Monday, 29 June 2009

“Xiếc” của Vinaconex JSC khi cổ phần hoá

























































Ngày 19.12.2008 Giờ 08:29
“Xiếc” của Vinaconex JSC khi cổ phần hoá
Phát hiện mới đây của đoàn thanh tra nhà nước tại tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex JSC), thương hiệu hàng đầu trong ngành xây dựng, Vinaconex và một số đơn vị thành viên trong quá trình cổ phần hoá (CPH) đã có những trò “ảo thuật”, khiến tiền vốn, tài sản nhà nước thất thoát. Tiếp sức cho trò “ảo thuật” đó, có cả những đơn vị kiểm toán, tư vấn có tên tuổi.
Từ đánh giá không đúng tài sản doanh nghiệp...
Ngày 5.9.2008, cổ phiếu (CP) của tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) mang mã chứng khoán VCG chính thức giao dịch tại trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Đây là doanh nghiệp có quy mô niêm yết lớn thứ hai tại trung tâm với khối lượng niêm yết 149.985.150 CP, tương đương với giá trị niêm yết gần 1.500 tỉ đồng. Trong ảnh: phiên giao dịch đầu tiên của cổ phiếu VCG. Ảnh: Phạm Hậu
Quá trình xác định giá trị doanh nghiệp tại Vinaconex JSC đã cho thấy có gian lận, và công ty Kiểm toán Việt Nam (VACO) lại giúp đỡ tích cực. Ngay từ khâu kiểm kê, phân loại tài sản, công nợ ở Vinaconex JCS, VACO, với vai trò là tư vấn, đã không trực tiếp kiểm kê, phân loại, hoặc đối chiếu lại tài sản, công nợ, mà chỉ căn cứ vào biên bản kiểm kê tài sản của đơn vị, số dư trên sổ sách kế toán. Trong khi đó, sổ sách kế toán của Vinaconex lại chưa được người lập biểu, kế toán trưởng ký duyệt.
Sự nhập nhèm thể hiện rõ nhất trong quá trình xác định giá trị quyền sử dụng đất của Vinaconex JSC. Theo biên bản xác định giá trị doanh nghiệp do VACO lập, đã tính giá trị quyền sử dụng đất của Vinaconex JSC tại khu đô thị mới Trung Hoà – Nhân Chính (Hà Nội) là trên 56,3 tỉ đồng. Nhưng VACO lại xác định sai mục đích sử dụng đất (đất ở đây theo quy định là đất ở, nhưng Vinaconex JSC và VACO lại thống nhất xác định là đất phi nông nghiệp). VACO còn giúp Vinaconex JSC xác định giá trị quyền sử dụng đất (bao gồm ba nhà văn phòng) không hề có trong quy hoạch được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt. Trong khi đó, đơn vị kiểm toán này lại không xác định giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất được giao để xây dựng một số toà nhà tại khu đô thị Trung Hoà – Nhân Chính.
Kết quả giá trị doanh nghiệp được bộ Tài chính công bố, và bộ Xây dựng thẩm định, cũng không tính giá trị quyền sử dụng đất được giao để thực hiện dự án khu đô thị Trung Hoà – Nhân Chính, mà chỉ tính lại giá trị tầng một của các toà nhà và văn phòng với tổng giá trị trên 132,5 tỉ đồng. Theo Thanh tra Chính phủ, việc này đã vi phạm các quy định tại nghị định số 187/NĐ-CP, nghị định 181 của Chính phủ và văn bản hướng dẫn của bộ Tài chính.
Theo cơ quan có thẩm quyền, nếu áp dụng khung giá đất của UBND thành phố Hà Nội theo quyết định số 199/2004, thì giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất được giao tại khu đô thị mới Trung Hoà – Nhân Chính phải vào khoảng 270 tỉ đồng, Như vậy, việc thuê kiểm toán xác định sai, làm giảm giá trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp, liệu Vinaconex JSC có ý đồ gì?
... đến cố ý làm trái quản lý tài chính – kế toán
Vinaconex chính thức chuyển đổi thành Vinaconex JSC (tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam) kể từ cuối năm 2006, theo quyết định số 1613/QĐ-BXD ngày 24.11.2006 của bộ trưởng bộ Xây dựng. Vinaconex JSC sau đó hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con với 72 doanh nghiệp thành viên, năm đơn vị hạch toán phụ thuộc. Vinaconex JSC thực sự là một ông trùm trong ngành xây dựng với các lĩnh vực kinh doanh rộng khắp từ xây dựng, công nghiệp, giao thông đến sản xuất điện năng, phát triển các khu công nghiệp… Giá trị vốn nhà nước toàn tổng công ty này khi cổ phần hoá khoảng 957 tỉ đồng, vốn điều lệ 1.500 tỉ đồng. Giữa năm 2007, quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước (khoảng 63,3%) tại Vinaconex JSC được chuyển giao cho tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Vinaconex còn đưa toàn bộ giá trị quyết toán của dự án nhà máy tại Dăk Lăk (trị giá 11,88 tỉ đồng) vào tổng giá trị tài sản không cần dùng, nhưng không dựa trên cơ sở giá trị tài sản, chưa được chấp thuận bằng văn bản của đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, và không bàn giao cho công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng theo quy định của Chính phủ.
