Monday, 29 June 2009

Triết lý mới về thiết kế



Ngày 20.10.2008 Giờ 10:20
Samsung Electronics
Kỳ 4: Triết lý mới về thiết kế
Khi rất khó để một công ty chiếm độc quyền một công nghệ nào đó trong thời đại kỹ thuật số thì thiết kế sẽ là nguồn lực cạnh tranh chủ yếu trong thế kỷ mới
Điện thoại Emporio Armani – sản phẩm hợp tác gần đây nhất của Samsung và Giorgio Armani – vừa ra mắt tại châu Âu
Tháng 6.2006, John Wilton, nhân viên một công ty hàng tiêu dùng tại New York, quyết định mua thêm một chiếc ti vi LCD nhưng anh vẫn chưa biết nên mua loại nào. Có quá nhiều nhãn hiệu để anh lựa chọn. Nhưng cuối cùng, anh bị thu hút bởi chiếc ti vi LCD Bordeaux của Samsung và hài lòng với thiết kế cực đẹp mang dáng vẻ ly rượu cũng như những tính năng tiên tiến của nó.
Wilton không phải là người duy nhất say mê chiếc Bordeaux vào thời điểm đó. Có đến 550.000 người trong tháng 6 và hơn ba triệu người trong cả năm 2006 trên khắp thế giới đã chọn mua ti vi LCD Bordeaux. Sản phẩm này là kết quả của quy trình sản xuất áp dụng triết lý thiết kế mới, nhân tố góp phần nâng cao hình ảnh Samsung trên thị trường toàn cầu.
Thiết kế – nguồn lực của thế kỷ mới
Cuối những năm 90, Samsung nhận ra sự chuyển đổi từ công nghệ điện toán (analog) sang công nghệ kỹ thuật số (digital) đã mang đến cơ hội mới để những công ty sinh sau đẻ muộn đuổi kịp và vượt qua các đối thủ lâu năm. Trong thời đại số, rất khó để một công ty chiếm độc quyền một công nghệ nào đó, vì vậy, tại thời điểm này, cựu chủ tịch Samsung Lee Kun-Hee đã phán đoán chính xác rằng tốc độ ra mắt sản phẩm mới và thiết kế ấn tượng chính là yếu tố cạnh tranh.
Khởi đầu cho những đổi mới trong thiết kế, Samsung thành lập bộ phận cải tiến mẫu mã và mời sáu chuyên gia nước ngoài về giảng dạy thiết kế tại công ty. Samsung cũng lập nên phòng VIP (Value Innovation Project – Dự án sáng tạo giá trị), là nơi các kỹ sư và thiết kế hàng đầu hoàn thành nhiệm vụ phát triển các sản phẩm quan trọng. Việc tập trung tất cả nhân viên chung một nơi rất hiệu quả để phát triển một sản phẩm mang tính sáng tạo và đồng nhất. Trước kia, mỗi bộ phận chỉ chú tâm vào chức năng sản phẩm có liên quan đến công việc của mình. Kỹ sư là người yêu cầu nhà thiết kế mô phỏng mẫu sản phẩm theo ý họ chứ không phải nhà thiết kế như hiện tại.
Tại VIP, một ngày không có bắt đầu và kết thúc vì việc liên tục. Mặc dù nhân viên được khuyến khích nghỉ cuối tuần nhưng thực tế là phòng VIP luôn có nhân viên luân phiên làm việc 24 giờ/ngày và 7 ngày/tuần. Và dù cho có nhân viên không ngủ lại thì làm việc 18 đến 20 tiếng/ngày cũng không phải hiếm hoi.
Samsung cũng thực hiện các chương trình huấn luyện và đào tạo các nhà thiết kế để thu hút các tài năng khắp nơi trên thế giới. Chương trình Samsung Design Membership (Hội viên thiết kế Samsung) là nơi để các sinh viên thiết kế trao đổi ý tưởng sáng tạo và cùng nhau đưa ra những thiết kế mới. Công ty cũng sở hữu viện Thiết kế và nghệ thuật Samsung (Samsung Art and Design Insitute – SADI) với nhiều chương trình đào tạo thiết kế ứng dụng hàng đầu thế giới. Các nhân viên thiết kế cũng được đưa ra đào tạo ngoài nước tại các trung tâm thời trang, mỹ phẩm, tư vấn nghệ thuật, nội thất… Họ còn được trang bị kiến thức về những ngành công nghiệp khác ngoài hàng điện tử để mở rộng kiến thức.
