Monday 30 November 2009

Bài học từ Dubai World


Bài học từ Dubai World

Ánh sáng trên sa mạc từ khách sạn Atlantis ở Dubai

Với nhiều người Việt Nam, phi cảng Dubai là điểm dừng chân sau chặng bay dài về thăm quê nhà, là nơi mua sắm hàng miễn thuế thả phanh và rảo bộ hoa cả mắt giữa những quầy hàng hào nhoáng.

Ngoài các ngoại kiều Âu Mỹ đến đóng vai trò quản lý, chuyên gia tài chính, kỹ thuật, đây còn là nơi công nhân Pakistan, Sri Lanka, Trung Quốc và cả Việt Nam đổ mồ hôi góp phần tạo ra một thế giới xa hoa giữa sa mạc.

Nhưng nay cú mắc nợ 60 tỷ đôla của Dubai World, một vụ Lehman Brothers của Trung Đông đang đặt câu hỏi về mô hình tăng trưởng chóng mặt nhờ các dự án vay tiền từ các quỹ đầu tư và dựa vào bảo đảm của chính quyền.

Nhân vụ Dubai World, báo chí quốc tế cũng cảnh báo cả các trường hợp "vay nhiều gây quan ngại", từ Mexico đến cả Việt Nam.

Mộng trên cát vàng?

Vậy phép lạ trên sa mạc Dubai là gì mà nay bị cho là 'lâu đài trên cát' và bài học của Dubai World có gì đáng nói?

Trước hết, theo Christopher Davidson từ Đại học Durham, nguyên nhân trực tiếp của cú choáng tuần qua là việc chính quyền Dubai, một tiểu vương quốc Hồi giáo không có dầu mỏ, mất đi khả năng chi trả cho những khoản nợ khổng lồ mà tập đoàn Dubai World do nhà nước nắm, gây ra.

Là một trong số các quốc gia thuộc Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), một liên bang ra đời sau khi người Anh rút đi năm 1971, Dubai không có mỏ dầu nhưng lại nắm một thương cảng truyền thống có tiếng.

Đang có những lo ngại về một số nền kinh tế mới lên như Mexico, Việt Nam và cả Latvia

Báo Sunday Times ở London

Đã có những ý kiến cho rằng Dubai không thể tự tồn tại được và phải dần trở thành một phần của UAE và trung tâm quyền lực là Abu Dhabi, với bằng chứng là việc giao nộp lại Lực lượng Phòng vệ Dubai cho UAE năm 1996.

Đổi lại, Dubai có toàn quyền quản lý và phát triển thương cảng, gồm hải cảng và phi trường.

Chính quyền Dubai chọn con đường 'tăng trưởng là trên hết', với việc mở rộng cửa mời gọi đầu tư vào hệ thống dịch vụ.

Vì thiếu cả nhân lực và tài lực, Dubai chủ yếu là đi vay và đi thuê, thuê từ người làm đến nhà quản trị.

Vẫn theo nhà nghiên cứu Christopher Davidson, tác giả cuốn sách "Dubai: The Vulnerability of Success", thì trên giấy tờ, thành công của Dubai quả là ngời sáng, với 95% GDP cho đến năm 2008 là từ khu vực dịch vụ.

Nhưng cùng cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu, đầu tư nước ngoài bắt đầu giảm.

Căn bệnh của Dubai, như ông Davidson nhận định, là "vươn ra quá rộng" với nhiều dự án khổng lồ (mega projects), từ đảo nhân tạo cho đến cao ốc nhất vùng, tất cả chỉ nhờ tiền vay từ bên ngoài.

Trên thực tế, ngay từ đầu 2009, chính phủ nước này đã biết chuyện và tìm mọi cách nhằm thu hút dòng đầu tư tiếp tục nhưng đã không thành công.

Nay có vẻ như Abu Dhabi cũng không hào hứng trong việc nhảy vào cứu Dubai.

Bây giờ ra sao?

Tất nhiên, một số nhà quan sát khác lại cho rằng tình hình Dubai vẫn chưa phải là quá tệ, và Dubai vẫn có mức tăng trưởng 6%, xuống từ 10% năm ngoái.

Theo ông Mohammed Alabbar, chủ nhiệm ủy ban chống khủng hoảng của chính phủ, thì nợ của Dubai là khoảng 80 tỷ đôla, so với 350 tỷ tài sản.

