Friday 30 October 2009

Thép ASEAN thay thép Trung Quốc


Ngày 31.10.2009 Giờ 08:00


SGTT - Từ tháng 3.2009, nhằm giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp thép, thuế suất nhập khẩu đối với các mặt hàng thép xây dựng tăng từ 12% lên 15%; thép có chứa Bo tăng từ 0 – 10%. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm thép của các nước ASEAN vẫn được hưởng mức thuế nhập khẩu 0% theo thoả thuận trong khối. Thép cuộn có nguồn gốc từ ASEAN có giá rẻ hơn so với thép nội từ 300.000 – 500.000đ/ tấn. Do bị cạnh tranh bởi thép ngoại giá rẻ, từ đầu năm đến nay, thị phần tiêu thụ thép cuộn trong nước giảm 5 – 7%...

(nguồn: hiệp hội Thép Việt Nam)

source http://www.sgtt.com.vn/Detail41.aspx?ColumnId=41&newsid=58780&fld=HTMG/2009/1029/58780

Monday 26 October 2009

Tường thạch cao Trung Quốc làm nhà Mỹ bốc mùi trứng thối



Cập nhật lúc 12:09, Thứ Ba, 27/10/2009 (GMT+7)
,

Cả Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí điều tra các thông tin cho rằng, việc sử dụng vật liệu xây dựng của Trung Quốc đã khiến dân Mỹ mắc bệnh, hỏng nhà cửa.

s
Biển quảng cáo không dùng tường thạch cao Trung Quốc của một công ty xây dựng nhà ở Mỹ (Ảnh AP)
Theo đó, người dân ở trong các ngôi nhà có sử dụng tường khô (vách bằng thạch cao ép) nói rằng, chúng có mùi trứng thối và khiến họ gặp các vấn đề về hô hấp.

Tuyên bố điều tra được đưa ra sau cuộc hội đàm tại Bắc Kinh với mục tiêu cải thiện chuẩn an toàn cho hàng hoá Trung Quốc.

Quan chức Mỹ cho hay, rất nhiều ngôi nhà liên quan được xây dựng trong vài năm qua. Uỷ ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng Mỹ (CPSC) nhấn mạnh, họ đã nhận được hơn 1.500 lời than phiền về tường thạch cao nhập khẩu từ Trung Quốc đến từ 27 bang trong đó có Puerto Rico cũng như thủ đô Washington.

Một số chủ gia đình phản ánh, toàn bộ ngôi nhà của họ bốc mùi trứng thối khiến họ không thể ở được. Họ cũng than phiền rằng, chính những bức tường này khiến họ bị chứng ngứa mắt, chảy nước mũi, viêm xoang, đau đầu, hen suyễn và những khó khăn khác trong hô hấp.

Những triệu chứng trên đã biến mất nếu người dân rời khỏi căn nhà của mình và chúng trở lại khi họ về nhà. Và theo CPSC, các triệu chứng dường như “có liên quan tới thứ gì đó trong nhà”.

Cũng có thông báo rằng, đồ kim loại trong nhà bị xỉn và bào mòn vì tường thạch cao, trong khi hệ thống dây điện và ống dẫn khí cũng bị hư hỏng.

Trong một tuyên bố chung đưa ra sau gần một tuần hội đàm ở Bắc Kinh, CPSC và đối tác Trung Quốc - Tổng cục Kiểm tra, Kiểm định và Giám sát Chất lượng Trung Quốc (Aqsiq) - cam kết theo đuổi “hợp tác khoa học và điều tra trên cơ sở thực tế” về tường thạch cao nhập khẩu từ Trung Quốc để đảm bảo không tái diễn những vấn đề sức khoẻ.

Chủ tịch CPSC Inez Tenenbaum nói rằng, Mỹ “đánh giá cao” đề xuất hợp tác của Trung Quốc. Bà khẳng định: "Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ mạng lưới cung cấp để tìm ra nguồn thạch cao nhiễm độc và sau đó chúng tôi sẽ giải quyết trực tiếp với những công ty đặt tại Trung Quốc”.

Một quan chức Aqsiq là Duy Xuyên Trung nói, Trung Quốc “đặt ưu tiên cao” về chất lượng sản phẩm và sẽ làm việc chặt chẽ với Mỹ để “đảm bảo chất lượng sản phẩm, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng”.

Theo các quan chức Mỹ thì, việc nhập khẩu tường thạch cao trở nên tăng vọt tiếp theo “làn sóng xây dựng mới chưa từng có ở giai đoạn xảy ra nhiều cơn bão lớn vào 2004-2005”.

Phần lớn các trường hợp liên quan xuất hiện ở Florida và Louisiana, hai bang chịu ảnh hưởng nặng nề của những cơn bão lớn trong đó có Ivan và Katrina.

