Thursday 31 December 2009

Mỹ đánh thuế thép ống Trung Quốc





Mặt hàng lốp của Trung Quốc trước đó đã bị đánh thuế 35%.
Một ủy ban thương mại của Hoa Kỳ đã đồng ý về các chương trình áp thuế đối với mặt hàng thép ống nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ủy Ban Thương Mại Quốc Tế biểu quyết nhất trí đối với các mức thuế nhằm cân đối lại mức trợ giá của chính phủ Trung Quốc.
Các mức thuế từ 10% đến 15% sẽ được áp dụng.
Đây là bước đi mới nhất trong loạt các tranh cãi thương mại gần đây giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, nước vốn cáo buộc Trung Quốc là đã sử dụng các hình thức trợ giá và định giá không công bằng.
Hồi tháng Mười Một, Hoa Kỳ áp mức 35% thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng lốp Trung Quốc.
Quyết định mới nhất mở đường cho Bộ Thương Mại áp mức thuế đối với mặt hàng thép ống, đúng như kế hoạch được đưa ra từ hồi tháng Mười Một.
Thép ống là mặt hàng lớn tại Hoa Kỳ. Hồi năm ngoái, nước này nhập khẩu 2.74 tỷ đôla thép ống từ Trung Quốc.
Thép ống được dùng ở các dàn khoan dầu. Giá dầu tăng cao khiến nhu cầu về thép ống cũng tăng theo.
source
BBC Vietnamese

Tuesday 29 December 2009

Trung Quốc thua kiện ở WTO



WTO muốn Trung Quốc mở cửa hơn cho các công ty giải trí Hoa Kỳ

Trung Quốc thua kháng kiện trước WTO phản đối yêu cầu phải ngưng hạn chế nhập khẩu các loại phim và nhạc từ Hoa Kỳ.

Hồi tháng Tám WTO ra phán quyết cho rằng chính sách của Trung Quốc chỉ cho phép các công ty nhà nước nhập khẩu hàng hóa này đã vi phạm luật thương mại toàn cầu.

WTO muốn các công ty Trung Quốc có quyền nhập từ Hoa Kỳ các loại DVD, CD, trò chơi máy tính, sách, tạp chí và phim.

Hoa Kỳ và Trung Quốc gần đây va chạm trong nhiều vấn đề thương mại.

"Hôm nay Hoa Kỳ thắng lớn," Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Ron Kirk nói.

"Chúng tôi hài lòng là WTO đã ra phán quyết chống lại các giới hạn của Trung Quốc trong nhập khẩu và phân phối."

Ông nói quyết định của WTO là "chìa khóa" để bảo đảm quyền truy cập toàn bộ vào thị trường Trung Quốc.

"Chúng tôi mong Trung Quốc có hành động theo sau các phán quyết đó và thực hiện các biện pháp này," ông nói thêm.

Nhập khẩu rẻ

Các ngăn cản của Trung Quốc đối với hàng hóa giải trí nhập từ HOa Kỳ đã tạo ra thị trường hàng giả rất lớn bên trong Trung Quốc, khiến Hoa Kỳ khó chịu.

Đây chỉ là vụ mới nhất trong các tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc và Hoa kỳ.

Hồi tháng Chín, Hoa Kỳ áp thuế nhập khẩu đối với vỏ xe hơi từ Trung Quốc.

Ngay lập tức Trung Quốc trả đũa bằng cách nhắm vào giá nhập khẩu một số loại sản phẩm xe hơi của Mỹ và thịt gà.

Trong lúc Washington từ lâu cáo buộc Trung Quốc bảo hộ thương mại, Hoa Kỳ cũng không vui về lượng hàng xuất khẩu lớn của Trung Quốc sang Hoa Kỳ, cáo buộc Bắc Kinh cố tình giữ đồng Nhân dân tệ dưới giá để làm cho hàng xuất khẩu rẻ một cách giả tạo.

source

BBC Vietnamese

Monday 28 December 2009

Việt Nam nhập siêu 12 tỷ USD


Cập nhật lúc 17:51, Thứ Hai, 28/12/2009 (GMT+7)

- Đúng như dự báo của Bộ Công Thương, nhập siêu của năm 2009 là 12 tỷ USD, vượt mục tiêu đề ra là nhập siêu dưới 10 tỷ USD.

Bộ KH-ĐT vừa cho biết thông tin này. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu cả nước năm 2009 ước đạt 56,7 tỷ USD giảm 9,5% so với năm 2008, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 68,7 tỷ USD giảm 14,9% so với năm 2008.

Mô tả ảnh.
Xuất khẩu của ngành da giày gặp nhiều khó khăn (ảnh: VNN)

Tỷ trọng nhập siêu của Việt Nam năm nay chiếm 21,1% kim ngạch xuất khẩu. Tỷ lệ này cho thấy, Việt Nam không đạt mục tiêu đề ra là nhập siêu phải có tỷ trọng dưới 20% so với tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

So với năm 2008, một số mặt hàng công nghiệp nhập khẩu chủ yếu tăng mạnh như phân bón, nhập 4,3 triệu tấn tăng gần 42%, chất dẻo nguyên liệu nhập 2,2 triệu tấn, tăng 25,8%; sợi các loại nhập 495 nghìn tấn, tăng 19,5%; sắt thép nhập 9,6 triệu tấn, tăng 13,8%, máy vi tính và linh kiện điện tử, đạt kim ngạch tới 3,9 tỷ USD tăng 5,8%; dược phẩm nhập trên 1 tỷ USD tăng 27%...

  • Phạm Huyền
source http://www.vietnamnet.vn/kinhte/200912/Viet-Nam-nhap-sieu-12-ty-USD-886647/

Đầu tư nước ngoài vào VN giảm mạnh

Cập nhật: 08:20 GMT - thứ hai, 28 tháng 12, 2009

Công nhân

Lượng đầu tư năm 2009 giảm mạnh do khủng hoảng kinh tế thế giới

Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho hay lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cả năm 2009 là 21,48 tỷ đôla, chỉ bằng 30% năm 2008.

Lượng vốn thực hiện đạt 10 tỷ đôla.

Năm 2008, tổng vốn FDI vào Việt Nam là 64,011 tỷ đôla.

Tuy nhiên, tổng lượng xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài năm 2009 đạt 29,9 tỷ đôla, giảm chưa đầy 14% so với năm 2008. Cả năm, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 5,03 tỷ đôla.

Nguyên nhân chính cho việc sụt giảm được đánh giá là do khủng hoảng kinh tế thế giới.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Đầu tư, trong năm 2009 có 839 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 16,34 tỷ đôla, bằng 24,6% năm 2008.

