Monday 29 June 2009

Rối bời cổ tức cuối năm
















Rối bời cổ tức cuối năm

Ngày 24.11.2008 Giờ 16:52
Chứng khoán
Rối bời cổ tức cuối năm
Tại các sàn chứng khoán, chuyện chia cổ tức đang được các nhà đầu tư quan tâm săn tin và bàn tán nhiều. Nhiều cổ đông năm nay bội thu vì mùa cổ tức 2008 được không ít các doanh nghiệp chi trả với tỷ lệ cao bằng tiền, nhưng cũng có nhiều cổ đông “ăn hụt” cổ tức năm nay
Khá nhiều doanh nghiệp niêm yết đang chốt danh sách cổ đông để tạm ứng cổ tức 2008 bằng tiền mặt với tỷ lệ chi trả từ 10% mệnh giá trở lên.
Người cười….
Tại các sàn chứng khoán, nhà đầu tư đang bàn tán nhiều về cách chia cổ tức ở các công ty. Ảnh: Lê Quang Nhật
Một trong những lý do đầu tiên khiến cổ đông ngày càng trông đợi vào cổ tức là lãi suất tiết kiệm ngày càng giảm gần về mức 10%/năm. Các doanh nghiệp đứng đầu trong danh sách công ty chi trả cổ tức bằng tiền mặt cao có công ty CP may Phú Thịnh (NPS) với tỷ lệ cổ tức 40%/cổ phần – một cổ phần được nhận 4.000đ. Công ty CP gạch ngói Nhị Hiệp (NHC) vừa chi trả 30% bằng tiền mặt vừa phát hành thêm cổ phiếu thưởng cho cổ đông theo tỷ lệ 100:6. Công ty CP XNK Cửu Long An Giang (ACL) trả 35%. Công ty CP đá ốp lát Vinaconex (VCS) 20%/cổ phần và đang lấy ý kiến cổ đông tăng tỷ lệ tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt lên 50% vốn điều lệ. Cổ đông của những blue-chip như VNM, FPT, ACB cũng được hưởng tỷ lệ cổ tức cao, tương ứng 29%, 26% và 25%.
Giám đốc một công ty chứng khoán nhận xét, việc trả cổ tức cuối năm bằng tiền mặt đã làm thoả lòng và xoa dịu được giới cổ đông sau một năm kinh doanh “thất bát” với giá cổ phiếu liên tục rớt dài. Việc uỷ ban Chứng khoán ngày 11.11 qua “bác” phương án phát hành cổ phiếu với tỷ lệ 15% để trả cổ tức năm 2007 của công ty CP chứng khoán Đại Việt (DVSC) đã làm cổ đông công ty này mát lòng. Theo đó, DVSC hiện đang lấy ý kiến cổ đông về phương án chi trả cổ tức mới, với cổ tức tỷ lệ 5% bằng tiền mặt vào tháng 12 này và 10% còn lại sẽ trả bằng cổ phiếu hoặc tiền mặt vào năm 2009 hoặc 2010 tuỳ thuộc tình hình kinh doanh của công ty.
Kẻ khóc…
Trong khi đó, nhiều cổ đông khác đang lo ngại sẽ khó sớm nhận được cổ tức cuối năm. Như cổ đông công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC) vừa nhận được thông báo hoãn trả cổ tức đợt 1 năm 2008.
PPC lý giải, do khoản nợ vay JBIC xây dựng nhà máy Phả Lại 2 của PPC bị ảnh hưởng rất lớn bởi sự biến động tỷ giá giữa VND với đồng yen Nhật, khiến chi phí tài chính cho việc xác định lại tỷ giá tăng lên. Kết quả là sau khi trích vào chi phí tài chính trên, lợi nhuận còn lại được chia cổ tức 228,5 tỉ đồng không còn đồng nào, đưa đến lợi nhuận năm 2008 của PPC sẽ không đủ để tạm ứng cổ tức đợt một là 3%/mệnh giá theo kế hoạch. Tuy PPC cam kết rằng sẽ tiến hành chi trả nếu có đủ lợi nhuận, nhưng nhiều cổ đông cũng đang nản lòng.