Cơ quan chức năng cho hay, không có vấn đề tương tự được thông báo với tường thạch cao sản xuất ở Mỹ.

Vài năm gần đây đã xảy ra nhiều vụ bê bối an toàn chất lượng sản phẩm liên quan tới hàng hoá Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ: Thuốc đánh răng nhiễm bẩn, thức ăn thú cảnh có chất độc, đồ chơi có hàm lượng chì ở mức nguy hiểm… đã khiến Mỹ không ít lần lên tiếng yêu cầu Trung Quốc cải thiện các chuẩn an toàn sản phẩm.

  • Kỳ Thư (Theo BBC)

  • ****************************
  • source
  • http://www.vietnamnet.vn/thegioi/200910/Tuong-thach-cao-Trung-Quoc-lam-nha-My-boc-mui-trung-thoi-875626/

Sunday 18 October 2009

Chân gà Mỹ - Vỏ xe Tầu: Liệu có chiến tranh mậu dịch giữa hai bên?


October 16, 2009


MAI LOAN

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn toàn cầu hiện nay, việc tỉ lệ thất nghiệp trong nước gia tăng khiến các chính quyền gặp áp lực phải tăng thuế suất trên các món hàng nhập cảng ồ ạt vốn là nguyên nhân làm cho những cư dân địa phương gặp khốn đốn là chuyện vẫn thường xảy ra. Hàng hoá nhập cảng vào Hoa Kỳ với số lượng lớn và giá rẻ từ các nước như Trung C..., Ấn Độ, Pakistan và nhiều nước nghèo tại Á châu đã ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người dân Mỹ tại nhiều vùng khi những ngành nghề của họ không thể cạnh tranh lại. Do đó, các chính trị gia của Mỹ luôn bị áp lực từ phía cử tri, nhất là khi gần đến mùa vận động tranh cử, để ủng hộ hay đưa ra những biện pháp kinh tế có tính cách bảo hộ mậu dịch, đơn giản nhất là tăng thuế suất các hàng nhập cảng để giúp cho hàng hoá nội địa có thể cạnh tranh lại.

Một đại lý vỏ xe Trung Quốc tại Bắc Kinh. Liu Jin/Getty Images

Thông thường, người ta hay nói rằng chủ trương của đảng Dân Chủ thân thiện hơn với các nghiệp đoàn nên dễ ủng hộ cho các giải pháp theo chiều hướng bảo hộ mậu dịch hầu bảo vệ cho công ăn việc làm của công nhân, và đảng Cộng Hoà thì chủ trương mậu dịch tự do theo kiểu mạnh được yếu thua. Nhưng trong thực tế, tất cả các chính quyền Mỹ, dù theo Dân Chủ hay Cộng Hoà, cũng đều áp dụng những biện pháp tăng thuế hàng nhập cảng vì nhu cầu chính trị nội địa, như trường hợp của TT Bush Con đã tăng thuế trên mặt hàng thép nhập cảng vào đầu năm 2002 mặc dù biết rằng quyết định này sẽ gây giận dữ cho các quốc gia khác và sẽ bị trả đũa sau đó. Lý do là vì chính quyền Bush không thể để mất phiếu của cử tri tại những tiểu bang có đông dân là công nhân sống về ngành thép như Pennsylvania, Ohio và West Virginia. Trong lần vận động năm 2000, liên danh Bush-Cheney đã hứa với cử tri tại những nơi này là sẽ giúp đỡ những gia đình có công ăn việc làm trong những ngành này, và sự ủng hộ của cử tri tại những nơi đó đã giúp ông Bush thắng cử khít khao tại hai tiểu bang Ohio và West Virginia.

Lần này, chính quyền Obama đã quyết định loan báo trong ngày 12-9 vừa qua việc tăng thuế suất lên 35% trên các vỏ xe nhập cảng từ Trung C... để giúp cho các nhân công cũng trong ngành kỹ nghệ thép dưới áp lực của nghiệp đoàn United Steelworkers bởi vì số lượng vỏ xe Trung C... xuất cảng sang Hoa Kỳ đã tăng lên gấp ba chỉ trong vài năm từ 2004 đến 2008. Để trả đũa, phía Trung C... nói rằng họ sẽ xem xét đến việc hạn chế số lượng chân gà xuất cảng từ Mỹ sang và có thể một số hàng hoá khác. Vào tuần trước, tờ báo New York Times nói rằng Trung C... đã quyết định tăng thuế biểu trên những tấm thu năng lượng mặt trời (solar panels) nhập cảng từ Mỹ.