Thanh tra Chính phủ còn làm rõ việc Vinaconex JSC sử dụng số tiền 1082,9 tỉ đồng là giá trị vốn nhà nước chưa xử lý tại thời điểm bàn giao sang công ty cổ phần (trong đó có trên 810 tỉ đồng tiền thặng dư bán cổ phần lần đầu; 6,7 tỉ đồng vốn nhà nước còn lại doanh nghiệp…). Đây là việc làm trái các quy định của Nhà nước về cổ phần hoá, sử dụng vốn nhà nước. Nhưng đến đầu tháng 12.2008, Vinaconex JSC vẫn còn chưa nộp vào ngân sách nhà nước khoản tiền này. Do đó, nếu theo đúng quy định hiện hành, Vinaconex còn phải chịu một khoản tiền lãi không nhỏ, khoảng 241 tỉ đồng.
Một số công ty con của Vinaconex JSC cũng có những báo cáo tài chính của mình thật đẹp khi cổ phần hoá. Ví dụ: công ty cổ phần xây dựng và dịch vụ Vinaconex báo cáo tài chính ba năm trước khi CPH là “có lãi”, nhưng thực tế, qua kiểm tra, số lỗ luỹ kế đến hết tháng 12.2002 của công ty này là 6 tỉ đồng. Công ty này đã không xử lý tài chính với các khoản công nợ phải thu, phải trả, trong đó, các khoản phải thu không có khả năng thu đã lên tới 7,1 tỉ đồng; các khoản công nợ phải thu khó đòi, chi phí thiếu chứng từ… lên tới trên 30 tỉ đồng. Còn công ty cổ phần xây dựng số 2 (Vinaconex 2) cũng chưa xác định vào giá trị doanh nghiệp giá trị quyền sử dụng đất của 513,4m2. Công ty này cũng quản lý và sử dụng 25.717m2 đất khác tại Mê Linh (Hà Nội), nhưng không đưa vào giá trị doanh nghiệp (do không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất).
Mạnh Quân
Một số sai phạm khác của Vinaconex
– Chuyển nhượng không đúng thẩm quyền và không qua hình thức đấu giá 12.996m2 tầng một các toà nhà chung cư cao tầng, nhà cửa hàng, nhà văn phòng, thu 230,68 tỉ đồng trái quy định theo nghị định 199 của Chính phủ.
– Xây dựng vi phạm quy hoạch chi tiết do UBND thành phố Hà Nội duyệt, vi phạm luật Đất đai với diện tích 5.562m2 (giá trị sử dụng đất khoảng 84 tỉ đồng) gồm các phần xây vượt diện tích toà nhà chung cư cao tầng, xây thêm nhà văn phòng, cửa hàng...
– Bán vượt 10.204.000 cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, gây thất thu cho ngân sách trên 53,1 tỉ đồng.
(nguồn: Thanh tra Chính phủ)
source
http://sgtt.com.vn/detail23.aspx?newsid=45000&fld=HTMG/2008/1218/45000

Friday December 19, 2008 - 05:04am (EST) Permanent Link 0 Comments
Thị trường địa ốc phơi bày nhiều khuyết tật

Thứ năm, 18/12/2008, 09:50 GMT+7
E-mail Bản In
Thị trường địa ốc phơi bày nhiều khuyết tật
Dự án nhiều năm vẫn là nền đất trống trơn, thừa căn hộ cao cấp nhưng khan hiếm nhà vừa túi tiền, kinh doanh bất động sản lệch pha... Các chuyên gia đánh giá thị trường địa ốc TP HCM còn yếu kém.
Trong bối cảnh địa ốc sụt giảm liên tục, doanh nghiệp đói vốn, nghẽn đầu ra vì sản phẩm không tiêu thụ được, niềm tin của khách hàng bị lung lay, thị trường nhà đất ngày càng bộc lộ rõ nhiều khuyết điểm. Nổi cộm nhất là lối kinh doanh chụp giật theo kiểu mua đi bán lại, sản phẩm không đa dạng về chủng loại và dòng tiền hỗ trợ ngành cứ bị hụt dần đi.
Trao đổi với VnExpress.net, Tổng giám đốc Công ty Novahome Nguyễn Xuân Châu nhận định, thị trường nhà đất còn đơn điệu vì thiếu sản phẩm ở phân khúc nhà trung bình, vừa túi tiền. Ông cho rằng hiện nay do áp lực lợi nhuận nên các doanh nghiệp chỉ muốn "sống chết" với căn hộ cao cấp chứ không ai can đảm lao vào thị trường nhà ở giá rẻ. Trong khi đó nghịch lý là người bình dân cần nhà nhiều và cấp bách hơn cả người giàu.
Phân khúc nhà có giá mềm bị bỏ ngỏ, theo chuyên gia này, do chính sách thuế, chi phí đầu vào không biệt đãi mà lại ngang bằng với dự án nhà cao cấp trong khi giá bán thấp hơn. Ông Châu cũng đề cập đến hạ tầng giao thông yếu kém đã hạn chế sự phát triển của các đô thị vệ tinh, cản trở quá trình phát triển và thu hút dân cư về các khu đô thị ven đô.
"Nếu hạ tầng kết nối tốt, từ ngoại ô vào khu trung tâm chỉ mất 20-30 phút thì đô thị vệ tinh đã nhanh chóng bao bọc Sài Gòn và phủ đầy người ở. Bài toán cho khu đô thị bình dân chính là hạ tầng kém", ông Châu nhấn mạnh.
