Monday 31 August 2009

Giá dầu bất ngờ giảm mạnh xuống 70 USD/thùng


Dầu bất ngờ giảm giá mạnh. (Ảnh: BLB)

Giá dầu bất ngờ giảm mạnh xuống 70 USD/thùng
Cập nhật lúc 21:48, Thứ Hai, 31/08/2009 (GMT+7)
,
Giá dầu mở cửa phiên giao dịch cuối tháng 8 trên sàn New York (tối 31/8 giờ Việt Nam) bất ngờ giảm rất mạnh do dự trữ sản phẩm dầu đã chưng cất đứng ở mức cao.
Giá dầu tính tới 21h20 tối 31/8 (giờ Việt Nam) giảm 2,43 USD (-3,34%) xuống 70,31 USD/thùng.
Đây là lần giảm đầu tiên trong ba phiên giao dịch gần nhất trên sàn New York.
Trước đó, dầu tăng giá do các nhà đầu tư đánh cược tiêu thụ dầu sẽ gia tăng theo đà phục hồi của nên kinh tế thế giới.
Theo Bộ Năng lượng Mỹ, dự trữ các sản phẩm dầu đã chưng cất (bao gồm dầu diesel và dầu sưởi) tính tới cuối tuần trước nữa tăng lên mức cao nhất trong 4 tuần qua là 162,4 triệu thùng. Đây là mức cao gần bằng kỷ lục năm 1983.
Trong khi đó, công ty dầu mỏ quốc gia Tiểu các Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) lần đầu tiên trong bảy tháng qua đã hạn chế cắt giảm sản lượng cung cấp dầu - một dấu hiệu cho thấy các thành viên OPEC có thể đang vượt mục tiêu sản lượng đề ra.
“Có rất nhiều dầu dự trữ trên khắp thế giới và đây là yếu sẽ liên tục gây áp lực giảm giá lên dầu. Mặc dù vậy, rất nhiều người cho rằng nền kinh tế sẽ phục hồi vào cuối năm nay nên không có hiện tượng bán mạnh trên thị trường”, Ken Hasegawa - Giám đốc kinh doanh các sản phẩm phái sinh của các loại hàng hoá của Công ty môi giới Newedge tại Tokyo nói.
Tính chung trong tháng 8, giá dầu vẫn tăng khoảng 3% và đây là lần tăng thứ 6 trong vòng 7 tháng qua. Trước đó, trong tháng 7, dầu giảm giá.
Giá dầu giảm còn do những tín hiệu phục hồi của hai nền kinh tế lớn nhất và tiêu thụ nhiều dầu nhất châu Á là Nhật Bản và Trung Quốc đang yếu đi.
Được biết, sản lượng của các nhà sản xuất tai Nhật trong tháng 7 tăng ở mức thấp nhất trong vòng 4 tháng qua do tác động của các gói kích thích kinh tế toàn cầu và các chiến dịch giải phóng hàng tồn kho đã bắt đầu tan dâầ.
Giá cổ phiếu Trung Quốc giảm phiên thứ ba liên tiếp với chỉ số SCI trong tháng 8 rớt ở mức mạnh nhất kể từ 10/2008.
Hà Linh (Theo Bloomberg)

*************************

source

Friday 28 August 2009

Mỹ trở thành nhà đầu tư số 1 ở VN


Hoa Kỳ trở thành quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam trong năm nay, với gần bốn tỷ đôla trong tám tháng đầu năm.

Trong khi đó, theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư Việt Nam, lượng đầu tư từ các quốc gia khác có sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Hãng tin DPA trích nguồn bộ phận thống kê của bộ này cho hay đầu tư từ các công ty Mỹ chiếm tới 37% lượng đầu tư nước ngoài từ đầu năm tới nay.

Các dự án lớn của Mỹ tập trung trong lĩnh vực dịch vụ, như khách sạn và du lịch.

Cùng kỳ năm ngoái, đầu tư từ Hoa Kỳ chỉ chiếm có 3%.

Trong tám tháng đầu năm, đứng thứ hai sau Mỹ là Đài Loan với 1,35 tỷ đôla, tiếp đó là British Virgin Islands với 1,24 tỷ.

Tổng đầu tư nước ngoài trong thời gian này là 10,45 tỷ đôla vốn đăng ký, trong đó đầu tư mới là 5,6 tỷ đôla cho 504 dự án mới nhận giấy phép.

Lượng đầu tư mới được nói là rất thấp, chỉ bằng 10,8% cùng kỳ năm 2008.

Trong thời gian qua, 6,5 tỷ đôla tiền đầu tư đã được giải ngân, tương đương 91,8% cùng kỳ năm ngoái.

Bộ Kế hoạch đầu tư ước tính mục tiêu giải ngân 9 tỷ đôla đầu tư nước ngoài trực tiếp là có thể đạt được.

Các ngành dịch vụ

Theo cơ quan này, các dự án nhà hàng - khách sạn thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất, với 20 dự án mới đăng ký, tổng đầu tư lên tới 755 triệu đôla.

