Friday 26 November 2010

Mùa mua sắm cho ngày lễ tại Hoa Kỳ bắt đầu


VOA Tiếng Việt Cập nhật Thứ Bảy, 27 tháng 11 2010

Mùa mua sắm cho ngày lễ tại Hoa Kỳ bắt đầu

Hôm thứ Sáu Tại Hoa Kỳ thiên hạ ồ ạt kéo nhau đi mua sắm từ sớm tinh mơ, tìm kiếm những món hàng giá hạ trong lúc mùa sắm sửa cho ngày lễ theo thông lệ đã bắt đầu. Rơi vào ngày tiếp theo sau lễ Tạ Ơn tại Hoa Kỳ, ngày mở đầu mùa mua sắm thường được gọi là Thứ Sáu Đen vì nó là ngày mà các nhà bán lẻ bắt đầu kiếm được lời. Năm nay, cũng như những năm trước, giới tiêu thụ Mỹ không chần chờ, một số còn đến chầu chức sớm nhiều tiếng đồng hồ trước khi các cửa hàng mở cửa để rình mua cho được những món hàng với giá rất hời.

Khách hàng xếp hàng dài từ đêm trước ở cửa hàng Best Buy
Hình: AP

Khách mua sắm kéo đến cửa hàng đông như trẩy hội


Họ kéo nhau đi đông như trẩy hội, nhào vào trong các cửa hàng, như cảnh tượng xảy ra tại bang North Carolina vào lúc nửa đêm, để giành mua cho được những món đồ chơi và đồ điện tử đại hạ giá.

Một phụ nữ nói, “Tôi tìm mua dược một TV hiệu Samsung màn hình 101 cm mà giá có 500 đô la thôi, rẻ quá!”

Môt ông khách thì xuýt xoa vì mua được một máy vi tính nhỏ Compaq Notebook, giá chỉ có 150 đô la. Không thể nào rẻ hơn được nữa!

Một khách hàng khác nữa thì kể rằng ông mua 2 máy vi tính, 2 TV và một dụng cụ đọc sách điện tử. Mọi người hào hứng kéo nhau đi mua sắm săn lùng giá rẻ vào ngày này.

Liên Đoàn các nhà Bán Lẻ Toàn Quốc trông đợi sẽ có gần 140 triệu khách hàng đến mua sắm ở những cửa hàng tại Hoa Kỳ vào cuối tuần này. Như vậy sẽ hơn năm ngoái đến 4 triệu, con số cao nhất kể từ năm 2006 đến nay.

Chuyên gia phân tích công nghiệp Marshal Cohen cho rằng nguyên nhân của con số khách hàng đổ xô đi mua sắm là do sự mỏi mệt vì cần kiệm từ bấy lâu nay của giới tiêu thụ. Ông nói:

"Giới tiêu thụ đã mỏi mệt với sự cần kiệm mà bấy lâu nay họ phải theo. Họ đã ngán phải thu mình trong cái vỏ kén cần kiệm không dám tiêu xài từ bấy lâu nay nên họ bắt đầu mua sắm cả cho họ lẫn cho những người trên danh sách mà họ sẽ cho quà vào ngày lễ giáng sinh.”

Cũng theo chuyên gia Cohen sau nhiều năm lượng hàng bán ra bị sa sút, các nhà bán lẻ ngày càng tinh nhậy hơn, chào hàng với những giá rất hạ, và sớm hơn nhiều trong mùa lễ. Ông giải thích tiếp:

"Điều thực sự đang diễn ra là các nhà bán lẻ đang tranh giành nhau để bán hàng. Số lượng khách chỉ có thế, vì vậy họ cạnh tranh ráo riết với nhau. Và cuối cùng thì các cửa hàng bán lẻ đã nhận thức được rằng họ phải cạnh tranh với dịch vụ bán hàng qua mạng Internet. Họ phải mở cửa nhiều giờ hơn để đón những khách hàng muốn đi mua sắm ở những giờ thuận tiện cho họ."

Còn giới tiêu thụ thì cũng rất chú ý đến những quảng cáo của các cửa hàng. Nhiều người tự cho rằng họ mua sắm khôn ngoan hơn, nghiên cứu kỹ lưỡng cửa hàng nào quảng cáo những món hàng đặc biệt trước khi đến tận nơi thật sớm.