Số còn lại là vốn đăng ký tăng thêm, gần bằng năm ngoái.

Các lĩnh vực thu hút đầu tư lớn nhất là nhà hàng-khách sạn với 32 dự án mới, trị giá 4,9 tỷ đôla và 8 dự án tăng vốn với 3,8 tỷ đôla nữa.

Lĩnh vực đứng thứ hai là bất động sản với 7,6 tỷ đôla vốn cả mới đăng ký và vốn tăng thêm.

Mỹ nay đã vượt lên chiếm vị trí đầu bảng trong các nước đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký là 9,8 tỷ đôla, tương đương 45,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Các tỉnh thu hút nhiều đầu tư nước ngoài nhất là Bà Rịa-Vũng Tàu (6,73 tỷ đôla), Quảng Nam (4,1 tỷ), Bình Dương (2,5 tỷ), Đồng Nai (2,36 tỷ) và Phú Yên (1,7 tỷ đôla).

source

BBC Vietnamese

Tuesday 22 December 2009

Những "góc khuất" của kinh tế Trung Quốc



Trung Quốc muốn xây dựng một xã hội hài hòa và bắt tay với các nước khác để xây dựng một thế giới hài hòa đem lại hòa bình và phồn vinh chung. Đó là ngôn ngữ đẹp. Nhưng sự thật sẽ ra sao thì người dân Trung Hoa và thế giới vẫn đang chờ xem.

Sau 30 năm tiến hành cải tổ, nền kinh tế Trung Quốc đã có những bước tăng trưởng vượt bậc. Với con số tăng trưởng bình quân hằng năm gần 10% từ năm 1979 đến nay, Trung Quốc đã gây ra nhiều tiếng vang cũng như cảnh báo về một sự trỗi dậy của một siêu cường có khả năng làm thay đổi trật tự thế giới.

Như một ví dụ, theo kết quả khảo sát trong tháng 11/2009 của Pew Research Center, 44% công chúng Mỹ cho rằng Trung Quốc là cường quốc kinh tế hàng đầu toàn cầu, trong khi con số dành cho Hoa Kỳ chỉ là 27%.

Có lẽ ý kiến của công chúng Mỹ về sự trỗi dậy của Trung Quốc phần lớn là do cảm tính có được từ những ảnh hưởng của giới truyền thông. Sự thật thì, theo những thước đo tiêu chuẩn như GDP, GDP bình quân trên đầu người..., nền kinh tế Mỹ vẫn bỏ xa nền kinh tế Trung Quốc.

Một nhà máy làm than đá tại tỉnh Sơn Tây. Ảnh : Reuters
Hơn nữa, quá trình tăng trưởng nóng của Trung Quốc đã gây ra những hệ lụy không nhỏ trong xã hội Trung Hoa và tạo ra một số lực cản trong các nỗ lực toàn cầu. Nói một cách khác, Trung Quốc có những yếu điểm có tính hệ thống không những làm giảm đi tính ngoạn mục của thành tích tăng trưởng kinh tế mà còn làm cho cái đích tiến lên trở thành siêu cường của nước này càng trở nên xa hơn.

Trong một cái nhìn tương quan ở thời điểm hiện tại, trong khi nền kinh tế thế giới bị suy thoái mà Trung Quốc vẫn tăng trưởng 8.4% trong năm 2009 (theo dự báo của Ngân hàng Thế giới) thì khó có thể nói đến yếu điểm. Tuy nhiên, khi đi sâu vào thực trạng của nền kinh tế trong nhiều năm qua thì mới thấy rằng, Bắc Kinh phải làm mọi giá, kể cả đưa ra các biện pháp chính sách có tính cách làm méo mó kinh tế vĩ mô, để cố đạt mục đích tăng trưởng được ấn định phần lớn bởi yếu tố chính trị.

Giới chuyên môn thường chỉ ra hai yếu tố chính cho quá trình tăng trưởng của Trung Quốc là sự gia tăng của năng suất tổng thể và đầu tư. Tuy nhiên, có thể thấy rằng càng về sau thì sự gia tăng của đầu tư càng trở nên lấn át, đưa đến tăng trưởng về lượng nhưng thiếu về chất.

Để cố đạt được những tham vọng về công nghiệp hóa, Trung Quốc đã tăng cường đầu tư ồ ạt vào các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp nặng, cũng như cơ sở hạ tầng. Quá trình này được thực hiện thông qua các biện pháp hỗ trợ cũng như các chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhà nước, tiến hành tràn lan các dự án đầu tư, bất chấp hiệu quả kinh tế.

Tình trạng này dẫn đến hàng hóa dư thừa trong khi mức độ tiêu thụ nội địa vẫn thấp, bắt buộc Trung Quốc phải bằng mọi giá tìm đường đầu ra thông qua con đường xuất khẩu. Có thể thấy rằng trong những năm gần đây xuất khẩu đã đóng góp một phần không nhỏ cho tăng trưởng, chẳng hạn như xuất khẩu ròng đã đóng góp khoảng 1/5 cho con số tăng trưởng 13% trong năm 2007.

Các công ty giấy Trung Quốc cũng góp phần gây nên nạn phá rừng như tại Indonesia. Ảnh: Solène Honorine
Sự gia tăng lệ thuộc vào thị trường xuất khẩu này đã làm Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề khi nền kinh tế thế giới lâm vào suy thoái. Bắc Kinh đã tung ra gói kích thích kinh tế lên đến 586 tỉ đô la vào tháng 11/2008 trong một nỗ lực duy trì một mức độ tăng trưởng tương đối cao nhằm tránh những bất ổn xã hội. Tuy nhiên, phần lớn số tiền này vẫn được sử dụng vào các hạng mục đầu tư vốn đã xảy ra tràn lan trước khi gói kích thích được ban hành.

Và những hệ quả

Trong phạm vi quốc gia, các chính sách thiên mạnh về thúc đẩy công nghiệp hóa cũng như tăng trưởng nóng thông qua con đường gia tăng đầu tư của Trung Quốc đã gây ra ba hệ quả tiêu cực đáng chú ý sau đây.

Thứ nhất, nền kinh tế đang tồn tại những mất cân bằng vĩ mô, làm quá trình tăng trưởng thiếu tính chất bền vững và không hài hòa với bối cảnh kinh tế toàn cầu. So với các nước đang phát triển cũng có ảnh hưởng tương đối lớn như Ấn Độ và Brazil, Trung Quốc có tỉ lệ công nghiệp trong GDP cao hơn rất nhiều nhưng lại có tỉ lệ dịch vụ trong GDP nhỏ hơn rất nhiều.

