Wednesday, 29 July 2009

Kinh tế nước Mỹ giữa năm 2009

Kinh tế nước Mỹ giữa năm 2009


Duy Anh

Nhận định về tình hình kinh tế nước Mỹ giữa năm 2009

Báo cáo của chủ tịch Bernanke

Trong hai ngày 21 và 22 tháng 7 năm 2009, trong khuôn khổ tường trình bán thường niên trước Ủy Ban Nhà & Dịch Vụ Tài Chánh (House Financial Services) của Thượng Viện Hoa Kỳ, chủ tịch Dự Trữ Liên Bang cho biết là đã có những dấu hiệu khả quan rõ rệt trong sinh hoạt thị trường tài chánh và kinh tế của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nói chung nền kinh tế còn yếu và tỉ lệ thất nghiệp sẽ còn ở mức độ cao cho tới năm 2010.


Chủ tịch Bernanke sau đồng đô-la Mỹ
Nguồn: freakingnews.com

Ông Bernanke cho biết là chính sách hạ thấp lãi suất và những chương trình khác của Dự Trữ Liên Bang đã giúp cho thị trường tài chánh tạm ổn định, làm nền tảng cho kinh tế phát triển trở lại. Nỗi hoảng loạn trong mùa thu năm ngoái đã lắng dịu và những nhà đầu tư bắt đầu trở lại với thị trường tài chánh.

Tuy nhiên ông cho rằng sự hồi phục thực sự của kinh tế còn tùy thuộc vào sự cải thiện của thị trường lao động và mức tiêu thụ của người dân Mỹ. Theo ông, tỉ lệ thất nghiệp sẽ còn tăng cao cho đến cuối năm nay trước khi giảm dần trong những năm 2010 và 2011.

Trả lời những câu hỏi của Ủy Ban Thượng Viện, ông Bernanke né tránh câu hỏi liệu gói kích cầu 787 tỷ đô-la có hiệu quả hay không mà chỉ tường trình là cho tới nay, Dự Trữ Liên Bang mới chỉ sử dụng 25% ngân khoản này. Tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh công tác giúp đỡ tài chánh cho các chính quyền tiểu bang và địa phương đã có kết quả tốt.

Về câu hỏi liên quan đến sự thâm thủng của ngân sách nhà nước, ông Bernanke trả lời là tình trạng này không thể kéo dài mãi được. Trả lời câu hỏi liệu hiện tượng lạm phát có khả năng hiện thực hay không sau chính sách buông lỏng tiền tệ thì ông Bernanke tin tưởng là nước Mỹ sẽ không bị lạm phát trong vòng hai năm tới đây. Tuy nhiên, khi cần thiết, Dự Trữ Liên Bang sẽ có biện pháp tăng lãi suất trở lại để ngăn ngừa lạm phát xảy ra.

Trong ngày thứ hai của buổi điều trần, ông Bernanke nghĩ rằng sự hồi phục kinh tế sẽ diễn ra chậm chạp, một phần do giới tiêu thụ Mỹ ngần ngại tiêu xài, vả lại tình hình nợ nần cao và giá nhà cửa bị hạ thấp đã làm mất đi một phần tài sản, giảm mức tiêu thụ của người dân một cách đáng kể. Một điều báo cáo bất ngờ của chủ tịch Bernanke là các viên chức chính phủ đang khuyến khích giới kinh doanh Mỹ nên tìm cách phát triển qua Á Châu, chẳng hạn như Trung Quốc, để thay thế sức cầu trong nước đã bị bão hòa.

Một số Thượng Nghị Sĩ lên tiếng chỉ trích Dự Trữ Liên Bang đã không chu toàn nhiệm vụ điều hòa hệ thống ngân hàng trong kỳ khủng hoảng tài chánh vừa qua và không loại trừ khả năng sẽ tiến hành thẩm tra (audit) hoạt động của Dự Trữ Liên Bang. Vào những thập niên 70 khi lạm phát ở mức độ cao làm kinh tế bị suy thoái, Quốc Hội đã từng yêu cầu Văn Phòng Kế Toán Chính Phủ GAO (Governmental accountability Office) thẩm tra bộ phận Dự Trữ Liên Bang mà chủ tịch lúc đó là Arthur Burns. Trả lời vấn đề này, ông Bernanke cho biết Dự Trữ Liên Bang sẽ vui vẻ cộng tác với Quốc Hội nhằm tường trình tiền thuế đã được sử dụng như thế nào nhưng ông sẽ chống lại các ý định xen vào nhiệm vụ thực hiện chính sách tiền tệ của bộ phận ông. Chủ tịch Bernanke còn yêu cầu Quốc Hội xem xét để ban hành thêm cho Dự Trữ Liên Bang trách nhiệm bảo vệ người tiêu thụ (consumer protection) ngoài hai nhiệm vụ chính hiện nay là ổn định giá cả (price stability) và tạo công ăn việc làm cho mọi người (full employment).
(Ý ông Bernanke ám chỉ thêm quyền hành cho Dự Trữ Liên Bang đchi phối các ngân hàng về lãi suất cho người vay tiền.)

