Ngân hàng ACB:
Không chơi với tín dụng “đánh nhanh, rút nhanh”
Sáu tháng đầu năm, nhiều ngân hàng công bố lợi nhuận cao với tỷ lệ tín dụng chiếm 70 – 80%. Trong khi đó, lợi nhuận từ hoạt động tín dụng ở ngân hàng ACB chỉ chiếm 32%, còn lại là từ hoạt động dịch vụ, kinh doanh tiền tệ, trái phiếu, vàng... Ông Lý Xuân Hải, tổng giám đốc ngân hàng ACB trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị về nét khác biệt này trong hoạt động của ACB.
Ông Lý Xuân Hải, tổng giám đốc ngân hàng ACB: "“Đánh quả” trong hoạt động ngân hàng không phải là kinh doanh ngân hàng nghiêm túc". |
Khi hoạt động tín dụng chiếm tỉ trọng lớn ở nhiều ngân hàng, thì ACB ngược lại. Ông giải thích sự khác biệt này thế nào?
Lợi nhuận từ hoạt động tín dụng chiếm 32% tổng lợi nhuận gộp 6 tháng đầu năm của ACB. Tỷ trọng 32% này là của lợi nhuận gộp, nếu trừ đi chi phí phân bổ thì sẽ còn thấp hơn. Có ba lý do khiến tỉ trọng này thấp. Một là cơ cấu tỉ trọng hoạt động tín dụng trong danh mục tài sản của ACB không lớn (là một chính sách dài hạn), đưa đến thu nhập từ tín dụng không lớn. Thứ hai, thận trọng cho vay nghĩa là tìm đối tác có chất lượng, thì phải có mức lãi suất hợp lý. Thứ ba, hoạt động tín dụng chiếm chi phí rất cao, nhất là chi phí nguồn lực và chi phí dự phòng chung. Mỗi khoản vay tăng thêm đều phải trích lập dự phòng 0,75%, tương đương với thu nhập gộp của 4 tháng thu lãi từ hoạt động tín dụng (chênh lệch lãi suất đầu vào – đầu ra trong cho vay chỉ khoảng trên 2%/năm). Càng tăng thêm dư nợ thì càng phải trích lập dự phòng cao. Từ đầu năm đến nay ACB đã trích ra hơn 312 tỉ đồng dự phòng chung. Vì vậy, với lãi suất trần 10,5%/năm, trừ đi chi phí và dự phòng, cứ cho vay tăng thêm đồng nào ngân hàng chịu lỗ đồng đó trong 4 tháng sau đó.
Còn 68% lợi nhuận còn lại, ACB tìm kiếm như thế nào?
Trong phần lợi nhuận còn lại, hoạt động kinh doanh trái phiếu và liên ngân hàng chiếm 22%; dịch vụ, hoạt động kinh doanh ngoại hối và kinh doanh vàng chiếm 46% (trong đó thu từ dịch vụ và lợi nhuận kinh doanh ở thị trường nước ngoài chiếm đa số. Kinh doanh ngoại hối trong nước hầu như không có lãi). Kinh doanh tiền tệ trên thị trường liên ngân hàng và kinh doanh trái phiếu vẫn là những nguồn lợi tức vừa đảm bảo cho ACB thanh khoản cao, vừa mang lại lợi nhuận tương đối cho ngân hàng. Năm 2009, ACB sẽ tiếp tục phát huy năng lực kinh doanh tiền tệ ở nước ngoài.
Vậy đâu là thế mạnh của ACB để thực hiện cơ cấu lợi nhuận này, trong khi nhiều ngân hàng vẫn dựa chính vào tín dụng?
Trước tiên, đó là chiến lược cẩn trọng trong tín dụng. Những năm 2005-2007, khi bất động sản, chứng khoán bùng nổ, nếu chúng tôi cho vay bất động sản, chứng khoán theo kiểu “đánh nhanh, rút nhanh” thì kết quả trong năm cao hơn rất nhiều. Nhưng ACB cho rằng “đánh quả” trong hoạt động ngân hàng không phải là kinh doanh ngân hàng nghiêm túc.
Ngược lại, sự thận trọng đó cũng làm ACB bỏ qua một số cơ hội. Nhưng tôi cho rằng, đó là cái giá - mà chúng tôi chưa định lượng được - phải trả cho sự thận trọng trong hoạt động của ACB.
