Tuesday 22 December 2009

Những "góc khuất" của kinh tế Trung Quốc



Trung Quốc muốn xây dựng một xã hội hài hòa và bắt tay với các nước khác để xây dựng một thế giới hài hòa đem lại hòa bình và phồn vinh chung. Đó là ngôn ngữ đẹp. Nhưng sự thật sẽ ra sao thì người dân Trung Hoa và thế giới vẫn đang chờ xem.

Sau 30 năm tiến hành cải tổ, nền kinh tế Trung Quốc đã có những bước tăng trưởng vượt bậc. Với con số tăng trưởng bình quân hằng năm gần 10% từ năm 1979 đến nay, Trung Quốc đã gây ra nhiều tiếng vang cũng như cảnh báo về một sự trỗi dậy của một siêu cường có khả năng làm thay đổi trật tự thế giới.

Như một ví dụ, theo kết quả khảo sát trong tháng 11/2009 của Pew Research Center, 44% công chúng Mỹ cho rằng Trung Quốc là cường quốc kinh tế hàng đầu toàn cầu, trong khi con số dành cho Hoa Kỳ chỉ là 27%.

Có lẽ ý kiến của công chúng Mỹ về sự trỗi dậy của Trung Quốc phần lớn là do cảm tính có được từ những ảnh hưởng của giới truyền thông. Sự thật thì, theo những thước đo tiêu chuẩn như GDP, GDP bình quân trên đầu người..., nền kinh tế Mỹ vẫn bỏ xa nền kinh tế Trung Quốc.

Một nhà máy làm than đá tại tỉnh Sơn Tây. Ảnh : Reuters
Hơn nữa, quá trình tăng trưởng nóng của Trung Quốc đã gây ra những hệ lụy không nhỏ trong xã hội Trung Hoa và tạo ra một số lực cản trong các nỗ lực toàn cầu. Nói một cách khác, Trung Quốc có những yếu điểm có tính hệ thống không những làm giảm đi tính ngoạn mục của thành tích tăng trưởng kinh tế mà còn làm cho cái đích tiến lên trở thành siêu cường của nước này càng trở nên xa hơn.

Trong một cái nhìn tương quan ở thời điểm hiện tại, trong khi nền kinh tế thế giới bị suy thoái mà Trung Quốc vẫn tăng trưởng 8.4% trong năm 2009 (theo dự báo của Ngân hàng Thế giới) thì khó có thể nói đến yếu điểm. Tuy nhiên, khi đi sâu vào thực trạng của nền kinh tế trong nhiều năm qua thì mới thấy rằng, Bắc Kinh phải làm mọi giá, kể cả đưa ra các biện pháp chính sách có tính cách làm méo mó kinh tế vĩ mô, để cố đạt mục đích tăng trưởng được ấn định phần lớn bởi yếu tố chính trị.

Giới chuyên môn thường chỉ ra hai yếu tố chính cho quá trình tăng trưởng của Trung Quốc là sự gia tăng của năng suất tổng thể và đầu tư. Tuy nhiên, có thể thấy rằng càng về sau thì sự gia tăng của đầu tư càng trở nên lấn át, đưa đến tăng trưởng về lượng nhưng thiếu về chất.

Để cố đạt được những tham vọng về công nghiệp hóa, Trung Quốc đã tăng cường đầu tư ồ ạt vào các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp nặng, cũng như cơ sở hạ tầng. Quá trình này được thực hiện thông qua các biện pháp hỗ trợ cũng như các chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhà nước, tiến hành tràn lan các dự án đầu tư, bất chấp hiệu quả kinh tế.

Tình trạng này dẫn đến hàng hóa dư thừa trong khi mức độ tiêu thụ nội địa vẫn thấp, bắt buộc Trung Quốc phải bằng mọi giá tìm đường đầu ra thông qua con đường xuất khẩu. Có thể thấy rằng trong những năm gần đây xuất khẩu đã đóng góp một phần không nhỏ cho tăng trưởng, chẳng hạn như xuất khẩu ròng đã đóng góp khoảng 1/5 cho con số tăng trưởng 13% trong năm 2007.