Câu hỏi đặt ra là liệu một cuộc chiến nhỏ về mậu dịch có thể sẽ nổ bùng ra giữa Hoa Kỳ và Trung C...? Và phải chăng Tổng thống Obama đã không thật sự cương quyết trong chủ trương mở rộng biên giới cho mục đích trao đổi trên các thị trường tự do?
Nhưng nhà báo Daniel Gross, bình luận gia về kinh tế của tạp chí Newsweek, trong một bài phân tích đề ngày 05-10 vừa qua, đã cho rằng những lời qua tiếng lại trong vụ này là chuyện không đáng kể. Đó là những tranh luận thường thấy trong quan hệ mậu dịch và kinh tế rất phức tạp và có nhiều điểm nhức nhối giữa Hoa kỳ và Trung C.... Dĩ nhiên, ngày nào còn có các nghiệp đoàn hoạt động mạnh mẽ và có thế lực trong nhiều ngành nghề, và các hãng xưởng chế biến tại Mỹ vẫn còn hoạt động trong khi hàng hoá của Trung C... cứ tiếp tục đổ ào ạt vào nước Mỹ, thì những cuộc xung đột về mậu dịch sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai, cho dù bất cứ đảng nào nắm quyền tại Toà Bạch Ốc.
Thật ra trị giá của những món hàng đang tranh cãi chẳng đáng là bao trong tổng số mậu dịch giữa hai nước. Những chân gà được gói riêng để xuất cảng tại những lò làm thịt gà ở thành phố Berrien thuộc tiểu bang Illinois, có thể chỉ mang đi đổ thùng rác vì dân Mỹ không biết ăn, nhưng lại được xuất cảng sang Trung C... vì dân Tàu lại mê ăn chân gà như là một món ăn ngon đắt tiền, nên mỗi năm đem về số lượng khoảng 400 triệu Mỹ-kim trong tổng số 800 triệu Mỹ-kim từ thịt gà bán ra cho Trung C.... Ngược lại, phía Trung C... cũng thu về 1 tỷ 800 triệu Mỹ-kim nhờ bán được khoảng 46 triệu vỏ xe hơi sang Mỹ trong năm 2008. Tuy nhiên, đó chỉ là những con số rất khiêm nhưỡng vì trong năm nay, Hoa Kỳ đã nhập cảng khoảng 158 tỷ Mỹ-kim hàng hoá và dịch vụ từ Trung Cộng trong khi chỉ xuất cảng được gần 36 tỷ Mỹ-kim sang quốc gia đông dân nhất hành tinh này.

Tuy nhiên, điều các nhà lãnh đạo Trung C... cần phải lo ngại hơn, nếu như quả tình có biết lo sợ, là về cán cân mậu dịch trong các sản phẩm tài chánh, với những con số to lớn hơn nhiều. Mỗi năm Hoa Kỳ trả tiền Mỹ-kim sang Trung C... (và nhiều nước khác) để mua đủ loại hàng hoá cho nhu cầu tiêu thụ thả dàn trong nội địa, để rồi từ đó Trung C... lại đổ tiền ngược lại vào thị trường Mỹ dưới dạng các công khố phiếu. Thống kê của Bộ Tài Chánh Hoa Kỳ cho biết là đến tháng 7 vừa qua, Trung C... đang làm chủ một số lượng công khố phiếu do Mỹ phát hành với trị giá lên đến 800 tỷ Mỹ-kim, vượt qua mức 550 Mỹ-kim so với cùng thời điểm của năm trước. Từ vài năm qua, Trung C... đã vượt qua mặt Nhật Bản để trở thành quốc gia làm chủ số vốn nhiều nhất về công khố phiếu của Mỹ. Trong tổng số các món nợ của Mỹ đối với các nước khác qua công khố phiếu, phần của Trung C... chiếm đến tỉ lệ 23%. Ngay cả trong lãnh vực tư nhân hoặc bán công như các tổ hợp Fannie Mae và Freddie Mac, số lượng nợ bán cho Trung C... cũng lên đến những con số khổng lồ, tuy không bằng với các món nợ công khố phiếu.

Và điều ngạc nhiên hơn nữa là không phải chỉ có Ngân hàng Trung ương (tức chính quyền) ở Bắc Kinh mới mua công khố phiếu của Mỹ. Ngay cả nhiều cơ quan bán công hay hợp doanh với chính phủ tại Trung C... cũng đã đầu tư bằng cách mua cổ phần của nhiều công ty tài chánh tại Mỹ để có chỗ chứa an toàn cho vốn liếng của mình. Tổ hợp đầu tư quốc doanh có tên là China Investment Corp (CIC) với vốn liếng khoảng 300 tỷ Mỹ-kim, đã làm chủ khoảng 10% của công ty Blackstone Group, một tổ hợp đầu tư loại equity. Vào tháng 6 vừa qua, tổ hợp CIC đã bỏ ra 1 tỷ 200 triệu Mỹ-kim để mua chứng khoán của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, nâng tổng số cổ phần của mình lên đến 9.9%. (Vào cuối năm 2007, CIC đã chi ra 5 tỷ 600 triệu Mỹ-kim để mua chứng khoán của Morgan Stanley).

