Dubai tráng lệ về đêm, một hình ảnh từ trang nhà của Bộ Du Lịch và Tiếp Thị Thương Mại – ảnh: Dubai Dept. of Tourism and Commerce Marketing.
Hoài Mỹ/Viễn Đông
”Thiên đàng hạ giới”
Người ta vẫn từng gọi Dubai là ”Thiên Đàng Hạ Giới” - dĩ nhiên chỉ dành cho giới ”đại, đại... gia”, nghĩa là của các tay tỉ phú mà thôi (”triệu phú” vẫn có thể bị... xua đi chỗ khác chơi!). Ở đây có đủ thứ ”Les nourritures terrestres” (Tên một tác phẩm của nhà văn Pháp André Gide), lạc thú trần gian đồng thời là chốn để những ai đã có dư ”tiền rừng bạc bể” rồi, nhưng vẫn muốn làm giầu hơn nữa.
Dubai là một trong 7 ”emirate” (tương tự một quốc gia) trong khối Liên Hiệp Emirate Ả Rập (UAE). Với diện tích 4114 cây số vuông, Dubai lại đông cư dân nhất: 2,3 triệu người, nhưng trong dân số đó chỉ có 17% là công dân chính thức của đất nước này. Những công nhân ngoại quốc xuất xứ từ Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh đến đây lao động, chiếm 60% cư dân. Thủ đô cũng mang tên Dubai là thành phố lớn nhất ở hải đảo Ả Rập.
Nền kinh tế của Dubai gồm chính yếu là thương mại, các dịch vụ tài chánh và du lịch. Chỉ có 3% của nền kinh tế này liên quan với hoạt động khai thác dầu hỏa và khí đốt thiên nhiên.
Nguyên thủ quốc gia là tiểu vương Mohammed bin Rashid Al Maktourn. Ông ta đồng thời cũng giữ chức thủ tướng kiêm phó tổng thống của khối UAE.
Hơn bất cứ nơi nào trên thế giới, ở Dubai tình trạng kỳ thị và phân chia giai cấp rất rõ rệt và mãnh liệt. Thành phần ưu tú và cao cấp nhất luôn luôn là người ”emirate” Dubai chính cống. Những dân ”emirate” đến từ các nước Ả Rập khác như Saudi-Arabia chẳng hạn dù giầu có cỡ nào vẫn thuộc ”hạ cấp” và dù đã sinh sống ở đây qua nhiều thế hệ vẫn không đương nhiên được nhập quốc tịch ”emirate Dubai”. Công nhân ngoại kiều tới đây làm việc bị coi không khác gì nô lệ. Dân nghèo tuyệt đối không được tới gần những khách sạn hay trung tâm thương mại sang trọng. Bạn là du khách loại ”chiến”, nhưng bạn chỉ muốn vào ”ngó” một phát khách sạn Burj al Arab ư? Nếu bạn không muốn bị ”cảnh vệ” đuổi đi, bạn nhớ đừng quên diện ”vest” thuộc loại hàng ”hiệu” đồng thời phải chi ra tối thiểu từ 60 tới 100 đô!
Giống Las Vegas ở Hoa Kỳ vốn mọc lên từ sa mạc, Dubai cách nay khoảng 30 năm cũng ”chào đời” từ biển cát nóng bỏng. Thời đó phương tiện di chuyển chính yếu là lạc đà, nay nhân viên của các khách sạn ”6-7 sao” lái toàn xe Rolls-Royce, Cadillac, Mercedes... ”cáo chỉ” để đón/đưa khách.
Phi nước đại khỏi cơn khủng hoảng
Như trên đã kể, công ty nhà nước không trả nổi tiền nợ, tức là vào mỗi buổi sáng món nợ này ”đẻ” thêm về cả vốn lẫn lời là 3,5 tỉ đô la. Các thị trường tài chánh trước đây vẫn ”tin như tin kinh Tin Kính” là Dubai dư sức bao thầu những món nợ ấy, nay ”sự thật phũ phàng” đã đẩy tiểu quốc này vào sâu cơn khủng hoảng về tín nhiệm.