Nếu tính cả các dự án đang hoạt đ̣ông, lượng đầu tư nước ngoài rót vào lĩnh vực này là 3,8 tỷ.

Tiếp theo là ngành sản xuất chế biến. Riêng hai nhà máy sản xuất thép do tập đoàn China Steel của Đài Loan và Sumitomo của Nhật Bản đầu tư đã chiếm tới 1,14 tỷ đôla vốn đăng ký.

Hiện có 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh thu hút nhiều vốn đầu tư nhất, với 6,48 tỷ đôla. Sau đó là TP Hồ Chí Minh với 1,04 tỷ đôla, Bình Dương (755 triệu), Hà Nội (367 triệu) và Đồng Nai (281 triệu).

Từ khi Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa tới nay, các nước Á châu vẫn dẫn đầu về lượng đầu tư vào Việt Nam. Đài Loan là nước đầu tư nhiều nhất với tổng cộng 21,2 tỷ đôla, sau đó là Hàn Quốc với 20,1 tỷ đôla.

Hoa Kỳ hiện đang xếp thứ bảy trong danh sách các nước đầu tư nhiều vào Việt Nam.

Các kinh tế gia dự báo lượng đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Việt Nam năm nay sẽ giảm mạnh vì ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

************************

source

BBC Vietnamese

Thursday 20 August 2009

Thương mại Việt Trung sụt giảm


Tình trạng nhập siêu vẫn quá lớn

Tỷ trọng thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc giảm gần 20% trong sáu tháng đầu năm so với cùng kỳ 2008.

Thông tin từ Bộ Công Thương cho hay thương mại hai chiều Việt-Trung giảm 18,29% so với sáu tháng đầu năm ngoái, xuống còn hơn 8,83 tỷ đôla Mỹ.

Tuy nhiên, cán cân thương mại vẫn chênh lệch lớn.

Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc giảm 3,53% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn hơn 1,97 tỷ đôla.

Nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 21,72% xuống 6,86 tỷ đôla.

Than đá đứng đầu trong các mặt hàng Việt Nam bán sang Trung Quốc, mang về thu nhập cho ngân sách 422,74 triệu đôla. Tiếp theo là sắt thép (322,37 triệu đôla), cao su (245,16 triệu đôla) và dầu thô (188,7 triệu đôla).

Các mặt hàng mà Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc là quần áo, đồ điện tử, các thiết bị và phân bón.

Trong khi tình trạng nhập siêu quá lớn vẫn đang diễn ra, Bộ Công thương đã đề xuất một số biện pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc.

Trong đó có đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng đã qua chế biến thay vì nguyên liệu thô, cải thiện chất lượng hàng xuất khẩu và tăng cường thông tin cập nhật về tḥị trường cũng như chính sách thương mại của hai bên.

source

BBC Vietnamese

Sunday 16 August 2009

Kinh tế Trung Quốc: "mong manh" và "dễ vỡ"


















16/08/2009 08:14 (GMT + 7)
(TuanVietNam) - Một cảnh báo bất ngờ: Sự phục hồi của Trung Quốc sẽ bắt đầu loạng choạng vào tháng 10, sau đó là một vài “phát súng” tiền tệ trước khi toàn bộ nền kinh tế rơi vào suy thoái sâu vào năm 2012.


Mức tăng trưởng cho vay của Trung Quốc đã giảm trong tháng Bảy trong khi xuất khẩu giảm 23% so với cùng kỳ năm 2008 sau 9 tháng liền người tiêu dùng phương Tây “thắt lưng buộc bụng”. Bài phân tích về việc này trên tờ Telegraph của Anh số ra ngày 11/8 khẳng định thắt chặt tiền tệ có nguy cơ biến Trung Quốc thành một hệ thống Ponzi khổng lồ. (Charles Ponzi là cha đẻ của lừa đảo đa cấp). Nền kinh tế Trung Quốc nhiều khả năng sẽ đổ vỡ và suy thoái. Tuần Việt Nam xin giới thiệu với độc giả bài viết trên.

Ảnh: thesunsfinancialdiary.com


Một cách riêng rẽ, chỉ số Baltic Dry – chỉ số giá vận tải đường biển đối với hàng hóa thô – đã quay đầu giảm điểm 25% từ cuối tháng Bảy. Các số liệu của ngành hàng hải đã khẳng định lại các báo cáo cho thấy Trung Quốc đã ngừng tích lũy kim loại thô và các loại hàng hóa khác sau một thời kỳ mua vào ồ ạt đầu mùa hè này.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết mức tăng trưởng cho vay đã giảm xuống còn 52 tỷ USD từ mức 248 tỷ USD hồi tháng trước. Tuy nhiên, còn quá sớm để khẳng định Bắc Kinh đã trở thành “nữ hoàng tín dụng” sau sự bùng nổ các khoản cho vay của ngân hàng trong nửa đầu năm nay.

