Nền kinh tế Trung Quốc có đang đứng trước một cuộc khủng hoảng lớn? Hay sự bùng nổ - vừa khớp với các lễ hội ăn mừng 60 năm quốc khánh nước cộng hòa nhân dân - sẽ tiếp tục? Nhà nghiên cứu tương lai người Mỹ George Friedman đã có câu trả lời khá rõ ràng.
Người đứng đầu công ty thông tin tư nhân Stratfor, trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí manager (mm.de) đã khẳng định: cuộc khủng hoảng tiếp theo của châu Á đang dần lớn lên.
George Friedman là người sáng lập và lãnh đạo công ty thông tin tư nhân Stratfor. Ông đã viết nhiều sách và bài báo về các chủ đề chính sách an ninh, truyền thông và công nghệ. Tác phẩm mới nhất là cuốn "The Next 100 Years: A Forecast for the 21st Century". |
mm.de: Thưa ông Friedman, trong số mới của tạp chí manager (số 10/2009) đề cập tới hiện tượng phát triển quá nóng của nền kinh tế Trung Quốc, mang đầy đủ các biểu hiện của một bong bóng. Vẫn còn có nhiều doanh nhân và kinh tế gia phương Tây đặt nhiều hy vọng vào sự năng động của Trung Quốc, có phải vậy không?
Friedman: Tốt hơn là không nên vậy - tốc độ tăng trưởng không nói lên được nhiều về hiện trạng của một nền kinh tế.
mm.de: Vậy thì nền kinh tế Trung Quốc (TQ) đang như thế nào?
Friedman: Đứng trên đôi chân đất sét. Các doanh nghiệp chủ yếu do các ngân hàng tài trợ. Bởi vậy họ không lưu tâm lắm đến kiếm lời thông qua tạo nguồn thu để trả nợ. Thay vì vậy, họ cố bán càng nhanh càng nhiều. Rất thành công - như các con số đề thặng dư xuất khẩu đã chỉ ra.
mm.de: Điều đó có gì tệ đâu?
Friedman: Ở TQ không có cơ chế thị trường để phân bổ vốn. Người TQ chỉ có thể gửi tiền vào các ngân hàng nhà nước với lãi suất thấp. Các ngân hàng này lại cho các doanh nghiệp quốc doanh hoặc chịu ảnh hưởng của nhà nước vay lại - nặng về quan hệ và ý chí hơn là quan tâm tới lợi nhuận.
mm.de: Đó không phải là kinh tế thị trường thuần túy. Nhưng mà cho tới giờ hệ thống đó vẫn hoạt động thành công...
Friedman: Chỉ khi nào các doanh nghiệp còn phát triển. Nếu tăng trưởng giảm sút - như bây giờ qua khủng hoảng của các nước mua hàng - sẽ xuất xảy ra tình trạng vỡ nợ hàng loạt. Hệ thống tài chính sẽ sụp đổ một cách chậm chạp, nhưng chắc chắn - giống như trong cuộc khủng hoảng chấu Á lần thứ nhất ở Nhật Bản. Khi đó, tỷ lệ tín dụng so với tổng thu nội địa ở mức 17% đã bị coi là xấu. Hiện tại ở TQ tỷ lệ này là 30 tới 40 phần trăm. Giống như Nhật Bản ở vận tốc lớn hơn.
mm.de: Nhưng TQ có các nguồn lực khổng lồ - chỉ riêng dự trữ ngoại tệ đã hơn 2000 tỷ đô la, phần lớn là các trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ. Tại sao nền kinh tế đó không hấp thu được các khoản vỡ nợ?
Friedman: Dự trữ đô la lớn là một dấu hiệu rất xấu. Nó có nghĩa là trong nước không có cơ hội đầu tư thích đáng cho các khoản tiền. Thay vì đầu tư ở TQ người TQ lại thích đầu tư và các hầm mỏ ở châu Phi hay Cục Dự trữ Hoa Kỳ..
mm.de: Vậy thì tại sao các doanh nghiệp châu Âu và Hoa kỳ lại nóng lòng đầu tư vào TQ?
Friedman: Bởi họ đánh hơi thấy các cơ hội thị trường khổng lồ. Họ nhìn thấy số dân tới 1 tỷ 3 con người. Họ thấy những tỷ phú ở các thành phố duyên hải đang sắm xe Mercedes và Maserati cho mình.
mm.de: Điều đó có vẻ rất lạc quan?
Friedman: Họ không để ý thấy có hơn 1 tỷ người TQ chỉ kiếm được chưa đầy 2000 đô la. Mức thu nhập này nằm ở mức của Châu phi khu vực xích đạo. Hoàn cảnh của những con người này cần phải cải thiện nếu không sẽ xuất hiện các bất ổn xã hội, điều mà các nhà đầu tư ngoại quốc luôn né tránh.
Một khu trung tâm thương mại tại Thượng Hải, Trung Quốc. Nguồn ảnh: Corbis |
mm.de: 30 năm qua tình hình TQ đã cải thiện liên tục. Tại sao điều đó không tiếp tục trong thời gian tới?
Friedman: Để làm dịu tình hình nghèo khổ, TQ phải tiếp tục tăng trưởng. Các doanh nghiệp khém hiệu quả hiện đang được duy trì giả tạo bằng các hợp đồng và nhiều khoản vay của nhà nước hơn thông qua chương trình kích thích. Tuy vậy toàn bộ số tiền mà TQ kiếm được nhờ những năm bùng nổ xuất khẩu cũng không đủ để kéo dài việc ổn định hệ thống.
mm.de: Liệu có con đường nào khác không?
Friedman: Tôi e rằng không. Tự TQ không kiểm soát được nền kinh tế của mình. Sự thần kỳ trong phát triển của vùng duyên hải không hơn gì sự bành trướng của Wal-Mart. Công nghiệp TQ không có khách hàng ở ngay nội địa vì ở đó con người sống theo kiểu tự cung tự cấp. Kinh tế TQ sống nhờ khách hàng ở Mỹ và châu Âu. Và các quốc gia này cũng quyết định liệu TQ có phát triển tiếp hay không - và có vẻ không phải là như vậy.
mm.de: Chúng ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng của châu Á?
Friedman: Chúng ta đã sa vào cuộc khủng hoảng lần 3 của châu Á. Các doanh nghiệp TQ nợ quá nhiều rồi. Các ngân hàng đang đứng bên bờ sụp đổ.
mm.de: Ngài có nói quá không? Các chỉ số của các ngân hàng TQ xem ra có vẻ chắc chắn hơn các ngân hàng phương Tây.
Friedman: Ồ không, các báo cáo không nói hết sự thật. Nhà nước đã đảm nhận các khoản nợ xấu và chia cho các Công ty quản lý tài sản. Và các công ty này đã tồn tại từ lâu. Thêm tăng trưởng không có lợi nhuận chẳng đưa đến đâu cả - nó chỉ thổi phồng cái bong bóng TQ thêm mà thôi.
Lê Đông Phương (lược dịch)
***********************************
source
http://www.tuanvietnam.net/2009-10-08-cac-ngan-hang-trung-quoc-dang-ben-bo-cua-su-sup-do-
No comments:
Post a Comment