Monday, 29 June 2009

Nike ngưng đặt hàng tại Việt Nam và Trung Quốc
















Nike ngưng đặt hàng tại Việt Nam và Trung Quốc


Một nhà máy gia công hàng cho Nike tại TP.HCM. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến Nike phải giảm đơn đặt hàng tại nhiều nơi trên thế giới
Công ty sản xuất đồ thể thao Nike ở Beaverton, bang Oregon, Mỹ ngày 25.3 cho biết sẽ ngưng đặt hàng từ 3 nhà máy sản xuất giày dép của Trung Quốc và một nhà máy ở Việt Nam, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu khiến Nike phải cắt giảm sản lượng. Nữ phát ngôn của Nike, bà Erin Dobson cho biết thêm Nike sẽ để các nhà máy này quãng thời gian từ 6-12 tháng tìm khách hàng mới và Nike cũng hệ thống lại chuỗi cung ứng có hiệu quả cho mình.
Hiện có 640 nhà máy sản xuất hàng theo hợp đồng với Nike trên thế giới, trong đó có 72 nhà máy sản xuất giày dép. Tổng số công nhân của các nhà máy khoảng 800.000. Trung Quốc là nước gia công lớn nhất cho Nike và giày dép. Ngoài ra Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Hàn Quốc cũng nằm trong hệ thống chuỗi cung cấp sản phẩm toàn cầu của Nike.
K.D (AFP)
source
http://sgtt.com.vn/Detail44.aspx?ColumnId=44&newsid=48875&fld=HTMG/2009/0326/48875
Thursday March 26, 2009 - 11:32am (EDT) Permanent Link 0 Comments
Sản xuất cầm chừng vì... “né” giờ cao điểm

Sao lại làm khó doanh nghiệp?
TT - Theo quy định mới của Bộ Công thương, từ ngày 1-3 nếu doanh nghiệp (DN) sản xuất vào thời điểm 9g30-11g30 và 17g-20g phải trả tiền điện cao gấp đôi vì đó là... giờ cao điểm! Giải thích về quy định này, Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào nói đó là biện pháp giúp DN phát huy tính tiết kiệm, điều chỉnh hợp lý thời gian sản xuất, tránh làm căng thẳng thêm việc thiếu điện trong giờ cao điểm.
>>
Sản xuất cầm chừng vì... “né” giờ cao điểm
Về mặt lý thuyết, lời giải thích của lãnh đạo Bộ Công thương có vẻ phù hợp với tình hình thiếu điện khá căng thẳng như hiện nay. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn không phải như vậy. Ngay khi quy định này có hiệu lực, hàng loạt doanh nghiệp (DN) đã phản ứng gay gắt đến mức những ngày qua chủ tịch UBND hai tỉnh Tiền Giang và Long An phải đích thân đến DN tìm hiểu thực tế và đã chỉ đạo soạn thảo văn bản ngay trong đêm để kiến nghị Bộ Công thương hoãn thực hiện.
Đến nay ông Phạm Văn Tứ - chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thuận Phong tại Khu công nghiệp Mỹ Tho (Tiền Giang) - vẫn nhất định không chịu ký hợp đồng mua bán điện mới với điện lực vì cho rằng quy định này đi ngược lại với chủ trương kích thích sản xuất - tiêu dùng của Chính phủ, có thể làm DN phá sản. Ông khẳng định: “Chừng nào Bộ Công thương giải thích được tại sao gọi giờ làm việc bình thường theo quy định của Luật lao động là giờ cao điểm thì tôi mới ký”.