Ngoài những trao đổi tiền bạc khá lớn kể trên giữa các công ty tài chánh của hai nước, dẫn đến những áp lực căng thẳng mỗi khi có những xung đột hay tranh chấp giữa hai bên, cũng còn một thị trường mậu dịch to lớn hơn nhiều về những sản phẩm tài chính biến thái từ chứng khoán, thường gọi là derivatives, hoặc những sản phẩm liên hệ như credit-default swaps hoặc hedging contracts vốn là những giao kèo trao đổi giữa các nhà băng hay công ty tài chánh mà số tiền và giá trị đích thực không mấy rõ ràng kể cả đối với những người trong cuộc. (Trong cuộc khủng hoảng tài chánh vào cuối năm ngoái, tất cả các nhà băng lớn nhỏ tại Hoa Kỳ cũng như nhiều nơi trên thế giới đều lâm vào cơn hoảng loạn vì không ai biết rõ là trong số vốn liếng sở hữu của mình, có bao nhiêu phần trăm nằm trong những loại giấy nợ như kiểu derivatives kể trên, và giá trị thực sự của nó là bao. Đến khi mọi người nghe nói đến việc các loại nợ biến thái này bị mất giá thê thảm thì hầu như tất cả các nhà băng đều lâm vào tình trạng hoang mang, không biết rõ là mình bị thua thiệt mất mát đến đâu, và cũng không biết là các ngân hàng khác thua lỗ bao nhiêu, và vì thế nên tất cả rơi vào tình trạng “bế quan toả cảng”, không dám cho vay với các ngân hàng khác).

Tin tức đưa ra từ một tổ chức có tên là International Swaps and Derivatives Association (ISDA) thì tổng số lượng derivatives lưu hành đã đáo hạn trên toàn cầu lên đến 31,200 tỷ Mỹ-kim, một số tiền giấy nợ khổng lồ có thể tác động đến chuyện sinh tử của nhiều công ty lớn nhỏ tại Trung C... đã đầu tư tại ngoại quốc từ nhiều năm qua. Và chính những tranh chấp trên lãnh vực này, nếu xảy ra, mới là điều đáng lo ngại nhất cho giới đầu tư và chính quyền Trung C..., chứ không phải là những chuyện tranh cãi về thuế biểu của các vỏ xe hơi và chân gà như nhiều người nghĩ xuyên qua một vài bản tin gây ồn ào nhất thời.

Cũng theo thông tin từ cơ quan ISDA thì rất nhiều đại công ty tại Trung C..., kể cả những công ty liên doanh với nhà nước, đã bị thua lỗ khá nhiều với các loại nợ kiểu derivatives và hegding contracts. Chẳng hạn như công ty CITIC Pacific, chuyên sản xuất về thép, đặt trụ sở tại Hồng Kông, vào năm ngoái đã đưa ra dự báo rằng có thể thua lỗ đến khoảng 2 tỷ Mỹ-kim trong những đầu tư về ngoại tệ. Những hàng hàng không lớn như China Eastern và Shanghai Air cũng bị lỗ lã nặng nề không kém khi đầu cơ về giá xăng máy bay lên xuống thất thường.

Vào cuối tháng 8 vừa qua, tạp chí Caijing chuyên về tài chánh, xuất bản tại Bắc Kinh đã có bài nói rằng một cuộc điều tra của chính quyền qua Uỷ ban Điều hành và Giám sát Tài sản Nhà nước (State-owned Assets Supervision and Administration Commission, SASAC) về các chính sách đầu tư vào derivatives có thể khiến cho nhiều công ty quốc doanh khám phá ra mình bị lỗ nặng và không thể thi hành các giao kèo tài chánh để trả nợ. Điều này đã gây hoang mang trên các thị trường tài chính khiến cho cơ quan SASAC đã phải vội vàng sửa chữa các bản báo cáo và nói rằng Uỷ ban chỉ điều tra để xem là các công ty quốc doanh có bị lún sâu vào những vụ đầu tư tài chánh quá nguy hiểm hay không. Tuy vậy, đến giữa tháng 9 vừa qua, tờ báo Caijing lại loan báo, kỳ này với sự chuẩn thuận từ trước của cơ quan SASAC, rằng một số các công ty quốc doanh đã đưa ra những lời báo động về pháp lý với 6 nhà băng đầu tư quốc tế để nói về những thiệt hại thua lỗ trong các món đầu tư về derivatives. Tờ báo cũng nói thêm rằng những thông tin chưa phối kiểm đầy đủ đã cho thấy là có đến 28 công ty quốc doanh với chính quyền trung ương đã có dính líu đến những vụ đầu tư các món hàng derivatives, và tất cả đều coi như bị thua lỗ.

