Wednesday, 9 December 2009

Dubai ngưng trả nợ, thế giới chao đảo


Dubai ngưng trả nợ, thế giới chao đảo
Cập nhật lúc 3:38:40 AM - 28/11/2009

dubai.jpg

Một chiếc máy bay Typhoon của Không quân Hoàng gia Anh bay qua bầu trời Dubai hôm 24-11-2009 trong một buổi trình diễn phi cơ ở Dubai. Bên dưới là Palm Jumeirah, một hòn đảo có nhiều khách sạn, villa sang trọng – ảnh: Bộ Quốc Phòng Anh.

Bách Lam/Viễn Đông


NEW YORK – Khi thị trường New York mở cửa lại sau Lễ Tạ Ơn sáng thứ Sáu, tin tức không vui từ Dubai, một Vương quốc Ả Rập, về quyết định ngưng trả nợ trong vòng 6 tháng, đã làm cho các nhà đầu tư lo ngại không ít, kéo theo sự suy yếu của chứng khoán nói chung và những công ty liên quan trực tiếp đến những mối đầu tư ở Trung Đông nói riêng. Một số nhà bình luận cho rằng có thể nền kinh tế thế giới chưa hồi phục nổi trong năm tới và còn nhiều điều đáng bi quan hơn là lạc quan về sự sống còn của một nền kinh tế ảo dựa trên những tính toán rủi ro. Và như vậy, tương lai kinh tế tại địa phương như Quận Cam cũng còn lờ mờ, mặc dù đã có một số dấu hiệu cho thấy khả năng hồi phục, theo đánh giá mới nhất của vài kinh tế gia qua sự kiện này.

Đêm thứ Tư, 25-11-2009, chính phủ Dubai ra tuyên bố rằng hai công ty Dubai World và Nakheel, một chi nhánh đầu tư quan trọng của chính phủ, sẽ hoãn việc trả những món nợ trị giá đến 60 tỷ Mỹ kim từ đây cho đến sớm nhất là ngày 30-5-2010.


Trả lời phỏng vấn của Viễn Đông vào sáng 27-11-2009, Giáo sư Tiến sĩ Anil Puri, Khoa trưởng Khoa Kinh tế và Kinh doanh, Đại học Cal State Fullerton, nhận xét về tình hình Dubai:

“Tôi cho rằng đây là một bước thụt lùi khá lớn trong tiến trình hồi phục kinh tế toàn cầu sau cơn suy thoái. Điểm nổi bật của sự việc này là công ty Dubai World do chính phủ [Ả Rập] làm chủ, cho nên đây có thể nói là một vụ khất nợ quan trọng nhất trong kỳ suy thoái kinh tế lần này”.


Chính phủ Dubai cũng cho biết họ đang bắt đầu việc tái cấu trúc công ty Dubai World, đầu tiên với việc bổ nhiệm ông Aidan Birkett, một giám đốc quản trị về tài chánh từ công ty Deloitte LLP, coi sóc và chỉ đạo toàn bộ công việc này.

Tin tức việc khất nợ được tung ra ngay trước dịp nghỉ lễ 3 ngày Eid al-Adha của người Hồi giáo, mà theo suy đoán của một số nhà phân tích là nhằm để giảm bớt tác động xấu lên thị trường địa phương.

Liền sau tuyên bố của chính phủ Dubai, thị trường Á châu và Âu châu đua nhau đổ nhào; chứng khoán có lúc mất đến 5% trị giá vào những thời điểm tệ nhất.

Qua ngày thứ Sáu, thị trường vẫn tiếp tục mất giá. Chỉ số Nikkei ở Nhật mất 3,2% xuống còn 9.081 điểm, thấp nhất trong gần 8 tháng qua. Ở Nam Hàn, chỉ số Kospi rớt 4,7% xuống còn 1.524,50 điểm, thấp nhất trong 4 tháng qua. Chỉ số Hang Seng ở Hồng Kông xuống 4,8% ở mức 21.134,50 điểm, trong khi chỉ số S&P/ASX 200 ở Úc mất 2,9%, xuống còn 4.572,10. Thị trường Á châu có liên hệ mật thiết với Dubai qua những mối đầu tư và cho vay nợ, nên ảnh hưởng rõ rệt nhất.

Thị trường Âu châu mở cửa sau thị trường Á châu và không tránh khỏi vết xe đổ, nhưng tương đối vững hơn. Chỉ số FTSE 100 xuống 1,8% ở thời điểm thấp nhất nhưng đến cuối ngày lấy lại được một ít, mất 0,4% ở mức 5.175,30. Trong khi đó FTSE Eurofirst 300 xuống 0,5%, còn 983,20 điểm.


Hôm thứ Năm, thị trường Hoa Kỳ đóng cửa nghỉ Lễ Tạ Ơn, nhưng điểm S&P 500 ngoài giờ cũng mất đi khoảng 2%. Thứ Sáu, thị trường mở cửa nửa ngày và không mấy ai mua bán, nhưng chỉ số Dow Jones rớt 154 điểm xuống còn 10.309,92 và S&P 500 mất 1,7% xuống mức 1.091,49.