Sau gần hai tuần thực hiện quy định giờ cao điểm mới, chưa có DN nào “điều chỉnh hợp lý thời gian sản xuất và phát huy tính tiết kiệm để tránh làm căng thẳng tình trạng thiếu điện” như mong muốn của Bộ Công thương. Ngược lại, đã có hàng loạt khó khăn mới phát sinh, DN không thể tự tháo ra được. Theo ông Dương Ngọc Minh - tổng giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương (chế biến cá tra xuất khẩu), đặc thù của những ngành nghề như may mặc, chế biến thủy sản, chế biến thực phẩm... là sản xuất theo quy trình khép kín.
7g sáng, hàng ngàn công nhân có mặt là khởi động máy và phải chạy liên tục chứ không thể dừng lại để “né” giờ cao điểm 9g30-11g30 được. Nếu dừng lại đột ngột thì sản phẩm bị hư hỏng, coi như bỏ. DN buộc phải trả tiền điện giá cao để duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động. Xa hơn là để bảo vệ uy tín, thương hiệu của mình trên thị trường thế giới.
Vậy mong muốn “DN điều chỉnh thời gian sản xuất, phát huy tính tiết kiệm” có thực hiện được không? Xin nói ngay rằng: không thể! Nhiều DN cho rằng thực hiện việc điều chỉnh thời gian sản xuất còn khó hơn... hái sao trên trời. Ông Nguyễn Xuân Trường, phó Ban quản lý các KCN Tiền Giang, nói: DN đã ký hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể về chế độ tiền lương, giờ giấc làm việc theo quy định của Luật lao động. Phần lớn các DN đều tổ chức sản xuất vào ban ngày, thỉnh thoảng mới tăng ca làm đêm.
Nếu muốn thay đổi giờ làm việc ban đêm để “né” giờ cao điểm (nhằm tiết kiệm điện) thì buộc phải ký lại hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể rất phức tạp và mất rất nhiều thời gian, trong khi hoạt động sản xuất không thể chờ thủ tục hành chính. Các DN dệt may, chế biến thủy sản sử dụng phần lớn lao động là nữ. Việc yêu cầu họ làm việc ban đêm là điều không thể, bởi đó là thời gian họ dành để chăm sóc gia đình, con cái và nghỉ ngơi phục hồi sức khỏe.
Quy định giờ cao điểm dẫn đến hệ quả là chi phí sản xuất tăng cao. Ông Dương Ngọc Minh dẫn chứng: hiện nay năm nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu của Công ty Hùng Vương chọn giải pháp sản xuất không “né” giờ cao điểm thì tính sơ bộ giá thành sản phẩm đã tăng thêm ít nhất 100 đồng/kg. Còn sản phẩm bánh tráng, bánh phở xuất khẩu của Công ty Thuận Phong tăng 200 đồng/kg. Tiền điện của Công ty giày Ching Luh tăng thêm 330 triệu đồng/tháng...
Việc tăng giá thành sản phẩm trong thời điểm kinh tế chưa hết khủng hoảng càng làm DN lún sâu vào khó khăn vì sức cạnh tranh tiếp tục giảm.
VÂN TRƯỜNG
source
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=306475&ChannelID=87

