Sunday, 18 October 2009

Chân gà Mỹ - Vỏ xe Tầu: Liệu có chiến tranh mậu dịch giữa hai bên?


October 16, 2009


MAI LOAN

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn toàn cầu hiện nay, việc tỉ lệ thất nghiệp trong nước gia tăng khiến các chính quyền gặp áp lực phải tăng thuế suất trên các món hàng nhập cảng ồ ạt vốn là nguyên nhân làm cho những cư dân địa phương gặp khốn đốn là chuyện vẫn thường xảy ra. Hàng hoá nhập cảng vào Hoa Kỳ với số lượng lớn và giá rẻ từ các nước như Trung C..., Ấn Độ, Pakistan và nhiều nước nghèo tại Á châu đã ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người dân Mỹ tại nhiều vùng khi những ngành nghề của họ không thể cạnh tranh lại. Do đó, các chính trị gia của Mỹ luôn bị áp lực từ phía cử tri, nhất là khi gần đến mùa vận động tranh cử, để ủng hộ hay đưa ra những biện pháp kinh tế có tính cách bảo hộ mậu dịch, đơn giản nhất là tăng thuế suất các hàng nhập cảng để giúp cho hàng hoá nội địa có thể cạnh tranh lại.

Một đại lý vỏ xe Trung Quốc tại Bắc Kinh. Liu Jin/Getty Images

Thông thường, người ta hay nói rằng chủ trương của đảng Dân Chủ thân thiện hơn với các nghiệp đoàn nên dễ ủng hộ cho các giải pháp theo chiều hướng bảo hộ mậu dịch hầu bảo vệ cho công ăn việc làm của công nhân, và đảng Cộng Hoà thì chủ trương mậu dịch tự do theo kiểu mạnh được yếu thua. Nhưng trong thực tế, tất cả các chính quyền Mỹ, dù theo Dân Chủ hay Cộng Hoà, cũng đều áp dụng những biện pháp tăng thuế hàng nhập cảng vì nhu cầu chính trị nội địa, như trường hợp của TT Bush Con đã tăng thuế trên mặt hàng thép nhập cảng vào đầu năm 2002 mặc dù biết rằng quyết định này sẽ gây giận dữ cho các quốc gia khác và sẽ bị trả đũa sau đó. Lý do là vì chính quyền Bush không thể để mất phiếu của cử tri tại những tiểu bang có đông dân là công nhân sống về ngành thép như Pennsylvania, Ohio và West Virginia. Trong lần vận động năm 2000, liên danh Bush-Cheney đã hứa với cử tri tại những nơi này là sẽ giúp đỡ những gia đình có công ăn việc làm trong những ngành này, và sự ủng hộ của cử tri tại những nơi đó đã giúp ông Bush thắng cử khít khao tại hai tiểu bang Ohio và West Virginia.

Lần này, chính quyền Obama đã quyết định loan báo trong ngày 12-9 vừa qua việc tăng thuế suất lên 35% trên các vỏ xe nhập cảng từ Trung C... để giúp cho các nhân công cũng trong ngành kỹ nghệ thép dưới áp lực của nghiệp đoàn United Steelworkers bởi vì số lượng vỏ xe Trung C... xuất cảng sang Hoa Kỳ đã tăng lên gấp ba chỉ trong vài năm từ 2004 đến 2008. Để trả đũa, phía Trung C... nói rằng họ sẽ xem xét đến việc hạn chế số lượng chân gà xuất cảng từ Mỹ sang và có thể một số hàng hoá khác. Vào tuần trước, tờ báo New York Times nói rằng Trung C... đã quyết định tăng thuế biểu trên những tấm thu năng lượng mặt trời (solar panels) nhập cảng từ Mỹ.

Câu hỏi đặt ra là liệu một cuộc chiến nhỏ về mậu dịch có thể sẽ nổ bùng ra giữa Hoa Kỳ và Trung C...? Và phải chăng Tổng thống Obama đã không thật sự cương quyết trong chủ trương mở rộng biên giới cho mục đích trao đổi trên các thị trường tự do?
Nhưng nhà báo Daniel Gross, bình luận gia về kinh tế của tạp chí Newsweek, trong một bài phân tích đề ngày 05-10 vừa qua, đã cho rằng những lời qua tiếng lại trong vụ này là chuyện không đáng kể. Đó là những tranh luận thường thấy trong quan hệ mậu dịch và kinh tế rất phức tạp và có nhiều điểm nhức nhối giữa Hoa kỳ và Trung C.... Dĩ nhiên, ngày nào còn có các nghiệp đoàn hoạt động mạnh mẽ và có thế lực trong nhiều ngành nghề, và các hãng xưởng chế biến tại Mỹ vẫn còn hoạt động trong khi hàng hoá của Trung C... cứ tiếp tục đổ ào ạt vào nước Mỹ, thì những cuộc xung đột về mậu dịch sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai, cho dù bất cứ đảng nào nắm quyền tại Toà Bạch Ốc.
Thật ra trị giá của những món hàng đang tranh cãi chẳng đáng là bao trong tổng số mậu dịch giữa hai nước. Những chân gà được gói riêng để xuất cảng tại những lò làm thịt gà ở thành phố Berrien thuộc tiểu bang Illinois, có thể chỉ mang đi đổ thùng rác vì dân Mỹ không biết ăn, nhưng lại được xuất cảng sang Trung C... vì dân Tàu lại mê ăn chân gà như là một món ăn ngon đắt tiền, nên mỗi năm đem về số lượng khoảng 400 triệu Mỹ-kim trong tổng số 800 triệu Mỹ-kim từ thịt gà bán ra cho Trung C.... Ngược lại, phía Trung C... cũng thu về 1 tỷ 800 triệu Mỹ-kim nhờ bán được khoảng 46 triệu vỏ xe hơi sang Mỹ trong năm 2008. Tuy nhiên, đó chỉ là những con số rất khiêm nhưỡng vì trong năm nay, Hoa Kỳ đã nhập cảng khoảng 158 tỷ Mỹ-kim hàng hoá và dịch vụ từ Trung Cộng trong khi chỉ xuất cảng được gần 36 tỷ Mỹ-kim sang quốc gia đông dân nhất hành tinh này.