Dự án Adonis 2 thuộc lô A5, A6 khu Nam TP HCM đã bán ra thị trường hàng trăm căn hộ, xảy ra kiện cáo triền miên nhưng vẫn còn là đất trống. Ảnh: Vũ Lê.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển lại nhận định, thị trường bất động sản bị khiếm khuyết ở nguồn tài chính nuôi sống nó. Bởi lẽ, hầu hết tất cả dòng tiền đổ vào nhà đất trong nhiều năm qua chỉ là vốn ngắn hạn.
Ông Hiển phân tích, cách huy động vốn của doanh nghiệp địa ốc Việt Nam còn hạn chế, chỉ trông chờ vào 3 hình thức: vốn tự có, vay ngân hàng và tiền huy động được từ khách hàng. Điều này dẫn đến một thực trạng phổ biến trong thời kỳ lạm phát và suy thoái kinh tế là chủ đầu tư bế tắc và "khát vốn". Để đối phó với vấn đề này, giới kinh doanh địa ốc dốc sức xây căn hộ cao cấp để bán nhằm thu hồi dòng tiền ngắn hạn. Tuy nhiên, ông Hiển nhấn mạnh rằng, bài toán thừa căn hộ cao cấp sẽ khó giải được đầu ra từ nay đến hết năm 2009.
Nhằm mở lối cho thị trường nhà đất hiện nay, chuyên gia Hiển khuyên, Việt Nam nên học tập các nước trên thế giới sử dụng nguồn vốn của các quỹ tín thác toàn dân, ai có ít góp ít, ai có nhiều góp nhiều. Với cách làm này thị trường nhà đất ít lệ thuộc vào hệ thống ngân hàng và không phải căng thẳng tìm cách huy động vốn từ khách hàng như trước nữa. Ông Hiển cũng đề cập đến việc chứng khoán hóa bất động sản để tăng thêm kênh huy động vốn. Tuy vậy, ông khuyến cáo vấn đề này bị vướng phải hành lang pháp lý còn quá "mỏng".
"Nếu muốn giảm bớt áp lực cho phân khúc nhà cao cấp, doanh nghiệp nên tỏ thiện chí bằng cách tự cắt bớt phần bong bóng bị thổi phồng lên trong thời gian qua, trả bất động sản trở về giá trị thật của nó để được thị trường ủng hộ nhiều hơn", ông nói.
Chuyên gia chứng khoán Huy Nam chê thị trường địa ốc tại TP HCM bị manh mún bắt nguồn từ lối làm ăn hời hợt của giới kinh doanh. Cụ thể, ngày càng xuất hiện nhiều công ty đua nhau mua đi bán lại sản phẩm đất nền hoặc căn hộ tương lai nhưng hiếm có đơn vị chuyên tâm tạo dựng sản phẩm, xây nhà, hoàn thiện hạ tầng. Chính vì vậy, các công ty dịch vụ, môi giới nhà đất thừa thãi nhưng lại thiếu trầm trọng những tên tuổi sừng sỏ chuyên phát triển dự án. Từ việc kinh doanh bất động sản thiếu gốc rễ, thị trường bội thực nhà đầu tư và "đói" sản phẩm nhà ở thiết thực dù nhu cầu của người dân vẫn rất cao.
Ngoài ra, ông Nam còn đề cập đến yếu điểm khan hiếm đất sạch đã vô tình khiến thị trường bất động sản bị thụ động so với các nước trong khu vực. Ông Nam dẫn chứng, chủ đầu tư muốn thực hiện dự án luôn vấp phải khâu đền bù, giải phóng mặt bằng và chạy đủ thứ thủ tục mới có đất trống. Hậu quả là thời gian kéo dài và chi phí cao nên sản phẩm cũng bị đội giá lên nhiều lần. Theo ông Nam, địa ốc chỉ nổi cộm ở hai dòng sản phẩm đất nền và căn hộ hình thành trong tương lai một phần do các chính sách về đất đai kém linh hoạt.
Nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ nên có gói giải pháp vực dậy thị trường bất động sản bằng chính sách kích cầu cho dòng sản phẩm nhà ở 500-800 triệu đồng hoặc 1 tỷ đồng. Nếu không có chính sách ưu đãi và hỗ trợ khách hàng bằng nhiều hình thức thì người dân không đủ sức mua nhà, bất động sản từ đó cũng mất dần lực hút.
Theo các chuyên gia bất động sản, trong điều kiện thuận lợi hoặc bình thường, những khuyết tật của thị trường nhà đất được xem là yếu tố nhỏ, không đáng kể. Tuy nhiên đặt vào bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu như hiện nay, tính đơn điệu, thụ động và phát triển lệch pha đang trở thành gánh nặng đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư thứ cấp và những khách hàng nhỏ lẻ tham gia vào ngành này.
Vũ Lê
source
http://vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/2008/12/3BA098AE/

Wednesday December 17, 2008 - 10:53pm (EST) Permanent Link 0 Comments
Hai “cực” của mục tiêu kiềm chế giá cả

Ngày 16.12.2008 Giờ 15:23
Hai “cực” của mục tiêu kiềm chế giá cả
Có thể nói, dù đã xoay nhiều cách, nhưng suy cho cùng, các mục tiêu về tốc độ tăng giá tiêu dùng mà chúng ta nhắm tới chỉ dao động trong khoảng hai cực: từ “cứng” đến “vô định hình”. Tuy nhiên, các mục tiêu này thường “trúng” ít, “trật” nhiều những năm gần đây, và liệu chúng ta thêm một lần rơi vào tình cảnh trớ trêu đó?