Tuesday March 17, 2009 - 12:41am (EDT) Permanent Link 0 Comments
Nhiều vướng mắc xung quanh thuế thu nhập cá nhân

Bộ Tài chính cho biết đang lấy ý kiến các đơn vị có liên quan để chỉnh sửa một số điều khoản trong thông tư số 84 hướng dẫn Luật Thuế thu nhập cá nhân. Trong đó, sẽ quy định chi tiết một số vấn đề liên quan đến một số khái niệm còn gây tranh cãi như "đối tượng phụ thuộc", "không nơi nương tựa"...
Tổng cục Thuế là đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp nhận những ý kiến phản hồi từ các cục thuế địa phương, doanh nghiệp và các đối tượng nằm trong diện nộp thuế để xây dựng dự thảo hướng dẫn mới, sau đó trình Bộ Tài chính xem xét, quyết định.
Thuế thu nhập cá nhân được giãn đến hết tháng 5/2009. Ảnh: Hoàng Hà.
Trước đó, Ban chỉ đạo triển khai Luật Thuế Thu nhập cá nhân TP HCM cũng có văn bản gửi bộ Tài chính phản ánh một số vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật thuế trên địa bàn thành phố.
Cơ quan này đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn rõ khái niệm “không nơi nương tựa” và để chứng minh thuộc diện “không nơi nương tựa”, cá nhân người nộp thuế phải có các loại giấy tờ gì? Phương án được đưa ra là nên quy hiểu "không nơi nương tựa" là người sống cùng đối tượng nộp thuế, cách làm này sẽ giúp UBND cấp xã, nơi đối tượng nộp thuế cư trú, có thể xác nhận trách nhiệm nuôi dưỡng.
Một điểm khác theo Ban chỉ đạo triển khai Luật Thuế Thu nhập cá nhân TP HCM đó là các quy định về hồ sơ chứng minh người phụ thuộc chưa được rõ ràng khiến đối tượng nộp thuế không biết phải có các loại giấy tờ nào. Do vậy, không thể áp dụng theo thông tư 84 để tính là người phụ thuộc được giảm trừ gia cảnh. Cơ quan này đề nghị, cần bổ sung quy định về hồ sơ chứng minh cho đối với đối tượng này, cụ thể như quyết định của tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền quy định trách nhiệm nuôi dưỡng của đối tượng nộp thuế đối với đối tượng này.
Luật thuế quy định, tất cả các khoản tiền lương, tiền công người lao động nhận được và tất cả các khoản lợi ích khác bằng tiền và không bằng tiền mà người lao động được hưởng, đều phải chịu thuế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thắc mắc các khoản lợi ích khác như khoản tiền công ty chi trả để đào tạo cho nhân viên công ty học tập nâng cao tay nghề để đáp ứng tay nghề chuyên môn, công việc; tiền vé máy bay về phép của chuyên gia nước ngoài; tiền học phí của con chuyên gia tại Việt Nam; bữa ăn tại chỗ, ăn trưa, ăn giữa ca (không phải lãnh bằng tiền)... có được xem là khoản thu nhập khi tính thuế? Quy định hiện hành cũng chưa đề cập đến các khoản phụ cấp đặc thù của một số ngành nghề... Do vậy, Ban chỉ đạo triển khai Luật Thuế Thu nhập cá nhân TP HCM đề nghị các cơ quan chức năng sớm ban hành những văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về thuế thu nhập cá nhân.
Phía Tổng cục Thuế khẳng định tất cả những vấn đề thắc mắc kể trên sẽ được làm rõ trong thông tư hướng dẫn mới thay thế thông tư 84 đang áp dụng.
Hồng Anh
source
http://vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/2009/03/3BA0CE41/
Friday March 13, 2009 - 10:56pm (EDT) Permanent Link 0 Comments
Thuế thu nhập cá nhân: Giãn không có nghĩa là miễn

