Tuesday, 21 July 2009

Bơi theo hay chết chìm?

Bơi theo hay chết chìm?

Phóng viên BBC Chris Hogg mới tới ngôi làng nhỏ, Trúc San Hạ, cách Thượng Hải chừng 200km, để tìm hiểu cuộc sống nơi đây ra sao dưới chế độ (...), trước tình hình kinh tế suy thoái và đang hồi phục.

Người bán rau tại chợ bán sỉ TQ

Kinh tế TQ đang chia rẽ các cộng đồng làng xã thành hai loại: những người trụ được và những người đang chết chìm về tài chính

Huang Jiao Ling sống ở cuối con đường đất bụi mù.

Trên tường nhà bà cũng như các nhà hàng xóm, các số điện thoại được viết lem nhem khắp nơi.

Thoạt trông, chúng cứ như hình vẽ toán học lăng nhăng trên tường. Tuy nhiên, trên thực tế, đây là các số điện thoại của những người muốn quảng cáo các hàng hóa và dịch vụ mà họ cung cấp.

Trong xã hội Trung Hoa hiện đại, dường như ai cũng có thứ gì để bán.

Bản thân Huang Jiao Ling cũng là một doanh nhân. Bà đã hơn 50 nhưng trông trẻ hơn tuổi.

Ở mảnh vườn trước nhà, nơi các gia đình khác thường trồng rau, bà xây một xưởng nhỏ.

Bên trong, các bức tường còn chưa hoàn tất và nền nhà chỗ lồi chỗ lõm, nhưng đã đủ chỗ cho một chiếc ghế dài cùng vài chiếc máy móc đơn giản.

Kinh tế thị trường

Trên nền nhà là các hộp bìa các-tông với hàng đống những đồ lặt vặt nhỏ bằng kim loại.

Những đồ này rất dễ làm - chồng bà ngồi trên ghế làm ra nhanh nhoay nhoáy.

Cách đó vài bước là chiếc xe đạp chở khách mà ông để ngay bên trong cửa.

Sản xuất đồ lặt vặt bằng máy dễ dàng hơn nhiều so với đạp xe chở khách đi chơi, nhưng ông vẫn giữ lại chiếc xe.

Ông nói chiếc xe này hữu dụng, giúp cung cấp thêm thu nhập vào những lúc khó khăn.

Người bán hoa quả TQ

Rất nhiều người TQ có các gánh hàng nhỏ để bươn chải

Gia đình bà Huang bán các hộp đồ lặt vặt này tới nhà máy, nơi bà Huang Jiao Ling làm việc.

Trong năm nay, có lúc họ phải đóng cửa xưởng nhỏ ở nhà vì nhà máy không có nhu cầu. Tuy nhiên, những chiếc máy nhỏ giờ lại bắt đầu hoạt động trở lại.

Họ có hai người con. Do sống ở nông thôn trong khi con đầu lại là gái nên họ được phép sinh thêm con thứ hai.

Cả hai cô con gái đều được theo học trường tốt, trong khả năng mà bà Huang Jiao Ling có thể trang trải.

Bà bỏ ra hơn một nửa thu nhập để trả học phí cho con.

Bà kể: “Chúng tôi phải nghĩ tới tương lai của các cháu. Đây là truyền thống Trung Quốc. Cha mẹ luôn nghĩ về con, đến khi cha mẹ già, con cái sẽ chăm sóc họ. Đây là truyền thống kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác”.

Yu Feng Guo là em rể bà Huang Jiao Ling. Trong khi bà chị có vẻ làm ăn được trong nền kinh tế thị trường hiện đại của Trung Quốc, ông Guo lại bị bỏ lại đằng sau.

Trước đây, ông làm việc trong một nhà máy gạch quốc doanh.

Lối sống khác

Khi cuộc cải cách kinh tế bắt đầu cách đây 30 năm, ông Yu Feng Guo chỉ đứng nhìn trong khi các đồng nghiệp của ông bỏ việc để bắt đầu kinh doanh riêng, rất nhiều trong số họ khởi sự bằng nghề bán tôm hay cá dọc đường.

Ông Guo quyết định làm điều mà ông cho là đúng, điều mà đảng (...) mong đợi một công nhân trung thành trong nhà máy quốc doanh sẽ làm - là ở lại.

Cuối cùng thì nhà máy cũng bị phá sản và ông mất việc.

Giờ đây, với chiếc áo khoác kaki cũ kỹ, ông làm bảo vệ cho một chợ thực phẩm ngoài trời.

Những người rời nhà máy trước ông và thử vận may trong nền kinh tế thị trường mới bắt đầu khi đó giờ đây giàu hơn ông nhiều. Gia đình ông nhiều khi coi điều này là không công bằng.

Con trai ông nói với tôi: “30 năm trước, tất cả mọi người trong làng đều nghèo.

Cấy lúa

Nông nghiệp là nghề chính cho rất nhiều người ở nông thôn TQ

“Giờ đây, sự khác biệt về lối sống giữa người giàu và người nghèo trong làng là rất lớn”.

Xã hội Trung Quốc hiện đại có một thỏa thuận ngầm giữa giới lãnh đạo và quần chúng.

Bắc Kinh nói với người dân: “Chúng tôi sẽ mang lại cho quí vị các cơ hội”, như kiếm nhiều tiền hơn, có đời sống khá hơn các thế hệ trước.

Nhưng để đổi lại, quí vị phải cư xử biết điều.

Phục hồi kinh tế

Ở làng Trúc San Hạ, giờ đây người ta có thể thấy một số xe hơi đi lại ngang qua những cánh đồng - là điều không hề có cách đây 30 năm.

Khi đã quen với lối sống có nhiều tiện nghi hơn - cho dù đó là xe hơi, nhà to hay trường học đắt tiền cho con cái - người ta sẽ cảm thấy mất mát nhiều hơn khi thời buổi trở nên khó khăn.

Đó là lý do tại sao chính phủ coi một điều hết sức quan trọng là phải vực dậy nền kinh tế.

Khi khủng hoảng kinh tế mới nổ ra, lúc các nhà máy bắt đầu sa thải công nhân, người ta thấy có rủi ro là người dân sẽ cảm thấy chính phủ không làm đủ mạnh để giữ lời hứa, vậy thì tại sao họ lại phải tuân thủ?

Dĩ nhiên là Bắc Kinh giờ đây đã cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi sự phục hồi kinh tế đang diễn ra.

Tuy nhiên, thách thức sắp tới cho chính phủ là phải hành động nhiều hơn để đảm bảo rằng mọi người đều được hưởng thành quả.

Huang Jiao Ling giờ đây vui vẻ vì xưởng làm việc nhà bà bận rộn trở lại, nhưng bà vẫn lo lắng về tương lai.

Như đa phần người dân TQ khác, bà cố gắng tiết kiệm càng nhiều càng tốt.

Thế nhưng em rể bà, Yu Feng Guo, không biết làm cách nào tiết kiệm đủ để đảm bảo có được khoản tiền hưu còm cõi từ công việc không ổn định của mình.

Ông Guo và những người như ông chỉ biết trông đợi các lãnh đạo sẽ trấn an rằng chính phủ sẽ chăm lo cho họ khi về già.

Tuy nhiên, đây là vấn đề hết sức tốn kém và khó giải quyết. Việc xử lý nền kinh tế mới chỉ là công việc dễ dàng ban đầu mà thôi.

-------------------------------------------------------------

SOURCE

BBC Vietnamese

No comments:

Post a Comment