Tốc độ tăng giá tiêu dùng luôn đi nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Ảnh: H.T
Chỉ tiêu tăng giá tiêu dùng: từ “cứng” đến “vô định hình”
Vài năm trước, cách truyền thống vẫn được ưa dùng là lựa chọn các mục tiêu giá tiêu dùng cố định để phấn đấu thực hiện hàng năm.
Hẳn nhiên, cách làm này gây khó cho hoạt động quản lý, cho nên sau một số năm khó thực hiện, bước đổi mới mang tính đột phá đầu tiên là “mềm hóa” mục tiêu này dưới dạng “không quá”, hoặc “dưới” một mức cố định nào đó, thoạt đầu là thấp rất xa so với tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Chẳng hạn, năm 2004, trong khi mục tiêu tăng trưởng kinh tế là 7,5 - 8,0%, thì mục tiêu về giá tiêu dùng là tăng “không quá” 5%, nhưng thực tế vọt lên 9,5%. Năm 2005, rút kinh nghiệm từ năm trước, mục tiêu tăng giá tiêu dùng được đẩy tới dưới 6,5%, trong khi mục tiêu tăng trưởng kinh tế chỉ nhích lên 8,5%. Nhưng cuối cùng tăng trưởng kinh tế đạt 8,43% thì giá tiêu dùng vẫn tăng 8,4%.
Do vậy, đây chắc chắn là lý do để đẩy mục tiêu tăng giá tiêu dùng lên và cố định theo tiêu chuẩn: tăng thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, kể từ năm 2006.
Cho dù vậy, thực tế cho thấy, chúng ta cũng chỉ thành công trong năm đầu tiên, bởi giá tiêu dùng chỉ tăng 6,6%, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,17%. Sang năm 2007, tương quan này đã bị đảo lộn hoàn toàn: tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,48% (mục tiêu đề ra là 8,2-8,5%) trong khi giá tiêu dùng lại tăng phi mã 12,63%.
Không những vậy, những diễn biến trong những tháng đầu năm 2008 đã làm cho mục tiêu giá cả trở nên “vô định hình”, chính xác hơn là hầu như không có một giới hạn cụ thể.
Bởi lẽ, bước vào năm 2008, mục tiêu này vẫn được xác định theo tiêu chuẩn giống như hai năm trước đó, tức là tăng thấp hơn tốc độ tăng 8,5-9,0% của GDP, nhưng chỉ sau bốn tháng giá cả tiêu dùng đã tăng 11,60% và trở thành căn bệnh nguy hiểm số 1 của nền kinh tế nước ta. Vì vậy cùng với việc điều chỉnh giảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế xuống 7%, lần đầu tiên mục tiêu kiềm chế giá tiêu dùng được đưa về dạng rất “cụ thể”, nhưng lại không cụ thể. Theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội hồi đầu tháng 5/2008, mục tiêu này trong năm 2008 là: “tích cực phấn đấu để kiềm chế lạm phát và tốc độ tăng giá; bằng các giải pháp tổng hợp đưa tốc độ tăng giá tiêu dùng theo hướng giảm dần”.
Nhờ những nỗ lực chủ quan to lớn, cùng những yếu tố khách quan thuận lợi từ bên ngoài, bắt đầu từ ngay tháng sau đó, giá tiêu dùng đã hạ nhiệt rất nhanh.
Mục tiêu tăng giá tiêu dùng năm 2009 có ổn?
Giá xăng dầu liên tục giảm trong năm 2008 góp phần làm giá tiêu dùng tăng chậm lại. Ảnh: H.T
Những điều trên cho thấy rằng, nền kinh tế nước ta vẫn chưa kiềm chế được mức tăng giá cả như các mục tiêu đã đề ra.
Do vậy, việc đặt mục tiêu kiềm chế giá tiêu dùng năm 2009 cao gần gấp 2,5 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế (dưới 15% so với 6,5%), nhưng vẫn thấp so với mức tăng ước tính 24% của năm 2008 vào đầu tháng 10/2008, dường như là bước chuyển hợp lý.
Thế nhưng, trong bối cảnh lạm phát do chi phí đẩy, lẫn lạm phát do cầu kéo đều yếu, còn lạm phát do tiền tệ có lẽ không quá lo ngại, việc chuyển hướng như vậy chẳng những không cần thiết, mà có thể lợi bất cập hại.
Trước hết, với một nền kinh tế mà riêng rổ hàng hóa nguyên liệu nhập khẩu đã bằng khoảng 60% GDP như nước ta, hiển nhiên việc giá cả thế giới rơi tự do trong năm 2009 sẽ khiến chúng ta trút bỏ được gánh nặng này. Việc giá dầu thế giới liên tục giảm từ tháng 8 đến nay khiến giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã qua 10 lần giảm, hay việc hàng loạt ngành sản xuất đang lao đao do giá nguyên liệu thế giới liên tục giảm đã tạo ra tốc độ giảm mạnh của giá tiêu dùng trong nước những tháng gần đây khiến dự báo tốc độ tăng giá tiêu dùng cả năm 2008 ở mức 24% hồi đầu tháng 10 vừa qua bị lỗi thời. Bởi tốc độ tăng giá tiêu dùng chín tháng đã tăng 21,78%, cả năm có lẽ chỉ xoay quanh 21%.