Còn cổ đông công ty CP Đầu tư và xây dựng Hà Nội (Hancic), một công ty có mức chi trả cổ tức năm 2008 cao ngất là 550%/mệnh giá (55.000đ/cổ phần) đang phản đối phương án tạm ứng cổ tức đợt 2 (đợt 1 đã chi 200%/mệnh giá). Trong phương án này, cổ đông Hancic sẽ nhận cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 100%, tương đương 10.000đ/cổ phần, 250% mệnh giá còn lại (tương đương 25.000đ/cổ phần), Hancic sẽ… vay lại các cổ đông.
Cổ đông của một số công ty vẫn còn đang phải cho ý kiến về phương án chi trả cổ tức 2008 như DVCS, còn ngân hàng Eximbank với thời gian dự kiến thực hiện chi tạm ứng cổ tức từ 31.12… cũng làm cổ đông càng dài cổ ngóng chờ. “Tôi muốn nhận cổ tức trước 31.12 để né thuế thu nhập, nhưng với tốc độ như vậy chắc là không kịp”, một nhà đầu tư nói.
Cổ tức cao: lợi trước hại sau?
Theo nhiều chuyên gia, nếu không điều phối tốt, doanh nghiệp sẽ giảm tiềm lực tài chính, khả năng tăng trưởng kém. Chia cổ tức bằng tiền mặt ở mức cao khiến nhiều cổ đông hưởng lợi, nhưng lại có thể ảnh hưởng đến nguồn vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nhiều biến động hiện nay.
Hơn nữa, một đặc điểm khác thể hiện trong báo cáo tài chính quý 3/2008 là không ít doanh nghiệp có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu khá lớn. Khi cần vốn, các doanh nghiệp này vẫn phải tìm đến nguồn vốn vay có chi phí cao, do vậy sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
Một nguy cơ khác, qua báo cáo quý 3, một số doanh nghiệp có thể đã phải bán đi một vài tài sản để có lợi nhuận.
Hồng Sương
source
http://sgtt.com.vn/Detail5.aspx?ColumnId=5&newsid=43772&fld=HTMG/2008/1123/43772

Monday November 24, 2008 - 08:40am (EST) Permanent Link 0 Comments
Chưa có cơ hội hồi phục

Ngày 14.11.2008 Giờ 14:10
Thị trường bất động sản
Chưa có cơ hội hồi phục
Viễn cảnh tốt cho người mua để ở, không hấp dẫn với nhà đầu cơ
Tại buổi thảo luận về thị trường bất động sản trong khuôn khổ hội nghị đầu tư của quỹ VinaCapital tổ chức đầu tuần này, bà Đỗ Thị Loan, tổng thư ký hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận định rằng thị trường bất động sản “ấm dần” và sẽ “nóng hơn” trong năm tới.
Khu căn hộ Saigon Pearl đang đuợc xây dựng giai đoạn cuối trên đường Nguyễn Hữu Cảnh TP.HCM. Ảnh: Lê Quang Nhật
Nhận định của bà Loan được đón nhận sự hoài nghi của đa số nhà đầu tư có mặt tại diễn đàn. “Tôi cho rằng thị trường nhà ở đã gần tới đáy”, Ông Brett Ashton, giám đốc điều hành công ty tư vấn, môi giới địa ốc Savills nhận định. “Bao giờ thị trường mới chạm đáy và tăng trở lại thì tôi không dám chắc. Không ai biết được”.
Phân khúc thị trường văn phòng cho thuê tại TP.HCM và Hà Nội là một trong những thị trường đắt nhất ở châu Á, theo số liệu của CB Richard Ellis Việt Nam. Thế nhưng loại trừ những phân khúc trên, thị trường nhà ở, trong đó có đất nền và chung cư, đã xuống giá khá nhiều so với mức đỉnh của cơn sốt đầu cơ. Theo ông Mark Townsend, giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, các căn hộ có diện tích nhỏ vẫn đang bán được, và các căn hộ đã hoàn thành không thay đổi nhiều về giá. Tuy nhiên hầu hết người mua không tin tưởng vào lời hứa về thời hạn giao nhà của chủ đầu tư nữa. Ông Townsend cũng không đưa nhận định chắc chắn liệu giá thị trường đã điều chỉnh chưa và liệu năm 2009 hay 2010 mới là thời điểm tốt để mua vào. Để thị trường tăng trở lại, những người mua nhà phục vụ nhu cầu để ở không đủ, phải có cả các nhà đầu tư. Ông Townsend nói: “Việt Nam cũng như các thị trường khác ở châu Á, hãy hy vọng là những người đầu cơ quay lại thị trường, nếu không sẽ là một thời gian khô hạn kéo dài”.
