Thursday, 25 June 2009

Công nghệ… cháo dinh dưỡng


Công nghệ… cháo dinh dưỡng
Thời gian gần đây, khắp các ngõ ngách, đường phố của thành phố xuất hiện một loại hình kinh doanh các loại cháo nấu sẵn, được gọi là cháo dinh dưỡng. Quy mô của các lò cháo này đã lan rộng đến khắp các địa bàn.
Những nhà máy sản xuất cháo
Cháo có nhiều loại, thịt cá, gà, tôm, cua, lươn, hến, óc heo, thập cẩm… và được nấu, vô bịch ny lông sẵn, ủ nóng trong các thùng nhựa đựng đá, bán với giá 2.000đ/bịch lớn, 10.000đ/bịch nhỏ.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, ngụ tại 152/20 Nguyễn TrọngTuyển, nhận xét, loại cháo này giá rẻ, dễ mua, phù hợp trẻ em, người già, người bệnh… và có nhiều loại để thay đổi. Chúng tiện lợi và tiết kiệm thời gian cho rất nhiều người. Tuy nhiên, bà Hà băn khoăn: món cháo nấu sẵn này có đảm bảo vệ sinh? Nguồn nguyên liệu và cách nấu có an toàn?
Ðến một điểm bán trên đường Gò Dầu, mặc dù toàn bộ mặt tiền của ngôi nhà chị T. đã được cho người khác thuê để kinh doanh, nhưng điều này lại không ảnh hưởng gì đến công việc kinh doanh cháo của chị. Chị T. cho biết, không cần bỏ vốn, chị chỉ cần đặt một chiếc bàn trên lề đường phía trước góc nhà, mỗi buổi sáng chịu khó mở cửa sớm một chút, 5 giờ sáng là có xe của cơ sở mang thùng đá đựng cháo đã nấu và vô bịch sẵn để giao cho chị bán. Bán đến chừng 11 giờ trưa thì có người đến thu tiền, giao cháo mới, thu hồi cháo cũ bán chưa hết về. Cứ bán được 100 bịch thì chị được chia 20.000đ, rồi mỗi tháng lại được cơ sở trả thêm 150.000đ tiền chỗ.
Không có con số thống kê chính thức, nhưng theo nhiều người ước tính thì trên toàn thành phố có cả ngàn điểm bán cháo dinh dưỡng tương tự như của chị T. Cháo được cung cấp từ nhiều cơ sở khác nhau, mỗi cơ sở có một địa bàn hoạt động riêng, đôi khi có đan xen lẫn nhau nhưng rất ít. Cơ sở cháo ABC cung cấp cháo cho các điểm bán hoạt động trên địa bàn quận Tân Bình, một phần quận 6, cháo Cây Thị cung cấp ở quận 8, Bình Thạnh; cháo Ðô-rê-mon ở địa bàn Gò Vấp, Baby ở địa bàn quận 12…rồi cơ sở Bé Ngoan, Mầm Non, Bông Hồng…
Công nghệ nấu cháo dinh dưỡng?
Chúng tôi tìm đến cơ sở cháo ABC nằm trên đường Tân Hương, phường 16, quận Tân Bình. Theo những người trong nghề thì ABC là cơ sở đầu tiên đưa ra loại cháo này trên địa bàn thành phố. Nhà máy chính sản xuất cháo của cơ sở này nằm trên đường Dương Văn Ðang cũng thuộc quận Tân Bình rộng chừng 100 m2. Sát chân tường theo chiều dọc của nhà máy là một hệ thống bếp dạng công nghiệp dùng gas, với khoảng 20 chiếc nồi lớn nấu các loại cháo đang sôi sùng sục.
Giữa nhà là những chiếc nồi nhỏ hơn đựng các loại nguyên liệu đã được chế biến để cho vào các nồi cháo như thịt heo xay, cá lóc, gà ác, cà rốt, rau cải…
Chủ cơ sở, bà Nguyễn Thị Nở cho biết: cơ sở cháo của bà hoạt động đã được ba năm nay. Ban đầu chỉ có một mặt hàng cháo sườn, nhưng dần dà theo gợi ý của những người bán cháo cũng như người tiêu dùng, bà bổ sung thêm các loại cháo gà, tôm, cua, óc heo…