Trong khi đó, ở trong nước, thay vì đà tăng trưởng năm sau hầu như cao hơn năm trước (suốt tám năm 2000-2007), thì mức tăng trưởng kinh tế 6,5% của năm 2009 sẽ là năm thứ hai liên tiếp suy giảm. Điều này đồng nghĩa với thu nhập của các tầng lớp dân cư sẽ giảm và sức mua xã hội đương nhiên cũng ở trong trạng thái tương tự.
Không những vậy, lạm phát do cầu kéo trong năm 2009 sẽ còn suy yếu nhanh bởi tác động cộng hưởng của một loạt yếu tố khác. Trước hết, đó là việc những bộ phận dân cư yếu thế trong xã hội bị suy kiệt sức mua sau một thời gian lạm phát phi mã quá dài, sẽ tiếp tục khó khăn do việc làm giảm sút, thu nhập tăng chậm, thậm chí bị giảm, nên sức mua tiếp tục giảm. Với bộ phận dân cư có thu nhập khá hơn, phần do tâm lý thắt lưng buộc bụng mạnh lên, phần chờ giá cả hàng hóa xuống tới đáy mới chịu chi tiêu cũng khiến sức mua xã hội giảm.
Xuất khẩu của nước ta trong năm 2009 chắc chắn sẽ tụt dốc mạnh, xu hướng hướng nội mạnh lên, đồng thời hàng hóa giá rẻ của các nước xung quanh sẽ tràn vào, khiến cầu của nước ta càng trở nên yếu so với cung cũng khiến giá cả trong nước tiếp tục tụt dốc.
Từ những tác nhân này, có đủ căn cứ để cho rằng, tốc độ tăng 30% của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2008 đã trở thành quá khứ, vì sẽ có bước rơi tự do trong năm 2009, không khác bước rơi tự do từ 20,4% năm 1996 xuống còn 10,99% năm 1997 khi nền kinh tế nước ta bắt đầu đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực.
Trong khi đó, dù đã bắt đầu chuyển hướng sang chủ động ngăn ngừa suy giảm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng dường như các nhà hoạch định chính sách vẫn còn bị ám ảnh bởi lạm phát phi mã hồi cuối năm 2007 và hơn nửa đầu năm 2008, cho nên không phải mọi giải pháp hiện nay đều tập trung theo hướng này. Điển hình là lãi suất tiền tệ vẫn còn cao hơn cả thời gian lạm phát phi mã vừa qua, vẫn không khác gì vòng kim cô trói buộc sản xuất.
Nguyễn Đình Bích
Source
http://sgtt.com.vn/Detail29.aspx?ColumnId=29&newsid=44882&fld=HTMG/2008/1216/44882

Tuesday December 16, 2008 - 09:34pm (EST) Permanent Link 0 Comments
Sống với lục bình

September 19, 2008
Sống với lục bình
Nguyễn thị Lan Anh - Việt Tribune
Tháng Sáu, tháng Bảy Sài Gòn cúp điện triền miên. Ngoài nóng nực, tối tăm, còn muỗi mòng như vãi trấu trên kinh rạch tù đọng khắp quận 4, 7, 8, Nhà Bè, Bình Thạnh, Thủ Đức, khiến bệnh sốt xuất huyết tăng vọt. Một trong những biện pháp diệt muỗi tận gốc là phải khơi thông kinh rạch, giải quyết rác thải. Nói thì dễ, nhưng có mặt trong buổi dẹp rác trên kênh rạch, thấy đám lục bình dầy đặc bị dở lên, bên dưới lúc nhúc bao nhiêu chất thải chưa phân hủy, nhiều người về bỏ cơm hết mấy ngày. Từ đó, nhắc tới lục bình là khiếp. Khác hẳn người Miền Tây, coi lục bình là cứu tinh.