Trong bối cảnh đó, người ta mới thấy là những tranh cãi về việc thuế suất gia tăng trên các món hàng như vỏ xe hơi và chân gà thật ra chỉ là những vấn đề phụ trong sự lo ngại giữa hai phía. Cái viễn tượng ngân hàng trung ương của Trung C... có thể sẽ không còn muốn cho Hoa Kỳ tiếp tục vay nợ trong tương lai, hoặc là các ngân hàng của Hoa Kỳ và Âu châu một ngày nào đó có thể thấy các đối tác của mình ở Trung C... không còn chịu thi hành các giao kèo tài chánh, mới chính là mối lo đáng ngại hơn nhiều. Do đó, những hàng hoá đáng để lưu tâm một cách thiết thực và quan trọng trong mối quan hệ giao dịch giữa hai bên, một đằng là Washington và Wall Street và bên kia là Bắc Kinh và Thượng Hải, không phải là những thứ đựng trong những thùng container được chuyên chở bằng tầu qua Thái Bình Dương, mà đúng hơn, nó là những thứ sản phẩm được trao đổi nhẹ nhàng và nhanh chóng qua những đường giây thông tin qua mạng lưới Internet trên các thị trường tài chánh.

Mai Loan
Houston, Texas 09-10-09

************************

source

Viet Tribune Online

Sunday 11 October 2009

Dollar xuống giá, xuất khẩu Mỹ tăng


Dollar xuống giá, xuất khẩu Mỹ tăng

Nhập khẩu của Mỹ giảm trong tháng Tám

Theo số liệu của Bộ Thương Mại Mỹ, thâm hụt thương mại nước này giảm đột ngột trong tháng Tám nhờ đồng dollar giảm giá đã có tác dụng tích cực lên xuất khẩu.

Thâm hụt thương mại giảm xuống còn 30,7 tỉ đô la từ con số 31,9 tỉ đô la trong tháng Bảy.

Trong khi đó, xuất khẩu tăng nhẹ nhờ đồng dollar suy giảm.

Trong thời gian gần đây, đồng dollar sụt giá vì các nhà xuất nhập khẩu chuyển sang dùng các đồng tiền khác trong thời gian nền kinh tế toàn cầu bắt đầu hồi phục.

Keith Hembre thuộc công ty FAF Advisors nhận xét: “Theo tôi, thâm hụt thương mại giảm thể hiện sự ổn định trên diện rộng hơn của nền kinh tế.”

Trong tháng Tám, tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ là 158,9 tỉ đô la, so với 159,8 tỉ đô la trong tháng Bảy. Xuất khẩu đạt 128,2 tỉ đô la, tăng từ con số 128 tỉ trong tháng Bảy.

Kim ngạch nhập khẩu giảm nhẹ thể hiện sự thu hẹp trong nhu cầu về hàng hóa của người dân Mỹ.

Khi nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh trở lại, nhu cầu về hàng hóa sẽ tăng và thâm hụt thương mại có thể sẽ tăng trở lại.

******************

source

BBC Vietnamese

Friday 9 October 2009

"Các ngân hàng Trung Quốc đang bên bờ của sự sụp đổ"



Nền kinh tế Trung Quốc có đang đứng trước một cuộc khủng hoảng lớn? Hay sự bùng nổ - vừa khớp với các lễ hội ăn mừng 60 năm quốc khánh nước cộng hòa nhân dân - sẽ tiếp tục? Nhà nghiên cứu tương lai người Mỹ George Friedman đã có câu trả lời khá rõ ràng.

Người đứng đầu công ty thông tin tư nhân Stratfor, trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí manager (mm.de) đã khẳng định: cuộc khủng hoảng tiếp theo của châu Á đang dần lớn lên.


George Friedman là người sáng lập và lãnh đạo công ty thông tin tư nhân Stratfor. Ông đã viết nhiều sách và bài báo về các chủ đề chính sách an ninh, truyền thông và công nghệ. Tác phẩm mới nhất là cuốn "The Next 100 Years: A Forecast for the 21st Century".

mm.de: Thưa ông Friedman, trong số mới của tạp chí manager (số 10/2009) đề cập tới hiện tượng phát triển quá nóng của nền kinh tế Trung Quốc, mang đầy đủ các biểu hiện của một bong bóng. Vẫn còn có nhiều doanh nhân và kinh tế gia phương Tây đặt nhiều hy vọng vào sự năng động của Trung Quốc, có phải vậy không?