Các số liệu cho vay nói trên đang được các nhà phân tích và các thương gia theo dõi chặt chẽ. Lượng tiền mặt quá lớn đổ vào lưu thông ở Trung Quốc đã trở thành động lực chính cho các thị trường toàn cầu kể từ khi kinh tế bắt đầu phục hồi vào tháng Ba.

Bắc Kinh đang đi trên dây khi cố bù đắp sự sụp đổ trong lĩnh vực xuất khẩu – gần 40% GDP – bằng việc đầu tư ồ ạt cho đường xá và công nghiệp thông qua các công ty nhà nước.

Nền kinh tế thực không thể hấp thụ tiền, và như vậy, tạo một lỗ hổng cho đầu cơ. Ngân hàng trung ương ước tính khoảng 20% lượng tín dụng mới đây đang nằm trong các thị trường chứng khoán. Chỉ số Thượng Hải đã tăng 80% trong năm nay trong khi lãi suất giảm gần 1/3. Bức tranh này phản ánh giai đoạn cuối quả bong bóng Nikkei ở Nhật Bản năm 1989.

Trung Quốc gây ra nguy cơ cực lớn đối với các thị trường trên thế giới”, ông Hans Redeker, hiện đang là Giám đốc ngân hàng BNP Paribas, khẳng định. “Các cổ phiếu Thượng Hải đã đạt đến điểm cực đại hồi cuối năm 2007. Trung Quốc sẽ phải giảm cho vay, và khi điều này xảy ra, thị trường chứng khoán Thượng Hải và hàng hóa sẽ phải lĩnh đủ. Chính điều này sẽ ngăn cản sự phục hồi của toàn cầu”.

Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, nhà cho vay lớn thứ hai của nước này, sẽ cắt giảm 70% các khoản vay trong nửa cuối năm nay. Giải thích cho quyết định này, ông Zhang Jianguo, chủ ngân hàng cho biết một số khoản vay không đi vào nền kinh tế thực, giá nhà đất vẫn tăng chóng mặt.

Về phần mình, ông Andy Xie, một cố vấn cấp cao, cho rằng quả bong bóng Trung Quốc là “một hệ thống lừa đảo đa cấp khổng lồ” sẽ gây ra “những hậu quả khủng khiếp” đối với đất nước này.

Theo ông Xie, thị trường chứng khoán lại rơi vào một sự điên cuồng. Hầu hết các nhà đầu tư nhỏ lẻ thiếu hiểu biết đang bị hút vào đà tăng này. Các cổ phiếu đang được định giá cao hơn từ 50 – 100% so với giá thực.

Ông Xie, tác giả luận án tiến sĩ về quả bong bóng của Nhật Bản những năm 1980, cho rằng tỷ lệ giá bất động sản ở Trung Quốc so với thu nhập hiện đang cao gấp 7 lần so với ở Mỹ. Mỗi mét vuông đất trị giá tương đương ba tháng lương – có thể nói là đắt nhất thế giới – dù rằng các tòa tháp chọc trời vẫn chẳng có ai ở.

Ông Xie cho rằng sự lên bổng xuống trầm của Trung Quốc diễn biến theo một nhịp độ chính trị. Có một niềm tin ăn sâu bám rễ rằng chính quyền có thể giữ cho trò chơi tiếp diễn và nước này sẽ không để sự phục hồi kinh tế bị “xì hơi” trước lễ kỷ niệm 60 năm ngày Quốc khánh 1/10. Niềm tin này chính nó đã phát huy hết tác dụng trong một thời gian.

Ảnh: stdaily.com

Ông Xie dự báo sự phục hồi của Trung Quốc sẽ bắt đầu loạng choạng vào tháng 10, sau đó là một vài “phát súng” tiền tệ trước khi toàn bộ nền kinh tế rơi vào suy thoái sâu vào năm 2012. “Giá bất động sản có thể giảm như ở Nhật Bản hai thập kỷ vừa qua, điều này sẽ phá hủy hệ thống ngân hàng”.

Theo ông Xie, quả bóng bất động sản Trung Quốc là mặt sau của đồng USD yếu. Các chương trình kích thích tiền tệ của Mỹ đã tác động tới Thái Bình Dương. Phá sản sẽ xảy ra khi đồng USD phục hồi, và rút bớt khỏi lưu thông. Nếu Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bất ngờ siết chặt chính sách tiền tệ như từng làm dưới thời ông Paul Volcker đầu những năm 1980, thì kết cục sẽ rất đau đớn đối với Trung Quốc.

Bắc Kinh xứng đáng được ca ngợi vì đã cố chuyển hướng khỏi xuất khẩu để tập trung vào kinh tế trong nước. Họ đã đạt được một số thành công. Bán lẻ tăng 15% so với năm ngoái. Nhưng Giáo sư Michael Pettis, thuộc trường Đại học Bắc Kinh, cho rằng rất khó để thuyết phục người Trung Quốc thay đổi thói quen tiêu dùng. Các rào cản văn hóa cần nhiều năm mới vượt qua được.