Lục bình và hoa
Từ những ngày đầu Khi đã là chủ của cơ sở hàng thủ công mỹ nghệ Tài Trí nổi tiếng ở thị trấn Chợ Vàm-An Giang, chuyên sản xuất mặt hàng đan lục bình, anh Lê Hồng Tài hồi tưởng “Hồi năm 1996-1997, lũ rất lớn. Lục bình ở đâu trôi về xanh rì, đặc kín. Nhiều tuần liền, mấy huyện biên giới An Giang bị lục bình vây hết. Xuồng ghe mua bán vô phương đi lại. Ngồi buồn, thử cắt lục bình phơi khô, đan cái này cái nọ kiểu đan cói đan lác…” Từ chỗ ‘ngồi buồn, thử cắt..’ tới nay đã mười năm, cơ sở của anh Tài không ngừng lớn mạnh. Ngoài đội ngũ 500 thợ trực tiếp làm việc tại cơ sở, còn có 10 vệ tinh khác với 600 lao động và 200 người chuyên cắt lục bình, phơi khô. Anh Tài khoe đã xuất 10 container gối lục bình sang Mỹ với doanh số hơn 1 tỷ đồng. Trong tương lai gần còn dự định ký hợp đồng với đối tác Apollo Đài Loan, chuẩn bị lập trung tâm thiết kế mẫu, giới thiệu trưng bày sản phẩm lục bình ở Sài Gòn, tiến tới thành lập doanh nghiệp lớn.Không hẹn mà nên, cách anh Tài vài trăm cây số, ở thị xã Mỹ Tho-Tiền Giang, cũng có một người đàn ông khởi nghiệp nhờ lục bình, là ông Triệu Vĩnh Thịnh. Ông Thịnh, sau những ngày mày mò tìm cách đan thử vài vật dụng nho nhỏ, ngộ nghĩnh bằng cọng lục bình khô gửi đi thăm dò thị trường ‘ở bển’, tính từ năm 2000 trở lại đây, cơ sở Vĩnh Thịnh của ông, đã liên tiếp nhận được những hợp đồng từ Mỹ, Nhật, Hàn, Hà Lan, Đức. Doanh số hàng năm hơn một triệu đô la. Giải quyết công ăn việc làm cho 2,500 công nhân, toàn con em các gia đình nghèo địa phương.‘Sát vách’ Tiền Giang là Đồng Tháp. Tới Cao Lãnh-Đồng Tháp vào mùa nước nổi, sẽ thấy khắp nơi tràn ngập lục bình. Trên đường đi, trong sân, trước thềm, lục bình tươi nằm phơi nắng có hàng có dẫy. Thương lái vào ra tấp nập, Nhiều xe tải chở lục bình mang biển số Sài Gòn, Bình Dương…. Trong bức tranh toàn cảnh hết sức ảm đạm của đồng bằng sông Cửu Long vào thời điểm hiện nay – cá tra không bán được, tôm chết hàng loạt, heo vịt gà mắc dịch, muối bị ép giá, nông dân và doanh nghiệp đổ nợ, phá sản – thì mô hình vươn lên làm giàu, ổn định đời sống từ cây lục bình của các tỉnh nói trên là điểm son đáng trân trọng.
Ăn theo lục bìnhVào trang web vatgia.com, gõ vào từ khóa ‘lục bình’, kẻ viết bài truy xuất được tới 84 mẫu sản phẩm làm bằng lục bình. Từ chiếc đồng hồ treo tường giản dị, đôi dép nhỏ xinh đi trong nhà, bình hoa thô mộc, giỏ xách tiện dụng tới bộ bàn ghế công phu…Tất cả đều đan thắt khéo léo, tận dụng mầu sắc tự nhiên, tạo vẻ thân thiện nhưng sang trọng, trang nhã cho nội thất. Anh Võ Quang Nguyên, phụ trách phòng kinh doanh của Công ty cổ phần Sao Mai-Đồng Tháp cho biết sản phẩm lục bình không phải là phát kiến gì mới lạ. Trên thế giới nhiều nước như Thái Lan, Inđô, Trung Quốc đều có cơ sở thủ công mỹ nghệ lục bình qui mô lớn. Việt Nam là nước sanh sau đẻ muộn. Kỹ thuật, mỹ thuật, qui mô sản xuất, mối làm ăn…đều không bằng họ. Để làm được một sản phẩm lục bình đẹp, có tính cạnh tranh cao, đòi hỏi nhiều công khó của cả tập thể, từ người thợ cho tới ông giám đốc… Lục bình khô mua về phải qua nhiều công đoạn xử lý kỹ lưỡng như khử khuẩn, chống ấm mốc, tăng độ dai bền, tẩy trắng, nhuộm mầu mới cho thợ lãnh đan theo mẫu. Đồ mỹ nghệ lục bình có ưu điểm chính là nhẹ xốp, nóng không dòn, lạnh không cứng, dễ chuyên chở, dễ phân hủy, không gây ô nhiễm môi trường…. Mặt hàng dép đi trong nhà, tủ rượu, sọt đựng giấy, chụp đèn bằng lục bình là những mặt hàng khách nước ngoài ưa thích. Hàng tháng công ty xuất sang Mỹ khoảng 6,000 sản phẩm, doanh thu không dưới 10,000 đôla. Để làm rõ hơn những thông tin thú vị về lục bình, kẻ viết bài tìm gặp vài người ‘bị lục bình chọn chứ không chọn lục bình’. Đầu tiên là anh Đinh Văn Tùng, người trồng lục bình. Anh Tùng là chủ vườn nhãn dọc cù lao Tân Phong-Tiền Giang. Trước đây vào mùa nước nổi, chỉ khai thác tôm cá tự nhiên. Nhưng từ khi lục bình tươi có giá, anh nẩy ra ý định nuôi lục bình. Anh cho biết, trồng lục bình’dễ nhất trên đời’. Không