Thế nhưng đối với những khách hàng bình thường không vội vã đổ xô đi mua sắm vào những ngày đầu mùa lễ săn lùng những mặt hàng bán đại hạ giá, ông Cohen cảnh báo rằng những món hàng với giá hời sẽ không còn ở lâu trong các cửa tiệm, vì các nhà bán lẻ không có nhiều hàng tồn kho trong năm nay trong lúc các nhà sản xuất và các cửa hàng bán lẻ muốn bán hết hàng tồn kho.

Theo dự đoán, các cửa hàng trên mạng cũng ăn nên làm ra, doanh thu có thể tăng đến 30% so với năm ngoái.

Mặc dù có dấu hiệu khởi đầu rất tốt, các kinh tế gia cho hay số tiền mà khách hàng chi ra vẫn thấp hơn so với mức trước khi xảy ra vụ suy thoái kinh tế. Khách hàng tâm sự rằng họ thận trọng trong việc chi tiêu khi mà con số thất nghiệp vẫn còn cao đến 9,6%.
source
VOA Vietnamese

Monday 22 November 2010

TRUNG QUỐC : Lại phát hiện sữa trộn độc tố melamine


TRUNG QUỐC -
Bài đăng : Thứ hai 22 Tháng Mười Một 2010 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 22 Tháng Mười Một 2010
Lại phát hiện sữa trộn độc tố melamine
Reuters
Trọng Thành

Nhiều sản phẩm sữa trộn melamine lại được tìm thấy tại nhiều địa điểm bán hàng của một thành phố, thuộc tỉnh Hồ Bắc. Các phân tích cho thấy tỷ lệ melamine trong các sản phẩm kể trên rất cao. Theo giới điều tra doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này đã chủ ý mua sữa bột có chứa melamine để làm hàng bán.

Melamine là chất được sử dụng nhiều trong công nghiệp để chế tạo keo dán, nhựa tổng hợp, và cả phân bón hóa học. Có thành phần khá giống proteine, chất này được nhiều doanh nghiệp sử dụng để pha lẫn với nước, nhằm tăng hàm lượng proteine trong sữa và nhờ thế giảm được giá thành sản xuất.

Trong thời gian mấy năm gần đây, tại Trung Quốc, nhiều vụ sữa có chứa độc tố melamine đã được phát hiện. Nghiêm trọng nhất là vụ việc được phát giác năm 2008, được cơ quan điều tra kết luận là nguyên nhân khiến 6 trẻ em thiệt mạng và làm cho khoảng 300 000 em khác mắc bệnh. Trong vụ việc này, 21 người có trách nhiệm đã bị đưa ra tòa, trong đó có hai người bị kết án tử hình.

Vụ bê bối này đã khiến cho các sản phẩm sữa Trung Quốc bị cấm vận ở nước ngoài. Tháng 9 vừa qua, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã hứa sẽ áp dụng án tử hình để với những người vi phạm nghiêm trọng an toàn thực phẩm.

Cũng trong vấn đề sữa trộn melamine, nhà tranh đấu người Trung Quốc Triệu Liên Hải bị kết án 2 năm 6 tháng tù tại một tòa án ở Bắc Kinh vào thứ tư tuần trước, tuyên bố sẽ kháng án. Luật sư của ông Triệu Liên Hải cho biết con ông Hải đã bị mắc bệnh, sau khi uống phải sữa trộn melamine. Ông Triệu Liên Hải bị bắt vào tháng 12 năm 2009, vì bị kết tội đã gây rối loạn trật tự công cộng, khi ông chủ trương tập hợp những người bị loại sữa độc này làm hại, để đòi bồi thường.

