Wednesday 20 April 2011

Giá cả tăng mạnh, CPI tháng 4 có thể tăng rất cao


Giá cả tăng mạnh, CPI tháng 4 có thể tăng rất cao
DIỆU HƯƠNG
20/04/2011 09:10 (GMT+7)

Thực phẩm và rau xanh tăng giá rất mạnh trong thờ gian gần đây.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2011 có khả năng vượt xa khỏi những dự báo trước đây
Tình hình giá cả thị trường nhiều mặt hàng đã tăng khá cao, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2011 có khả năng vượt xa khỏi những dự báo trước đây, chiều 19/4, một lãnh đạo cấp cục từ Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nói với báo chí. Trước đó, trong buổi bọp giao ban Tổ điều hành thị trường trong nước cuối tháng trước, con số dự báo cho CPI tháng 4/2011 là từ 1,6-1,8%. Cơ sở cho nhận định của vị lãnh đạo nói trên đến từ báo cáo tình hình giá cả thị trường 15 ngày đầu tháng 4/2011 của cơ quan này. “Trong 15 ngày đầu tháng 4/2011, giá các mặt hàng thiết yếu trong nước như lương thực, thực phẩm nhìn chung tăng so với cùng kỳ tháng 3/2011”, báo cáo cho biết. Xét về xu hướng giá cả, trong khoảng thời gian từ 16/3 đến 15/4, giai đoạn lấy số liệu tính toán CPI tháng 4/2011 của Tổng cục Thống kê, các “biến số” tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng chủ yếu là lương thực, thực phẩm và nguyên, nhiên liệu đầu vào của nền kinh tế. Với lương thực, thực phẩm, nhóm hàng hóa có quyền số lớn trong rổ hàng hóa tính CPI, nhiều mặt hàng tiêu dùng quan trọng có mức tăng giá rất mạnh trong tháng qua. Giá gạo tẻ thường tại miền Bắc đã tăng khoảng 200-500 đồng/kg; lúa tại miền Nam tăng giá từ 200-625 đồng/kg. Đáng chú ý là thịt lợn hơi có mức tăng giá rất mạnh, khoảng từ 10-15 nghìn đồng/kg; rau xanh nhiều loại tăng giá với mức phổ biến từ 500-4.000 đồng/mớ (kg); thủy hải sản như cá chép, tôm, mực ống… tăng khoảng 5-10 nghìn đồng/kg, theo báo cáo 15 ngày đầu tháng 4 của Cục Quản lý Giá. Một nhóm hàng hóa khác cũng có mức tăng giá khá mạnh trong tháng này là xăng dầu và gas. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 chịu sức ép từ hai lần tăng giá xăng dầu rất mạnh, lần đầu là ngày 24/2 với mức tăng 2.900 đồng/ lít xăng A92, gần đây nhất là ngày 29/3 tăng thêm 2.000 đồng/lít. Còn theo báo cáo của Cục Quản lý giá, Do giá khí hóa lỏng LPG nhập khẩu và tỷ giá VND/USD tăng nên giá LPG thị trường trong nước cũng tăng khoảng 22-23,5 nghìn đồng/bình trong giai đoạn 15 ngày báo cáo đề cập. Ngoài ra, giá điện được điều chỉnh từ ngày 1/3 cũng sẽ bắt đầu tác động mạnh đến các hóa đơn thanh toán tháng này, tăng thêm chi phí tiền điện cho người dân và doanh nghiệp. Với những biến động lớn vừa, khả năng chỉ số giá các nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; giao thông; nhà ở, điện, nước, vật liệu xây dựng sẽ tăng khá mạnh trong tháng này. Một số ước tính của các tổ chức nghiên cứu đang hướng CPI tháng 4/2011 ở mức dự báo tăng khoảng 3% so với tháng trước.
source
http://vneconomy.vn/20110420083011252P0C19/gia-ca-tang-manh-cpi-thang-4-co-the-tang-rat-cao.htm

Saturday 16 April 2011

Giá cả tiếp tục tăng cao ở Trung Quốc


VOA Tiếng Việt Cập nhật Thứ Sáu, 15 tháng 4 2011

Giá cả tiếp tục tăng cao ở Trung Quốc

Mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý đầu năm nay giảm đôi chút, trong khi giá cả lên đến mức cao nhất từ gần 3 năm.

Khách mua sắm tìm mua các mặt hàng giá rẽ
Hình: AP

Khách mua sắm tìm mua các mặt hàng giá rẽ


Ông Thịnh Lai Vận thuộc Tổng Cục Thống Kê Trung Quốc, nói với các phóng viên rằng chính phủ hài lòng về mức tăng trưởng kinh tế trong 3 tháng đầu năm nay.