Các công ty giấy Trung Quốc cũng góp phần gây nên nạn phá rừng như tại Indonesia. Ảnh: Solène Honorine
Sự gia tăng lệ thuộc vào thị trường xuất khẩu này đã làm Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề khi nền kinh tế thế giới lâm vào suy thoái. Bắc Kinh đã tung ra gói kích thích kinh tế lên đến 586 tỉ đô la vào tháng 11/2008 trong một nỗ lực duy trì một mức độ tăng trưởng tương đối cao nhằm tránh những bất ổn xã hội. Tuy nhiên, phần lớn số tiền này vẫn được sử dụng vào các hạng mục đầu tư vốn đã xảy ra tràn lan trước khi gói kích thích được ban hành.

Và những hệ quả

Trong phạm vi quốc gia, các chính sách thiên mạnh về thúc đẩy công nghiệp hóa cũng như tăng trưởng nóng thông qua con đường gia tăng đầu tư của Trung Quốc đã gây ra ba hệ quả tiêu cực đáng chú ý sau đây.

Thứ nhất, nền kinh tế đang tồn tại những mất cân bằng vĩ mô, làm quá trình tăng trưởng thiếu tính chất bền vững và không hài hòa với bối cảnh kinh tế toàn cầu. So với các nước đang phát triển cũng có ảnh hưởng tương đối lớn như Ấn Độ và Brazil, Trung Quốc có tỉ lệ công nghiệp trong GDP cao hơn rất nhiều nhưng lại có tỉ lệ dịch vụ trong GDP nhỏ hơn rất nhiều.

Để thúc đẩy cho sự tăng trưởng ồ ạt của thành phần công nghiệp, Trung Quốc đã đưa ra những chính sách hỗ trợ không những làm méo mó sự phân bổ tài nguyên kinh tế mà còn kiềm hãm khả năng phát triển của nhu cầu tiêu thụ nội địa (ví dụ, sự hạn chế mức tăng trưởng tiền lương sẽ giúp các nhà sản xuất nhưng lại cản trở khả năng tăng thu nhập của công nhân để họ có thể tăng mức tiêu thụ).

Ngoài ra, những chính sách hỗ trợ công nghiệp đã duy trì sự tồn tại của các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả và dẫn đến hiện tượng dư thừa công sức không những gây ra lãng phí mà còn tạo sức ép bán rẻ sang các nước khác.

Hơn nữa, sự tập trung vào các ngành công nghiệp nặng, tiêu thụ nhiều năng lượng (chẳng hạn như thép, nhôm, và hóa chất) buộc Trung Quốc phải tìm kiếm không ngừng nghỉ các nguồn cung cấp năng lượng trong nước cũng như khắp nơi trên thế giới.

Thứ nhì, sự phát triển ồ ạt của các ngành công nghiệp đã gây ra sự tàn phá môi trường ở phạm vi rộng lớn. Trong 30 thành phố ô nhiễm nhất thế giới thì 20 là ở Trung Quốc. Và Trung Quốc hiện nay đã vượt qua Mỹ để trở thành nước xả khí thải carbon lớn nhất thế giới.

Bên cạnh đó, với 70% hệ thống sông hồ bị ô nhiễm và hơn 300 triệu dân không có nước sạch để uống, sức khỏe của nhiều người dân, đặc biệt là dân nghèo, đã bị ảnh hưởng nặng nề. Tình trạng này đã gây ra làn sóng khiếu nại và phản đối mạnh mẽ trong quần chúng, có khả năng làm mất ổn định xã hội nếu nạn ô nhiễm môi trường không được khắc phục tốt.

Thứ ba, nạn phân hóa giàu nghèo đã gia tăng rõ rệt trong xã hội Trung Hoa. Hệ số Gini (một thước đo về mức độ bất bình đẳng thu thập; hệ số này đi từ 0 đến 1, với con số càng cao thì mức độ bất bình đẳng càng cao) của Trung Quốc đã tăng liên tục trong nhiều năm qua, từ 0.257 trong năm 1990 lên đến 0.473 trong năm 2007. So sánh với các nước khác, Trung Quốc có hệ số Gini cao hơn Ấn Độ và các nước trong khu vực, ngoại trừ Sri Lanka.