Tổ chức bảo vệ quyền con người, Ân Xá Quốc tế, đã cực lực lên án việc kết án ông Triệu Liên Hải và khẳng định rằng nhà tranh đấu này hoàn toàn không phải là tội phạm.

source

RFI Vietnamese

Monday 15 November 2010

Mãi Võ Vào Thượng Đỉnh


November 14, 2010

Mãi Võ Vào Thượng Đỉnh

NGUYỄN XUÂN NGHĨA/Việt Tribune

Chính binh và kỳ binh trên mặt trận kinh tế

Thăm viếng Trung Quốc trước khi đến Hán Thành dự Thượng đỉnh của khối G-20, Thủ tướng Anh David Cameron được giới chức Bắc Kinh kín đáo yêu cầu… bóc hoa trên ngực.
Chuyện hoa hoè này cần vài lời giải thích.
Trong Thế chiến I (1914-1918), Anh bị thiệt mất một triệu rưởi người. Từ đó, ngày ký hiệp định đình chiến – 11 tháng 11 năm 1918 – là ngày chiến sĩ trận vong của họ. Vào dịp lễ này và nhớ bài thơ của một Trung tá Lục quân Gia Nã Đại ca tụng sự hy sinh của các chiến binh đồng minh trên cánh đồng Flandre ở Âu Châu với hai câu đầu nói đến rừng hoa poppy dạt dào trong dãy thánh giá của nghĩa trang, dân Anh gắn trên ve áo hình tượng của hoa poppy. Thủ tướng Anh Cameron cũng vậy, ông có bông hoa đỏ chót trên áo khi tới Bắc Kinh
Nhưng poppy – pavot của Pháp – chính là hoa của… cây thẩu cho ta thuốc phiện.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo, trái, đón Thủ tướng David Cameron, với bông hoa đỏ trên áo. Hình Getty Images

Người Anh thì nhớ chiến sĩ trận vong của họ. Trung Quốc lại nhớ tới cái nhục của Chiến tranh Nha phiến vào thời Gia Khánh! Vì vậy, họ yêu cầu Thủ tướng Anh bóc hoa poppy ra khỏi áo. Dĩ nhiên là ông Cameron từ chối. Ông có đeo cờ... Tây Tạng hay hình của đức Đạt Lai Lạt Ma đâu mà Bắc Kinh phải ồn ào như vậy.

Chuyện rất nhỏ này khiến ta nhớ lại cả trăm giai thoại đi sứ của mình và những đòn phép ngoại giao rất vặt được văn hoá Trung Hoa coi là rất lớn! Thể diện của Thiên triều mà.

Thật ra, bông hoa cài trên áo chỉ là đốm nhỏ trong một chuỗi biến cố cho thấy là trước khi bước vào Thượng đỉnh, nhiều người đã diễu võ theo kiểu giáo đầu tuồng. Đấy là lúc ta nhớ lại câu chuyện tuần trước trên cột báo này: “Hoa Kỳ Nghênh Chiến: Ba đầu, sáu tay, và một cái máy in bạc….”

Số là tuần trước, Ngân hàng Trung ương Mỹ loan báo quyết định là suốt tám tháng tới sẽ bơm thêm 600 tỷ Mỹ kim vào nền kinh tế. Xin gọi tắt là “quyết định QE” – từ chữ quantitative easing. Thật ra, từ Tháng Tám rồi, ai theo dõi vấn đề kinh tế đều đoán biết việc này, chỉ chưa rõ ngân khoản bơm ra sẽ là bao nhiêu, từ 500 đến 800 tỷ? Nói theo thuật ngữ chuyên môn thì thị trường đã “tiêu hoá” tin này và “kết hợp” vào trị giá của đồng Mỹ kim.

Bài viết tuần trước còn trình bày thêm rằng quyết định in bạc này không lớn, trung bình cỡ 75 tỷ một tháng thôi. Nhưng là tín hiệu về khả năng xoay trở của Hoa Kỳ, và tác động tâm lý thì quả nhiên là gây chấn động toàn cầu: làm Bắc Kinh la trời như bọng!

Quả là một màn giáo đầu tuồng của Mỹ trước khi vào Thượng đỉnh. Đúng một tuần sau khi Mỹ thông báo quyết định bơm tiền, Thứ Năm 11, Bắc Kinh đáp lễ bằng cách ấn định lại hối suất đồng Nguyên – cho thấp hơn! Xuống tới mức kỷ lục, trong khi Hoa Kỳ cứ cằn nhằn Trung Quốc định giá đồng Nguyên quá thấp. Đâm ra, màn Mỹ-Hoa múa đôi này còn hấp dẫn hơn chuyện hoa cài trên áo!

Nhưng, sự thật kinh tế còn ly kỳ hơn những võ công ảo diệu đó.