Ông Alpha Chen, giám đốc tiếp thị của Phú Mỹ Hưng tỏ ra thận trọng khi tiên đoán sự quay lại của thị trường. Ông cho rằng thị trường đã điều chỉnh nhưng phải ba đến năm năm nữa mới hồi phục.
Không ít các dự án bất động sản trong thời gian vừa qua bị chậm tiến độ do nhiều nguyên do, trong đó có việc giá xây dựng tăng cao và chủ đầu tư không tiếp cận được với vốn. Ngay cả những dự án lớn, đã bán hết như Saigon Pearl, tiến độ thi công đã chậm lại, chủ đầu tư đã thông báo với khách hàng rằng khu Topaz 1 và 2 sẽ giao chậm lại một năm. Một số dự án khác thì phải dời thời điểm bán hàng cũng như thi công lại vì tình hình đình trệ của thị trường. Việc giá vật liệu xây dựng giảm trong thời gian gần đây là một tin tốt đối với các chủ đầu tư. Tuy nhiên, theo ông Ashton, mặt bằng giá căn hộ chưa xuống được vì về cơ bản giá đất vẫn chưa điều chỉnh. Giá đất hiện vẫn được đánh giá là rất cao đặc biệt ở các khu vực trung tâm.
Kể cả những người có nhu cầu mua nhà để ở cũng khó có khả năng mua với lãi suất cao và khó tiếp cận như hiện nay, cho nên triển vọng để thị trường nhà ở phục hồi còn mờ mịt. Cả nhà đầu tư và người mua đều khó tiếp cận tín dụng thì không có cửa cho thị trường nhà đất tăng trở lại.
Ngay cả trong lĩnh vực bất động sản du lịch, với số vốn đăng ký đầu tư nước ngoài rất lớn chiếm hơn 10% của tổng vốn FDI đăng ký, thì việc đầu tư cũng sẽ bị chậm. Những nhà đầu tư đã giành được quyền khai thác ở những khu du lịch rất tiềm năng giờ đây đang gặp phải khó khăn khi huy động vốn trên thị trường quốc tế. Các dự án đầu tư ở Phú Quốc là một ví dụ. Ông Martin Kaye, tổng giám đốc tập đoàn Millenium có dự án đầu tư trị giá hơn 2 tỉ USD tại Phú Quốc cho biết nguồn tài chính cho đầu tư bất động sản đang cạn kiệt, và việc thực hiện có thể chậm lại đến cuối 2009 tới đầu 2010.
Thiếu hụt cơ sở hạ tầng là một lý do khác khiến cho thị trường địa ốc khó hồi phục hay tăng trưởng mạnh. Tại Phú Quốc, sân bay hiện tại đã quá tải và nếu việc xây dựng sân bay mới không được thực hiện nhanh chóng, việc các dự án khách sạn, khu nghỉ cao cấp được xây dựng tại thời điểm này cũng không mang lại nhiều ý nghĩa.