Vào sáng Chủ Nhật (giờ địa phương), ngày 13-12-2009, chứng khoán Dubai lại sụt xuống thêm 6%. Giới chủ nợ (creditor) ở Dubai đe dọa niêm phong tất cả tài sản của tiểu quốc này. Những cơn sóng ở Dubai đã tràn lan nhanh chóng tới các thị trường chứng khoán khác trên thế giới và gây nên sự sợ hãi trước những đợt mới khác của cuộc khủng hoảng tài chánh nghiêm trọng hơn nữa.
Một số khá đông nhà đầu tư cũng đã chuẩn bị ”khăn gói quả mướp” để chạy khỏi Dubai. Điển hình như tỉ phú gia Thomas Oye, người đã di chuyển tới Dubai để ”kiếm ăn” từ năm 2001, cho biết hiện không thấy một ánh sáng nào trong hoàn cảnh điêu đứng của Dubai. Ông đã giảm thiểu các hoạt động - lý do: ”Ở đây chẳng còn gì nữa để thu hoạch đối với một nhà đầu tư. Bây giờ tôi dành nhiều thời giờ hơn ở London và Tây Ban Nha. Tôi đã quá thất vọng ở Dubai rồi”.
Được biết, thương gia tỉ phú Thomas Oye trong những năm qua đã làm việc trong lãnh vực đầu tư vào bất động sản và bỏ vốn vào các dự án tài chánh ở Âu Châu và Bắc Mỹ. Riêng đối với Dubai, ông Oye giải thích: ”Trước đây tôi đã đổ dồn vốn lớn lao vào các nhà đầu tư ở Dubai, trong khi họ đầu tư ở bên ngoài Dubai. Nên nhớ, Dubai đã là một thiên đàng cho hoạt động như vậy và nhờ thế tôi đã xây dựng được một mạng lưới tuyệt vời khắp ở Trung Đông...”. Đương sự ngưng nói, nhún vai: ”Nhưng nay Dubai không còn là một nơi quan trọng nữa để tìm được các nhà đầu tư hay dự án. Nhiều người đã đầu tư ở Dubai; họ cũng đã mất tất cả những gì họ đã xây dựng được... Bởi vậy có nhiều nguyên nhân để tôi bay cao xa khỏi nơi đây”.
Ông Thomas Oye cho rằng món nợ của Dubai không chỉ khoảng gần 80 tỉ đô la như đã được loan trên các cơ quan truyền thông, nhưng còn cao hơn rất nhiều. Ông xác quyết: ”Xét từ khía cạnh kỹ thuật thì đất nước này kể như đã phá sản, bởi vì không đủ khả năng trả các chi phí theo thời hạn”. Động lực khiến các nhà đầu tư chạy trốn là sự thiếu sáng sủa và bất khả tiên đoán.
Theo nhận định của một số thương gia khác (không muốn xưng danh) thì:
- Quốc vương Mohammed cai trị đất nước này giống như ông ta điều hành một cửa tiệm vậy. Ông ta có thể thay đổi luật pháp và các nguyên tắc chỉ nội trong một đêm. Những ai không theo dõi báo chí kỹ lưỡng, sẽ không theo kịp thời cuộc và hiếm khi nhận thức được những sự thay đổi ấy. Nhiều chủ nợ không một lần biết được cơ quan nào của chính phủ mà họ có trái khoản.
- Dubai ước muốn trở thành như một Thụy Sĩ ở Trung Đông, tuy nhiên có sự khác biệt hoàn toàn giữa hai đối tượng này. Ở Dubai, quốc vương nắm quyền quyết dịnh tất cả; ở đây không có dân chủ.
Tuy nhiên thương gia Thomas Oye cho là không đúng khi đổ lỗi cho quốc vương, bởi vì: ”Điều ấy (lề lối điều hành quốc gia) thì mọi người đã biết rõ trước khi dọn tới Dubai. Những người đầu cơ phải tự trả phần của cái giá ấy. Nay người ta như thể đi lùng vật tế thần (người để đổ lỗi hay bắt chịu trách nhiệm)”.