Thực vậy, các chính sách kích cầu đã cung cấp nhiều nguồn đầu tư cho công nghiệp, dẫn tới tăng sản lượng. Nếu GDP của Trung Quốc tiếp tục tăng gần 8% thì đó là nhờ sản lượng. Ở phương Tây, tăng trưởng GDP chủ yếu dựa vào tiêu dùng. Hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau.

Vấn đề cơ bản không thay đổi. Sự bất cân bằng Đông – Tây sau cuộc Đại suy thoái 2008-2009 đang ngày càng tệ hơn.

  • Quốc Thái (theo telegraph.co.uk)
------------------------------------------- source http://www.tuanvietnam.net/vn/tulieusuyngam/7723/index.aspx

Friday 14 August 2009

Mỹ thắng kiện Trung Quốc về DVD


Mỹ thắng kiện Trung Quốc về DVD


Công ty Mỹ muốn bán nhiều DVD phim ảnh của họ tại Trung Quốc.

Hoa Kỳ vừa thắng Trung Quốc trong vụ kiện tại Tổ chức Thương mại Thế giới, WTO.

Khiếu nại của Hoa Kỳ liên quan đến việc Trung Quốc hạn chế nhập khẩu DVD và các sản phẩm truyền thông khác của Mỹ.

WTO nói quy định hiện thời của TQ chỉ cho phép các công ty quốc doanh được nhập cảng văn hóa phẩm của Mỹ đã vi phạm luật thương mại quốc tế.

Tuy nhiên WTO đồng ý với chính sách của TQ muốn giới hạn việc phát hành phim làm từ Mỹ. Cơ quan này không đưa ra phản ứng trước chế độ kiểm duyệt tại TQ.

Trưởng Đại diện Thương mại Mỹ, Ron Kirk gọi quyết định của WTO là “thắng lợi quan trọng.”

Ông nói: "Kết luận của WTO là diễn tiến quan trọng trong việc đảm bảo văn hóa phẩm hợp pháp của Mỹ được tiêu thụ tại TQ. Nó cũng đảm bảo khả năng tiếp cận thị trường cho các nhà xuất khẩu, hay công ty Mỹ phân phối các sản phẩm này.”

Trung Quốc chưa đưa ra phản ứng. Họ có quyền khiếu nại quyết định của WTO.

'Quyết định quan trọng'

Quyết định này bảo vệ công ty sản xuất văn hóa phẩm của Mỹ, trao cho họ quyền được bán hàng tại thị trường vô cùng quan trọng

Tom Allen - Hội Xuất bản Mỹ

Tổ chức WTO nói thêm Trung Quốc đã phạm luật khi ngăn cản công ty bán bài hát trực tuyến của Mỹ cho người tiêu dùng Trung Quốc.

Ngoài DVD và bài hát qua mạng, quyết định của WTO yêu cầu TQ bỏ giới hạn nhập khẩu sẽ liên quan đến các loại văn hóa phẩm khác của Mỹ, trong đó có sách, tạp chí và trò chơi máy tính.

WTO yêu cầu chính phủ Trung Quốc phải thay đổi cách điều hành nhập khẩu.

Tom Allen, giám đốc Hội các Nhà xuất bản Mỹ gọi quyết định của WTO có ý nghĩa "lớn lao.”

Ông nói: "Quyết định này bảo vệ các công ty sản xuất văn hóa phẩm của Mỹ và trao cho họ quyền được bán hàng tại thị trường vô cùng quan trọng.”

Từ lâu giới chức Mỹ đã không hài lòng trước chính sách hạn chế nhập khẩu DVD sản xuất từ Mỹ, cùng sản phẩm truyền thông khác, tại thị trường đông dân nhất thế giới.

Theo quan chức Mỹ chính sách này đã tạo ra thị trường hàng giả quy mô lớn tại Trung Quốc.

source

BBC Vietnamese

Wednesday 12 August 2009

Giải mã các logo nổi tiếng



Giải mã các logo nổi tiếng

Kinh nghiệm từ các hãng nổi tiếng như Apple, IBM hay Starbucks cho thấy logo đóng vai trò không hề nhỏ trong việc xây dựng hình ảnh một thương hiệu.
> Tại sao VN không có thương hiệu nổi tiếng? / Lịch sử các logo nổi tiếng

Apple - Biểu tượng mới quyến rũ

Khó ai có thể tưởng tượng được một sản phẩm nào đó của Apple như iMac hoặc iPhone với logo cũ.

Ngày nay, khách hàng khó có thể tưởng tượng một sản phẩm của Apple như iBook hay iPhone sẽ trông như thế nào nếu được gắn logo trước kia của hãng. Ronald Wayne là người thiết kế logo đầu tiên của Apple hồi 1976 khi công ty đang trong những ngày đầu khởi nghiệp tại một garage nhỏ hẹp. Logo thể hiện hình ảnh nhà bác học Isaac Newton ngồi dưới tán cây, với một quả táo đang đu đưa trên cành chờ rụng xuống đầu ông. Phong cách rườm rà màu mè còn ám ảnh Apple trong một vài lần thay đổi logo sau đó, trước khi đến với phiên bản quyến rũ hình quả táo cắn dở màu crôm hiện nay.