Friedman: Tốt hơn là không nên vậy - tốc độ tăng trưởng không nói lên được nhiều về hiện trạng của một nền kinh tế.

mm.de: Vậy thì nền kinh tế Trung Quốc (TQ) đang như thế nào?

Friedman: Đứng trên đôi chân đất sét. Các doanh nghiệp chủ yếu do các ngân hàng tài trợ. Bởi vậy họ không lưu tâm lắm đến kiếm lời thông qua tạo nguồn thu để trả nợ. Thay vì vậy, họ cố bán càng nhanh càng nhiều. Rất thành công - như các con số đề thặng dư xuất khẩu đã chỉ ra.

mm.de: Điều đó có gì tệ đâu?

Friedman: Ở TQ không có cơ chế thị trường để phân bổ vốn. Người TQ chỉ có thể gửi tiền vào các ngân hàng nhà nước với lãi suất thấp. Các ngân hàng này lại cho các doanh nghiệp quốc doanh hoặc chịu ảnh hưởng của nhà nước vay lại - nặng về quan hệ và ý chí hơn là quan tâm tới lợi nhuận.

mm.de: Đó không phải là kinh tế thị trường thuần túy. Nhưng mà cho tới giờ hệ thống đó vẫn hoạt động thành công...

Friedman: Chỉ khi nào các doanh nghiệp còn phát triển. Nếu tăng trưởng giảm sút - như bây giờ qua khủng hoảng của các nước mua hàng - sẽ xuất xảy ra tình trạng vỡ nợ hàng loạt. Hệ thống tài chính sẽ sụp đổ một cách chậm chạp, nhưng chắc chắn - giống như trong cuộc khủng hoảng chấu Á lần thứ nhất ở Nhật Bản. Khi đó, tỷ lệ tín dụng so với tổng thu nội địa ở mức 17% đã bị coi là xấu. Hiện tại ở TQ tỷ lệ này là 30 tới 40 phần trăm. Giống như Nhật Bản ở vận tốc lớn hơn.

mm.de: Nhưng TQ có các nguồn lực khổng lồ - chỉ riêng dự trữ ngoại tệ đã hơn 2000 tỷ đô la, phần lớn là các trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ. Tại sao nền kinh tế đó không hấp thu được các khoản vỡ nợ?

Friedman: Dự trữ đô la lớn là một dấu hiệu rất xấu. Nó có nghĩa là trong nước không có cơ hội đầu tư thích đáng cho các khoản tiền. Thay vì đầu tư ở TQ người TQ lại thích đầu tư và các hầm mỏ ở châu Phi hay Cục Dự trữ Hoa Kỳ..

mm.de: Vậy thì tại sao các doanh nghiệp châu Âu và Hoa kỳ lại nóng lòng đầu tư vào TQ?

Friedman: Bởi họ đánh hơi thấy các cơ hội thị trường khổng lồ. Họ nhìn thấy số dân tới 1 tỷ 3 con người. Họ thấy những tỷ phú ở các thành phố duyên hải đang sắm xe Mercedes và Maserati cho mình.

mm.de: Điều đó có vẻ rất lạc quan?

Friedman: Họ không để ý thấy có hơn 1 tỷ người TQ chỉ kiếm được chưa đầy 2000 đô la. Mức thu nhập này nằm ở mức của Châu phi khu vực xích đạo. Hoàn cảnh của những con người này cần phải cải thiện nếu không sẽ xuất hiện các bất ổn xã hội, điều mà các nhà đầu tư ngoại quốc luôn né tránh.

Một khu trung tâm thương mại tại Thượng Hải, Trung Quốc. Nguồn ảnh: Corbis

mm.de: 30 năm qua tình hình TQ đã cải thiện liên tục. Tại sao điều đó không tiếp tục trong thời gian tới?

Friedman: Để làm dịu tình hình nghèo khổ, TQ phải tiếp tục tăng trưởng. Các doanh nghiệp khém hiệu quả hiện đang được duy trì giả tạo bằng các hợp đồng và nhiều khoản vay của nhà nước hơn thông qua chương trình kích thích. Tuy vậy toàn bộ số tiền mà TQ kiếm được nhờ những năm bùng nổ xuất khẩu cũng không đủ để kéo dài việc ổn định hệ thống.

mm.de: Liệu có con đường nào khác không?

Friedman: Tôi e rằng không. Tự TQ không kiểm soát được nền kinh tế của mình. Sự thần kỳ trong phát triển của vùng duyên hải không hơn gì sự bành trướng của Wal-Mart. Công nghiệp TQ không có khách hàng ở ngay nội địa vì ở đó con người sống theo kiểu tự cung tự cấp. Kinh tế TQ sống nhờ khách hàng ở Mỹ và châu Âu. Và các quốc gia này cũng quyết định liệu TQ có phát triển tiếp hay không - và có vẻ không phải là như vậy.

mm.de: Chúng ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng của châu Á?