Các nhận định

Điều khẳng định mà hầu hết các nhà kinh tế đều đồng ý là cơn khủng hoảng tài chánh của Hoa Kỳ và của toàn thế giới nói chung đã tạm lắng dịu và mọi người đã thấy ra ánh sáng ở cuối đường hầm. Công lớn đầu tiên phải nhắc đến là chính sách kinh tế của chính phủ Obama, phối hợp chặt chẽ với Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ và chính phủ các quốc gia tiên tiến khác trên thế giới, đề xuất và thực hiện tốt những biện pháp cứu vãn kịp thời. Nhiều người cho rằng đáng lẽ cơn khủng hoảng có thể tránh khỏi nếu Dự Trữ Liên Bang đã chu toàn nhiệm vụ giám sát kinh tế và hành động kịp thời hơn. Tuy nhiên thà muộn còn hơn không và nếu trong vòng một vài năm tới đây chính sách kinh tế này phát huy thành quả lớn, mang lại thịnh vượng cho nước Mỹ và toàn thế giới, có lẽ Tổng thống Obama sẽ đi vào lịch sử nhân loại là người đã “cứu” thế giới thoát một cơn đại khủng hoảng tầm cỡ cuộc Đại Khủng Hoảng 1929. Chính sách kinh tế theo trường phái tiền tệ mà cha đẻ là Milton Friedman sẽ lại một lần được khẳng định có một giá trị tối ưu không thể chối cãi được.

Ngoại trừ con số tỉ lệ thất nghiệp nằm ở mức cao, những chỉ số kinh tế khác đã có dấu hiệu khả quan nhất định. Giá nhà cửa đã nhỉnh lên 0,9% trong tháng 5 vừa qua. Một số công ty tiêu biểu (bellwhether) của Mỹ đã báo cáo những con số hoạt động khá sáng sủa. Đa số những cơ sở tài chánh lớn như Goldman Sachs, JP Morgan Chase, Bank of America, Citigroup đều báo cáo hoạt động có lãi trở lại. IBM, GE, Intel khai có lãi và đặc biệt cho biết là triển vọng sẽ tốt đẹp hơn trong những tháng sắp tới. Ngay cả GM, mới ra khỏi tình trạng phá sản gần đây cũng báo cáo doanh thu tăng 20% trong quý 2/2009 so với quý 1/2009. Chỉ số Dow Jones của thị trường chứng khoán đã hồi phục trở lại so với hồi đầu năm 2009 còn Nasdaq thì tăng đáng kể.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng bức tranh toàn cảnh còn rất nhiều khó khăn vì nhiều lý do. Một số ngân hàng và cơ sở tài chánh lớn còn đang ôm những món nợ khổng lồ, chưa biết cách nào và bao giờ mới thanh khoản nổi. Ví dụ Morgan Stanley đã ngay thẳng báo cáo lỗ 1,26 tỷ đôla hoặc 1,10 đô-la/cỗ phiếu sau khi kết toán 0,74 cent vào khoản trả nợ một phần trong số nợ tiền TARP 10 tỷ đô-la của chính phủ và 1,32 đô-la vào những khoản lỗ tín dụng khác (MarketWatch, 2009). Theo luật kế toán hiện hành thì đáng lẽ Morgan Stanley không cần phải làm như vậy nhưng công ty này đã tự nguyện báo cáo những con số thật. Nếu tất cả các cơ sở tài chánh đều báo cáo như Morgan Stanley thì chắc chắn đều lỗ chỏng gọng cả.

Tỉ lệ thất nghiệp cao vẫn là một điểm nhức nhối cho nền kinh tế Mỹ. Theo báo cáo của chủ tịch Bernanke, sự hồi phục đặt nền tảng vào sức tiêu thụ của người dân, mà nếu không có công ăn việc làm thì người dân lấy đâu mà tiêu thụ? Có nhà phân tích cho rằng tỉ lệ thất nghiệp là một con số theo sau (lagging indicator) nên chưa nói lên toàn cảnh tình trạng thất nghiệp được. Hơn nữa phương pháp thống kê hiện nay về tỉ lệ thất nghiệp còn nhiều nhược điểm. Do đó người ta thường thấy một điều mâu thuẫn là khi kinh tế bắt đầu hồi phục thì tỉ lệ thất nghiệp lại có khuynh hướng tăng lên. Ví dụ: tổng số lực lượng lao động là 10 người, có 1 người đang ăn tiền thất nghiệp, như vậy tỉ lệ thất nghiệp được tính là 10%. Nay vì tình hình khả quan hơn, có thêm 1 người trước kia đã từ bỏ lực lượng lao động (không lãnh tiền thất nghiệp nữa và không đăng ký tìm việc làm) tham gia trở lại lực lượng lao động. Như vậy, số lao động là 11 người, có 2 người thất nghiệp, vị chi tỉ lệ thất nghiêp tăng lên thành 2/11 = 18%. Do đó, muốn có cái nhìn tổng quát thì cần phải để ý thêm về con số công việc được tạo ra, cũng như số con việc bị mất đi trong từng thời kỳ. Nếu tính theo cách này thì con số cuối cùng cũng không sáng sủa lắm vì theo thống kê của US Bureau of Labor Statistics, từ tháng 12/2008 cho tới nay, kinh tế Mỹ đã mất đi 6.5 triệu công ăn việc làm và coi như con số công việc được tạo ra trong 9 năm vừa qua đã bị tiêu mất.

