Monday, 29 June 2009

Thợ chống thấm đang “chạy sô”!


source
http://sgtt.com.vn/detail35.aspx?newsid=38604&fld=HTMG/2008/0807/38604
Ngày 10.08.2008 Giờ 10:40
Thợ chống thấm đang “chạy sô”!
Ai đến gội đầu tại một tiệm spa có tiếng ở quận 5 đều ấn tượng bởi bức tường được vẽ hoa văn trang trí rất đẹp. Có điều, bức tường lãng mạn ấy chỉ gồm những hoa văn chảy dài nhìn hao hao như giọt nước. Mà đúng là nước thật! Nhìn kỹ thì ra do thấm nước nên phải dùng màu vẽ thêm để khách không thấy bức tường bị loang lổ vì thấm. Cũng là một cách sáng tạo và rất “art”!
Mùa này thợ chống thấm đang làm không kịp việc. Ảnh: L.H.T
Từ trên thấm xuống
Mấy bữa nay, chị Nga ngụ tại quận 12 đau đầu vì mấy góc tường nhà bị thấm. Gọi thợ đến sửa năm lần bảy lượt không hết. Mấy ngày mưa lớn, nước chảy thành dòng từ chỗ thấm xuống đến sàn nhà, ướt hết tủ quần áo, giày dép. Sau một ngày đi làm mệt mỏi về vừa lau nhà, vừa lấy quần áo ra phơi phóng, chị Nga vừa tức vừa tủi thân đến chảy nước mắt. Kêu thợ đến hì hục làm cả hai ngày mới xong. Bây giờ thì chị đang chờ... mưa để kiểm chứng!
Nhiều khi, thấm là nguyên nhân và hệ quả của rất nhiều chuyện như trường hợp nhà chị Vũ ở Tân Bình. Khi nhà bên cạnh xây dựng, chị thấy trần nhà mình bắt đầu thấm nước gần chỗ máng xối. Không biết làm sao, nhưng vì nước chỉ đọng trên trần nhẹ thôi nên chị tặc lưỡi bỏ qua. Một ngày, về đến nhà giữa cơn mưa tầm tã, nước ngập khắp nơi. Chị hết hồn thấy nước tràn lênh láng từ trên lầu xuống. Ngày hôm sau, tạnh mưa, kêu thợ lên kiểm tra thì thấy một chiếc áo của nhóm thợ nhà bên, ném trên máng xối, làm tắc nghẽn. Nước ban đầu bị đọng lại nên gây thấm, sau đó do mưa quá lớn nên tràn xuống nhà.
Từ dưới thấm lên
Thấm từ dưới lên trên diện rộng rất dễ bị nhầm với ngập nước do cùng có một lớp nước phủ trên bề mặt nền. Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn, sự khác biệt là ở chỗ: nước ngập sẽ ở trên mặt nền, còn khi bị thấm thì chủ yếu đến từ bên dưới lên. Nếu ở khu vực vừa bị nước triều cao, nền nhà thấp, lại bị nước thoát không kịp, gây hiện tượng vừa ngập vừa thấm.
Có nhà mới xây xong, chưa kịp mừng tân gia, gặp mấy cơn mưa đầu mùa, nước thấm hết các chân tường, làm loang lổ sơn nước. Chủ nhà bực mình vì mưa thì ít mà tức cái nhà mới thì nhiều. Mà mưa đầu mùa thường dồn dập khiến vết thấm này chưa kịp khô đã lại ướt thê thảm hơn.
“Chạy sô” chống thấm
Vào những ngày mưa này, những thợ chống thấm “chạy sô” không kịp thở. Một kỹ sư lâu năm trong ngành xây dựng phải điều hành các đội thợ “chạy sô” nói: “Chống thấm thì rất dễ. Tìm ra nguyên nhân thấm mới khó”! Công việc chính của thợ là tìm, mò, đoán và đục. Trong tình trạng chạy đường ống âm như hiện nay, xây nhà tự phát không bản vẽ thì đục tan nát cũng chưa chắc biết nguồn gốc thấm.
Có trường hợp nhà anh Hùng ở Phú Nhuận. Thấy nước thấm trần tầng trệt, anh tìm thợ đến làm lại. Cũng vẫn những công đoạn: cạo sơn nước, đục xi măng, trét chất chống thấm rồi sơn lại đẹp đẽ. Không hiểu sao, vẫn thấm. Làm lại, lại thấm. Bị vợ cằn nhằn “có cái thấm mà không chống được” anh mới để ý, cứ vợ anh có nhà thì mới thấm, còn đi công tác thì không sao. Thấy cũng kỳ, nhưng cuối cùng cũng phải nói cho “chuyên gia” nghe! Anh thợ chống thấm vỗ tay cái đét và reo lên kiểu như “ơ rê ka”! Sự thật được phát hiện, cái chốt thoát nước trong bồn tắm bị gãy, chỉ có chị vợ lại hay tắm bồn, nước thoát âm ra nền, khiến thấm. Đương nhiên là phải tháo bồn ra để sửa rồi! Lần này thì chẳng cần đục, trét gì cả.
Đối với khu dân cư ở những vùng như miền Tây, khu Bình Thạnh ở TP.HCM… những nơi triều cường cao thì tình trạng “thấm từ dưới lên” thấy rất rõ. Có thể là từ bọng gạch đến đọng sương trên nền hay nặng hơn là nước trào lên. Đương nhiên nếu có thể nâng nền thì cũng hết nhưng không phải lúc nào chủ nhà cũng có sẵn tiền để làm. Ngoài ra, nền nhà cao sẽ khiến trần thấp xuống. Giải pháp là gỡ nền gạch lên, lúc này gạch bọng, rất dễ gỡ. Dùng chất phụ gia chống thấm trộn chung để chà ron gạch, vì đa số nước thấm lên là thấm qua ron. Với giải pháp này thì sẽ giải quyết được thấm từ dưới lên.
Đối với nhà phố, tình trạng thấm dễ gặp nhất là từ hai tường giáp nhau giữa hai nhà bị hở vì nhiều lý do. Đôi khi vì hai nhà chẳng ưa nhau, tị nạnh từng centimet tường, tạo khe hở, thấm đều hai bên.
Thậm chí có nhà bị thấm vì lý do hết sức buồn cười, xây tường xong nhưng ông già hàng xóm “thấy ghét cái mặt” không cho tô. Tường mà không tô thì thấm chết thôi! Lúc này, người mà gia chủ cần “tay bưng trầu, đầu đội lễ” đến gặp không phải là thợ, mà là… ông hàng xóm.
Nguyễn Phạm Khánh Vân

No comments:

Post a Comment