Pepsi - Thay sóng bằng nụ cười

Biểu tượng mới của Pepsi (phải) mới đưa vào sử dụng từ đầu năm nay.

Thoạt nhìn, logo mới tung ra hồi 2008 do hãng Arnell Group thiết kế của Pepsi không khác biệt nhiều so với cái cũ, tuy nhiên nhanh chóng trở thành đề tài bàn tán sôi nổi. Hồi tháng 2 đầu năm nay khi các sản phẩm đồ uống bắt đầu khoác áo mới, một tài liệu dài 27 trang giải thích về ý nghĩa logo mang hình nụ cười đã bị rò rỉ trên Internet, gây ra hàng loạt tranh cãi xung quanh nó.

Trong tài liệu, hãng Arnell xếp logo mới ngang tầm với những biểu tượng bí ẩn như nàng Mona Lisa hay đền Parthenon. Giới chuyên gia đánh giá cao tính đơn giản của nó, nhưng cho rằng bản thuyết trình 27 trang là một bản "luận văn" đầy tính ngoa ngôn. Nhiều người vẫn có cảm tình với logo cũ mang hình con sóng hơn "nụ cười" mới, và cho rằng sẽ chẳng bao lâu nữa Pepsi sẽ phải chấm dứt quá trình thử nghiệm của mình.

Starbucks - Bài hát của nữ thần

Hình ảnh vốn nức tiếng một thời của Starbucks có vẻ như nay không còn hợp nhãn khách hàng.

Logo màu nâu vẽ hình một nữ thần ở trần đã từng là biểu tượng đáng tự hào của công ty cà phê Starbucks suốt một thời gian dài kể từ năm 1971, do chính người sáng lập ra hãng là Terry Heckler phát triển ý tưởng. Đến năm 1992, logo được đổi sang màu xanh như mẫu dùng hiện nay với hình ảnh nữ thần được vẽ lại theo phong cách bớt "lõa lồ" hơn.

Đến tháng 5 năm ngoái, trong một chiến dịch quảng cáo táo bạo, Starbucks quyết định quay lại hình ảnh cũ bằng cách đổi sang logo màu nâu xưa kia, khác chút ít ở chỗ bộ ngực nữ thần được che lại. Tuy nhiên, thời thế đã thay đổi, chiến dịch không nhận được sự tán thưởng nào từ phía khách hàng. Nhiều người thậm chí dùng những từ ngữ bậy bạ để gọi tên hãng vì logo mới. Giới chuyên gia thì nhận xét đây là sự luyến tiếc quá khứ một cách cực đoan của Starbucks. Chỉ vài tháng sau đó, Starbucks quyết định xếp xó nữ thần gợi cảm, quay lại dùng logo xanh lịch sự quen mắt với người dùng.

IBM - Đơn giản là sự cổ điển.

Logo mang tính năng động hơn nhiều so với logo cũ của IBM.

Trước năm 1972, logo cũ của hãng máy tính IBM được xem là quá rắc rối và không hợp thời, với dòng chữ "International Business Machines" bao bọc quanh quả địa cầu.

Đến 1972, với quyết tâm thay đổi hình ảnh, IBM đã viện đến nhà thiết kế thương hiệu nổi tiếng với mục đích tạo ra hình ảnh mới sang trọng và đơn giản.

Trong thiết kế của hãng Paul Rand, logo là những đường ngang chạy song song tạo nên chữ IBM, ám chỉ đến tốc độ và tính năng động. Logo mới đã phát huy hiệu quả hình ảnh và được hãng IBM sử dụng từ đó đến nay.

Wal-Mart - Làm mềm hình ảnh

Logo mới đã cứu vãn hình ảnh Wal-Mart trong mắt khách hàng.

Dư luận Mỹ nhận xét Wal-Mart thường đối xử với nhân viên không tốt như họ vẫn thường tự quảng cáo. "Công ty này nổi tiếng là không có lương tâm, không quan tâm đến người khác, kể cả chính đội ngũ nhân viên", một chuyên gia nói.

Tuy nhiên, chiến dịch thay đổi hình ảnh thương hiệu hồi 2008 do hãng Lippicott thực hiện, đã tạo ra một Wal-Mart hoàn toàn mới. Nhìn vào logo hiện nay, người ta nghĩ đến một chuỗi hệ thống siêu thị cuốn hút, thân thiện và dễ gần, so với hình ảnh rắn chắc và kiêu ngạo sử dụng từ năm 1992.

Logo gộp tên công ty thành một từ thay vì chẻ làm hai như trước, dùng chữ cái thường và sử dụng màu xanh mát mắt. Cuối chữ Walmart được điểm thêm một ngôi sao màu vàng. Logo này phù hợp với thông điệp mới của chuỗi siêu thị bán lẻ lớn nhất thế giới là "Tiết kiệm để sống tốt hơn". Với hệ thống nhận diện mới, Wal-Mart trở nên gần gũi và tiếp cận đến mọi tầng lớp người tiêu dùng Mỹ, kể cả những người ở vùng ngoại thành và nông thôn.