Tuy nhiên, cái mất của ngày hôm trước có thể là cái được của ngày hôm sau. Năm 2008, nhờ tính cẩn trọng và duy trì tỷ trọng hoạt động tín dụng hợp lý, chúng tôi đã không vướng phải nợ xấu và dồi dào thanh khoản nên tận dụng được cơ hội kinh doanh trái phiếu, và có được lợi nhuận không nhỏ từ mảng này.
Nhưng 6 tháng đầu năm nay, thị trường trái phiếu không sôi động, chắc ACB cũng khó tận dụng được ưu thế này? Cũng như các ngân hàng được cho là đều thanh khoản, thì cơ hội nào để kiếm tiền trên thị trường liên ngân hàng?
Thị trường càng có thanh khoản thì càng có cơ hội, càng ít thanh khoản cơ hội càng hiếm hoặc cơ hội là ngắn hạn. Các ngân hàng càng có nhiều tiền thì thị trường liên ngân hàng càng tấp nập. Kinh doanh trong điều kiện thị trường tấp nập khác hoàn toàn với kinh doanh không có người mua hoặc không có người bán.
Lãi từ kinh doanh tiền tệ của 2008 và 2009 khác nhau ở chỗ ấy. Năm 2008 hầu như là kinh doanh một chiều: hoặc bán hoặc mua, và chỉ có một vài ngân hàng thương mại có thể cấp tiền cho thị trường, khi ấy ACB đóng vai trò người bán. Năm nay thị trường thanh khoản cao, nguồn vốn dồi dào hơn và chúng tôi vừa là người mua vừa là người bán. Thu nhập từ trái phiếu của ACB trở nên bình ổn và chiếm 11%, bằng với kinh doanh liên ngân hàng. Kinh doanh tiền tệ hay không chỉ ở chỗ chỉ là người đi bán, mà còn ở chỗ anh là người vừa mua vừa bán và có lãi trong quá trình đó. Cơ hội kinh doanh luôn có, vấn đề là biết tận dụng và tận dụng đến đâu mà thôi.
Lãi suất thỏa thuận ở mảng tín dụng tiêu dùng cá nhân có góp phần nhiều vào lợi nhuận tín dụng chung?
Hiện nay cho vay tiêu dùng cá nhân ở ACB chiếm 12 % dư nợ, nếu kể cả cho vay mua nhà trả góp là khoảng 25%. Chi phí cho một bộ hồ sơ vay tiêu dùng, dù lớn hay bé, theo tính toán của chúng tôi, tối thiểu là 5 triệu đồng. Nếu áp lãi suất trần 10,5%/năm cho người vay tiêu dùng, thì những người vay khoản tiền nhỏ khó đến ngân hàng, vì cho vay là lỗ do chi phí cố định quá cao (nếu khách hàng vay 100 triệu đồng, chi phí cố định đã là 5%). Lãi suất thỏa thuận đã tạo điều kiện cho cả phía ngân hàng và người vay qui mô nhỏ tiếp cận lẫn nhau.
Ngân hàng Nhà nước vừa yêu cầu các ngân hàng thương mại tập trung tín dụng vào sản xuất, giảm tín dụng vào tiêu dùng, bất động sản, chứng khoán. Ông nhận định về lợi nhuận và hoạt động tín dụng của ngành ngân hàng trong 6 tháng tới như thế nào?
Năm 2009 là năm thanh khoản cao, vì vậy quyết định kinh doanh trong 2009 khác hẳn 2008. Gần đây, do xu thế chênh lệch lãi suất sẽ giảm đi, vì ai cũng biết lãi suất huy động đang dần tăng, trong khi lãi suất cho vay không tăng, nên thu nhập từ tín dụng sẽ chỉ tăng cơ học.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ phải được kiểm soát để đảm bảo tăng trưởng không quá 25%-27% trong năm nay. Theo chúng tôi, vòng quay của đồng vốn đang tăng lên theo đà của các chương trình kích thích tăng trưởng, nhưng nếu tăng trưởng nóng, Ngân hàng Nhà nước sẽ có những điều chỉnh nhất định. Theo chúng tôi, hoạt động của ngân hàng ở quý 3 vẫn tăng trưởng tốt, đến quý 4 thì nhiều ngân hàng sẽ chuẩn bị các chính sách cho một năm mới và có thể có những điều chỉnh nhất định.
Hồng Sương (thực hiện)
source
http://www.sgtt.com.vn/Detail44.aspx?ColumnId=44&newsid=54458&fld=HTMG/2009/0720/54458
No comments:
Post a Comment