Thuế thu nhập cá nhân: Giãn không có nghĩa là miễn
Theo Trưởng ban Thuế thu nhập cá nhân - Tổng cục Thuế - Nguyễn Huy Trường, sau tháng 5, nếu Quốc hội quyết thu khoản thuế này, Bộ Tài chính sẽ tính toán phương án thu hồi sao cho ít ảnh hưởng nhất đến đời sống xã hội.>
Giãn thuế thu nhập cá nhân đến hết tháng 5
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kích cầu tiêu dùng, Chính phủ quyết định từ tháng 1 đến hết ngày 31/5/2009, các khoản thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng chứng khoán, đầu tư vốn, kinh doanh, tiền lương, tiền công, nhượng quyền thương mại... chưa phải đóng thuế thu nhập cá nhân.
Trước mắt, người nộp thuế vẫn phải thực hiện kê khai, nộp hồ sơ đăng ký mã số thuế, sau đó, khoản tiền giãn này có được miễn nộp hay không sẽ được Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 5/2009.
Nhiều người lầm tưởng sẽ được miễn khoản thuế của năm tháng đầu năm. Ảnh: Hoàng Hà.
Chị Quỳnh Anh, nhân viên một công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại VN cho biết theo Pháp Lệnh thuế thu nhập cao, trước đây, mỗi tháng chị phải đóng khoảng 5 triệu đồng tiền thuế và thường được trừ tại nguồn. 5 tháng qua, khoản thu này không bị trừ vì Luật Thuế thu nhập cá nhân được giãn trong vòng 5 tháng. Tuy nhiên, Quỳnh Anh không dám tiêu khoản tiền này vì sợ đến cuối tháng 5 phải đóng liền một lúc tới 25 triệu đồng liền. Do vậy, giải pháp được chị tính đến là để nguyên trong tài khoản gửi ngân hàng, khi cần là có thể huy động ngay để đóng thuế.
Tuy nhiên, không phải ai cũng tính toán "thông" như chị Quỳnh Anh. Nhiều người làm công ăn lương cho rằng nếu chỉ giãn thuế cũng có nghĩa là đằng nào cũng phải đóng thì cần phải quyết sớm cho người dân được biết. "Bạn cứ hình dung trước đây mỗi tháng chỉ đóng 500.000 tiền thuế, đùng một cái đến cuối tháng 5 đóng liền một cục khi ấy khoản tiền thuế 2,5 triệu đồng", chị Thư - nhân viên một công ty truyền thông tại Hà Nội nói.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Huy Trường cũng thừa nhận có việc người dân lo lắng về việc thu gộp thuế trong vòng năm tháng nên cơ quan thuế thời gian qua đã liên tiếp tổ chức các lớp đào tạo hướng dẫn để người dân hiểu và an tâm.
Ông cho biết, thời điểm hiện tại chuyện thuế thu nhập cá nhân được miễn hay chỉ được giãn vẫn còn phải chờ ý kiến Quốc hội. Tuy nhiên, trong trường hợp đến tháng 5, Quốc hội vẫn quyết định thu khoản tiền thuế này thì Bộ Tài chính sẽ tính toán thận trọng các phương án thu sao cho ít ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu dùng và sinh hoạt của người dân.
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hiệp hội thuế Việt Nam thì cho rằng việc giãn thuế thu nhập cá nhân là để thực hiện gói giải pháp kích cầu, khuyến khích tiêu dùng của Chính phủ nên có thể hiểu đây chỉ là giãn thuế chứ không phải miễn thuế cho người nộp. Do vậy, người dân nên chuẩn bị tâm lý để sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ thuế nếu tháng 5 tới Quốc hội họp vẫn quyết định tiếp tục thu khoản thuế được giãn này.
"Tôi cho rằng khoản tiền thuế được giãn trong vòng 5 tháng đầu năm nên coi là khoản tiền nhàn rỗi, người dân có thể sử dụng vào một số việc mua sắm cần thiết hoặc gửi tiết kiệm... Khi có quyết định thì sẵn sàng nộp ngay", bà nói.
Theo công văn hướng dẫn thủ tục hoàn trả thuế do Bộ Tài chính ban hành chiều 18/2, thời điểm được giãn nộp thuế thu nhập cá nhân được tính từ ngày 1/1 đến hết ngày 31/5/2009. Đối tượng nằm trong diện giãn nộp thuế gồm cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công, từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn (gồm cả chuyển nhượng chứng khoán), thu nhập từ bản quyền, nhượng quyền thương mại.
Đối với cá nhân không cư trú, khoản thu nhập được giãn bao thuế gồm đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn; bản quyền; nhượng quyền thương mại.
Các đối tượng không được giãn nộp thuế gồm cá nhân cư trú có thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, từ trúng thưởng, nhận thừa kế, nhận quà tặng; cá nhân không cư trú (kể cả trường hợp không hiện diện tại Việt Nam hoặc rời Việt Nam trước ngày 30/6/2009) có thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công, từ chuyển nhượng bất động sản, trúng thưởng, nhận thừa kế, nhận quà tặng.
Theo quy định, các cá nhân nằm trong diện chịu thuế thu nhập nói trên được giữ lại số thuế được giãn trong thời gian từ 1/1 đến ngày 31/5/2008.
Hồng Anh
source
http://vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/2009/03/3BA0CB0B/
Monday March 9, 2009 - 10:14pm (EDT) Permanent Link 0 Comments
Các doanh nghiệp vệ tinh cạnh tranh khốc liệt