Tuy nhiên, điều các nhà lãnh đạo Trung C... cần phải lo ngại hơn, nếu như quả tình có biết lo sợ, là về cán cân mậu dịch trong các sản phẩm tài chánh, với những con số to lớn hơn nhiều. Mỗi năm Hoa Kỳ trả tiền Mỹ-kim sang Trung C... (và nhiều nước khác) để mua đủ loại hàng hoá cho nhu cầu tiêu thụ thả dàn trong nội địa, để rồi từ đó Trung C... lại đổ tiền ngược lại vào thị trường Mỹ dưới dạng các công khố phiếu. Thống kê của Bộ Tài Chánh Hoa Kỳ cho biết là đến tháng 7 vừa qua, Trung C... đang làm chủ một số lượng công khố phiếu do Mỹ phát hành với trị giá lên đến 800 tỷ Mỹ-kim, vượt qua mức 550 Mỹ-kim so với cùng thời điểm của năm trước. Từ vài năm qua, Trung C... đã vượt qua mặt Nhật Bản để trở thành quốc gia làm chủ số vốn nhiều nhất về công khố phiếu của Mỹ. Trong tổng số các món nợ của Mỹ đối với các nước khác qua công khố phiếu, phần của Trung C... chiếm đến tỉ lệ 23%. Ngay cả trong lãnh vực tư nhân hoặc bán công như các tổ hợp Fannie Mae và Freddie Mac, số lượng nợ bán cho Trung C... cũng lên đến những con số khổng lồ, tuy không bằng với các món nợ công khố phiếu.

Và điều ngạc nhiên hơn nữa là không phải chỉ có Ngân hàng Trung ương (tức chính quyền) ở Bắc Kinh mới mua công khố phiếu của Mỹ. Ngay cả nhiều cơ quan bán công hay hợp doanh với chính phủ tại Trung C... cũng đã đầu tư bằng cách mua cổ phần của nhiều công ty tài chánh tại Mỹ để có chỗ chứa an toàn cho vốn liếng của mình. Tổ hợp đầu tư quốc doanh có tên là China Investment Corp (CIC) với vốn liếng khoảng 300 tỷ Mỹ-kim, đã làm chủ khoảng 10% của công ty Blackstone Group, một tổ hợp đầu tư loại equity. Vào tháng 6 vừa qua, tổ hợp CIC đã bỏ ra 1 tỷ 200 triệu Mỹ-kim để mua chứng khoán của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, nâng tổng số cổ phần của mình lên đến 9.9%. (Vào cuối năm 2007, CIC đã chi ra 5 tỷ 600 triệu Mỹ-kim để mua chứng khoán của Morgan Stanley).

Ngoài những trao đổi tiền bạc khá lớn kể trên giữa các công ty tài chánh của hai nước, dẫn đến những áp lực căng thẳng mỗi khi có những xung đột hay tranh chấp giữa hai bên, cũng còn một thị trường mậu dịch to lớn hơn nhiều về những sản phẩm tài chính biến thái từ chứng khoán, thường gọi là derivatives, hoặc những sản phẩm liên hệ như credit-default swaps hoặc hedging contracts vốn là những giao kèo trao đổi giữa các nhà băng hay công ty tài chánh mà số tiền và giá trị đích thực không mấy rõ ràng kể cả đối với những người trong cuộc. (Trong cuộc khủng hoảng tài chánh vào cuối năm ngoái, tất cả các nhà băng lớn nhỏ tại Hoa Kỳ cũng như nhiều nơi trên thế giới đều lâm vào cơn hoảng loạn vì không ai biết rõ là trong số vốn liếng sở hữu của mình, có bao nhiêu phần trăm nằm trong những loại giấy nợ như kiểu derivatives kể trên, và giá trị thực sự của nó là bao. Đến khi mọi người nghe nói đến việc các loại nợ biến thái này bị mất giá thê thảm thì hầu như tất cả các nhà băng đều lâm vào tình trạng hoang mang, không biết rõ là mình bị thua thiệt mất mát đến đâu, và cũng không biết là các ngân hàng khác thua lỗ bao nhiêu, và vì thế nên tất cả rơi vào tình trạng “bế quan toả cảng”, không dám cho vay với các ngân hàng khác).