Trung Quốc đạt mức tăng trưởng quá cao, đang sợ áp lực lạm phát nên nay mai phải tăng lãi suất hoặc nâng dự trữ pháp định của ngân hàng – lần thứ tư từ một năm nay – để kềm hãm tín dụng và hạ nhiệt kinh tế. Trong lúc dầu sôi lửa bỏng đó, từ bên kia Thái bình dương, Hoa Kỳ lại bấm nút in bạc làm tư bản nóng sẽ chảy vào Hoa lục và gây khó cho các đấng con trời.

Nghĩa là hình như là trong khi Bắc Kinh diễu võ thì Mỹ lại rút ván cho đất lệch.

Những chuyện như thế có thể là lý thú trong lúc trà dư tửu hậu. Nhưng thực tế kinh tế lại khốc liệt hơn và nếu hiểu ra phần nào thì mình còn có thể thấy được thế nào là đòn hư, là đòn thực.

Tại Thượng đỉnh G-20, nguyên thủ của 19 quốc gia có nền kinh tế giàu nhất thế giới cùng Liên hiệp Âu châu và các giới chức tài chánh ngân hàng quốc tế sẽ họp bàn về các hồ sơ kinh tế thế giới. Những hồ sơ nóng nhất kỳ này là 1) hiện tượng thất quân bình ngoại thương vì có nước đạt xuất siêu quá lớn như Trung Quốc hay Đức và có nước bị nhập siêu quá mạnh như Mỹ, 2) sự bất ổn về hối đoái vì trong khi Mỹ kim và đồng Nguyên hạ giá – và chiếm ưư thế cạnh tranh nhờ hàng rẻ hơn – thì nhiều đồng bạc khác lại lên giá khiến chính quyền phải can thiệp vào thị trường hối đoái, 3) vì chuyện đó mà thế giới sợ nguy cơ chiến tranh hối đoái và phản ứng bảo hộ mậu dịch: xứ nào cũng mong giữ cho đồng bạc của mình được rẻ để xuất cảng cho nhiều hầu kéo kinh tế ra khỏi suy trầm và đồng thời tìm cách hạn chế nhập cảng. Như vậy, làm sao tái lập quân bình ngoại thương để kinh tế toàn cầu cùng phát triển trong ổn định, hài hòa?

Các quốc gia đã tranh luận với nhau về ngần ấy vấn đề và trước khi vào cuộc thì túi bụi phóng ra những tín hiệu như người mãi võ để giương oai. Trong đó, có một danh hài là Tổng trưởng Ngân khố Mỹ Timothy Geithner. Tuần qua, ông học phép… Hà Nội mà định ra chỉ tiêu: “Các quốc gia nên hạn chế xuất siêu – thặng dư ngoại thương – chừng 4% Tổng sản lượng Nội địa là đẹp”. Lập tức bị Đức quạt cho tắt bếp và Geithner ngỏn ngoẻn rút lại đề nghị này.

Chính là giữa bối cảnh ấy ta mới chú ý đến những đòn giáo đầu tuồng của Hoa Kỳ và Trung Quốc ở hai cực đối lập. Lồng trong đó là sự hung hăng của Bắc Kinh và phản ứng phòng ngự của một chuỗi quốc gia, từ Nam Hàn tới Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, và sự tái xuất hiện của Hoa Kỳ tại Đông Á...

Bây giờ mới nói đến đòn hư và đòn thực, kỳ binh và chính binh.

Hãy nói đến chuyện giao dịch mua bán, được ghi trong “cán cân thương mại” – xin lỗi về chuyện kế toán và kinh tế nhức đầu này.

Các quốc gia mua bán với nhau có thể vừa xuất cảng hàng hoá vừa xuất cảng cả tiền để giúp xứ khác mua hàng hoá đó. Khi xuất cảng hàng thì “được” thặng dư trong cán cân hàng hóa, khi xuất cảng tiền thì “bị” khiếm hụt cán cân tư bản. Có quốc gia khác thì vừa nhập cảng hàng hóa vừa nhập cảng cả tiền để mua hàng, khi ấy “được” thặng dư tư bản và “bị” khiếm hụt về hàng hóa. Thặng dư hay khiếm hụt đó là chỉ những biểu hiện kế toán của việc giao dịch.