Lan Anh
source
http://sgtt.com.vn/Detail41.aspx?ColumnId=41&newsid=43379&fld=HTMG/2008/1113/43379

Friday November 14, 2008 - 02:30am (EST) Permanent Link 0 Comments
Trồng lúa dở, hờn thương lái

Ngày 12.11.2008 Giờ 07:25
Vựa lúa miền tây
Trồng lúa dở, hờn thương lái
Mấy ngày gần đây, do một số doanh nghiệp trở bộ mua gạo nên giá lúa Jasmine đứng ở mức 6.900đ/kg, lúa thường 4.500đ/kg. Nhưng nông dân ít có lúa Jasmine để bán, tồn đọng nhiều lúa 50404
Lúa từ Campuchia về dọc biên giới Ảnh: Lê Hoàng Yến
Năm ngoái, giá lúa Jasmine ở thời điểm này là 7.200 – 7.300đ/ký, giá vật tư thấp hơn nên người trồng lúa có lời. “50404 xin đừng gọi – cảm ơn”
Đã có lúc, ức lòng, người bán lúa chỉ cầu “đừng có thương lái trên đời này” để họ bán trực tiếp cho doanh nghiệp xuất khẩu. Nhưng trong chuỗi cung ứng lúa gạo, từ lâu nếu không có thương lái, doanh nghiệp cũng không thể hoạt động. Ông Hồ Minh Khải, giám đốc công ty nông nghiệp Cờ Đỏ (Cần Thơ) nói: “Chúng tôi vẫn phải cậy tới thương lái. Sông rạch chằng chịt, không cậy họ thì lực lượng đâu mà làm. Thương lái đầu tư phương tiện, vốn liếng và mang cả lực lượng bốc vác vô tới vùng sâu mua lúa, xay lức và bán gạo”. Nếu đầu tư như thương lái, ông Khải tính toán: “Chi phí giảm khoảng 150 – 200đ/kg tuỳ thời điểm thu hoạch và cự ly vận chuyển (lúa ướt khi sấy xong sẽ giảm trọng lượng). Giá trị tăng thêm khoảng 15% nhờ giữ được chất lượng và số lượng”. Nhưng các doanh nghiệp không làm như họ, ông Khải giải thích: “Muốn làm như vậy phải có đất, vị trí thích hợp việc vận chuyển, tốn quá nhiều tiền. Sợ chi phí cao nên các công ty chỉ mua gạo, thậm chí không lắp đặt máy bóc vỏ, vừa khỏi lo xử lý trấu vừa có thể kiểm soát được chất lượng gạo khi mua vào”.
Thương lái không thèm mua lúa ở đây, họ chỉ tìm lúa ngon để mua. Có ghe đề chữ “50404 xin đừng gọi – cảm ơn”. Một nông dân ở Hậu Giang kể, giọng hờn trách.
Lúa Campuchia tràn về
Năm ngoái, đầu tháng 11 các thương lái từ các tỉnh tập trung ở kinh Vĩnh Tế, Xuân Tô (Tịnh Biên, An Giang) mua lúa mùa từ Campuchia chở qua. Năm nay, có vẻ thương lái đông hơn. Chị Tiết, một thương lái ở Cái Bè, Tiền Giang, cho biết: “Cứ mỗi tuần hai chuyến, mỗi chuyến mua 70 tấn lúa. Phía bên kia biên giới cũng là thương lái mua gom lúa từ Takeo, Candal, Kongpong Speui và cả Pusat chuyển về. Các thương lái Campuchia nói khu vực giáp giới với An Giang, Đồng Tháp có nhiều nhà máy và tiện đường hơn phía Phnom Penh. Khu vực Pusat gần Thái Lan, mua bán có thể thuận lợi hơn. “Nhưng thương lái ở đây hiểu ý nhau, làm ăn lâu rồi nên đưa về đây”, một thương lái nói.
Lúa từ Campuchia bán cho thương lái Việt Nam là giống Khawdakmali, Jasmine… giá từ 5.000 – 5.300đ/kg. Giá không tốt như năm ngoái, thậm chí thấp hơn giá bên Việt Nam cả ngàn đồng một ký, nhưng Campuchia sắp đến mùa cúng trăng nên nông dân bán lúa để có tiền đi lễ hội. Một số khác là lúa của người Việt đi thuê đất bên Campuchia, nay chở lúa về. Tất cả đều là lúa ngon, được phép qua lại biên giới miễn thuế.
Việc thương lái đưa lúa gạo ngoại về khiến thị trường lúa gạo trong nước vốn khê đọng càng khê đọng hơn. Nhưng thực trạng này cũng có cách nhìn khác là, lúa gạo qua lại giữa hai quốc gia thành viên WTO là chuyện bình thường. Tại Cần Thơ, Gentraco đang có hướng hợp tác với khách hàng Campuchia để xuất khẩu gạo.
Gạo IR 50404 bị liệt vào loại dở, giá bán 2.500đ/kg không ai mua. Nay nhích lên 3.100đ/kg, thương lái mua khi doanh nghiệp có nhu cầu phối trộn gạo. Trước đây, gạo ngon – gạo dở chỉ chênh nhau 50 – 70đ/kg, IR50404 lại cho năng suất vượt trội nên nông dân cứ canh tác giống này. Hết khủng hoảng lương thực, các cường quốc xuất khẩu gạo lại đưa giống gạo ngon ra giao dịch để kéo giá lên. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng chỉ chuộng một vài loại giống quen thuộc như Nam Thơm (Khawdakmali), hương lài (Jasmine)…
Tiến sĩ Dương Văn Chín, phó viện trưởng viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, cho biết: đồng bằng sông Cửu Long có tổng cộng 141 giống lúa được xếp vào nhóm giống có thành tích cao nhất trong mỗi thí nghiệm hoặc mỗi cuộc đánh giá giống trong hai vụ đông xuân 2006 – 2007 và 2007 – 2008. Tuy nhiên, nông dân thấy khó làm, khó kiếm giống nguyên chủng nên quay về làm lúa IR 50404. Khi diện tích giống lúa này nâng lên tới 30% toàn vùng và thị trường nhiều thay đổi thì cái dở của lúa gạo biến thành rối rắm của vùng nguyên liệu.