Để thúc đẩy cho sự tăng trưởng ồ ạt của thành phần công nghiệp, Trung Quốc đã đưa ra những chính sách hỗ trợ không những làm méo mó sự phân bổ tài nguyên kinh tế mà còn kiềm hãm khả năng phát triển của nhu cầu tiêu thụ nội địa (ví dụ, sự hạn chế mức tăng trưởng tiền lương sẽ giúp các nhà sản xuất nhưng lại cản trở khả năng tăng thu nhập của công nhân để họ có thể tăng mức tiêu thụ).

Ngoài ra, những chính sách hỗ trợ công nghiệp đã duy trì sự tồn tại của các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả và dẫn đến hiện tượng dư thừa công sức không những gây ra lãng phí mà còn tạo sức ép bán rẻ sang các nước khác.

Hơn nữa, sự tập trung vào các ngành công nghiệp nặng, tiêu thụ nhiều năng lượng (chẳng hạn như thép, nhôm, và hóa chất) buộc Trung Quốc phải tìm kiếm không ngừng nghỉ các nguồn cung cấp năng lượng trong nước cũng như khắp nơi trên thế giới.

Thứ nhì, sự phát triển ồ ạt của các ngành công nghiệp đã gây ra sự tàn phá môi trường ở phạm vi rộng lớn. Trong 30 thành phố ô nhiễm nhất thế giới thì 20 là ở Trung Quốc. Và Trung Quốc hiện nay đã vượt qua Mỹ để trở thành nước xả khí thải carbon lớn nhất thế giới.

Bên cạnh đó, với 70% hệ thống sông hồ bị ô nhiễm và hơn 300 triệu dân không có nước sạch để uống, sức khỏe của nhiều người dân, đặc biệt là dân nghèo, đã bị ảnh hưởng nặng nề. Tình trạng này đã gây ra làn sóng khiếu nại và phản đối mạnh mẽ trong quần chúng, có khả năng làm mất ổn định xã hội nếu nạn ô nhiễm môi trường không được khắc phục tốt.

Thứ ba, nạn phân hóa giàu nghèo đã gia tăng rõ rệt trong xã hội Trung Hoa. Hệ số Gini (một thước đo về mức độ bất bình đẳng thu thập; hệ số này đi từ 0 đến 1, với con số càng cao thì mức độ bất bình đẳng càng cao) của Trung Quốc đã tăng liên tục trong nhiều năm qua, từ 0.257 trong năm 1990 lên đến 0.473 trong năm 2007. So sánh với các nước khác, Trung Quốc có hệ số Gini cao hơn Ấn Độ và các nước trong khu vực, ngoại trừ Sri Lanka.

Giữa các thành phần trong xã hội, sự cách biệt nghiêm trọng nhất là giữa thành thị và nông thôn. Trung Quốc càng tăng trưởng thì khoảng cách về thu nhập giữa hai khu vực này càng rộng ra. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực thành thị cao hơn gấp ba lần khu vực nông thôn. Với hơn 700 triệu dân vẫn ở các vùng quê, sự cách biệt này đã và đang tạo ra hàng loạt các vấn đề nhức nhối trong phạm vi toàn xã hội.

Không chỉ dừng lại ở phạm vi trong nước, sự tăng trưởng mất cân đối của Trung Quốc cũng đang gây ra những khó khăn trên trường quốc tế. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, vấn đề thường hay được nhắc đến là chính sách tỉ giá của Trung Quốc. Từ nhiều năm, nhiều nước đã chỉ trích việc Trung Quốc cố giữ đồng nhân dân tệ (NDT) yếu so với đồng đô la nhằm thúc đẩy xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu.

Từ khi Trung Quốc gia nhập WTO vào cuối năm 2001, đồng NDT đã trượt giá cho đến năm 2005. Hiện tượng này đã làm cho thặng dư thương mại nhảy vọt từ 22.6 tỉ đô là trong năm 2001 lên đến 101.9 tỉ đô là trong năm 2005. Trung Quốc sau đó đã cho đồng NDT tăng giá đến năm 2008. Tuy nhiên, từ giữa năm 2008 đến nay, Bắc Kinh đã can thiệp để neo cứng tỉ giá giữa đồng NDT và đô la, dẫn đến sự mất giá của đồng NDT do đồng đô la bị mất giá.

Rõ ràng là Trung Quốc đã sử dụng chính sách tỉ giá để tìm đường ra cho xuất khẩu nhằm giải quyết bớt tình trạng thất nghiệp trong lúc kinh tế thế giới bị suy thoái. Và như thế, hàng hóa các nước khác sẽ gặp khó khăn khi cạnh tranh với hàng Trung Quốc giữa lúc đồng NDT bị suy yếu một cách giả tạo. Do đó, sẽ không có gì là ngạc nhiên khi có ý kiến cho rằng Trung Quốc "phá đám" quá trình phục hồi ở các nước khác.

Ngoài ra, Trung Quốc hiện nay cũng là một trong những trở lực lớn trong quá trình giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường. Trước nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu, việc Trung Quốc từ chối các cam kết về mức độ cắt giảm khí thải CO2 cũng như sự giám sát của quốc tế trong quá trình thực hiện cắt giảm đã góp phần ngăn cản các nước đi đến một hiệp định chung có tính pháp lý ràng buộc tại hội nghị về biến đổi khí hậu ở Copenhagen vừa qua.

Thái độ của Trung Quốc cũng là dễ hiểu khi 70% năng lượng được tiêu thụ tại nước này có nguồn gốc từ than. Trung Quốc hiện chưa đủ khả năng kỷ thuật cũng như quyết tâm chính trị để chuyển nền kinh tế theo hướng sử dụng năng lượng sạch và tiết kiệm hơn. Do đó, thế giới sẽ khó trông mong vào một sự ủng hộ nhiệt tình từ phía Bắc Kinh cho một hiệp định toàn cầu có hiệu quả trong việc giảm thiểu khí thải CO2.

Trung Quốc tất nhiên hiểu rõ các yếu điểm nội tại trong nền kinh tế cũng như những giới hạn của mình trong việc nâng cao uy tín của một nước lớn trên trường quốc tế. Như một cố gắng tìm ra giải pháp, Bắc Kinh đã tung ra một chiến lược được gọi là "phát triển hài hòa" (harmonious development).