Giữa các thành phần trong xã hội, sự cách biệt nghiêm trọng nhất là giữa thành thị và nông thôn. Trung Quốc càng tăng trưởng thì khoảng cách về thu nhập giữa hai khu vực này càng rộng ra. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực thành thị cao hơn gấp ba lần khu vực nông thôn. Với hơn 700 triệu dân vẫn ở các vùng quê, sự cách biệt này đã và đang tạo ra hàng loạt các vấn đề nhức nhối trong phạm vi toàn xã hội.

Không chỉ dừng lại ở phạm vi trong nước, sự tăng trưởng mất cân đối của Trung Quốc cũng đang gây ra những khó khăn trên trường quốc tế. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, vấn đề thường hay được nhắc đến là chính sách tỉ giá của Trung Quốc. Từ nhiều năm, nhiều nước đã chỉ trích việc Trung Quốc cố giữ đồng nhân dân tệ (NDT) yếu so với đồng đô la nhằm thúc đẩy xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu.

Từ khi Trung Quốc gia nhập WTO vào cuối năm 2001, đồng NDT đã trượt giá cho đến năm 2005. Hiện tượng này đã làm cho thặng dư thương mại nhảy vọt từ 22.6 tỉ đô là trong năm 2001 lên đến 101.9 tỉ đô là trong năm 2005. Trung Quốc sau đó đã cho đồng NDT tăng giá đến năm 2008. Tuy nhiên, từ giữa năm 2008 đến nay, Bắc Kinh đã can thiệp để neo cứng tỉ giá giữa đồng NDT và đô la, dẫn đến sự mất giá của đồng NDT do đồng đô la bị mất giá.

Rõ ràng là Trung Quốc đã sử dụng chính sách tỉ giá để tìm đường ra cho xuất khẩu nhằm giải quyết bớt tình trạng thất nghiệp trong lúc kinh tế thế giới bị suy thoái. Và như thế, hàng hóa các nước khác sẽ gặp khó khăn khi cạnh tranh với hàng Trung Quốc giữa lúc đồng NDT bị suy yếu một cách giả tạo. Do đó, sẽ không có gì là ngạc nhiên khi có ý kiến cho rằng Trung Quốc "phá đám" quá trình phục hồi ở các nước khác.

Ngoài ra, Trung Quốc hiện nay cũng là một trong những trở lực lớn trong quá trình giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường. Trước nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu, việc Trung Quốc từ chối các cam kết về mức độ cắt giảm khí thải CO2 cũng như sự giám sát của quốc tế trong quá trình thực hiện cắt giảm đã góp phần ngăn cản các nước đi đến một hiệp định chung có tính pháp lý ràng buộc tại hội nghị về biến đổi khí hậu ở Copenhagen vừa qua.

Thái độ của Trung Quốc cũng là dễ hiểu khi 70% năng lượng được tiêu thụ tại nước này có nguồn gốc từ than. Trung Quốc hiện chưa đủ khả năng kỷ thuật cũng như quyết tâm chính trị để chuyển nền kinh tế theo hướng sử dụng năng lượng sạch và tiết kiệm hơn. Do đó, thế giới sẽ khó trông mong vào một sự ủng hộ nhiệt tình từ phía Bắc Kinh cho một hiệp định toàn cầu có hiệu quả trong việc giảm thiểu khí thải CO2.

Trung Quốc tất nhiên hiểu rõ các yếu điểm nội tại trong nền kinh tế cũng như những giới hạn của mình trong việc nâng cao uy tín của một nước lớn trên trường quốc tế. Như một cố gắng tìm ra giải pháp, Bắc Kinh đã tung ra một chiến lược được gọi là "phát triển hài hòa" (harmonious development).

Ông Hồ Cẩm Đào từng nói đại khái rằng, Trung Quốc muốn xây dựng một xã hội hài hòa và bắt tay với các nước khác để xây dựng một thế giới hài hòa đem lại hòa bình và phồn vinh chung. Đó là ngôn ngữ đẹp. Nhưng sự thật sẽ ra sao thì người dân Trung Hoa và thế giới vẫn đang chờ xem.

* Bài viết thể hiện góc nhìn riêng của tác giả

*****************

source

http://www.tuanvietnam.net/2009-12-22-nhung-goc-khuat-cua-kinh-te-trung-quoc

No comments:

Post a Comment