Ông Thịnh nói rằng nền kinh tế quốc gia duy trì mức tăng trưởng nhanh và đều đặn, và đã có một khởi đầu rất tốt đẹp. Ông cho biết tổng sản phẩm quốc dân ghi nhận được mức gia tăng trong một năm là 9,7%.

Mức này thấp hơn một chút so với mức tăng trưởng 9,8% ghi nhận được trong quý trước. Đồng thời, ông Thịnh cho biết tình trạng giá cả tăng cao vẫn tiếp tục.

Ông Thịnh nói trong quý đầu năm nay, giá tiêu thụ nói chung tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái với mức tăng 4,9% tại thành thị so với 5,5% tại các vùng nông thôn. Ông cho biết giá thực phẩm tăng 11 phần trăm.

Chỉ số giá tiêu thụ của Trung Quốc trong tháng 3 tăng 5,4%, là mức cao nhất trong 32 tháng.

Các giới chức chính quyền Cộng sản Trung Quốc lo ngại về tình trạng tăng giá bởi vì nếu trở nên quá trầm trọng thì nó có thể châm ngòi cho sự bất ổn xã hội.

Nhiều gia đình Trung Quốc chi một phần lớn tiền vào thực phẩm vì thế giá các mặt hàng thực phẩm gia tăng là điều cực kỳ nghiêm trọng.

Một nhân viên phát thư 23 tuổi tên là Trương Hải Siêu nói anh ta cảm thấy sức ép.

Anh Trương nói tình hình chưa đến mức không chịu đựng nổi, nhưng những người như anh rõ ràng cảm thấy là giá cả tăng liên tục. Anh cho biết cứ vài tháng lại thấy giá mới cho những vật dụng mà anh muốn mua.

Chính phủ Trung Quốc đã tăng lãi suất 4 lần kể từ tháng 10 năm ngoái và tiến hành các biện pháp khác để làm hạ giá cả

source
VOA Vietnamese

Thursday 14 April 2011

Kỹ nghệ xe hơi rối loạn vì thiên tai Nhật



Kỹ nghệ xe hơi rối loạn vì thiên tai Nhật
Monday, March 28, 2011 7:42:23 PM



Giá xe sẽ đắt hơn, sẽ khó mua màu mình thích

TOKYO (AP) - Kỹ nghệ xe hơi trên thế giới đang gặp cơn khủng hoảng sau thảm họa động đất và sóng thần ở Nhật.

Xe hơi mới ở bãi đậu xe Toyota tại Sendai bị sóng thần phá hỏng. Thiên tai làm gián đoạn hệ thống cung cấp phụ tùng, làm rối loạn kỹ nghệ xe hơi toàn thế giới. (Hình: AP Photo/Wally Santana)

Nhiều tuần trước đây, giới mua xe bắt đầu gặp khó khăn khi chọn màu cho kiểu xe mình thích, hằng ngàn công nhân chế tạo xe được lệnh không đến xưởng, và các đại công ty như Toyota, Honda cùng nhiều hãng khác bị thiệt hại hằng tỉ đô-la.

Hơn hai tuần sau thảm họa thiên nhiên, đồ tiếp liệu chế tạo xe hơi từ các ‘chip’ điện tử đến chất màu dùng để pha sơn thiếu hụt nhanh chóng, trong khi các hãng xưởng ở Nhật đang cố gắng phục hồi sản xuất.

Trước mắt, các xưởng chế tạo xe hơi ở Mỹ, Âu Châu và Á Châu chưa cảm nhận trực tiếp hậu quả của sự thiếu hụt đồ tiếp liệu này ngay, vì các phụ tùng thường được chuyển đến chậm chạp bằng đường thủy. Ðiều này sẽ thấy rõ vào thời gian giữa tháng 4.

Koji Endo, giám đốc điều hành cơ quan nghiên cứu Advanced Research Japan ở Tokyo nói, đây là tác động lớn chưa từng có trong lịch sử kỹ nghệ xe hơi.

Hầu hết kỹ nghệ xe hơi ở Nhật hiện đang trong tình trạng giậm chân tại chỗ. Một số cơ xưởng bị tan hoang do động đất, nhưng với sự thiếu hụt về nguồn nước lẫn do tình trạng bị cắt điện luân phiên, không ai có thể khẳng định đến bao giờ các nhà máy mới bắt đầu khởi động trở lại. Một số phân tích gia cho rằng có thể phải chờ đến Mùa Hè năm nay.