Sau Thế chiến II, hai đồng minh mới của Hoa Kỳ đã đạt thặng dư ngoại thương, hay xuất siêu, xuất nhiều hơn nhập, là Nhật Bản và Tây Đức. Trường hợp ngược lại, bị nhập siêu, là nhập nhiều hơn xuất về hàng hóa, nhưng cũng được thặng dư tư bản, là Hoa Kỳ hay cả Ấn Độ. Chuyện đó không là vấn đề.

Thế rồi, trong mấy thập niên liền, các nước Đông Á – dẫn đầu là Nhật Bản – đã muốn được cả hai. Xuất siêu nhờ xuất cảng tối đa, bất kể lời lỗ và đạt thặng dư tư bản đưa vào kho dự trữ ngoại tệ. Đi sau và học phép Nhật Bản, Trung Quốc cũng theo chiến lược đó. Đạt xuất siêu rất cao và có một khối dự trữ ngoại tệ rất lớn, ngày nay lên tới 2.600 tỷ đô la, và... xuất cảng tư bản qua Mỹ để mua Công khố phiếu Hoa Kỳ, khoảng gần 900 tỷ.

Tình trạng này phải coi là bất thường khi các nước nói trên theo đuổi nguyên tắc tự do mậu dịch, nhưng một chiều. Là chỉ tự do xuất cảng ra và hạn chế nhập cảng vào, khiến hàng hóa trong thị trường nội địa trở thành khan hiếm đắt đỏ. Lồng bên dưới là khẩu hiệu thắt lưng buộc bụng cho quốc gia phú cường. Hãy nghĩ đến một miếng thịt bò hay một ngôi nhà ở tại Nhật cách đây hơn hai chục năm. Khi ấy, cả nước Mỹ hốt hoảng tin rằng Nhật Bản đang mua hết tài sản của Mỹ... cho tới khi Nhật bị khủng hoảng từ năm 1990, hay các nước Đông Á khác vào năm 1997.

Ngày nay, Trung Quốc cũng lại ngạo nghễ như Nhật về kinh tế, nhưng ngang ngược gấp trăm về ngoại giao và chính trị – lẫn quân sự.

Đấy là lúc ta nhìn qua Ấn Độ. Xứ này thật sự đa nguyên và có dân chủ từ thời độc lập, nhưng theo đuổi chiến lược phát triển kiểu bao cấp, xã hội chủ nghĩa: tự do chính trị ở trên nhưng hạn chế tự do kinh tế ở dưới. Từ năm 1991, khi Nhật Bản bị khủng hoảng thì cũng là lúc Ấn Độ tiến hành cải cách kinh tế cho tự do hơn. Thể chế dân chủ trong một xã hội đa nguyên, đa chủng và đa văn hoá, không cho phép chính quyền xứ này ép dân thắt lưng buộc bụng. Họ giải tỏa hàng rào nhập cảng, “bị” nhập siêu nhưng được thặng dư về tư bản, tức là nhập cảng tư bản và đầu tư để phát triển xứ sở. Không thấy ai than phiền Ấn Độ về thặng dư tư bản hay can thiệp vào hối suất của đồng “rupee” là quá rẻ, như đồng Nguyên của Trung Quốc.

Vì vậy, vấn đề ở đây là sự vận hành của quy luật tự do mậu dịch – tự do xuất lẫn nhập – hơn là một tỷ lệ xuất siêu nào đó. Nếu quy luật đó được các nước đồng tình áp dụng thì sau dân Nhật, người dân Trung Quốc sẽ có cuộc sống thoải mái hơn. Thượng đỉnh G-20 là cơ hội nêu ra và giải quyết vấn đề. Nhưng ta không nên có nhiều kỳ vọng. Dù Tổng thống Barack Obama đã đổi ý và muốn khai thông, Hiệp định Tự do Thương mại song phương mà Hoa Kỳ ký kết từ năm 2007 với quốc gia đăng cai tổ chức Thượng đỉnh, là Nam Hàn, vẫn bị kẹt vì phản ứng bảo hộ của cả hai bên.

Bây giờ mới trở lại chuyện Trung Quốc.