”Thời oanh liệt nay còn đâu!”
Tâm sự với ký giả Jacob Schultz của hệ thống kinh tế 24, thương gia Thomas Oye đãkhông giấu giếm là sự xa hoa và sự tiêu xài quá rộng rãi đã là một phần của cuộc sống hàng ngày, nhưng nay đã thay đổi: ”Bây giờ thì tôi thuộc giai cấp... tiện tặn rồi, tuy nhiên trước kia chắc chắn sự ’siêu’ xa hoa là một phần quan trọng trong cuộc sống của tôi. Nên nhớ rằng ở một nơi nào trên thế giới này, người ta không nói truyện với bạn nếu như bạn không có cùng một trình độ sinh hoạt với họ. Vâng, dã man và nông cạn thật, nhưng... đời là thế!”
Theo ông Oye, đàng sau những mặt tiền hoành tráng của Dubai có nhiều người hiện chịu đựng cảnh khốn cùng của những sự mất mát lớn lao do hệ quả của cơn khủng hoảng kinh tế gây nên. Ông Oye kể: ”Những người này đã mất cả những gì họ đã có được và họ bị phá sản. Một số người đã tự vận, nhưng đa số đã chạy khỏi Dubai để rồi lại tái khởi sự ở đất nước mới như thuở ban đầu”.
Ông còn cho biết cá nhân ông đã gặp nhiều nạn nhân trong số những người đã ”thua cuộc” ấy: ”Cả những người ’lớn’ lẫn ’nhỏ’ đều lâm cảnh tận cùng. Sự phá sản của tôi so với nhiều người khác chỉ là những mớ tiền nhỏ. Một người Nga mà tôi mới gặp đây đã mất gần hai tỉ đô la vào The World-project. Cách nay hai năm, tôi cũng đã cảnh giác mạnh mẽ ông bạn người Ái Nhĩ Lan tên là John O’Dolan đối với Dubai, nhưng ông ta vẫn cứ đặt cả một tài sản vào việc mua một cái đảo. Cuối cùng ông ta đã tự tử hồi tháng 8 vừa rồi”.
Tuy vậy, mặc dù đã xiểng liểng bởi trái bong bóng kinh tế phát nổ ở Dubai, nhưng thương gia Thomas Oye vẫn còn chút niềm tin là tiểu quốc này sẽ trỗi dậy lại được sau cơn khủng hoảng nhờ sự giúp đỡ của Abu Dhabi, một nước ”emirate” lân bang dầu hỏa - thế nhưng: ”Tôi sẽ không đề nghị bất cứ ai đầu tư ở Dubai trong một thời gian. Dubai là một đất nước tự do và sẽ đứng lên lại được như một thí dụ tồi tệ nhất trên thế giới bởi sự tham lam hiển nhiên của nó”.
Bài học thích đáng
Theo danh sách của Forbes, ông Khalaf al Habtoor đã từ là một người trắng tay mà dựng nên một ”triều đại” Habtoor và nay là người giầu có đứng hạng 3 trên thế giới. Ông ta hiện ngồi trong hội đồng cùng với các tiểu vương và là một trong những đại diện của 11 gia đình vốn kiểm soát 80% nền kinh tế của Dubai.