Nhìn chung, không có bí quyết, không có những khác biệt trong cách nấu, chế biến giữa cháo dinh dưỡng và các loại cháo thường được nấu ở nhà hoặc ở các quán bán cháo từ nguyên liệu đến cách nêm nếm. Ðiều khác ở đây là cháo được nấu với số lượng nhiều, và mục đích là phục vụ đối tượng chính là trẻ em nên các nguyên liệu được xay nhuyễn và không được để lẫn xương.
Theo bà Nở, nguồn nguyên liệu rau, cá, thịt dùng cho chế biến được cơ sở của bà hợp đồng với các tiểu thương ở chợ Tân Hương, chợ phường 18. Bà Nở đưa ra những bản hợp đồng giao nhận thực phẩm, trong đó có kèm những phiếu xác nhận của cơ quan thú y về sản phẩm đã được kiểm dịch cho mỗi lần giao hàng. Bên cạnh đó, còn có những hũ đựng mẫu cháo lưu để đề phòng sự cố thì cơ quan chức năng có cơ sở để kiểm tra. Chúng tôi được tư vấn của đoàn kiểm tra, hơn nữa cũng muốn giữ uy tín, làm ăn lâu dài nên cơ sở tự giác làm các động tác trên chứ chưa có ai bắt buộc, bà Nở cho biết.
Cháo dinh dưỡng không phải là một dạng thực phẩm đặc biệt
Theo bác sĩ Trần Văn Ký, phó khoa vệ sinh Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, thì cháo dinh dưỡng chỉ là một cách gọi kinh doanh, chúng cũng như những loại thực phẩm khác sử dụng nguyên liệu tươi để chế biến chứ không phải là một dạng thực phẩm đặc biệt. Và đây là một trong những mặt hàng có thời gian sử dụng ít hơn 24 giờ nên không buộc phải công bố chất lượng, cơ quan quản lý không quản lý, theo dõi về mặt chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng, chúng được quản lý tương tự như các loại thức ăn đường phố. Y tế dự phòng quận huyện, cán bộ y tế quản lý về thực phẩm của phường xã sẽ kiểm tra theo dõi về mặt an toàn vệ sinh, an toàn trong chế biến theo quản lý chung.
Trong thực tế, những đoàn thanh tra của các quận huyện cũng đã tiến hành kiểm tra một số cơ sở sản xuất cháo dinh dưỡng. Qua một biên bản của một đoàn kiểm tra liên ngành do dại diện là uỷ ban, trạm y tế, công an của một phường thuộc quận Tân Bình kiểm tra một cơ sở chế biến cháo dinh dưỡng cho thấy cơ sở này chưa đăng ký kinh doanh, nguồn nước sử dụng chưa được xét nghiệm, các công nhân sản xuất chưa được khám sức khoẻ. Ðoàn đã lập biên bản và đề nghị khắc phục, một tháng sau sẽ kiểm tra trở lại.
Nhu cầu của đời sống công nghiệp đã dẫn đến việc nhiều loại thức ăn đường phố cũng được sản xuất và phân phối theo quy mô công nghiệp. Và như vậy đối tượng mà các cơ sở này phục vụ sẽ không chỉ gói gọn trong một nhóm khách hàng nhỏ mà ngày càng lớn hơn. Các quy định về quản lý, kiểm soát của cơ quan quản lý cần phải có những thay đổi để theo kịp sự phát triển.
Vĩnh Phương
source
http://www.sgtt.com.vn/oldweb/cacsobaotruoc/435_39/p10_connghechaodinhduong.htm

No comments:

Post a Comment