Hệ thống phụ tùng phức tạp

Hitachi Automotive Systems, cơ xưởng chuyên chế tạo bộ phận cảm ứng chuyển vận khí và hệ thống điều khiển tay lái, đang chờ đồ tiếp liệu đến mới khởi sự sản xuất được. Trong thời gian chờ đợi, hãng này lại đang phải đối phó với nhiều vấn đề cơ sở như thiếu nước và khí thiên nhiên, phải chịu cảnh bị cúp điện luân phiên, công nhân lo sửa trần nhà bị sụp, tường sập, cũng như thu dọn miểng kiếng vỡ. Một phát ngôn viên cho biết không rõ đến bao giờ mới có thể bắt đầu sản xuất trở lại.

Tình trạng bấp bênh khiến những cơ sở tiếp liệu, hãng chế tạo xe hơi và các đại lý phải co cụm. Ðiều này cho thấy mức tác hại do kỹ nghệ xe hơi có hệ thống cung cấp tiếp liệu vô cùng phức tạp. Mỗi chiếc xe có 3,000 bộ phận, và mỗi bộ phận được làm từ hàng trăm phần nhỏ, do nhiều công ty cung cấp. Chỉ cần một phần bị thiếu hay gửi đến trễ, cả chiếc xe sẽ không chế tạo được.

Khi công ty General Motors tạm đóng cửa một xưởng làm xe tải nhỏ ở Shreveport, Louisiana, do thiếu cơ phận, một phần xưởng chuyên cung cấp động cơ cho những xe ấy phải chịu cảnh đóng cửa theo. Hãng xe Volvo ở Thụy Ðiển cảnh cáo việc sản xuất của họ có thể bị gián đoạn vì thiếu cơ phận dùng trong một tuần.

Hàng trăm phần nhỏ từ nhiều nước

Ðể hiểu rõ thêm về dây chuyền sản xuất, hãy cùng xem việc chế tạo máy radio dùng trong xe. Dụng cụ điện tử này được chế tạo từ hàng trăm phần nhỏ cung cấp từ khắp thế giới. Màn hình có thể làm ở Nhật, trong khi dây nhợ và mạch điện lại từ Nam Hàn. Núm chỉnh âm thanh, chỉnh đài làm bằng nhựa được chế tạo tại một công ty ở Trung Quốc, và khung sắt bọc bên ngoài có thể do Ấn Ðộ gửi sang.

Tất cả các cơ phận nói trên sẽ được ráp lại ở những thời điểm khác nhau như: Dây nhợ và các bộ phận điện tử được đem gắn vào khung sắt, rồi cả phần này được gửi sang một nhà thầu cung cấp khác, nơi đây người ta sẽ ráp núm vặn và mặt ngoài bằng nhựa vào. Chiếc máy radio có thể qua tay thêm ba bốn nhà thầu cung cấp khác nữa trước khi cho xuống tàu, mất hàng tuần lễ lênh đênh trên biển hướng về điểm đến cuối cùng, đó là xưởng ráp xe hơi.

Brian Johnson, một phân tích gia của Barclays Capital nói: “Chuyện không có đơn giản như khi ráp một chiếc máy iPad 2.”

Người mua xe rồi đây sẽ thấy giá thành lên mà lại ít được chọn lựa hơn. Một số màu xe khó có thể kiếm ra vì xưởng chế tạo chất màu để làm sơn bị hư hại nặng khiến phải ngưng sản xuất. Do vậy, hãng Ford thông báo với các đại lý thôi đặt hàng màu đen “áo tuxedo” cho kiểu xe tải F-150, và xe SUV Expedition và Navigator. Một số màu đỏ cũng chịu chung cảnh ngộ tương tự. Ford nói đây chẳng qua chỉ là biện pháp thận trọng mà thôi. Trong khi đó, hãng Chrysler cho đại lý của mình biết họ tạm không nhận đặt hàng 10 loại màu cho các kiểu xe.

Sự kiện này gây lo ngại cho các đại lý, đặc biệt khi màu ăn khách như màu đen lại không có để mà bán. Fortunes O'Neal, tổng giám đốc đại lý Park Cities Ford ở Dallas nói: “Trong thời buổi kinh tế khó khăn như thế này, bán được một chiếc Navigator trị giá $60,000 đã là một điều khó rồi. Chúng tôi đâu muốn mở miệng nói với khách hàng, ‘xin làm ơn chọn màu khác đi.’” (T.P.)

source

Nguoi Viet Online