Điểm an ủi duy nhất là con số công việc bị mất trong tháng 6 vừa qua đã giảm đi đáng kể (476.000) so với con số công nhân bị sa thải trong tháng 2/2009 là 741.000.

Cái giá phải trả để cứu nền kinh tế nước Mỹ đã quá cao đến một mức khó tưởng tượng nổi. Phương án Geithner với 3 chương trình bán đấu giá tài sản độc hại, tài trợ các quỹ công tư hợp đầu tư và Term Asset-Backed Securities Loan Facilities (TALF) đã và sẽ tiêu tốn hết 2 ngàn tỷ đô-la, cộng thêm 700 tỷ đô-la tiền TARP và 787 tỷ đô-la kích cầu chắc chắn sẽ đưa nước Mỹ vào một tương lai khá mờ mịt. Đó là chưa kể nhiều nhà kinh tế nghĩ rằng còn cần một đợt kích cầu thứ hai nữa mới thực sự vực nổi kinh tế trở lại. Nước Mỹ làm sao để trả nợ?


Sơ đồ tỉ lệ nợ quốc gia của Mỹ so với GDP.
Nguồn: Zfact.com
Tuy nhiên, nhiều người biện luận cho rằng điểm mạnh của nước Mỹ là nền kinh tế và đồng đô la vẫn có một giá trị hàng đầu, thuận lợi cho việc mua bán công khố phiếu để tác động vào lãi suất, một yếu tố quan trọng nhất trong việc hồi phục. Ngoài ra việc tung thêm tiền vào lưu lượng sẵn có chỉ thay thế số lượng tài sản đã mất đi, do đó không làm bóp méo các qui luật kinh tế thị trường theo trường phái tiền tệ. Nói như vậy chẳng hoá ra nước Mỹ có sẵn một máy in tiền khổng lồ trong nhà, cứ khi nào bị khủng hoảng thì cứ việc lấy ra in thêm mà tiêu xài phung phí? Điều kỳ lạ này đã từng xảy ra vào thập niên 1940 khi nước Mỹ tham gia Thế Chiến Thứ Hai dưới thời Tổng Thống Truman, tỉ lệ nợ quốc gia lên tới 120% so với GDP. Vậy mà cho đến năm 1980, nhờ những chính sách kinh tế thích hợp, tỉ lệ nợ quốc gia đã giảm xuống còn hơn 30%. Nay thì đang tăng dần lên và có khả năng đạt 100% GDP. Liệu lịch sử có lặp lại cho nước Mỹ hay không?


Thay lời kết


V kiểu Verizon>
Nguồn: gizmodo.com

Cho đến nay thì mọi người tiên đoán khả năng sáng sủa nhất cho kinh tế Mỹ là sẽ hồi phục theo dạng chữ V tương tự như logo của hãng Verizon chứ không thể nào như chữ V của chữ Victory nổi. Khả năng xấu nhất là hồi phục theo dạng chữ L. Chúng ta chờ đón xem sao vậy. Theo Paul Krugman trong lần viếng thăm Việt Nam mấy tháng trước đây thì chỉ trông mong vào New York và London hồi phục trước thì mới tới phiên Việt Nam được. Đành trông mong cho họ mạnh trở lại mau chóng một chút để đất nước được nhờ chứ cứ phải ôm chân người anh cả vĩ đại phương bắc bị nó hà hiếp nhục quá.


Bài do tác giả gởi. DCVOnline biên tập và minh hoạ.

Tham khảo:

- MacDonald, E. (2009). Can Bernanke pull it off? FoxBusiness số ngày 22/07/2009. Truy cập ngày 22/07/2009 từ: http://emac.blogs.foxbusiness.com/2009/07/22/can-bernanke-pull-it-off/
- McMullen, A. (2009). U.S. loses equivalent of every job created in decade. Financial Post. Truy cập ngày 22/07/2009 tại: http://www.financialpost.com/story.html?id=1752178
- MarketWatch (2009). Morgan Stanley swings to loss after TARP payback. Truy cập ngày 22/07/2009 từ: http://www.marketwatch.com/story/mor...k-200972285500
- Randall, M.J. and Barkley, T. (2009). Bernanke says Recovery Depends on Jobs, Consumers. The Wall Street Journal số ngày 22/07/2009. Truy cập ngày 22/07/2009 từ: http://online.wsj.com/article/SB124826860751572047.html
- Sweet, K. (2009). Bernanke: Some Improvement in Economic Prospects. FoxBusiness số ngày 21/07/2009. Truy cậy ngày 22/07/2009 từ:
http://www.foxbusiness.com/story/markets/economy/bernanke-improvement-economic-prospects/
- ZFacts.com (2009). National Debt Graph: Bush goes for WWII Stimulus. Truy cập ngày 22/07/2009 từ: http://zfacts.com/p/318.html
source
DCVOnline

No comments:

Post a Comment