BP - Logo đẹp cũng khó cứu được hình ảnh tồi

Với một loạt scandal gần đây, logo bắt mắt của BP cũng khó có thể giúp họ cải thiện hình ảnh.

Sau khi Công ty British Petroleum sáp nhập với Amoco, gã khổng lồ dầu mỏ đã giao nhiệm vụ cho hãng xây dựng thương hiệu Landor & Associates và công ty quảng cáo Oglivy & Mather việc "làm đẹp" cho hệ thống nhận diện của tập đoàn. Yêu cầu đặt ra là gắn BP với hình ảnh một công ty có suy nghĩ cấp tiến, có ý thức xã hội cao.

Không lâu sau đó, cựu CEO Lord John Browne được xây dựng hình ảnh trở thành lãnh đạo đầu tiên trong ngành dầu lửa có ý thức về thảm họa nóng lên toàn cầu. Biểu tượng chiếc khiên của BP được thay thế bằng logo mới, mang cảm hứng từ thần Helios trong thần thoại Hy Lạp. Qua logo này, BP muốn gửi thông điệp với cả thế giới rằng họ quan tâm tới những nguồn năng lượng thay thế thân thiện với môi trường như nhiên liệu sinh học, năng lượng mặt trời. Các chiến dịch quảng cáo không ngừng nghỉ ra sức nhồi vào đầu dân chúng khẩu hiệu "xăng và hơn thế nữa".

Tuy nhiên một loạt các scandal như tràn dầu và tai nạn lạo động khiến dư luận dấy lên câu hỏi về bộ mặt thật của BP đằng sau tấm mặt nạ đầy hào quang. "Nếu những scandal này không được giải quyết, hình ảnh thương hiệu của họ cũng sẽ mất dần uy tín", Brendán Murphy, quản lý cấp cao tại hãng quản lý thương hiệu Lippinott nói.

Kraft Foods - Thiếu tổ chức và không rõ ràng

Logo mới (dưới) của Kraft không được dư luận ủng hộ.

Việc tung ra các sản phẩm chứa nhiều chất béo như Kraft Macaroni & Cheese và mối liên kết với nhà sản xuất thuốc lá Philip Morris cũng "ám khói" luôn cả sự nghiệp của hãng thực phẩm Kraft Food. Sau khi tách ra thành một công ty độc lập, hãng này quyết tâm thay đổi hình ảnh. Hồi tháng 2 vừa rồi, hãng Kraft tung ra logo mới với hình dáng mảnh mai hơn, ngụ ý sản phẩm của họ ít chứa chất béo và có lợi cho sức khỏe.

Tuy nhiên mọi việc không được như mong đợi. Các nhà phân tích xem logo mới do hãng Nitro thiết kế là một thảm họa và khẳng định họ không nhận được bát cứ thông điệp gì từ logo hiện nay. Với hình ảnh mới, Kraft Food biến thành một bụi cây, nảy nở ra những bông hoa và cánh bướm.

Ngoài ra, việc Kraft Food thay tới 2 logo trong một thời gian ngắn khiến người ta nghĩ rằng hãng này đang loay hoay trong việc tìm ra lối thoát. Đó còn chưa kể logo mới này hao hao như biểu tượng của hãng sữa chua Yoplait's.

Procter & Gamble - Không còn ác quỷ

Logo mới đơn giản và thân thiện của P&G.

Khi Procter & Gamble đi vào hoạt động hồi 1851, logo của hãng là hình một người đàn ông có bộ râu dài với 13 ngôi sao, biểu tượng cho 13 thuộc địa đầu tiên trên đất Mỹ cũng như lá cờ Mỹ thuở ban đầu. Tuy nhiên, nhiều kẻ dèm pha lại cho rằng những ngôi sao này và hình vòng cung đều ám chỉ đến con số của quỷ dữ 666.

Đến năm 1991, hãng P&G nỗ lực đập tan lời đồn bằng cách cắt bỏ bộ râu của ông già nhưng cũng không thành công. Hai năm sau đó, công ty này quyết định quẳng logo vào thùng rác và thay bằng biểu tưởng mới đơn giản như hiện nay.

Thanh Bình (theo CNN)

source

http://vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/Kinh-nghiem/2009/08/3BA1240E/

Saturday 8 August 2009

Từ 0g ngày 9.8.2009: xăng tăng 500đ/lít, dầu hoả giảm 500đ/lít


Ngày 08.08.2009 Giờ 20:40

Từ 0g ngày 9.8.2009: xăng tăng 500đ/lít, dầu hoả giảm 500đ/lít

Tin xăng tăng giá từ 0g ngày 9.8 hầu như ít người biết, lượng người đổ xăng ở cây xăng vẫn bình thường, không đột biến. Ảnh chụp tại cây xăng góc ngã tư Phú Nhuận, TP.HCM lúc 20g34 tối 8.8.2009. Ảnh: Lê Quang Nhật

Từ 0g ngày 9.8.2009, giá xăng sẽ tăng thêm 500đ/lít, giá dầu mazut lên 1.000đ/lít, giá dầu hoả giảm 500đ/lít. Riêng giá dầu diesel giữ nguyên. Đó là quyết định của liên bộ Tài chính - Công thương chấp thuận đề nghị tăng giá bán xăng, dầu của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, theo quyết định số 184/QĐ-BTC của bộ trưởng Tài chính ký lúc 19g tối 8.8.2009.