Doanh nghiệp lo tìm nguồn gạo ngon, thương lái không lui tới nữa. Dân trồng lúa dở lại trách hờn thương lái. Có ai giúp nông dân biết trồng lúa IR 50404 sẽ không bán được?
Gia Khiêm
source
http://sgtt.com.vn/Detail41.aspx?ColumnId=41&newsid=43279&fld=HTMG/2008/1111/43279
Thursday November 13, 2008 - 04:44am (EST) Permanent Link 0 Comments
Vẫn còn lối ra cho xuất khẩu gạo

Ngày 10.11.2008 Giờ 17:00
Vẫn còn lối ra cho xuất khẩu gạo
Thời điểm tháng 4.2008, giá gạo trên thị trường thế giới tăng vọt (trung bình 1.200 USD/tấn), Việt Nam tuy dồi dào gạo xuất khẩu, nhưng không dám xuất; đến nay, giá gạo thế giới giảm nhanh, việc xuất khẩu gạo đang có xu hướng bất lợi
Thị trường xuất khẩu ảm đạm
Năm 2008, chỉ tiêu xuất khẩu gạo được giao là 4,5 – 4,6 triệu tấn, 10 tháng qua, đã có 3,95 triệu tấn gạo được xuất đi, lượng gạo xuất khẩu còn lại không lớn, nhưng nhu cầu gạo trên thị trường thế giới bị hạn chế. Thái Lan còn tồn kho trên 4 triệu tấn gạo. Pakistan đã dỡ bỏ quy định giá xuất khẩu gạo tối thiểu và đẩy mạnh xuất khẩu. Ấn Độ cũng nới dần lệnh cấm xuất khẩu gạo thường. Theo trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn, Chính phủ Indonesia, sau nhiều năm liên tục phải nhập khẩu, năm 2008, nước này có khả năng sẽ đảm bảo tự cung ứng gạo cho tiêu thụ trong nước. Chính phủ Mynamar cũng dự định mở rộng sản xuất, tăng sản lượng lúa. Trong năm tài khoá 2007 (kết thúc cuối tháng 3.2008), Myanmar đã xuất khẩu được 358.500 tấn gạo. Chính phủ Campuchia cũng thông báo từ tháng 1.2009, nước này bắt đầu xuất khẩu gạo đạt tiêu chuẩn quốc tế sang thị trường Liên minh châu Âu (EU).
Theo một số công ty kinh doanh, xuất khẩu gạo trong nước, vấn đề đáng quan ngại tác động đến sức mua và giá gạo xuất khẩu, là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã làm giảm tính thanh khoản của nhiều ngân hàng ngoài nước. Việt Nam cũng bị ảnh hưởng không ít, biểu hiện là một số khách hàng mua gạo truyền thống đã ngừng mua.
Chính do thị trường xuất khẩu gạo bên ngoài ảm đạm, nên giá lúa trong nước không cao. Theo bản tin về thị trường của bộ Công thương, bộ Tài chính và hiệp hội Lương thực, hiện nay loại lúa IR 50404 giá 3.100 – 3.200đ/kg, lúa hạt dài 3.800 – 3.900đ/kg.
Theo doanh nghiệp xuất khẩu gạo, nếu Chính phủ, bộ Công thương không có giải pháp hỗ trợ thêm, thì doanh nghiệp xuất khẩu gạo sẽ bị thua lỗ, gạo không xuất được, gây ảnh hưởng tiêu cực đến vụ sản xuất và đời sống nông dân. Tình hình này có thể kéo dài qua năm 2009.
Còn khả năng nào?