Dubai muốn đi thật nhanh từ lạc hậu lên hiện đại

Cũng có tin các tập đoàn Goldman Sachs, Morgan Stanley, UBS và Credit Suisse đang tính chuyện hợp sức cứu nợ cho Dubai.

Dan Roberts trên báo Anh, tờ The Guardian 30/11 thì giải thích vì sao Dubai là 'lâu đài trên cát':

"Tiền cho vay rẻ đã thu hút các nhà đầu tư cố tin rằng sự giàu có nhiều hơn thực được tạo ra. Cơ chế này hoạt động chừng nào đồng tiền còn được hút vào việc mua các tài sản giá bị thổi phồng lên nhưng sẽ tan rã một khi tiền biến mất."

Hàng vạn công nhân nước ngoài, đa số từ Nam Á, đã bị kẹt ở Dubai và sẽ còn nhiều công ty tại đây ngưng hoạt động, khiến số phận của những người này chưa rõ sẽ ra sao.

Những người Phương Tây cũng sẽ mất việc, không kể những người bỏ tiền vào đầu tư bất động sản tại Dubai, nay không chỉ mất tiền mà có thể mất cả quỹ hưu.

Tin hôm 29/11 của hãng Bloomberg nói chính quyền UAE ra lệnh cấm phát hành ấn bản của báo Anh, tờ Sunday Times về món nợ của Dubai.

Cơ quan quản lý báo chí của UAE từ chối không bình luận nhưng theo Bloomberg thì bức hình ghép mô tả vị vương của Dubai, Shaikh Mohammed Bin Rashid Al Maktoum ngập đầu trong đống nợ.

Đây không phải là lần đầu tờ Times of London có bài cảnh báo ngoại kiều Anh sang làm ăn ở Dubai.

Hôm 21/06 vừa qua, báo này đã có bài "Dubai's dream is built on sand' (Giấc mộng trên bãi cát của Dubai) nói rằng "khủng hoảng tín dụng đã đến Dubai".

Vẫn theo the Times, thì các nhà đầu tư Anh đã ném vào 200 triệu bảng trong số dự án bất động sản một tỷ bảng Anh ở Dubai, mà đa số không hoàn tất.

Theo báo này, du lịch Dubai, chiếm 20% GDP xứ này vào năm ngoái, cũng sụt.

Có vẻ như chính quyền Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất chọn cách ngăn không cho "tin xấu" lan truyền về khó khăn tài chính của họ.

Bài học cho những ai?

Tác giả John Arlidge trong bài trên Sunday Times 29/11 nói nhân vụ Dubai, đang có những lo ngại về "một số nền kinh tế mới lên như Mexico, Việt Nam và cả Latvia".

Còn tại châu Âu, lo ngại về nợ nước ngoài của Ireland và Hy Lạp cũng nổi bật lên sau cơn choáng Dubai.

Riêng về Việt Nam, theo các hãng tin quốc tế, nợ của chính phủ Việt Nam đang tăng nhanh, chiếm 44,6% của GDP năm 2008.

Hãng tin DPA trích nguồn trong nước nói GDP của Việt Nam là 89 tỷ đôla năm ngoái.

Trong vùmg Đông Nam Á, lo ngại về Việt Nam cũng được báo The Philipine Star nêu ra nhân bài học Dubai.

Bài của Valentino Sy hôm 30/11 bày tỏ sự lo ngại rằng từ Dubai nạn vỡ nợ có thể "lan truyền đến các nước mà cơ sở nền tảng yếu kém như Hy Lạp, Latvia, Hungary và Việt Nam".

Tác giả này nhắc lại rằng, "Việt Nam, chỉ mới tuần trước đã phá giá đồng tiền của họ vì ngân sách không bền vững và thâm hụt ngoại thương."

Báo chí trong và ngoài nước từ một thời gian nay cũng đặt câu hỏi về tính khả thi và hiệu quả của nhiều dự án to tát của các tập đoàn nhà nước tại Việt Nam.

Bài học Dubai có thể là một cảnh báo trước tâm lý 'đi tắt đón đầu', làm ăn lớn nhưng khả năng không theo kịp tham vọng.

*************************

source

BBC Vietnamese

No comments:

Post a Comment