Ông Hồ Cẩm Đào từng nói đại khái rằng, Trung Quốc muốn xây dựng một xã hội hài hòa và bắt tay với các nước khác để xây dựng một thế giới hài hòa đem lại hòa bình và phồn vinh chung. Đó là ngôn ngữ đẹp. Nhưng sự thật sẽ ra sao thì người dân Trung Hoa và thế giới vẫn đang chờ xem.

* Bài viết thể hiện góc nhìn riêng của tác giả

*****************

source

http://www.tuanvietnam.net/2009-12-22-nhung-goc-khuat-cua-kinh-te-trung-quoc

Monday 14 December 2009

Dubai đang đi về đâu?


Cập nhật lúc 1:27:59 AM - 14/12/2009

dubai-marina-definitiva.jpg


Dubai tráng lệ về đêm, một hình ảnh từ trang nhà của Bộ Du Lịch và Tiếp Thị Thương Mại – ảnh: Dubai Dept. of Tourism and Commerce Marketing.


Hoài Mỹ/Viễn Đông


DUBAI – Cách nay hai tuần lễ, tin tức về tình trạng tài chánh bi thảm của Dubai không những đã gây ”sốc” trong dư luận quốc tế mà còn tạo ảnh hưởng bất lợi mạnh mẽ cho nền kinh tế thế giới. Theo đó công ty đầu tư quốc doanh Dubai World xin trong 6 tháng tạm ngưng trả món nợ 55 tỉ đô la.

”Thiên đàng hạ giới”

Người ta vẫn từng gọi Dubai là ”Thiên Đàng Hạ Giới” - dĩ nhiên chỉ dành cho giới ”đại, đại... gia”, nghĩa là của các tay tỉ phú mà thôi (”triệu phú” vẫn có thể bị... xua đi chỗ khác chơi!). Ở đây có đủ thứ ”Les nourritures terrestres” (Tên một tác phẩm của nhà văn Pháp André Gide), lạc thú trần gian đồng thời là chốn để những ai đã có dư ”tiền rừng bạc bể” rồi, nhưng vẫn muốn làm giầu hơn nữa.

Dubai là một trong 7 ”emirate” (tương tự một quốc gia) trong khối Liên Hiệp Emirate Ả Rập (UAE). Với diện tích 4114 cây số vuông, Dubai lại đông cư dân nhất: 2,3 triệu người, nhưng trong dân số đó chỉ có 17% là công dân chính thức của đất nước này. Những công nhân ngoại quốc xuất xứ từ Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh đến đây lao động, chiếm 60% cư dân. Thủ đô cũng mang tên Dubai là thành phố lớn nhất ở hải đảo Ả Rập.

Nền kinh tế của Dubai gồm chính yếu là thương mại, các dịch vụ tài chánh và du lịch. Chỉ có 3% của nền kinh tế này liên quan với hoạt động khai thác dầu hỏa và khí đốt thiên nhiên.

Nguyên thủ quốc gia là tiểu vương Mohammed bin Rashid Al Maktourn. Ông ta đồng thời cũng giữ chức thủ tướng kiêm phó tổng thống của khối UAE.

Hơn bất cứ nơi nào trên thế giới, ở Dubai tình trạng kỳ thị và phân chia giai cấp rất rõ rệt và mãnh liệt. Thành phần ưu tú và cao cấp nhất luôn luôn là người ”emirate” Dubai chính cống. Những dân ”emirate” đến từ các nước Ả Rập khác như Saudi-Arabia chẳng hạn dù giầu có cỡ nào vẫn thuộc ”hạ cấp” và dù đã sinh sống ở đây qua nhiều thế hệ vẫn không đương nhiên được nhập quốc tịch ”emirate Dubai”. Công nhân ngoại kiều tới đây làm việc bị coi không khác gì nô lệ. Dân nghèo tuyệt đối không được tới gần những khách sạn hay trung tâm thương mại sang trọng. Bạn là du khách loại ”chiến”, nhưng bạn chỉ muốn vào ”ngó” một phát khách sạn Burj al Arab ư? Nếu bạn không muốn bị ”cảnh vệ” đuổi đi, bạn nhớ đừng quên diện ”vest” thuộc loại hàng ”hiệu” đồng thời phải chi ra tối thiểu từ 60 tới 100 đô!

Giống Las Vegas ở Hoa Kỳ vốn mọc lên từ sa mạc, Dubai cách nay khoảng 30 năm cũng ”chào đời” từ biển cát nóng bỏng. Thời đó phương tiện di chuyển chính yếu là lạc đà, nay nhân viên của các khách sạn ”6-7 sao” lái toàn xe Rolls-Royce, Cadillac, Mercedes... ”cáo chỉ” để đón/đưa khách.

Phi nước đại khỏi cơn khủng hoảng

Như trên đã kể, công ty nhà nước không trả nổi tiền nợ, tức là vào mỗi buổi sáng món nợ này ”đẻ” thêm về cả vốn lẫn lời là 3,5 tỉ đô la. Các thị trường tài chánh trước đây vẫn ”tin như tin kinh Tin Kính” là Dubai dư sức bao thầu những món nợ ấy, nay ”sự thật phũ phàng” đã đẩy tiểu quốc này vào sâu cơn khủng hoảng về tín nhiệm.

Vào sáng Chủ Nhật (giờ địa phương), ngày 13-12-2009, chứng khoán Dubai lại sụt xuống thêm 6%. Giới chủ nợ (creditor) ở Dubai đe dọa niêm phong tất cả tài sản của tiểu quốc này. Những cơn sóng ở Dubai đã tràn lan nhanh chóng tới các thị trường chứng khoán khác trên thế giới và gây nên sự sợ hãi trước những đợt mới khác của cuộc khủng hoảng tài chánh nghiêm trọng hơn nữa.

Một số khá đông nhà đầu tư cũng đã chuẩn bị ”khăn gói quả mướp” để chạy khỏi Dubai. Điển hình như tỉ phú gia Thomas Oye, người đã di chuyển tới Dubai để ”kiếm ăn” từ năm 2001, cho biết hiện không thấy một ánh sáng nào trong hoàn cảnh điêu đứng của Dubai. Ông đã giảm thiểu các hoạt động - lý do: ”Ở đây chẳng còn gì nữa để thu hoạch đối với một nhà đầu tư. Bây giờ tôi dành nhiều thời giờ hơn ở London và Tây Ban Nha. Tôi đã quá thất vọng ở Dubai rồi”.