Khi phát triển sản phẩm mới, Samsung đặt mục tiêu thiết kế sáng tạo không đơn giản chỉ thể hiện tính thời trang, sự tiện dụng mà còn ở cả sự tương tác với người dùng. Chẳng hạn, ở những dòng điện thoại cảm ứng Soul U900, F480 và Omnia i900, các sản phẩm giờ đây không đơn thuần là những khối kim loại với những bo mạch bên trong mà là vật tương tác với người dùng. Thay cho những cú bấm trên các phím số mấp mô, những cái chạm trên màn hình cảm ứng và tính năng rung phản hồi (Haptic) tinh tế đã mang lại cảm giác thăng hoa cho người dùng, khiến mọi giao tiếp giữa ngón tay và màn hình cảm ứng trở nên sống động hơn bao giờ hết.
Bên cạnh đó, Samsung cũng quan niệm công ty không đơn thuần chỉ kinh doanh, mà thông qua sản phẩm của mình, muốn mang đến cho người dùng một phong cách, văn hoá sống và những trải nghiệm công nghệ tiên tiến nhất.
Bắt tay với các tên tuổi hàng đầu
Nhà thiết kế lừng danh Giorgio Armani đã từng nhận định các thiết kế của Samsung rất phù hợp với xu hướng vì Samsung đã thành công trong việc dự đoán về nhu cầu ngày càng tăng của một bộ phận khách hàng trẻ, năng động rất yêu thích sự đột phá trong thiết kế sản phẩm để thể hiện phong cách.
Vì vậy, ngoài đội ngũ thiết kế “gà nhà”, Samsung còn tận dụng cơ hội hợp tác với những tên tuổi lớn trong lĩnh vực thời trang và công nghệ. Chẳng hạn, Samsung đã hợp tác với nhà thiết kế thời trang Giorgio Armani để tung ra dòng điện thoại và ti vi LCD có tên Giorgio Armani – Samsung, hoặc hợp tác với nhà sản xuất thiết bị nghe nhìn Bang & Olufsen tung ra mẫu điện thoại nghe nhạc quyến rũ Serenata cũng như các dòng theo phong cách LiveLoud như i450, F330, F250, F400. Ngoài ra, các thương hiệu sang trọng và cao cấp như Adidas, BMW và Cartier cũng đã bắt tay với Samsung cho ra các mẫu sản phẩm với thiết kế độc đáo.
Chỉ tính riêng trong hai năm 2006 và 2007, Samsung đã nhận được hơn 100 giải thưởng thiết kế tại châu Âu, châu Mỹ và châu Á như Red Dot (Đức), Good Design Award (Nhật), Industrial Design Excellence Awards (Mỹ), iF (Đức)... Hầu hết các mặt hàng chủ lực của Samsung như ti vi LCD, điện thoại, đầu DVD, máy giặt, máy nghe nhạc MP3, đầu bluray… đều từng nhận được các giải thưởng danh giá về thiết kế. Những giải thưởng này phần nào chứng minh thiết kế là yếu tố cạnh tranh đầy thuyết phục của Samsung, thương hiệu đứng thứ 21 thế giới, trong thế kỷ mới.
Vân Anh
Một số sản phẩm của Samsung đã đoạt giải về thiết kế
Hệ thống âm thanh
giải thưởng Sáng tạo gia đình HT-BD2 danh dự tại CES 2008
Ti vi LCD Bordeaux Plus
giải Red Dot 2007
Điện thoại Ultra Edition 12.9-D900
giải iF 2007
Điện thoại Giorgio Armani P520
giải iF 2007
Máy giặt Zeus WF327XAB
CES 2007
Máy nghe nhạc MP3 K5 & K3
CES 2007
Ti vi LCD Bordeaux
giải Red Dot 2006
Ti vi LCD 40” R5
giải iF 2006
Kỳ cuối: Mở rộng thị trường nội địa và quốc tế
source
http://sgtt.com.vn/detail44.aspx?ColumnId=44&newsid=42138&fld=HTMG/2008/1021/42138

No comments:

Post a Comment