Ngày 11.10.2008 Giờ 08:36
“Ve chai” thời số
Ve chai thời thu lượm đến ve chai thời số có một thời kỳ quá độ là ve chai ba gác đạp tự chế. Qua ba thời kỳ như thế nhưng thời gian chẳng đầy mấy chục năm. Giờ đây cả ba hình thức cùng tồn tại và có phân khúc thị trường rất rõ. Số vẫn cao cấp hơn…
Chở ti vi cũ đến siêu thị để đổi ti vi mới. Ảnh: H.T
Tín hiệu để nhận ra ve chai số là nhiều cửa hàng bán lẻ sang trọng ở TP.HCM treo bảng với thông tin ngắn gọn: “Đổi hàng cũ lấy hàng mới”. Còn muốn biết chi tiết, cứ mang đồ cũ đến đổi sẽ rõ hơn.
Thời “đồ đồng”
Chưa xa lắm, gần mười năm trước thôi trong lòng Sài Gòn vẫn còn những bà cụ, bà chị quẩy gánh dọc ngang “hang cùng ngõ tận” để đổi hàng cũ lấy hàng mới. Hàng mới của các bà các chị là những chiếc rổ, thau, xô nhỏ, xô lớn… làm bằng nhựa rực rỡ sắc màu. Xen vào đó là những bộ xoong làm bằng gang, bằng nhôm hay bằng inox mỏng dính. Có khi những món hàng mới này bán bằng tiền mặt nhưng phần lớn là dùng phương thức “hàng đổi hàng”. Còn hàng cũ mà những người thu gom nhắm đến là đồ nhựa cũ, sắt – thép – gang – nhôm. Tuỳ theo giá trị của hàng cũ như thế nào, hai bên thoả thuận đổi hàng mới. Có khi người đổi sẽ được bù thêm tiền, còn có lúc người thu gom phải bù. Kèo nèo dữ lắm nhưng cuối cùng ai cũng vui. Nói theo ngôn từ của pháp luật, đó là quan hệ dân sự “thuận hoà” giữa A và B, không có khiếu nại, kiện cáo, không có vi phạm sở hữu trí tuệ hay cạnh tranh gì cả!
Người thu gom vui vì hai lẽ, được chút chênh lệch từ hàng đem đi đổi và phần lãi từ việc bán phế liệu cho các vựa. Còn người đổi vừa tống tháo món đồ cũ, đồ hư cho rộng nhà rộng cửa mà còn được có hàng mới để dùng. Biết là chẳng bền (vì chất lượng vào hàng cực kỳ thấp) nhưng là hàng mới. Ai mà không sướng!
Thời… số!
Thời số nên cách đổi và hàng hoá đem đổi cũng khác, khác nhiều lắm. Người chủ “gánh ve chai” thay vì phải đi khắp hang cùng ngõ hẻm thì giờ đây chỉ cần lên ti vi, lên báo hoặc treo bảng “hàng cũ đổi hàng mới” trước cửa hàng của mình hay trên “wép-sai” là có khách tìm đến. Khách, có người lặc lè những chiếc ti vi đời cũ rích, những chiếc tủ lạnh to đùng hết chạy nổi, những cục máy lạnh đã tróc sơn hay những chiếc máy in thường thấy ở các văn phòng không còn in được nữa... Có người gọn lỏn trong tay một chiếc thẻ nhớ cũ xì dung lượng vài chục “mê”... Những món hàng to người chủ đòi phải có thương hiệu rõ ràng, không đổi hàng lắp ráp hay hàng có tên lạ hoắc từ bên tàu bên tây. Còn những món hàng cũ dễ dãi hơn, như thẻ nhớ chẳng hạn không cần tên, cần tuổi, cứ có hình hài chiếc thẻ là đủ “tư cách pháp nhân” để được đổi hàng!
Vì là thời “số” nên cách đổi hàng không giống ngày xưa. Bây giờ, muốn đổi hàng, người đổi phải bù thêm tiền mới được nhận hàng mới. Giá tiền thì tuỳ theo giá trị. Như đổi thẻ cũ lấy thẻ mới dung lượng 1 “ghi” phải bù thêm 99.000đ/thẻ. Còn muốn đổi những chiếc ti vi, tủ lạnh máy giặt cũ lấy hàng mới, tuỳ theo giá trị món hàng cần đổi mà bên thu gom sẽ quyết định giảm bao nhiêu. Có khi vài chục ngàn như chiếc quạt điện nhưng cũng có khi vài triệu đồng.
Được tống khứ những món hàng cũ với công nghệ lạc hậu để bù thêm tiền (mức bù tuỳ theo mặt hàng khách chọn) mua hàng mới với công nghệ cao hơn nên người đổi cũng vui, người thu gom cũng lợi vì qua đó bán được nhiều hàng. Cũng như ngày xưa, người thu gom xem ra lợi nhiều hơn. Đã có các hãng sản xuất đứng sau lưng họ, vừa trợ giá vừa “bảo kê” việc đổi chác này là hợp pháp, vừa bảo chứng rằng hoạt động này không vi phạm luật cạnh tranh. Một ông chủ giải thích: gom hàng cũ đổi hàng mới chỉ là cách kích cầu thị trường, là chiêu thức tiếp thị. Còn hãng sản xuất trong vai trò nhà tài trợ cười: “Chẳng có ai đủ tiền để thao túng thị trường đâu. Nếu hãng nào có ý đồ đó, các hãng khác cùng nhau đập chết liền. Chớ lo xa”. “Nhất cử” nhiều… cái tiện. “Ve chai” thời nào cũng vậy. Thuận đổi – vừa trao.
Gia Vinh
Hàng cũ làm gì? Những đôi dép đứt quai. Những nồi nhôm méo mó. Những chiếc xô vá chằng vá đụp của những bà thu gom hàng cũ ngày xưa được đưa vào lò tái sinh để chúng tái sinh, sống kiếp luân hồi. Còn với những món hàng số, cho đến bây giờ đi đâu về đâu chẳng ai rõ. Có người ngờ rằng chúng sẽ được tân trang hàng cũ thành hàng mới, đem về vùng sâu vùng xa bán giá rẻ. Có người cho rằng chúng được “xẻ thịt” để lấy linh kiện thay thế. Nhưng theo những ông chủ vựa thì chúng được dùng vào các hoạt động cộng đồng theo hình thức tân trang để tặng cho bà con cũng ở vùng sâu vùng xa. Những chiếc thẻ nhớ được gắn vào một thiết bị gọi là adaptor thành ổ cứng di động để tặng sinh viên nghèo. Cũng có những mặt hàng cũ sẽ được dùng làm thiết bị “trực quan sinh động” cho đào tạo nhân viên kỹ thuật… Nghe ra, vô cùng xúc động trước tấm lòng của những ông chủ vựa.
source
http://sgtt.com.vn/Detail85.aspx?ColumnId=85&newsid=41593&fld=HTMG/2008/1009/41593
No comments:
Post a Comment