Lãnh đạo xứ này không thể không biết là họ phải giải tỏa kiểm soát và áp dụng quy luật tự do – ít nhất về kinh tế – nhưng không thể giải tỏa quá sớm, quá mạnh vì quy luật đó sẽ đánh bung quyền lực của đảng. Vì vậy, mỗi bước giải toả – thật chậm – lại là một cơ hội mặc cả với quốc gia nhập cảng mạnh nhất và bán nhiều Công khố phiếu nhất cho họ, là Hoa Kỳ.

Đòn hù là “nếu ép quá, chúng tôi không mua Công khố phiếu của quý quốc nữa thì sao?” Phản đòn của Mỹ – mà các chính trị gia Hoa Kỳ thừa giáo dục và thiếu kiến thức kinh tế không dám nói ra – là “nếu không mua của thiểm quốc thì quý vị... mua ở đâu cho an toàn?” Thị trường trái phiếu Hoa Kỳ có kích thước lớn nhất và cũng an toàn nhất, hơn hẳn thị trường Yen của Nhật hay Euro của Âu Châu, đồng Anh kim hay Phật lăng Thụy Sĩ.

Trong khi ấy, thực tế kinh tế vốn cứng đầu nên vật giá gia tăng theo đà tăng trưởng ngay ở bên trong, làm Bắc Kinh không thể không đạp thắng và xiết vòi tín dụng. Chúng ta sẽ thấy lãi suất và dự trữ pháp định được tăng thêm một nấc trong tháng 12 này. Đúng vào lúc ấy, Hoa Kỳ in bạc và cho biết là còn có khả năng in nữa! Sự đời nào chỉ có 600 tỷ đô la!

Nghĩa là khả năng khuynh đảo của Trung Quốc đụng vào khả năng khống chế cũng ngang ngược không kém của Hoa Kỳ.

Năm xưa, đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ trong mấy chục năm hậu chiến là Nhật Bản mà còn bị ép là phải tôn trọng quy luật tự do và mở cửa mua bán cho bình đẳng hơn. Cụ thể là nâng giá đồng Yen từ năm 1985, vài năm sau là bị chấn động, cho đến nay vẫn chưa hồi phục. Bây giờ, đến lượt Trung Quốc. Khác với Nhật, chấn động kinh tế tại Trung Quốc sẽ dội lên thượng tầng chính trị!

Chưa chắc là Hoa Kỳ đã muốn như vậy, nhưng vốn dĩ đa nghi, Bắc Kinh tin chắc là nước Mỹ có ý đồ hắc ám đó... Vì thế, những chuyện múa may đang thấy ngày nay vẫn chưa là đòn thật![NXN]

source

Việt Tribune

Thursday 11 November 2010

Chính sách tăng mức lưu hoạt tiền tệ của Mỹ gây phức tạp cho hội nghị G-20


VOA Tiếng Việt Cập nhật Thứ Năm, 11 tháng 11 2010

Chính sách tăng mức lưu hoạt tiền tệ của Mỹ gây phức tạp cho hội nghị G-20

Những quan ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh tiền tệ lại nhen nhúm trở lại khi lãnh đạo các nước đến Nam Triều Tiên dự hội nghị quy tụ 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Vấn đề tranh cãi là kế hoạch của Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ, bơm 600 tỉ đô la tiền mặt để khởi động nền kinh tế đang trì trệ của nước Mỹ. Một số nhà phân tích cho rằng kế hoạch của Hoa Kỳ sẽ làm tổn hại các thị trường đang lên bằng cách đẩy cao hơn giá trị các đơn vị tiền tệ khác, và như thế làm tiêu tan hy vọng đạt được một thỏa thuận đa phương về nhiều vấn đề mậu dịch.

Hội nghị thượng đỉnh G 20 ở Nam Triều Tiên
Hình: VOA - Mil Arcega

Căng thẳng leo thang giữa lúc các nhà lãnh đạo các nước khối G-20 đến Nam Triều Tiên để dự hội nghị thượng đỉnh trong 2 ngày


Căng thẳng leo thang giữa lúc các nước khối G-20 tụ tập tại Nam Triều Tiên để dự cuộc họp 2 ngày. Các nhà lãnh đạo, từ Bắc Kinh cho đến nước Đức, đều tỏ thái độ hoài nghi về kế hoạch của Hoa Kỳ, bơm thêm nhiều tỉ đô la vào nền kinh tế toàn cầu.