Được biết, thương gia tỉ phú Thomas Oye trong những năm qua đã làm việc trong lãnh vực đầu tư vào bất động sản và bỏ vốn vào các dự án tài chánh ở Âu Châu và Bắc Mỹ. Riêng đối với Dubai, ông Oye giải thích: ”Trước đây tôi đã đổ dồn vốn lớn lao vào các nhà đầu tư ở Dubai, trong khi họ đầu tư ở bên ngoài Dubai. Nên nhớ, Dubai đã là một thiên đàng cho hoạt động như vậy và nhờ thế tôi đã xây dựng được một mạng lưới tuyệt vời khắp ở Trung Đông...”. Đương sự ngưng nói, nhún vai: ”Nhưng nay Dubai không còn là một nơi quan trọng nữa để tìm được các nhà đầu tư hay dự án. Nhiều người đã đầu tư ở Dubai; họ cũng đã mất tất cả những gì họ đã xây dựng được... Bởi vậy có nhiều nguyên nhân để tôi bay cao xa khỏi nơi đây”.

Ông Thomas Oye cho rằng món nợ của Dubai không chỉ khoảng gần 80 tỉ đô la như đã được loan trên các cơ quan truyền thông, nhưng còn cao hơn rất nhiều. Ông xác quyết: ”Xét từ khía cạnh kỹ thuật thì đất nước này kể như đã phá sản, bởi vì không đủ khả năng trả các chi phí theo thời hạn”. Động lực khiến các nhà đầu tư chạy trốn là sự thiếu sáng sủa và bất khả tiên đoán.

Theo nhận định của một số thương gia khác (không muốn xưng danh) thì:

- Quốc vương Mohammed cai trị đất nước này giống như ông ta điều hành một cửa tiệm vậy. Ông ta có thể thay đổi luật pháp và các nguyên tắc chỉ nội trong một đêm. Những ai không theo dõi báo chí kỹ lưỡng, sẽ không theo kịp thời cuộc và hiếm khi nhận thức được những sự thay đổi ấy. Nhiều chủ nợ không một lần biết được cơ quan nào của chính phủ mà họ có trái khoản.

- Dubai ước muốn trở thành như một Thụy Sĩ ở Trung Đông, tuy nhiên có sự khác biệt hoàn toàn giữa hai đối tượng này. Ở Dubai, quốc vương nắm quyền quyết dịnh tất cả; ở đây không có dân chủ.

Tuy nhiên thương gia Thomas Oye cho là không đúng khi đổ lỗi cho quốc vương, bởi vì: ”Điều ấy (lề lối điều hành quốc gia) thì mọi người đã biết rõ trước khi dọn tới Dubai. Những người đầu cơ phải tự trả phần của cái giá ấy. Nay người ta như thể đi lùng vật tế thần (người để đổ lỗi hay bắt chịu trách nhiệm)”.

”Thời oanh liệt nay còn đâu!”

Tâm sự với ký giả Jacob Schultz của hệ thống kinh tế 24, thương gia Thomas Oye đãkhông giấu giếm là sự xa hoa và sự tiêu xài quá rộng rãi đã là một phần của cuộc sống hàng ngày, nhưng nay đã thay đổi: ”Bây giờ thì tôi thuộc giai cấp... tiện tặn rồi, tuy nhiên trước kia chắc chắn sự ’siêu’ xa hoa là một phần quan trọng trong cuộc sống của tôi. Nên nhớ rằng ở một nơi nào trên thế giới này, người ta không nói truyện với bạn nếu như bạn không có cùng một trình độ sinh hoạt với họ. Vâng, dã man và nông cạn thật, nhưng... đời là thế!”

Theo ông Oye, đàng sau những mặt tiền hoành tráng của Dubai có nhiều người hiện chịu đựng cảnh khốn cùng của những sự mất mát lớn lao do hệ quả của cơn khủng hoảng kinh tế gây nên. Ông Oye kể: ”Những người này đã mất cả những gì họ đã có được và họ bị phá sản. Một số người đã tự vận, nhưng đa số đã chạy khỏi Dubai để rồi lại tái khởi sự ở đất nước mới như thuở ban đầu”.

Ông còn cho biết cá nhân ông đã gặp nhiều nạn nhân trong số những người đã ”thua cuộc” ấy: ”Cả những người ’lớn’ lẫn ’nhỏ’ đều lâm cảnh tận cùng. Sự phá sản của tôi so với nhiều người khác chỉ là những mớ tiền nhỏ. Một người Nga mà tôi mới gặp đây đã mất gần hai tỉ đô la vào The World-project. Cách nay hai năm, tôi cũng đã cảnh giác mạnh mẽ ông bạn người Ái Nhĩ Lan tên là John O’Dolan đối với Dubai, nhưng ông ta vẫn cứ đặt cả một tài sản vào việc mua một cái đảo. Cuối cùng ông ta đã tự tử hồi tháng 8 vừa rồi”.

Tuy vậy, mặc dù đã xiểng liểng bởi trái bong bóng kinh tế phát nổ ở Dubai, nhưng thương gia Thomas Oye vẫn còn chút niềm tin là tiểu quốc này sẽ trỗi dậy lại được sau cơn khủng hoảng nhờ sự giúp đỡ của Abu Dhabi, một nước ”emirate” lân bang dầu hỏa - thế nhưng: ”Tôi sẽ không đề nghị bất cứ ai đầu tư ở Dubai trong một thời gian. Dubai là một đất nước tự do và sẽ đứng lên lại được như một thí dụ tồi tệ nhất trên thế giới bởi sự tham lam hiển nhiên của nó”.

Bài học thích đáng

Theo danh sách của Forbes, ông Khalaf al Habtoor đã từ là một người trắng tay mà dựng nên một ”triều đại” Habtoor và nay là người giầu có đứng hạng 3 trên thế giới. Ông ta hiện ngồi trong hội đồng cùng với các tiểu vương và là một trong những đại diện của 11 gia đình vốn kiểm soát 80% nền kinh tế của Dubai.

Ngày nay một trong những người con trai của ông ta, Mohammed al Habtoor giữ chức vụ giám đốc quản trị ”đế quốc” Habtoor và là người đã hậu thuẫn việc xây khách sạn hiện đại lừng danh thế giới, Burj A Arab, ở Dubai. Ngoài ra anh em nhà họ Al Habtoor hiện còn làm chủ một câu lạc bộ đua ngựa ở Dubai - Habtoor Polo Team. Họ tỏ ra bình tĩnh trước những khó khăn trong việc trả nợ của Dubai. Có một sự nhất trí rộng rãi là các nhà lãnh đạo Dubai chỉ muốn cho thế giới và tất cả những người đầu cơ một bài học thích đáng. Mohammed Habtoor phát biểu: ”Quốc vương Mohammed dư sức trả hết số nợ bằng trương mục ngân hàng của ngài chỉ nội ngày hôm nay mà thôi, vậy thì mọi người hãy khởi sự thư giãn trở lại. Ngoài ra, ngài cũng muốn những ai lèo lái các công ty xây cất hãy đứng lên rời khỏi ghế và hãy tự kiếm tiền lấy”. Mohammed đặt niềm tin tưởng rất lớn lao của mình vào tài lãnh đạo của quốc vương. Đương sự kể là cha của ông ta đã nói sau buổi họp với quốc vương: ”Ngài muốn tất cả những người đầu cơ trên thế giới phải chịu một bài học thích đáng”.