tốn công chăm sóc, không phun thuốc trừ sâu, dưỡng cây. Chỉ giăng dây, khoanh vùng, kiếm lục bình hoang về thả. Cuối đông đầu xuân, lục bình trổ hoa, phát triển mạnh. Ba tháng thuê người cắt một lần với giá 100,000 đồng/ngày. Trung bình 1,000m2 mặt nước cho bảy tám tấn lục bình tươi. Khi thu hoạch, chỉ cần chừa gốc và những cây con trên cùng một bụi. Nghe kể rành rọt về đặc tính lục bình, kẻ viết bài chợt nhớ Miền Trung. Tại sao Huế, Quảng Ngãi, Bình Định cũng có nhiều sông lạch dầy đặc lục bình, nhưng ở đấy không thấy nghề đan lục bình? Anh Tùng giải thích: ‘Ở ngoài Trung, cọng lục bình rất ngắn, chỉ chừng hai tấc, không làm nguyên liệu đan móc, dệt thảm được. Còn trong Nam trời thương, cho cọng lục bình dài gấp đôi…’Không trồng lục bình như anh Tùng, Nguyễn Văn Vũ Anh ở huyện Chợ Lách-Bến Tre lại được biết tới như một chủ cơ sở thu mua lục bình tươi uy tín. Xuất thân con nhà nghèo, đi đào đất thuê, chuyển sang thu mua lục bình về phơi khô bán lại cho cơ sở làm hàng xuất khẩu, Vũ Anh rất hào hiệp, dang tay ‘cứu độ’ phần đông trẻ em, thanh niên nghèo xã Vĩnh Bình-Chợ Lách. Vũ Anh nói vui ‘nghề mua lục bình cũng phiêu dạt y hệt lục bình. Mùa nước nổi, mỗi tháng gom 250 tấn dễ dàng, nhưng tới mùa khô, muốn kiếm lục bình tươi với số lượng lớn, nhiều khi phải ‘thả trôi’ qua cả Campuchia. Cứ 14 ký tươi phơi được 1 ký khô. Khi lục bình khô đủ độ, thì mướn người tới bó lục bình. Bắt chuyện với một thương lái đang ngồi chờ ‘ăn hàng khô’, chị Loan – Cao Lãnh. Chị xởi lởi kể cho kẻ viết bài nghe về ‘nghiệp lục bình’ rất hy hữu của mình như sau: ‘Lúa bị sâu rầy mấy vụ liền. Muốn kiếm nghề khác làm ăn nhưng không có vốn, thêm nợ đòi gay gắt. Thối chí, hai mẹ con ra sông phía sau nhà, tính nhảy xuống, Ngặt nỗi toàn lục bình. Thằng con lấy cây quào móc bớt. Đang làm thì có người ở đâu tới hỏi mua lục bình. Tưởng họ nói chơi…
Chị Loan bây giờ là chủ vựa thu mua lục bình ở thị xã Cao Lãnh-Đồng Tháp. Mỗi tháng cung cấp cho công ty Sao Mai trong tỉnh 10 tấn lục bình khô, lời chừng 200,000 đồng/ một tấn. Chị nhận xét ‘đi nhiều tỉnh, thấy hầu như chỉ Đồng Tháp là chăm lo cho nghề lục bình bài bản, căn cơ nhất’. Nhận xét này được anh Nhị Văn Khải, phụ trách phòng Tổng hợp Sở Công Nghiệp Đồng Tháp nói cụ thể hơn: “Từ năm 2001 đến nay, hàng năm tỉnh Đồng Tháp đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mở những lớp dạy nghề đan lát, trong đó có hơn 1,000 lao động đan lục bình. Học viên học xong, có việc làm ngay. Mức lương chỉ trên dưới một triệu đồng, tuy không so được với nghề nuôi tôm, nuôi cá bè, đi buôn chuyến, làm hàng xáo… nhưng bù lại không phải xa nhà, lại nhàn nhã, dễ làm, không đòi hỏi vốn liếng, trình độ học vấn. Vòng vòng mấy huyện Tam Nông, Đồng Tháp, Cao Lãnh, rất đông phụ nữ theo học. Nhiều người, cả gia đình đều làm lục bình. Vài năm là sửa được nhà, mua xe máy, có của để dành…”
Vẫn là kiếp nổi trôiTiếp cận những con số, con người, sự việc đầy tín hiệu lạc quan như vậy, xem ra mỗi lần nghe bài hát Điệu Buồn Phương Nam của Vũ Đức Sao Biển, đến câu ‘Về phương nam ngắm sông ngậm ngùi. Thương những đời như lục bình trôi’, dân Nam Bộ hết phải sùi sụt cảm thương những thân phận lênh đênh sông nước, những mối duyên ‘bình thủy tương phùng’ chưa hợp đã tan.Chỉ riêng kẻ viết bài còn lâu mới dứt khỏi điệu buồn phương Nam, khi về lại Sài Gòn, la cà khắp nơi mới biết ngoại trừ vài tư thất ‘có gu’, khách sạn, nhà hàng, quán cà phê, còn chẳng mấy nhà thường dân ‘chứa chấp’ đồ lục bình. Thậm chí nghe kể về nghề đan lục bình ở Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp, lắm người Sài Gòn còn ngẩn mặt như trẻ em nghe chuyện cổ tích. Tại cửa hàng mây tre lá số 125A đường Pasteur, nghe khách hỏi mua đồ đan bằng lục bình, anh Nguyễn Hoài Phương, phụ trách cửa tiệm lẳng lặng đưa ra một mớ ‘của nợ’ cũ kỹ, xấu xí. Ghé một tiệm khác lớn hơn, tiệm Hy Lam Anh số 244 Pasteur. Tại đây, những chiếc hộp đựng đồ trang điểm, sọt trái cây, thảm chùi chân, đồ trang trí làm bằng lục bình đều phủ bụi thời gian, cách thức đan bện nghèo nàn, mầu sắc đơn điệu, không thể so với những mẫu bàn ghế lục bình đan xen với song mây, những chiếc giỏ lục bình khảm đá mầu rực rỡ, những kệ đựng rượu lục bình nhuộm mầu cánh gián, quét vecni sang trọng ở hợp tác xã Vĩnh Thịnh-Tiền Giang, Sao Mai-Đồng Tháp. Đã vậy, anh bán hàng còn ‘phán’ những lời mà dân lục bình Miền Tây nghe được, bảo đảm ‘xử đẹp’ lập tức. Rằng ‘chỉ có vậy thôi! Đừng chê! Tụi Tây nó thích vì lạ. Còn dân mình, nói thiệt, không ai mua đâu. Để mẫu cho có...’