Mười tháng qua, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 2,611 tỉ USD. Trong ba tháng cuối năm 2008, nếu lượng gạo xuất khẩu tương đương ở mức 4,5 triệu tấn như năm 2007, tổng kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 2,85 tỉ USD, tăng 91% so với năm 2007. Tổng lượng lúa sản xuất năm 2008 dự kiến đạt 38,6 triệu tấn, trừ đi phần tiêu dùng trong nước, lượng lúa hàng hoá thừa khoảng 10,6 triệu tấn. Nếu thực hiện xuất khẩu gạo tự do không phải đăng ký thì năm 2008 Việt Nam có thể xuất tối đa là 5,3 triệu tấn gạo (chứ không phải là 4,5 triệu tấn như định mức).
nguồn: trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn
Trong bối cảnh khó khăn đó, một số vấn đề mà nếu khắc phục, có thể đẩy mạnh được xuất khẩu, ổn định thị trường lúa gạo trong nước. Ví dụ, về kênh xuất khẩu: đến cuối tháng 10.2008, xuất khẩu gạo theo các hợp đồng tập trung (do Chính phủ đàm phán) chỉ đạt 2,25 triệu tấn, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2007. Trong khi xuất khẩu gạo theo các hợp đồng thương mại, lại tăng gần 50%. Theo hiệp hội Lương thực Việt Nam, việc tăng cường xuất khẩu gạo theo các hợp đồng tập trung sẽ giảm bớt khó khăn về đầu ra. Hiện nay, Việt Nam có thể đẩy mạnh giao dịch, ký hợp đồng xuất khẩu gạo vào thị trường như Philippines, Malaysia… Các dạng hợp đồng này ổn định hơn so với các hợp đồng thương mại. Trong quan hệ song phương, theo bộ Công thương, một số nước đang muốn đặt quan hệ, nhập khẩu gạo lâu dài với Việt Nam như các nước Trung Đông, Nam Á, Tây Á… Cuối tháng 10.2008, bộ trưởng Kinh tế, thương mại và công nghiệp Madagascar đã tới Việt Nam đàm phán để mua gạo 20 – 25% tấm cho nước này.
Vụ hè thu năm 2008, đa số nông dân trồng cấy loại lúa giống IR 50404. Loại lúa này chất lượng không cao, chỉ sản xuất được gạo 25% tấm, trong khi nhu cầu loại gạo này gặp khó khăn ngay tại thị trường trong nước. Hơn nữa, loại gạo này cũng không dự trữ được lâu. Ngược lại, cho dù nhu cầu tiêu thụ gạo trên thị trường thế giới, nhìn chung giảm, nhưng loại gạo có chất lượng cao vẫn được tiêu thụ mạnh. Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, hiện nay, loại gạo cao cấp có giá tăng cao, có những loại lên đến 5.500 – 6.000đ/kg, nhưng các doanh nghiệp không có nguồn trong nước để thu mua.
Việc lựa chọn chiến lược xuất khẩu đúng, kênh bán hàng phù hợp, thay đổi cơ cấu giống lúa để có sản phẩm xuất khẩu chất lượng cao, có lẽ là hướng đi sáng sủa cho hoạt động xuất khẩu gạo. Trước mắt, theo một số doanh nghiệp, hoạt động điều hành xuất khẩu gạo phải linh hoạt hơn. Đánh giá về cách điều hành thu mua, xuất khẩu gạo từ đầu năm đến nay của các bộ Công thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, một doanh nghiệp nhận xét: “Còn rất lúng túng và không kịp thời. Tôi không hiểu sao mà đến tháng 8.2008, người ta vẫn hướng dẫn là xuất khẩu ở mức 3,5 triệu tấn, và đến đầu tháng 9.2008, mới bảo doanh nghiệp chủ động xuất khẩu, không khống chế từng tháng nữa để đạt chỉ tiêu 4,5 – 4,6 triệu tấn của cả năm”.