Trong khi đó, các nhà đầu tư đã bỏ vốn vào công ty xây cất của nhà nước Dubai World, thảo luận kế hoạch kiện chính quyền Dubai ra tòa án. Họ không chấp thuận lời xin tạm ngưng việc trả nợ của Dubai World, và họ cho rằng nhà nước đã bảo đảm món nợ này. Họ muốn niêm phong tài sản của quốc gia này. Thế nhưng Mohammed Habtoor tỏ vẻ nghi ngờ: ”Họ quyết định trước khi trình bày với quốc vương. Bây giờ họ hội họp với nhau rồi tự xếp đặt lấy. Tất cả nợ nần sẽ được hoàn trả. Từng cắc một! Những sự ồn ào thật ra đều do giới truyền thông thổi phồng lên”.

Sau khi rít một hơi dài ống điếu, Mohmamed vừa nhả khói vừa nêu thắc mắc: ”Tại sao Ích Lan lại được chấp thuận phá sản, trong khi cả thế giới sắp sửa suy sụp, chỉ có chúng tôi là yêu cầu dời hạn một món nợ trong vài tháng?”

Đương sự nói thêm rằng ông ta không muốn tiết lộ những bí mật của Dubai, thay vào đó ông nêu một thí dụ cụ thể: ”Tôi có trên 50.000 nhân viên, nhưng đâu có sa thải ai. Dĩ nhiên những người này, ai cũng nhận thấy cơn khủng hoảng tài chánh chứ, nhưng chúng tôi vẫn gia tăng làm việc gấp đôi hơn xưa... Sở dĩ chúng tôi làm việc nhiều hơn là vì có rất nhiều cơ hội đầu tư ’ngon lành’ ở ngoài kia (hải ngoại)”.

Những căn nhà trống

Được biết công ty do Mohammed điều hành - Al Habtoor Group - chiếm 30% các dự án xây cất của Dubai.

Hiện nay, khắp nơi ở Dubai vẫn còn có những dự án xây cất mới, trong khi nhiều căn nhà đã xây xong thì tiếp tục để không, nhưng Mohammed thì có thể tiên đoán những ai sẽ dọn vào ở:

”Du khách yêu thích ở đây. Tất cả khách sạn đều đã được đặt chỗ hết cả rồi. Từ từ rồi người ta sẽ mua các căn nhà này sau khi họ nhận thấy thời tiết ở đây tuyệt vời”.

Ngừng hớp một tách trà, Mohammed Habtoor hăng say phác họa một tương lai sáng sủa thật gần cho Dubai: ”Hơn nữa, nhiều công ty sẽ dọn tới đây. Mặc dù họ chưa có công tác gì ở đây, họ vẫn thiết lập các văn phòng của họ, bởi vì chúng tôi là trung tâm của tất cả. Nếu những người từ Bangkok sẽ gặp gỡ thân chủ của họ đến từ California chẳng hạn thì họ sẽ gặp nhau ở đây. Chúng tôi là nam chân mà mọi người đều ước muốn được hút vào”. – (HM)

******************

source

Vien Dong Daily

Wednesday 9 December 2009

Dubai ngưng trả nợ, thế giới chao đảo


Dubai ngưng trả nợ, thế giới chao đảo
Cập nhật lúc 3:38:40 AM - 28/11/2009

dubai.jpg

Một chiếc máy bay Typhoon của Không quân Hoàng gia Anh bay qua bầu trời Dubai hôm 24-11-2009 trong một buổi trình diễn phi cơ ở Dubai. Bên dưới là Palm Jumeirah, một hòn đảo có nhiều khách sạn, villa sang trọng – ảnh: Bộ Quốc Phòng Anh.

Bách Lam/Viễn Đông


NEW YORK – Khi thị trường New York mở cửa lại sau Lễ Tạ Ơn sáng thứ Sáu, tin tức không vui từ Dubai, một Vương quốc Ả Rập, về quyết định ngưng trả nợ trong vòng 6 tháng, đã làm cho các nhà đầu tư lo ngại không ít, kéo theo sự suy yếu của chứng khoán nói chung và những công ty liên quan trực tiếp đến những mối đầu tư ở Trung Đông nói riêng. Một số nhà bình luận cho rằng có thể nền kinh tế thế giới chưa hồi phục nổi trong năm tới và còn nhiều điều đáng bi quan hơn là lạc quan về sự sống còn của một nền kinh tế ảo dựa trên những tính toán rủi ro. Và như vậy, tương lai kinh tế tại địa phương như Quận Cam cũng còn lờ mờ, mặc dù đã có một số dấu hiệu cho thấy khả năng hồi phục, theo đánh giá mới nhất của vài kinh tế gia qua sự kiện này.

Đêm thứ Tư, 25-11-2009, chính phủ Dubai ra tuyên bố rằng hai công ty Dubai World và Nakheel, một chi nhánh đầu tư quan trọng của chính phủ, sẽ hoãn việc trả những món nợ trị giá đến 60 tỷ Mỹ kim từ đây cho đến sớm nhất là ngày 30-5-2010.


Trả lời phỏng vấn của Viễn Đông vào sáng 27-11-2009, Giáo sư Tiến sĩ Anil Puri, Khoa trưởng Khoa Kinh tế và Kinh doanh, Đại học Cal State Fullerton, nhận xét về tình hình Dubai:

“Tôi cho rằng đây là một bước thụt lùi khá lớn trong tiến trình hồi phục kinh tế toàn cầu sau cơn suy thoái. Điểm nổi bật của sự việc này là công ty Dubai World do chính phủ [Ả Rập] làm chủ, cho nên đây có thể nói là một vụ khất nợ quan trọng nhất trong kỳ suy thoái kinh tế lần này”.


Chính phủ Dubai cũng cho biết họ đang bắt đầu việc tái cấu trúc công ty Dubai World, đầu tiên với việc bổ nhiệm ông Aidan Birkett, một giám đốc quản trị về tài chánh từ công ty Deloitte LLP, coi sóc và chỉ đạo toàn bộ công việc này.