Ôi trời! Nói như anh thì muôn đời lục bình vẫn không thoát kiếp tha hương, vẫn phải…đi Tây tìm đất sống. Ở đó, biết nâng niu, thương mến lục bình, ngoài ông Tây hiếu kỳ chuộng lạ, may ra chỉ có những Việt kiều đồng số phận với lục bình, đồng cả nỗi niềm ‘ngắm sông ngậm ngùi’ khi tuổi già bóng xế. (NTLA)
source
http://www.viettribune.com/vt/index.php?id=2648

Monday December 15, 2008 - 11:06pm (EST) Permanent Link 0 Comments
Nên mua rủi ro cho nông dân

Ngày 10.12.2008 Giờ 10:10
Gói kích cầu
Nên mua rủi ro cho nông dân
Nông dân hy vọng gói kích cầu giúp họ bán được hàng tồn. Ảnh: Lê Hoàng Yến
Gói kích cầu một tỉ USD làm xôn xao những câu chuyện hàng quán ở chợ huyện, chợ xã dù ai cũng hiểu số tiền tương đương 17.000 tỉ đồng này chẳng thấm tháp vào đâu và dễ gì tới mình khi nhiều lĩnh vực đang khát vốn
Tin sốt dẻo, 3.500 tỉ đồng được điều phối cho Vinafood I và Vinafood II để mua lúa. Lời tiên đoán của nhiều người ở miền Tây đã đúng khi các tổng công ty hứng được nhiều cơ hội hơn ai hết.
Họ cười khi đoán đúng, nhưng băn khoăn: Liệu các công ty sẽ nhận tiền từ ngân sách do dân đóng góp, thay mặt Chính phủ “mua rủi ro” hàng hoá khê đọng, giải cứu nông dân? Mọi người hy vọng việc chấm toạ độ sẽ dẫn đến “gói kích cầu” như vậy vì nó giải quyết được bài toán tiêu thụ hàng hoá, tồn trữ và điều vận linh hoạt để “giải phóng” nông dân thoát khỏi cảnh nợ nần chồng chất do không bán được hàng. Bên cạnh đó là cơ hội cho hệ thống phân phối hàng đối lưu về tới nông thôn thay hàng Trung Quốc. Như vậy, các siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, trung tâm phân phối… có thể tham gia vào gói kích cầu chứ không riêng gì các tổng công ty “đặc trách”. “Được như vậy thì… quá tốt” – nhiều nông dân đem hàng lên hội chợ Nông nghiệp quốc tế, tổ chức tại Cần Thơ (3 – 9.12) biểu đồng tình.
Nhiều nông dân còn có chung ý kiến: Mua hàng thiếu chịu ở nông thôn là chuyện lâu rồi. Thậm chí nhiều đám cưới trong xóm, sổ sách ghi: “dì Bảy: một giạ lúa, chú Chín: hai giạ, Ông Mười: ba giạ lúa… – Cuối mùa gặt gởi cho đôi vợ chồng mới cưới”. Góp lúa làm vốn cho con cháu ra riêng, nhưng lúa không ai mua thì mái ấm nho nhỏ này cũng chẳng bằng ai. Cuộc sống ở nông thôn vốn mong manh, lạc hậu càng dễ bị đẩy lùi về quá khứ cùng cực. Nhiều gia đình chấp nhận lộ trình đầy phiêu lưu: bỏ học, ly nông, ly hương ra thành kiếm tiền tự ứng cứu gia đình mình.
Trong khi đó, hầu hết các ngân hàng thương mại đều rời bỏ nông thôn, chỉ còn lại ngân hàng NN-PTNT. Nhu cầu tiền mặt của nông dân do các điểm cho vay nóng chi phối. Nhiều nơi tính lãi quá sức chịu đựng của họ.
“Mua rủi ro” của người trồng lúa hàng hoá, nếu trở thành một chương trình hành động chắc sự vận hành sẽ tốt hơn nhiều. Từ ngành hàng lúa gạo, chương trình “mua rủi ro” áp dụng cho nhiều ngành hàng nông sản hàng hoá khác, chắc chắn sẽ khiến nhịp độ đầu tư, tiêu dùng chuyển động tức thì. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng mọi thứ phải bắt đầu từ cơ sở hạ tầng kỹ thuật vì đây là gói kích cầu kinh tế. Phải bỏ vốn vô đường sá, thuỷ lợi, cầu cống, đê điều… nói chung là những dự án nền tảng. Nhưng như vậy, 17.000 tỉ đồng lại càng bé nhỏ so với nhu cầu của đồng bằng sông Cửu Long, làm sao giải quyết được nhu cầu của cả nước.
Hoàng Lan – Vị Thuỷ
Source
http://sgtt.com.vn/Detail41.aspx?ColumnId=41&newsid=44561&fld=HTMG/2008/1209/44561

No comments:

Post a Comment