Mạnh Quân
source
http://sgtt.com.vn/Detail5.aspx?ColumnId=5&newsid=43140&fld=HTMG/2008/1109/43140

Monday November 10, 2008 - 07:45am (EST) Permanent Link 0 Comments
Chủ trại nuôi gà lấy trứng ở Tiền Giang điêu đứng

Ngày 05.11.2008 Giờ 16:23
Trứng gà Trung Quốc nhiễm melamine
Chủ trại nuôi gà lấy trứng ở Tiền Giang điêu đứng
Hai tuần qua, ông Huỳnh Hữu Phước, chủ trại chăn nuôi gà ở ấp Bình Thành, xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang, mỗi ngày tốn gần chục triệu đồng tiền thức ăn, nhưng trứng gà bán ra bị lỗ nặng. Trại gà của ông Phước nuôi 10.000 con, trong đó có 6.000 con gà đang đẻ trứng. Theo ông Phước, các chủ đại lý cung ứng thức ăn chăn nuôi và thu mua trứng gà ở huyện Chợ Gạo nói, giá trứng sụt giảm gần 100 đồng/quả so với cách nay hai tuần là do thông tin trứng gà Trung Quốc bị nhiễm melamine. “Thiệt tình thức ăn chăn nuôi gà đều do đại lý của công ty CP cung ứng, tui đâu có trộn thêm thứ gì vào thức ăn. Đồn trứng gà bị nhiễm melamine để ép giá, thì… oan cho người chăn nuôi quá”, ông Phước nói.
Chủ trang trại nuôi gà Huỳnh Hữu Phước ở xã Đăng Hưng Phước huyện Chợ Gạo mỗi ngày tốn gần chục triệu đồng tiền thức ăn cho đàn gà 10.000 con, nhưng trứng gà bán ra bị lỗ nặng. Ở Tiền Giang, hàng trăm chủ trại gà đang lâm tình cảnh như ông Phước
Chợ Gạo là địa phương nuôi gà công nghiệp lấy trứng nhiều nhất tỉnh Tiền Giang với hơn 300 trang trại, gần 850.000 con gà, mỗi ngày cung ứng hơn 700.000 quả trứng, chủ yếu là thị trường TP.HCM. Phục vụ cho hơn 300 trang trại nuôi gà là gần 20 đại lý cấp một của các công ty thức ăn chăn nuôi, vừa cung ứng thức ăn, vừa thu mua trứng. Giá cả thu mua trứng gà đều do các “đại gia” này thao túng. Khi giá trứng giảm, các “đại gia” này đổ thừa do các vựa ở TP.HCM hạ giá mua vào (!?). Người chăn nuôi bấm bụng bán lỗ vì đã lỡ nhận thức ăn gối đầu, không bán trứng giá rẻ cho các đại gia thì… không biết bán cho ai để trừ nợ. Hơn nữa, trứng gà không thể để tồn kho như lúa gạo, nên dù giá rẻ vẫn phải bán.
Ông Nguyễn Văn Thinh, phó trưởng phòng Nông nghiệp phát triển nông thôn huyện Chợ Gạo, cho biết hai tuần qua, người nuôi gà điêu đứng vì giá trứng giảm, nhưng việc lấy mẫu trứng để xét nghiệm melamine vượt ngoài khả năng của huyện. Ông Nguyễn Văn Khang, giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, nói đã biết thông tin các chủ trại gà ở Tiền Giang bị “văng miểng” do thông tin trứng gà Trung Quốc nhiễm melamine trên các phương tiện thông tin đại chúng. “Tôi đã chỉ đạo chi cục Thú y Tiền Giang lấy mẫu ở tất cả các trại gà để đưa về cơ quan chuyên môn ở TP.HCM xét nghiệm melamine, mỗi trang trại lấy hai mẫu, và lấy theo các nhóm thức ăn chăn nuôi. Ít nhất cũng phải bảy ngày nữa mới có kết quả kiểm tra”, ông Khang cho biết.
“Ngày 3.10.2008, trong buổi giao ban trực tuyến, bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu cơ quan hữu trách phải kiểm tra melamine trong thức ăn chăn nuôi, cho nên hiện nay các chủ trại gà tiếp tục chịu thiệt hại dù thông tin trứng gà có melamine chỉ là tin đồn”, ông Khang cho biết.
Các chủ trại gà ở Tiền Giang phản ứng tiêu cực bằng cách… đóng cửa trại, không tiếp xúc với cán bộ ngành nông nghiệp. Một chủ trại gà nói, chính các thông tin về trứng gà Trung Quốc nhiễm melamine đăng trên báo, đã đẩy người nuôi gà bị thiệt hại.
bài và ảnh Hùng Anh
source
http://sgtt.com.vn/Detail5.aspx?ColumnId=5&newsid=42895&fld=HTMG/2008/1104/42895

No comments:

Post a Comment