Ngày nay một trong những người con trai của ông ta, Mohammed al Habtoor giữ chức vụ giám đốc quản trị ”đế quốc” Habtoor và là người đã hậu thuẫn việc xây khách sạn hiện đại lừng danh thế giới, Burj A Arab, ở Dubai. Ngoài ra anh em nhà họ Al Habtoor hiện còn làm chủ một câu lạc bộ đua ngựa ở Dubai - Habtoor Polo Team. Họ tỏ ra bình tĩnh trước những khó khăn trong việc trả nợ của Dubai. Có một sự nhất trí rộng rãi là các nhà lãnh đạo Dubai chỉ muốn cho thế giới và tất cả những người đầu cơ một bài học thích đáng. Mohammed Habtoor phát biểu: ”Quốc vương Mohammed dư sức trả hết số nợ bằng trương mục ngân hàng của ngài chỉ nội ngày hôm nay mà thôi, vậy thì mọi người hãy khởi sự thư giãn trở lại. Ngoài ra, ngài cũng muốn những ai lèo lái các công ty xây cất hãy đứng lên rời khỏi ghế và hãy tự kiếm tiền lấy”. Mohammed đặt niềm tin tưởng rất lớn lao của mình vào tài lãnh đạo của quốc vương. Đương sự kể là cha của ông ta đã nói sau buổi họp với quốc vương: ”Ngài muốn tất cả những người đầu cơ trên thế giới phải chịu một bài học thích đáng”.
Trong khi đó, các nhà đầu tư đã bỏ vốn vào công ty xây cất của nhà nước Dubai World, thảo luận kế hoạch kiện chính quyền Dubai ra tòa án. Họ không chấp thuận lời xin tạm ngưng việc trả nợ của Dubai World, và họ cho rằng nhà nước đã bảo đảm món nợ này. Họ muốn niêm phong tài sản của quốc gia này. Thế nhưng Mohammed Habtoor tỏ vẻ nghi ngờ: ”Họ quyết định trước khi trình bày với quốc vương. Bây giờ họ hội họp với nhau rồi tự xếp đặt lấy. Tất cả nợ nần sẽ được hoàn trả. Từng cắc một! Những sự ồn ào thật ra đều do giới truyền thông thổi phồng lên”.
Sau khi rít một hơi dài ống điếu, Mohmamed vừa nhả khói vừa nêu thắc mắc: ”Tại sao Ích Lan lại được chấp thuận phá sản, trong khi cả thế giới sắp sửa suy sụp, chỉ có chúng tôi là yêu cầu dời hạn một món nợ trong vài tháng?”
Đương sự nói thêm rằng ông ta không muốn tiết lộ những bí mật của Dubai, thay vào đó ông nêu một thí dụ cụ thể: ”Tôi có trên 50.000 nhân viên, nhưng đâu có sa thải ai. Dĩ nhiên những người này, ai cũng nhận thấy cơn khủng hoảng tài chánh chứ, nhưng chúng tôi vẫn gia tăng làm việc gấp đôi hơn xưa... Sở dĩ chúng tôi làm việc nhiều hơn là vì có rất nhiều cơ hội đầu tư ’ngon lành’ ở ngoài kia (hải ngoại)”.
Những căn nhà trống
Được biết công ty do Mohammed điều hành - Al Habtoor Group - chiếm 30% các dự án xây cất của Dubai.
Hiện nay, khắp nơi ở Dubai vẫn còn có những dự án xây cất mới, trong khi nhiều căn nhà đã xây xong thì tiếp tục để không, nhưng Mohammed thì có thể tiên đoán những ai sẽ dọn vào ở:
”Du khách yêu thích ở đây. Tất cả khách sạn đều đã được đặt chỗ hết cả rồi. Từ từ rồi người ta sẽ mua các căn nhà này sau khi họ nhận thấy thời tiết ở đây tuyệt vời”.
Ngừng hớp một tách trà, Mohammed Habtoor hăng say phác họa một tương lai sáng sủa thật gần cho Dubai: ”Hơn nữa, nhiều công ty sẽ dọn tới đây. Mặc dù họ chưa có công tác gì ở đây, họ vẫn thiết lập các văn phòng của họ, bởi vì chúng tôi là trung tâm của tất cả. Nếu những người từ Bangkok sẽ gặp gỡ thân chủ của họ đến từ California chẳng hạn thì họ sẽ gặp nhau ở đây. Chúng tôi là nam chân mà mọi người đều ước muốn được hút vào”. – (HM)
******************
source
Vien Dong Daily
No comments:
Post a Comment