Như vậy, xăng không chì A95 có giá mới là 15.200đ/lít, xăng A92 là 14.700đ/lít, dầu mazut có giá 11.500đ/kg, dầu diesel vẫn ở mức giá 12.100đ/lít (loại 0,05S) và dầu hoả còn 13.150đ/lít.

Đây là lần tăng giá xăng dầu thứ 6 từ đầu năm 2009 đến nay. Trong ngày cuối tuần 7.8, giá dầu thế giới ở mức 70,93 USD/thùng (giao tháng 9), giảm 1,4% so phiên giao dịch trước. Lần tăng giá xăng dầu mới đây nhất là vào ngày 1.7.2009 (xăng tăng 700đ/lít, diesel tăng 600đ/lít, mazut tăng 500đ và dầu hoả tăng 650đ/lít), giá dầu thế giới vẫn ở mức 70 USD/thùng. Cả lần tăng giá xăng dầu trước đó, ngày 10.6.2009, giá dầu thế giới cũng chỉ ở mức 70 USD/thùng. Giá xăng dầu trong nước đang tăng không cùng nhịp với thế giới!

Các lần tăng giá xăng dầu trong năm 2009 (tính theo giá xăng A92)

Thời gian

2.4

11.4

8.5

10.6

1.7

9.8

Giá xăng A92 (đ/lít)

11.500

12.000

12.500

13.500

14.200

14.700

Giá dầu thế giới (USD/thùng)

50

52

57

70

70

70

Xe bồn chở xăng cũng đã túc trực sẵn. Ảnh: Lê Quang Nhật

Đây là lần tăng giá xăng dầu thứ 6 từ đầu năm đến nay. Ảnh: Lê Quang Nhật

M.Q – H.S

-------------------------------------------------------------------------------------------------

source

http://sgtt.com.vn/Detail29.aspx?ColumnId=29&newsid=55278&fld=HTMG/2009/0808/55278

Thursday 6 August 2009

Trung Quốc: Trà sữa trân châu hay “trà sữa polymer”

Ở khắp mọi nơi trên đất nước Trung Quốc đều có sự hiện diện của các quán trà sữa trân châu hấp dẫn. Nhưng mới gần đây, theo điều tra thị trường của phóng viên Trung Quốc, thành phần làm ra ly sữa và hạt trân châu không những không bổ béo gì mà còn độc hại.

Nắng hè gay gắt đã trở thành điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh doanh của các quán trà sữa trân châu. Từ phố lớn phố nhỏ, đường to đường bé, ngõ hẻm ngóc ngách, người người uống trà sữa trân châu.

Mô tả ảnh.
Mùa hè oi ả khiến các quán trà sữa trân châu luôn tấp nập khách vào ra. (Ảnh: Xaluan)

Giá thành mỗi cốc trà = nửa tệ (khoảng 1000VND)

Trên các khu phố lớn, 1 cốc trà sữa trân châu có giá từ 4 tệ đến 8 tệ, nhưng ở một số tiệm trà sữa ở quanh trường học và siêu thị, giá của những cốc trà sữa trân châu được làm từ những nguyên liệu không rõ xuất xứ chưa đến 3 tệ.

3 “pháp bảo” để làm trà sữa trân châu là: bột sữa, trân châu và đường hóa học. Như vậy có thể thấy giá thành phẩm, giá nguyên liệu của loại đồ uống hấp dẫn này vô cùng rẻ.

Theo ghi nhận của phóng viên Trung Quốc, trong mấy cơ sở chuyên bán buôn nguyên liệu làm trà sữa, có rất nhiều những gói bột sữa các loại, lớn nhất là 50kg, được xếp đống ở dưới đất. Giá cả của chúng dao động từ 20 tệ đến 400 tệ. Mỗi gói bột sữa như thế có thể pha ít nhất 400 ly trà sữa. Chủ tiệm còn cho biết bột sữa và bột trà được đóng vào cả những gói có khối lượng tịnh nhỏ để thuận tiện cho việc pha chế của những quán trà sữa trân châu nhỏ.

Một chủ cửa hàng khác cho biết: “Thường thường những gói bột sữa 200 tệ bán rất chạy”. Còn “trân châu” thì sao? Người ta đóng mỗi gói trân châu khoảng 2kg, bán 10 tệ một gói, mỗi gói như thế đủ dùng cho hơn 100 cốc. “ Tính thêm cả tiền cốc nhựa, tiền thuê nhân công và tiền thuê cửa hàng, giá thành phẩm của mỗi cốc trà sữa khoảng nửa tệ” – ông chủ tiệm đó nói.