Tin tức việc khất nợ được tung ra ngay trước dịp nghỉ lễ 3 ngày Eid al-Adha của người Hồi giáo, mà theo suy đoán của một số nhà phân tích là nhằm để giảm bớt tác động xấu lên thị trường địa phương.

Liền sau tuyên bố của chính phủ Dubai, thị trường Á châu và Âu châu đua nhau đổ nhào; chứng khoán có lúc mất đến 5% trị giá vào những thời điểm tệ nhất.

Qua ngày thứ Sáu, thị trường vẫn tiếp tục mất giá. Chỉ số Nikkei ở Nhật mất 3,2% xuống còn 9.081 điểm, thấp nhất trong gần 8 tháng qua. Ở Nam Hàn, chỉ số Kospi rớt 4,7% xuống còn 1.524,50 điểm, thấp nhất trong 4 tháng qua. Chỉ số Hang Seng ở Hồng Kông xuống 4,8% ở mức 21.134,50 điểm, trong khi chỉ số S&P/ASX 200 ở Úc mất 2,9%, xuống còn 4.572,10. Thị trường Á châu có liên hệ mật thiết với Dubai qua những mối đầu tư và cho vay nợ, nên ảnh hưởng rõ rệt nhất.

Thị trường Âu châu mở cửa sau thị trường Á châu và không tránh khỏi vết xe đổ, nhưng tương đối vững hơn. Chỉ số FTSE 100 xuống 1,8% ở thời điểm thấp nhất nhưng đến cuối ngày lấy lại được một ít, mất 0,4% ở mức 5.175,30. Trong khi đó FTSE Eurofirst 300 xuống 0,5%, còn 983,20 điểm.


Hôm thứ Năm, thị trường Hoa Kỳ đóng cửa nghỉ Lễ Tạ Ơn, nhưng điểm S&P 500 ngoài giờ cũng mất đi khoảng 2%. Thứ Sáu, thị trường mở cửa nửa ngày và không mấy ai mua bán, nhưng chỉ số Dow Jones rớt 154 điểm xuống còn 10.309,92 và S&P 500 mất 1,7% xuống mức 1.091,49.

Thị trường chứng khoán Á châu chịu ảnh hưởng nặng nhất trong các thị trường, theo Giáo sư Puri, là vì “có tin đồn rằng có nhiều công ty ở Á châu đầu tư rất nhiều tiền vào những công trình xây dựng và bất động sản của Dubai World”. Còn Hoa Kỳ không bị nặng lắm, cũng theo Giáo sư Puri, vì các mối đầu tư của Hoa Kỳ thường trải rộng ra hơn.

Giá dầu thô trong ngày thứ Sáu rớt xuống còn 74 Mỹ kim một thùng ở Á châu, một phần vì sự dè dặt của các nhà đầu tư trong việc góp tiền cho những mối đầu tư nhiên liệu nhiều rủi ro của vùng Trung Đông.


Giá bảo hiểm cho sự rủi ro trong mối đầu tư vào món nợ của Dubai cũng tăng cả trăm điểm trong ngày thứ Sáu, lên đến 670. Theo báo Financial Times ở Anh quốc giải thích, điều này có nghĩa là mỗi năm tiền bảo hiểm sẽ là 670.000 Mỹ kim cho mỗi 10 triệu Mỹ kim tiền nợ trong thời gian 5 năm tới.

Quốc vương Sheikh Mohammed bin Rashid Al-Maktoum, đã lên tiếng trấn an hôm thứ Năm, trong một thông cáo báo chí, rằng việc chính phủ Dubai quyết định xen vào công việc quản trị tài chánh của tổng công ty Dubai World là một việc làm “được hoạch định kỹ lưỡng”. Thông báo ngắn gọn của Quốc vương Al-Maktoum không cho biết thêm chi tiết về cách thức chính phủ đang tái cấu trúc lại Dubai World, gây thêm nhiều mối nghi hoặc trong giới đầu tư.


Dubai World là một công ty do chính phủ Dubai làm chủ, chuyên nhận tiền đầu tư ngoại quốc vào những công trình tại Dubai và quốc tế. Vương quốc Dubai nằm ở bờ biển phía nam Vịnh Ba Tư, diện tích 3.885 cây số vuông, cũng là nơi đông dân cư nhất với dân số 1,8 triệu, trong số bảy Vương quốc trong khối Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất theo thể chế quân chủ lập hiến. Năm 2006, công ty Dubai World được thành lập và có bốn chi nhánh đầu tư bao gồm vận chuyển, đường bộ và đường thủy, phát triển đô thị, và đầu tư tài chánh.


Sau khi có thông báo về Dubai World hôm thứ Tư, những cơ quan lượng giá các công ty như Standard & Poors’ và Moody’s đồng loạt hạ thấp thang điểm đánh giá các công ty lớn của Dubai, trong đó có Dubai World.


Giáo sư Puri vừa mới trình bày bản dự đoán kinh tế thường niên cho năm 2010 cho Hoa Kỳ nói chung và Quận Cam nói riêng hôm 27-10-2009 tại Irvine, trong đó, ông đề cập đến viễn ảnh hồi phục khỏi cơn suy thoái cho Quận Cam và California tuy còn nhiều bấp bênh, trở ngại.

Chúng tôi hỏi xem, qua tin tức mới nhất về Dubai, liệu ông có thay đổi ý kiến về việc dự đoán của mình hay không. Ông trả lời khá lạc quan:

“Không, như tôi đã nói, kinh tế còn phải lên dốc xuống đèo trước khi thực sự khởi sự hồi phục trong năm tới. Tình hình tại Dubai là một hậu quả của cơn suy thoái trong thời gian qua, khi rất nhiều những công ty bất động sản chịu áp lực nặng nề từ cơn suy thoái toàn cầu. Trừ phi có những dấu hiệu nào khác cho thấy những hiện tượng tương tự như Dubai nhân ra rộng khắp thì mới đáng lo ngại cho một đợt suy thoái tiếp tục kéo dài”.


Hiện tượng Dubai cũng cho thấy một mắc xích trong chuỗi những mắc xích kinh tế trói buộc những lãnh thổ khác nhau trên thế giới lại với nhau trong hoàn cảnh toàn cầu hóa thời nay. Một lý thuyết gia quan sát rằng nền kinh tế hiện nay càng lúc càng trở nên “ảo hóa”.

