôi. Tổng trưởng Tài chánh Mỹ Timothy Geithner cho thấy chuyện đó khi điều trần trước Quốc hội rằng Bắc Kinh có can thiệp vào thị trường hối đoái, sau đó lại chối quanh.
Bắc Kinh cân nhắc hối suất theo những động lực nào?
Khi ấn định hối suất quá thấp, Bắc Kinh có lợi nhờ xuất cảng rẻ hơn và cần xuất cảng mạnh để tạo thêm việc làm hầu tránh động loạn. Nếu phải tăng giá đồng bạc – như thế giới đang yêu cầu – đầu máy xuất cảng sẽ khó kéo kinh tế ra khỏi nạn suy trầm. Ngược lại, với hối suất cao hơn, lợi tức người dân sẽ tăng và số cầu gia tăng của thị trường nội địa có thể bù đắp cho thị trường xuất cảng và nhất là giúp cho bộ máy xuất cảng cải thiện được năng suất. Nhưng, ngay trước mắt thì ưu thế xuất cảng xây dựng bấy lâu nay có thể mất, và nhiều người sẽ mất việc. Cái giá chính trị của việc nâng hối suất như vậy là một rủi ro lớn cho lãnh đạo. Chưa kể là nếu thị trường dự báo là sẽ có điều chỉnh hối suất thì sẽ có nạn đầu cơ, tiền chảy vào để mua đồng Nguyên rồi chờ ngày lên giá thì kiếm lời.
Ngày nay, Bắc Kinh đang đứng trước một chọn lựa theo kiểu lưỡng nan, mặt nào cũng có vấn đề.
Với bên ngoài, hối suất quá thấp khiến các nước mở chiến dịch phản công trên mặt trận ngoại thương qua nhiều vụ kiện cáo trước tổ chức WTO hoặc bằng biện pháp bảo hộ mậu dịch. Chính quyền Obama đang bị áp lực khá mạnh từ các nghiệp đoàn nên cũng đã viện dẫn khoản 421 để trả đũa trên các loại vỏ xe bình dân của Trung Quốc bán vào thị trường Mỹ.
Nhưng nhìn sâu vào bên trong, cuộc tranh luận về hối suất đồng Nguyên không chỉ là một đề mục quốc tế mà đã ăn sâu vào hệ thống chính trị. Các tỉnh miền Đông sống nhờ xuất cảng thì muốn giữ hối suất cho thấp để xuất cảng sẽ là đầu máy tăng trưởng và đó là quan điểm của Thủ tướng Ôn Gia Bảo và Ngân hàng Trung ương. Các tỉnh bị khoá trong lục địa và phải làm gia công cho bên ngoài thì mong là đồng bạc kiếm được sẽ có giá cao hơn, nên trông đợi vào việc điều chỉnh. Đây cũng là chủ trương của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào khi muốn tái phân lợi tức cho các tỉnh nghèo ở bên trong.
Vì ngần ấy yếu tố, Ngân hàng Trung ương của Bắc Kinh mới đổi giọng và nói nước đôi: hối suất cũng tùy vào luồng giao dịch tư bản, tức là có thể điều chỉnh, nhưng trong sự ổn định. Về thực tế, Trung Quốc chỉ có thể nâng hối suất rất chậm – trong cả năm nữa – và rất nhẹ sau một đợt đầu đầy “ấn tượng” để chặn trước nạn đầu cơ.
Trong khi ấy, cả Bắc Kinh lẫn Chính quyền Obama đều sẽ thổi lớn chuyện “sẽ điều chỉnh” như một biểu hiện về thiện chí của Trung Quốc và về sức thuyết phục của Hoa Kỳ.
Một màn khói rất mờ và một trò diễu rất nhạt. [NXN]
*********************
source
Viet Tribune Online
No comments:
Post a Comment