Tin tức đưa ra từ một tổ chức có tên là International Swaps and Derivatives Association (ISDA) thì tổng số lượng derivatives lưu hành đã đáo hạn trên toàn cầu lên đến 31,200 tỷ Mỹ-kim, một số tiền giấy nợ khổng lồ có thể tác động đến chuyện sinh tử của nhiều công ty lớn nhỏ tại Trung C... đã đầu tư tại ngoại quốc từ nhiều năm qua. Và chính những tranh chấp trên lãnh vực này, nếu xảy ra, mới là điều đáng lo ngại nhất cho giới đầu tư và chính quyền Trung C..., chứ không phải là những chuyện tranh cãi về thuế biểu của các vỏ xe hơi và chân gà như nhiều người nghĩ xuyên qua một vài bản tin gây ồn ào nhất thời.

Cũng theo thông tin từ cơ quan ISDA thì rất nhiều đại công ty tại Trung C..., kể cả những công ty liên doanh với nhà nước, đã bị thua lỗ khá nhiều với các loại nợ kiểu derivatives và hegding contracts. Chẳng hạn như công ty CITIC Pacific, chuyên sản xuất về thép, đặt trụ sở tại Hồng Kông, vào năm ngoái đã đưa ra dự báo rằng có thể thua lỗ đến khoảng 2 tỷ Mỹ-kim trong những đầu tư về ngoại tệ. Những hàng hàng không lớn như China Eastern và Shanghai Air cũng bị lỗ lã nặng nề không kém khi đầu cơ về giá xăng máy bay lên xuống thất thường.

Vào cuối tháng 8 vừa qua, tạp chí Caijing chuyên về tài chánh, xuất bản tại Bắc Kinh đã có bài nói rằng một cuộc điều tra của chính quyền qua Uỷ ban Điều hành và Giám sát Tài sản Nhà nước (State-owned Assets Supervision and Administration Commission, SASAC) về các chính sách đầu tư vào derivatives có thể khiến cho nhiều công ty quốc doanh khám phá ra mình bị lỗ nặng và không thể thi hành các giao kèo tài chánh để trả nợ. Điều này đã gây hoang mang trên các thị trường tài chính khiến cho cơ quan SASAC đã phải vội vàng sửa chữa các bản báo cáo và nói rằng Uỷ ban chỉ điều tra để xem là các công ty quốc doanh có bị lún sâu vào những vụ đầu tư tài chánh quá nguy hiểm hay không. Tuy vậy, đến giữa tháng 9 vừa qua, tờ báo Caijing lại loan báo, kỳ này với sự chuẩn thuận từ trước của cơ quan SASAC, rằng một số các công ty quốc doanh đã đưa ra những lời báo động về pháp lý với 6 nhà băng đầu tư quốc tế để nói về những thiệt hại thua lỗ trong các món đầu tư về derivatives. Tờ báo cũng nói thêm rằng những thông tin chưa phối kiểm đầy đủ đã cho thấy là có đến 28 công ty quốc doanh với chính quyền trung ương đã có dính líu đến những vụ đầu tư các món hàng derivatives, và tất cả đều coi như bị thua lỗ.

Trong bối cảnh đó, người ta mới thấy là những tranh cãi về việc thuế suất gia tăng trên các món hàng như vỏ xe hơi và chân gà thật ra chỉ là những vấn đề phụ trong sự lo ngại giữa hai phía. Cái viễn tượng ngân hàng trung ương của Trung C... có thể sẽ không còn muốn cho Hoa Kỳ tiếp tục vay nợ trong tương lai, hoặc là các ngân hàng của Hoa Kỳ và Âu châu một ngày nào đó có thể thấy các đối tác của mình ở Trung C... không còn chịu thi hành các giao kèo tài chánh, mới chính là mối lo đáng ngại hơn nhiều. Do đó, những hàng hoá đáng để lưu tâm một cách thiết thực và quan trọng trong mối quan hệ giao dịch giữa hai bên, một đằng là Washington và Wall Street và bên kia là Bắc Kinh và Thượng Hải, không phải là những thứ đựng trong những thùng container được chuyên chở bằng tầu qua Thái Bình Dương, mà đúng hơn, nó là những thứ sản phẩm được trao đổi nhẹ nhàng và nhanh chóng qua những đường giây thông tin qua mạng lưới Internet trên các thị trường tài chánh.

Mai Loan
Houston, Texas 09-10-09

************************

source

Viet Tribune Online

No comments:

Post a Comment