Giới chỉ trích nói rằng chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, Fed, nhằm gia tăng mức lưu hoạt tiền tệ, một biện pháp được đặt tên là “Nới Lỏng Định Lượng” (dịch từ tiếng Anh Quantitative Easing, viết tắt là QE )- sẽ tràn ngập thế giới với đồng đô la rẻ, và đẩy giá trị các đơn vị tiền tệ khác lên cao.

Ông Ashraf Elgarf, một nhà phân tách tại London nói vấn đề này có thể phương hại đến cố gắng đạt thỏa thuận:

“Rõ ràng các vị bộ trưởng của nhiều nước đều cảm thấy choáng váng về chính sách QE của Mỹ, trong khi nước Mỹ là quốc gia chủ yếu chống đối việc đồng nguyên của Trung Quốc được duy trì ở mức thấp hơn giá trị của nó. Do đó mà chúng ta đang đối mặt với một số vấn đề cơ bản. Cá nhân tôi tôi không dự kiến họ sẽ đồng thuận với nhau về vấn đề nào khả dĩ có thể giúp mọi người cảm thấy hài lòng vào cuối tuần này.”

Mặt khác, kinh tế gia Colin Bradford thuộc Trung tâm Quốc tế Cải tiến Khả năng Quản trị, CIGI, nói bất đồng ý kiến là điều tốt, nếu điều này buộc các quốc gia phải đào sâu hơn để tìm ra một giải pháp. Ông giải thích:

“Nhiều người cho rằng vì những tranh chấp mà hội nghị G 20 sẽ thất bại, trong khi lẽ ra việc này phải liên quan tới nỗ lực phối hợp. Tôi thì có ý kiến trái ngược. Tôi cho rằng hội nghị đã là một thành công bởi vì mọi người phải trực diện với thực tế về chính sách nội bộ và chính trị của các nước khác.”

Ông Bradford tin rằng Trung Quốc đang dùng vấn đề này để đánh lạc hướng trước sức ép của quốc tế chống lại đồng nguyên. Hoa Kỳ cho rằng một đồng nguyên yếu một cách giả tạo đã giúp hàng xuất khẩu của Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh.

Chính sách của Hoa Kỳ có thể gây thêm phức tạp cho các cuộc tranh luận, song theo ông Bradford thì rốt cuộc đây có thể là một lợi khí để mặc cả. Ông nói:

“Các nhà lãnh đạo thế giới, khi có mặt trong một phòng họp và phải thương lượng với nhau, họ thường có khuynh hướng giữ lễ độ, tôi nghĩ thế, họ tỏ ra tôn trọng lẫn nhau và cố gắng vượt lên trên tình hình, trong khi giao lại cho các bộ trưởng đặc trách các bộ chuyên môn, tranh luận với nhau về những chi tiết.”

Vừa kết thúc chuyến công du Ấn Độ và Indonesia, Tổng Thống Barack Obama hối thúc các nhà lãnh đạo G 20 hãy tăng cường hợp tác. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng trước hết ông phải thuyết phục được các nhà lãnh đạo khác, rằng một nền kinh tế Mỹ lành mạnh là yếu tố thiết yếu cho tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu.

Chưa gì Tổng thống Barack Obama đã có một đồng minh, đó là Bộ trưởng Tài chánh George Osborne của nước Anh. Bộ trưởng Osborne nói:

“Tất cả mọi người sẽ được quyền lợi, với một nền kinh tế Mỹ lấy đà trở lại. Đó là yếu tố cực kỳ quan trọng đối với châu Á, và cũng hết sức hệ trọng đối với châu Âu.”

Mặc dù cuộc tranh luận về chính sách của Mỹ là vấn đề được giới truyền thông chú ý nhiều nhất, thế nhưng nhiều nhà phân tách tin rằng cuộc họp 2 ngày tại Nam Triều Tiên sẽ đưa đến các thỏa thuận về nhiều mặt, kể cả lời cam kết sẽ tránh chủ nghĩa bao cấp, và một thỏa thuận khung cơ bản để đảm bảo tăng trưởng cân bằng.

Tổng cộng, các nước G 20 chiếm khoảng 85% sản lượng kinh tế toàn thế giới.

source

VOA Vietnamese