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn-Võ Thu-Hương thuộc Khoa Nhân văn đại học UC Los Angeles, nhận xét:

“Mối liên hệ giữa Dubai và Á châu hay Dubai và thế giới là điều đương nhiên trong một nền kinh tế toàn cầu. Và sự phát triển của nền kinh tế này dựa trên sự vận chuyển càng lúc càng nhanh chóng của lưu lượng kinh tế. Thí dụ, trong 3 ngày thì lưu lượng tiền mua bán các sản phẩm tài chính như cổ phiếu, trái phiếu, dựa trên giá trị ảo của sinh hoạt đầu tư, tại Hoa Kỳ bằng cả một năm tổng sản lượng quốc gia của nước này”.


Hậu quả tất yếu của những mối liên hệ mật thiết là tầm mức to lớn của cuộc khủng hoảng kinh tế vừa xảy ra trên toàn thế giới kể từ thập niên 1930, mà Giáo sư Thu-Hương nhận xét là do cách thức người ta nhìn nhận và sử dụng giá trị vật chất, vốn được nhân lên gấp bội so với những món hàng được trao đổi, mua bán thực sự.
*****************
source
Vien Dong Daily

Sunday 6 December 2009

Bắc Hàn: rối loạn vì đổi tiền


Bắc Hàn: rối loạn vì đổi tiền

Nhiều nguồn tin cho hay người Bắc Hàn vội vã đi đổi tiền

Người dân Bắc Hàn đang vội vàng mua sắm trước khi đồng tiền cũ hết giá trị.

Chính phủ Bình Nhưỡng tuyên bố hôm thứ Hai kế hoạch bỏ bớt hai số không ở cuối mỗi tờ tiền.

Các chuyên gia tin rằng kế hoạch này sẽ giúp giảm lạm phát đồng thời tăng khả năng kiểm soát của chính quyền đối với dân. Theo họ, chính phủ Bình Nhưỡng muốn quản lý mọi hoạt động của thị trường tự do bùng phát tại Bắc Hàn trong thời gian qua.

Khó khăn về kinh tế

Chính phủ Bắc Hàn ban đầu khá im tiếng về kế hoạch cải cách này - kế hoạch chỉ được công bố với dân chúng, nhưng im lặng với thế giới bên ngoài.

Nhưng hôm thứ Sáu, hãng tin Yonhap của Nam Hàn đưa tin một tờ báo của Nhật Bản có nhiều liên hệ với Bắc Hàn đã khẳng định tin này.

Yonhap trích thuật một bài phỏng vấn với một quan chức của ngân hàng trung ương Bắc Hàn được đăng trên tờ báo Nhật Bản.

Quan chức này nói rằng trừng phạt quốc tế, thiên tai cùng sự sụp đổ của khối cộng sản đã gây ra nhiều khó khăn về kinh tế.

Yonhap trích lời quan chức này nói rằng đây là lý do buộc Bắc Hàn cải cách tiền tệ.

Mất hết tiền tiết kiệm

Chủ Nhật sẽ là hạn chót người dân Bắc Hàn được đổi tiền.

Nhưng theo một nguồn tin, mỗi người lớn chỉ được phép đổi 100.000 won.

Vào thời điểm kế hoạch đổi tiền được công bố, mỗi đô la Mỹ có giá trị tương đương với 135 won theo tỷ giá hối đoái chính thức.

Như vậy, mỗi người lớn được phép đổi số tiền trị giá 740 đô la Mỹ.

Theo các nguồn tin, người dân Bắc Hàn khá giận dữ và hoảng loạn vì bất kỳ ai với khoản tiết kiệm lớn hơn 740 đô la Mỹ sẽ mất sạch.

Park Sang-hak, một người Bắc Hàn giờ sống tại Nam Hàn, nói rằng: “Người quen của tôi gọi điện thông báo rằng người Bắc Hàn vô cùng đau khổ, họ khóc lóc và kêu la - giống như trong thời chiến vậy.”

Một số nguồn tin cũng cho biết nhà chức trách Bắc Hàn đã tăng giới hạn tối đa được đổi sau khi dân chúng phản ứng dữ dội.

Chống lạm phát

Một người Bắc Hàn lưu vong khác, Kim Woon-ho, cho biết người dân đã vô cùng sốc khi nghe tin đổi tiền.

“Người dân tức giận vì chính phủ Bắc Hàn như vậy là lấy tiền của dân.”

Ông nói người ta đang tìm cách mua đồ bằng tiền cũ trước thời hạn đổi tiền - điều này đã đẩy giá lên dữ dội.

Chủ tịch Kim Jong-Il kiểm tra táo - ảnh không có ngày

Liệu có phải lãnh đạo Bắc Hàn đang tìm cách phá bỏ giới trung lưu mới hình thành?

Nhưng bức tranh từ phía nhà nước cộng sản vẫn không rõ ràng.

Một người Bắc Hàn khác hiện cũng đang sống tại Nam Hàn cho biết đồng won mới đã xuất hiện trên thị trường.

Các chuyên gia đều tin rằng Bắc Hàn đổi tiền nhằm giảm lạm phát.

Nhưng hạn chế số tiền mà người dân được phép đổi cũng có nghĩa là giảm bớt lượng tiền trong lưu thông.

Nhưng một số chuyên gia cũng cho rằng đây cũng là biện pháp để chính phủ tăng kiểm soát đối với dân chúng.

Trở lại với chính thống?

Bắc Hàn bắt đầu cải cách thị trường có hạn chế từ năm 2002, co phép người dân được mua và bán hàng hóa trên thị trường tự do.

Các cửa hàng nhà nước ngày càng có ít hàng hóa, nhưng theo một người gần đây tới thăm một chợ lớn ở Bình Nhưỡng, trên thị trường tự do, người dân Bắc Hàn có thể mua hoa quả, quần áo và hàng điện tử nhập khẩu.

Gần đây, chính quyền đã tìm cách hạn chế các hoạt động trên những chợ tự do.

Nhân viên các tổ chức cứu trợ lo rằng Bắc Hàn sẽ phải chịu cảnh thiếu thực phẩm mùa đông này

Viết trên tờ Korean Herald của Nam Hàn, chuyên gia về Bắc Hàn, Rudiger Frank, nói rằng cải cách tiền tệ này vừa mang tính chính trị vừa mang tính kinh tế.

Ông nói các quan chức muốn phả hủy giới chung lưu mới hình thành chủ yếu nhờ các hoạt động buôn bán trên thị trường tự do.

Ông Frank còn viết: “Cải cách tiền tệ là một phần của chiến dịch đưa Bắc Hàn trở lại mô hình của chủ nghĩa xã hội chính thống với mục đích xóa bỏ những tác động nguy hiểm của những năm đổi mới vừa qua.”

**********************

source

BBC Vietnamese