Friedman: Chúng ta đã sa vào cuộc khủng hoảng lần 3 của châu Á. Các doanh nghiệp TQ nợ quá nhiều rồi. Các ngân hàng đang đứng bên bờ sụp đổ.

mm.de: Ngài có nói quá không? Các chỉ số của các ngân hàng TQ xem ra có vẻ chắc chắn hơn các ngân hàng phương Tây.

Friedman: Ồ không, các báo cáo không nói hết sự thật. Nhà nước đã đảm nhận các khoản nợ xấu và chia cho các Công ty quản lý tài sản. Và các công ty này đã tồn tại từ lâu. Thêm tăng trưởng không có lợi nhuận chẳng đưa đến đâu cả - nó chỉ thổi phồng cái bong bóng TQ thêm mà thôi.

Lê Đông Phương (lược dịch)

***********************************

source

http://www.tuanvietnam.net/2009-10-08-cac-ngan-hang-trung-quoc-dang-ben-bo-cua-su-sup-do-

Thursday 8 October 2009

10 công ty tốt nhất thế giới năm 2009



Chiến lược phát triển bền vững trong chu kỳ suy thoái kinh tế được tạp chí Business Week xác định làm tiêu chí quan trọng nhất khi bình chọn danh sách 40 công ty hàng đầu thế giới năm nay.

10. BHP Billiton

Doanh số năm 2008: 63,14 tỷ USD
Mức tăng doanh số trung bình hàng năm (2004-2008): 29,5%
Mức tăng giá trị trung bình hàng năm (2004-2008): 13,5%

Hãng khai mỏ lớn nhất thế giới đến từ Australia giữ vị trí cao trong khá nhiều bảng xếp hạng uy tín năm nay. Theo nhiều nhà phân tích, chiến lược kinh doanh chú trọng chất lượng, giữ giá thấp và mức tăng trưởng bền vững đã giúp hãng này tồn tại trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Bức ảnh trên được chụp tại mỏ than Núi Arthur của BHP tại Muswellbrook, Australia. Ảnh: Getty Images

9. Inditex

Doanh số năm 2008: 13,969 tỷ USD
Mức tăng doanh số trung bình hàng năm (2004-2008): 25%
Mức tăng giá trị trung bình hàng năm (2004-2008): 18,6%

Tập đoàn bán lẻ đồ dệt may Inditex hiện sở hữu 8 thương hiệu thời trang từ bình dân đến cao cấp trên toàn thế giới. Điểm mạnh của Inditex là sự kết hợp kéo léo giữa thiết kế, marketing và khả năng thiết lập chuỗi bán lẻ trên diện rộng. Khởi nghiệp từ Tây Ban Nha, hãng hiện đang sở hữu 4.430 cửa hàng bán lẻ trên toàn thế giới và hiện đang tiến hành kế hoạch chiếm lĩnh thị trường châu Á. Nhãn hiệu lớn nhất của Inditex là Zara. Ảnh: Getty Images

8. Monsanto

Lợi nhuận năm 2008: 11,365 tỷ USD
Mức tăng doanh số trung bình hàng năm (2004-2008): 20,1%
Mức tăng giá trị trung bình hàng năm (2004-2008): 23,7%

Đến từ nước Mỹ, Monsanto là một trọng những công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất hạt giống và hormon tăng trưởng. Hãng này áp dụng khá thành công mô hình R&D (nghiên cứu và phát triển) đối với các sản phẩm của minh. Ảnh trên là loại hạt giống đậu nành có hàm lượng linolenic thấp, nguyên liệu chủ yếu để sản xuất các thực phẩm ít béo trên toàn cầu. Ảnh: prnewsfoto

7. MTN

Lợi nhuận năm 2008: 11,09 tỷ USD
Mức tăng doanh số trung bình hàng năm (2004-2008): 30,8%
Mức tăng giá trị trung bình hàng năm (2004-2008): 17,6%

Nhà cung cấp dịch vụ mạng di động đến từ Nam Phi đặc biệt chú trọng các thị trường mới nổi như Nigeria, Syria, Iran, Ghana, và Cameroon... Trở thành một trong những nhà cung cấp mạng di động hàng đầu châu Phi, MTN đã cho thấy tiềm năng thị trường này là rất lớn. Ảnh: Ken Banks

6. GDF Suez

Lợi nhuận năm 2008: 94,42 tỷ USD
Mức tăng doanh số trung bình hàng năm (2004-2008): 39,9%
Mức tăng giá trị trung bình hàng năm (2004-2008): 16,7%