Chú ý quan sát bao ngoài của các túi nguyên liệu, phóng viên phát hiện, ngoài bao bột trà có ghi nơi sản xuất ở Thượng Hải ra, những bao bột sữa kia chỉ có dòng chữ ghi đại lý bán hàng, không thấy ghi gì thêm nữa.

Không dùng sữa tươi mà dùng bột sữa

Anh Cố Vĩ (tên nhân vật đã được thay đổi), 42 tuổi, từng làm chủ một hệ thống nhiều cửa hàng kinh doanh mặt hàng trà sữa trân châu, tiết lộ với phòng viên, trà sữa trân châu mang đến cho khách hàng những hương vị ngọt ngào quyến rũ, đồng thời nó cũng mang đến cho họ những căn bệnh rất nguy hiểm.

“Trong trà sữa trân châu thì ‘trà sữa‘ được coi là ‘linh hồn” Cố Vĩ nói, dùng bột sữa mà không dùng sữa tươi để pha trà, đây được coi là bí quyết hành nghề của những tiệm kinh doanh thức uống giải khát này. “10 ly sữa tươi cũng không cho được vị thơm đậm đà như 1 thìa bột sữa, đây cũng chính là nguyên nhân tại sao đa số tiệm trà sữa lại sử dụng bột sữa thay cho sữa tươi”.

Trên thực tế, một số nguyên liệu để làm trà sữa trân châu chỉ là những bột vụn mà thôi, thành phần cụ thể là: bột sữa, chất dẻo cao phân tử (nói trắng ra là nilon), sunphát natri ngậm nước (Na2SO4.10H2O) và một vài độc tố hóa học sử dụng trong công nghiệp như Clo.

Trong bảng thành phần của bột sữa đều ghi hàm lượng chất béo không cao quá 32%. Nhưng trên thực tế, thành phần chủ yếu của bột sữa lại chính là dầu thực vật qua quá trình Hydro hóa, đây chính là 1 loại axit béo. Chuyên gia cho biết: “Hàm lượng chất béo trong 500ml trà sữa đã vượt quá quy định nạp chất béo cho cơ thể của người bình thường trong 1 ngày, cứ tiếp tục như vậy, rất dễ mắc bệnh tim mạch, nổi u bướu, hen suyễn, thở khò khè…Trẻ nhỏ thì giảm sút trí lực”.

Mô tả ảnh.
Ít ai có thể ngờ những hạt trân châu dai dai, dẻo dẻo này lại là
hạt... nhựa. (Ảnh: Sketch-book)

Ăn “trân châu” tức là ăn “polymer”?

Trân châu làm tăng sức hấp dẫn cho ly trà sữa. Cố Vĩ nói: “Trà sữa trân châu có được sự mến mộ của khách hàng như ngày nay chính là nhờ có những viên “ngọc” đen đen, tròn tròn đó, rất nhiều những vị khách đến với trà sữa là do trót “phải lòng” những hạt trân châu dai dai, dẻo đẻo ấy”. Người trong nghề gọi nó là bột trân châu, thành phần chính của bột trân châu là bột sắn.

Nhưng nếu chỉ là bột sắn đơn thuần, thì hạt trân châu không thể có độ dai như thế, cho nên người ta khắc phục điều này bằng biện pháp đơn giản là trộn thêm lòng trắng trứng và bột mì. Dù như vậy, nhiều tiệm trà sữa vẫn thấy rằng trân châu của họ chưa đủ độ dai cần thiết, thế là họ chọn cách làm rất nhanh gọn: cho thêm vật liệu polymer. Cái gọi là “vật liệu polymer” nói trắng ra là nhựa. Đây cũng chính là bí quyết tuyệt mật của các tiệm “trà sữa polymer”. Cố Vĩ nhấn mạnh thêm: “Cơ thể con người không thể hấp thụ hợp chất đó, hậu quả của việc ăn nhựa thế nào, ai trong chúng ta cũng có thể tưởng tượng ra được”.

Nguồn tin đáng tin cậy cho biết, hiện nay chính phủ Trung Quốc đã kiểm soát nghiêm ngặt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Những sản phẩm gây hại cho sức khỏe người dân sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Đây cũng là tiếng chuông cảnh báo cho tất cả người tiêu dùng, nên thận trọng khi sử dụng đồ ăn thức uống. Nếu không, sức khỏe của chúng ta sẽ tỉ lệ nghịch với độ dai dẻo của “trà sữa polymer”.
  • Anh Quyên (Theo Renminwang – Mạng nhân dân)
  • ------------------------------------------------------------------------
  • source
  • http://www.vietnamnet.vn/thegioi/2009/08/862054/
  • Trung Quốc: Trà sữa trân châu hay “trà sữa polymer”

    Cập nhật lúc 14:27, Thứ Năm, 06/08/2009 (GMT+7)