Monday, 29 June 2009

Nhà nông “nuôi béo” tín dụng vật tư



Ngày 10.11.2008 Giờ 07:29
Nhà nông “nuôi béo” tín dụng vật tư
Hàng chục triệu nông dân các tỉnh miền Tây ngày ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, nhưng lợi nhuận làm ra đều chạy vào túi những ông chủ đại lý kinh doanh phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y
Nhà nông dãi nắng dầm mưa trên đồng ruộng, nhưng phần lớn lợi nhuận từ hạt lúa đều “chảy” vào túi các chủ cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp
Cân xong 50 tấn cá tra với giá 16.000 đ/kg, cầm 800 triệu đồng trên tay mà ông Nguyễn Văn Hào, chủ ao cá ở cù lao Bình Hoà Phước, huyện Long Hồ (Vĩnh Long), than: “Không đủ trả nợ”. Gần bốn tháng quần quật với đàn cá, ông Hào nợ chủ cửa hàng thức ăn chăn nuôi, thuốc trị bệnh cá gần 900 triệu đồng. “Mỗi bao thức ăn mua chịu cao hơn giá mua trả tiền mặt 15.000 – 20.000 đồng. Tất cả đều ghi vào sổ nợ, lúc thu hoạch cá thanh toán một lần, nếu trả không đủ, thì số tiền nợ phải tính theo lãi suất ngân hàng”, ông Hào cho biết.
Tương tự, ông Trương Văn Bảy, nông dân xã Thường Xuân (Tháp Mười, Đồng Tháp), cho biết vào vụ sản xuất, đại lý vật tư nông nghiệp bán chịu phân bón, thuốc trừ sâu bệnh cho nông dân. Khi thu hoạch lúa, nhà nông mới trả nợ. “Một bao phân mua chịu có giá cao hơn bao phân mua bằng tiền mặt từ 15.000 – 20.000 đồng. Khi trả nợ, nếu giá phân tăng, nông dân phải trả theo giá thị trường, không được trả theo giá ở thời điểm mua chịu. Nếu giá phân xuống, nông dân phải trả theo giá lúc mua chịu”, ông Bảy nói.
Chẳng khác người trồng lúa, ông Năm Phước, chủ trại gà ở huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), nói các chủ trại gà, heo đều là con nợ của đại lý thức ăn chăn nuôi. “Một bao thức ăn chăn nuôi bán chịu, đại lý ăn lời 10.000 đồng, nhưng nông dân phải gánh thêm 5% thuế giá trị gia tăng. Mặc dù các chủ đại lý thu mua trứng gà để trừ nợ, nhưng nhà nông… không bao giờ hết nợ, vì giá cả thu mua do các đại lý định đoạt”, ông Phước cho biết.
Ông Trương Văn Bảy cho biết, ngoài việc bị tính tiền chênh lệch rất cao trên mỗi bao phân, tới hạn trả nợ mà nhà nông không trả được (do bán lúa chưa được), các chủ nợ sẽ tính thêm lãi suất 2% vào số tiền nợ. “Cho nên chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp nào cũng giàu, còn nhà nông ngày càng nghèo”, ông Bảy nói.
Công bằng mà nói, trong lúc nông dân rất khó tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng để sản xuất, thì hình thức bán chịu phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc trị sâu bệnh đã giúp nhà nông thoát cảnh chạy vay mượn tiền để mua vật tư nông nghiệp. Lẽ ra, các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại phải tổ chức thêm tuyến “kênh” cho nông dân vay vốn này, điều tất nhiên sẽ không còn xảy ra tình cảnh các chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp, thuốc thú y bắt chẹt, làm giàu trên lưng nông dân.
bài và ảnh Hùng Anh
source
http://sgtt.com.vn/detail41.aspx?ColumnId=41&newsid=43121&fld=HTMG/2008/1109/43121

No comments:

Post a Comment