Thành lập năm 2008 với sự sát nhập của hai nhà cung cấp nhiên liệu hàng đầu nước Pháp là Gaz de France và French utility group Suez, GDF Suez hiện là hãng năng lượng lớn nhất Châu Âu. Công ty này cũng bắt đầu tham gia vào lĩnh vực xử lý nước và rác thải. Theo những thống kê trước khi sát nhập, lợi nhuận hàng năm mà GDF Suez đạt được trong 5 năm trở lại đây dao động trong khoảng từ 4% đến 15%. Ảnh: Getty Images

5. Hyundai Heavy Industries

Lợi nhuận năm 2008: 21,82 tỷ USD
Mức tăng doanh số trung bình hàng năm (2004-2008): 17,4%
Mức tăng giá trị trung bình hàng năm (2004-2008): 42,6%

Là hàng đóng tàu lớn nhất thế giới, lợi nhuận mà Hyundai Heavy Industries có được trong những năm gần đây chủ yếu do nhu cầu đóng mới tăng cao trước cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Ngoài các loại tàu biển siêu trường, siêu trọng, Hyundai còn sản xuất các thiết bị vận tải, xây dựng và năng lượng. Năm 2008, công ty giữ 45% tổng sản lượng đóng mới tàu biển của Hàn Quốc.
Ảnh: Getty Images

4. Doosan Heavy Industries

Lợi nhuận năm 2008: 15,269 tỷ USD
Mức tăng doanh số trung bình hàng năm (2004-2008): 34,2%
Mức tăng giá trị trung bình hàng năm (2004-2008): 25,8%

Doosan Heavy Industries & Construction là công ty con của tập đoàn Doosan Group, một trong những tập đoàn kiểu "gia đình" lớn nhất Hàn Quốc. Chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng các dự án năng lượng truyền thống, gần đây, Doosan bắt đầu mở rộng hoạt động sang lĩnh vực năng lượng hạt nhân và năng lượng sạch - một giải pháp được cho là sáng suốt trong thời kỳ khó khăn của kinh tế toàn cầu. Ảnh: Getty Images

3. Apple

Lợi nhuận năm 2008: 32,479 tỷ USD
Mức tăng doanh số trung bình hàng năm (2004-2008): 40,7%
Mức tăng giá trị trung bình hàng năm (2004-2008): 24,2%

Trong thế giới điện tử, Apple đồng nghĩa với sự liên tục thay đổi, cải tiến. Tài năng của CEO Steve Jobs đã chèo lái con thuyền Apple tiến từ việc sản xuất máy tính, chiếm lĩnh thị trường máy nghe nhạc cá nhân và bắt đầu tiền vào lĩnh vực điện thoại di động. Quả táo đã trở thành một biểu tượng đáng mơ ước của giới trẻ cũng như ngành công nghệ toàn cầu. Ảnh: Getty Images

2. Google

Lợi nhuận năm 2008: 21,796 tỷ USD
Mức tăng doanh số trung bình hàng năm (2004-2008): 61,7%
Mức tăng giá trị trung bình hàng năm (2004-2008): 8,6%

Thành công đầu tiên và cũng là lớn nhất của Google tính đến thời điểm này đương nhiên là việc cung cấp công cụ tìm kiếm phổ biến nhất thế giới Internet. Chưa hài lòng, công ty có trụ sở tại Mountain View (California, Mỹ) hiện đã tiến vào thị trường cung cấp dịch vụ e-mail, tin nhắn trên điện thoại di động và hiện đang phát triển hệ thống trình duyệt web, mạng xã hội và cả hệ điều hành.
Ảnh: Getty Images

1. Nintendo

Lợi nhuận năm 2008: 16,802 tỷ USD
Mức tăng doanh số trung bình hàng năm (2004-2008): 35,7%
Mức tăng giá trị trung bình hàng năm (2004-2008): 38,1%

Nhà sản xuất hàng đầu trong lĩnh vực video game, lượng sản phẩm mà Nintendo bán ra trên toàn thế giới hiện đã lên tới con số hàng triệu. Sản phẩm nổi tiếng nhất của hãng là Nintendo Wii, được coi là quả bom tấn của ngành công nghiệp game. Với tầm nhìn mang tính chiến lược, Nintendo đã phát triển một hệ thống đầy đủ từ sản xuất phần cứng đến phần mềm nhằm phục vụ dòng game riêng mà hãng này tạo ra. Ảnh: BW

Danh sách 40 công ty hàng đầu thế giới năm 2009 theo Bussiness Week

Nhật Minh

********************

source

http://vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/Quoc-te/2009/10/3BA143DB/