Các doanh nghiệp vệ tinh cạnh tranh khốc liệt
Việc các doanh nghiệp lớn ngành dệt may phải chờ đợi đơn hàng từ nước ngoài đã tác động dây chuyền đến các doanh nghiệp nhỏ vệ tinh
Đơn đặt hàng ít, thu nhập của công nhân cũng giảm theo. Có nơi, công nhân chỉ được bao ăn ở, cuối năm mới lãnh lương. Ảnh: M.T
Hai tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt khoảng 1,15 tỉ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2008, có khoảng 70% doanh nghiệp xuất khẩu dệt may chỉ mới có đơn hàng sản xuất ngắn hạn trong 1 – 2 tháng kế tiếp, theo hiệp hội Dệt may Việt Nam.
Giành mối lẫn nhau
Dù đã giảm giá gia công cắt vải viền đến hơn 20%, nhưng từ sau tết đến nay cơ sở của ông H. ở quận Tân Bình vẫn bị giảm đến một nửa lượng hàng. Ông H. kể: “Doanh nghiệp không có hợp đồng xuất khẩu, lượng hàng gia công vì thế bị giảm khá mạnh. Để nuôi nhân viên và có doanh thu thì bắt buộc phải giảm giá giành mối lẫn nhau. Mấy tuần nay vợ chồng tui chia nhau đến chào hỏi, gởi bảng giá mới đến cho các công ty không phải là mối của mình. Tui biết làm vậy là kỳ, nhưng tui cũng bị người khác giựt mối quen hơn năm năm chỉ vì giá rẻ hơn có 20đ/m vải cắt viền”. Ông H. nói thêm: “Thậm chí phải vừa giảm giá, vừa tăng hoa hồng chi riêng cho người phụ trách kinh doanh ở các công ty. Nhưng rốt cuộc thu vẫn không đủ bù chi”. Ông H. vừa vay nóng ở bên ngoài hơn 30 triệu đồng để trả lương cho nhân viên trong khi chờ khách hàng thanh toán.
Theo nguồn tin trong giới mà ông H. biết được, đã có hai cơ sở ở quận 6 và quận 11 phải đóng cửa. Một cơ sở ở Tân Bình vốn nổi tiếng là làm giá rẻ vì tuyển được thợ nông nhàn từ miền Bắc vào – có đến gần 30 công nhân, nay cũng chỉ còn hơn 10 công nhân với thoả thuận công nhân chỉ được nuôi ăn ở. Đến cuối năm mới được trả lương mức thấp nhất là 8 triệu đồng/năm và cao nhất tuỳ theo tình hình sản xuất.
Một số cơ sở may gia công khu vực Tân Bình bỏ hàng cho các lao động về may tại nhà, từ sau tết đến nay giá hàng may quần short, sơ mi, áo thun… đã giảm từ 2.000 – 5.000đ/sản phẩm khoảng 15 – 25%). Bà Phạm Thị Hiền, với bốn máy may gia công tại nhà cho biết: “Lúc đầu mọi người phản ứng không chịu may, nhưng tìm qua nơi khác thì chỗ nào cũng giảm giá công, nên đành chịu. Giá công giảm, nhưng khâu kiểm tra sản phẩm và quy định kỹ thuật, phụ liệu càng kỹ càng hơn”.
Từ chủ đến thợ đều lao đao
Các thị trường chủ lực xuất khẩu của Việt Nam như Mỹ, EU sụt giảm mạnh. Doanh nghiệp bị ép giảm giá, nhưng cũng chỉ mới nhận đơn hàng sản xuất đến tháng 3.2009 và các đơn hàng đều giảm 30 – 50% so cùng kỳ, theo thông tin từ hiệp hội Dệt may thêu đan TP.HCM. Những doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Mỹ, đang gặp khó khăn nhiều nhất, có nơi bị giảm đến 50% đơn hàng trong hai tháng đầu năm. Kế đến là thị trường EU, do đồng euro mất giá nên xuất khẩu vào thị trường này cũng bị ép giá.
Trần Thị Hoàng Lan, 22 tuổi ngụ ở Tân Phú làm nghề may nối vải khúc, vải đầu cây cho các trục cuốn biên đã 5 năm, kể: “Lương hàng ngày của tôi là 27.000đ, đi làm ngày nào tính công ngày đó. Vì vậy cả đám thợ đứa nào cũng thích làm hàng nhiều để được hưởng phụ cấp. Trước đây nhờ làm nhiều nên lương lãnh được 1,2 – 1,5 triệu đồng/tháng. Từ sau tết đến nay ít hàng, tuần chỉ làm có năm ngày, nên cuối tháng lãnh lương còn vài trăm ngàn. Chi xài tằn tiện lắm mới đủ”.
Chủ cũng chẳng khá hơn. Ông Nguyễn Thìn, chủ của cô Hoàng Lan than thở: “Năm ngoái vay ngân hàng 20 triệu mua dàn máy mới, hai tháng đầu năm không có tiền trả vốn gốc nên đang khoanh nợ lại, chỉ trả lãi. Hiện nay mỗi tháng trừ chi phí đều bị âm vài triệu. Tính giảm bớt thợ, nhưng nhìn thấy người nào cũng có hoàn cảnh khó khăn, nên mới đầu tháng ba, trong cuộc họp nội bộ tôi thông báo rõ tình hình cho họ biết, để nếu ai có chỗ nào lương khá hơn thì cứ đi, còn ai muốn ở lại thì tôi cố gắng duy trì mức lương căn bản. Chờ qua giai đoạn này xem thế nào…”.
Bà Phạm Thị Nguyên Thanh, phụ trách kinh doanh nội địa của công ty Thành Công nhìn nhận: “Xuất khẩu đang bị bế tắc đầu ra, tiêu thụ nội địa của nhiều công ty cũng bị giảm từ 10 – 30%. Vậy nên giá sản xuất gia công cũng phải xuống theo”.
Bích Thuỷ
source
http://sgtt.com.vn/Detail5.aspx?ColumnId=5&newsid=48005&fld=HTMG/2009/0308/48005

Monday March 9, 2009 - 10:08pm (EDT) Permanent Link 0 Comments

No comments:

Post a Comment