Thị trường chứng khoán Á châu chịu ảnh hưởng nặng nhất trong các thị trường, theo Giáo sư Puri, là vì “có tin đồn rằng có nhiều công ty ở Á châu đầu tư rất nhiều tiền vào những công trình xây dựng và bất động sản của Dubai World”. Còn Hoa Kỳ không bị nặng lắm, cũng theo Giáo sư Puri, vì các mối đầu tư của Hoa Kỳ thường trải rộng ra hơn.

Giá dầu thô trong ngày thứ Sáu rớt xuống còn 74 Mỹ kim một thùng ở Á châu, một phần vì sự dè dặt của các nhà đầu tư trong việc góp tiền cho những mối đầu tư nhiên liệu nhiều rủi ro của vùng Trung Đông.


Giá bảo hiểm cho sự rủi ro trong mối đầu tư vào món nợ của Dubai cũng tăng cả trăm điểm trong ngày thứ Sáu, lên đến 670. Theo báo Financial Times ở Anh quốc giải thích, điều này có nghĩa là mỗi năm tiền bảo hiểm sẽ là 670.000 Mỹ kim cho mỗi 10 triệu Mỹ kim tiền nợ trong thời gian 5 năm tới.

Quốc vương Sheikh Mohammed bin Rashid Al-Maktoum, đã lên tiếng trấn an hôm thứ Năm, trong một thông cáo báo chí, rằng việc chính phủ Dubai quyết định xen vào công việc quản trị tài chánh của tổng công ty Dubai World là một việc làm “được hoạch định kỹ lưỡng”. Thông báo ngắn gọn của Quốc vương Al-Maktoum không cho biết thêm chi tiết về cách thức chính phủ đang tái cấu trúc lại Dubai World, gây thêm nhiều mối nghi hoặc trong giới đầu tư.


Dubai World là một công ty do chính phủ Dubai làm chủ, chuyên nhận tiền đầu tư ngoại quốc vào những công trình tại Dubai và quốc tế. Vương quốc Dubai nằm ở bờ biển phía nam Vịnh Ba Tư, diện tích 3.885 cây số vuông, cũng là nơi đông dân cư nhất với dân số 1,8 triệu, trong số bảy Vương quốc trong khối Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất theo thể chế quân chủ lập hiến. Năm 2006, công ty Dubai World được thành lập và có bốn chi nhánh đầu tư bao gồm vận chuyển, đường bộ và đường thủy, phát triển đô thị, và đầu tư tài chánh.


Sau khi có thông báo về Dubai World hôm thứ Tư, những cơ quan lượng giá các công ty như Standard & Poors’ và Moody’s đồng loạt hạ thấp thang điểm đánh giá các công ty lớn của Dubai, trong đó có Dubai World.


Giáo sư Puri vừa mới trình bày bản dự đoán kinh tế thường niên cho năm 2010 cho Hoa Kỳ nói chung và Quận Cam nói riêng hôm 27-10-2009 tại Irvine, trong đó, ông đề cập đến viễn ảnh hồi phục khỏi cơn suy thoái cho Quận Cam và California tuy còn nhiều bấp bênh, trở ngại.

Chúng tôi hỏi xem, qua tin tức mới nhất về Dubai, liệu ông có thay đổi ý kiến về việc dự đoán của mình hay không. Ông trả lời khá lạc quan:

“Không, như tôi đã nói, kinh tế còn phải lên dốc xuống đèo trước khi thực sự khởi sự hồi phục trong năm tới. Tình hình tại Dubai là một hậu quả của cơn suy thoái trong thời gian qua, khi rất nhiều những công ty bất động sản chịu áp lực nặng nề từ cơn suy thoái toàn cầu. Trừ phi có những dấu hiệu nào khác cho thấy những hiện tượng tương tự như Dubai nhân ra rộng khắp thì mới đáng lo ngại cho một đợt suy thoái tiếp tục kéo dài”.


Hiện tượng Dubai cũng cho thấy một mắc xích trong chuỗi những mắc xích kinh tế trói buộc những lãnh thổ khác nhau trên thế giới lại với nhau trong hoàn cảnh toàn cầu hóa thời nay. Một lý thuyết gia quan sát rằng nền kinh tế hiện nay càng lúc càng trở nên “ảo hóa”.

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn-Võ Thu-Hương thuộc Khoa Nhân văn đại học UC Los Angeles, nhận xét:

“Mối liên hệ giữa Dubai và Á châu hay Dubai và thế giới là điều đương nhiên trong một nền kinh tế toàn cầu. Và sự phát triển của nền kinh tế này dựa trên sự vận chuyển càng lúc càng nhanh chóng của lưu lượng kinh tế. Thí dụ, trong 3 ngày thì lưu lượng tiền mua bán các sản phẩm tài chính như cổ phiếu, trái phiếu, dựa trên giá trị ảo của sinh hoạt đầu tư, tại Hoa Kỳ bằng cả một năm tổng sản lượng quốc gia của nước này”.


Hậu quả tất yếu của những mối liên hệ mật thiết là tầm mức to lớn của cuộc khủng hoảng kinh tế vừa xảy ra trên toàn thế giới kể từ thập niên 1930, mà Giáo sư Thu-Hương nhận xét là do cách thức người ta nhìn nhận và sử dụng giá trị vật chất, vốn được nhân lên gấp bội so với những món hàng được trao đổi, mua bán thực sự.
*****************
source
Vien Dong Daily

No comments:

Post a Comment