Sunday 28 June 2009

Tích tụ ruộng đất




Ngày 02.06.2008 Giờ 18:24
Tích tụ ruộng đất
Nguyên chủ tịch tỉnh An Giang, ông Nguyễn Minh Nhị, cho rằng giới hạn tích tụ ruộng đất ở mức không quá 6ha là một chính sách “sợ dân nghèo bằng cách giữ cho mọi người đều nghèo”. Chính sách “hạn điền” đang là một trong những yếu tố quan trọng quy định tình trạng “sản xuất nhỏ” của nền nông nghiệp.
Sài Gòn Tiếp Thị xin tiếp tục câu chuyện này qua cuộc toạ đàm với sự tham gia của ông Nguyễn Minh Nhị, ông Lê Minh Tùng và ông Đoàn Ngọc Phả, ba nhân vật đã gắn bó sự nghiệp đời mình với tứ giác Long Xuyên, vựa lúa số một của đồng bằng sông Cửu Long
“Hai Lúa” lại sinh ra “Hai Lúa”
Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch tỉnh An Giang. Ảnh: Nguyễn Trọng Tín
Thoạt nhìn, những nông dân ít ruộng tối ngày “lai rai” trong khi “địa chủ, phú nông” thì vất vả, tưởng rằng họ… sướng. Nhưng, ông Nguyễn Minh Nhị phân tích: “Nếu như lối thoát duy nhất của người dân miền Trung là học thì ở miền Tây, dù không học cũng không chết đói bao giờ”. Trời đất miền Tây hết sức bao dung, chỉ cần năm công ruộng là một gia đình đủ sống. Cha mẹ cũng bao dung, con cái không học, không làm gì được thì “về đây, tao nuôi”. Nhưng, cũng chính vì “ôm” năm công đất ấy mà, theo ông Nhị, “Hai Lúa lại chỉ sanh ra Hai Lúa”.
Sự đời cũng đầy éo le như những câu vọng cổ. Chỉ cần ốm đau, chạy lo tiền viện là hết cảnh “lai rai”, chỉ cần vợ phải chuyển viện lên tuyến trên sanh mổ là nảy sinh một khoản chi buộc lòng phải bán ruộng. Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Tùng nói: “Đừng tưởng cứ giao đất cho những người nghèo là hết nghèo. Nhiều người nhận đất mà không biết quản lý, chỉ cày cấy một hai mùa là ngập đầu nợ nần”.
Trong khi những chủ trang trại như Sáu Đức có thể tích trữ lúa cho tới khi được giá nhất mới bán, thì những nông dân có dăm ba công chỉ có một giải pháp duy nhất là bán lúa cho tư thương ngay tại ruộng. Họ không có kho để cất giữ lúa và không có lực để chờ. Họ cần phải bán lúa ngay khi thu hoạch để trang trải nợ vật tư nông nghiệp cho các đại lý phân bón, trả nợ vay ngân hàng, xoay xở cuộc sống và tái đầu tư cho mùa vụ mới. Lẽ dĩ nhiên, khi nhà nông cần tiền thì thương lái là người có toàn quyền định đoạt giá cả. Vừa qua, khi giá lúa lên đến 6.000 – 7.000 đồng/kg mà nông dân vẫn không vui. Vì đó là giá các thương lái bán lại cho các doanh nghiệp cung ứng gạo xuất khẩu, còn nhà nông thì từ lâu đã hết lúa.
Những bài học quá khứ
Kỹ sư Đoàn Ngọc Phả hiện là phó giám đốc sở Nông nghiệp An Giang. Hơn hai mươi năm trước, khi các “pháo đài cấp huyện” bị “rã đám”, ông Phả, đang là một chuyên viên “xây dựng pháo đài” được đưa về làm bí thư xã Vĩnh Nhuận, huyện Châu Thành. Ông nhớ lại, ruộng đất được cấp phát cho cả những người lêu lổng, thậm chí có cả những kẻ lưu manh, họ sẵn sàng nhận tiền, nhận phân bón rồi… đem bán, còn ruộng đất thì bỏ hoang. Nhiều cán bộ xã cắt xén ruộng đất, “phát canh” trở lại cho các chủ cũ. Sản xuất bị đình trệ, trong khi mâu thuẫn giữa các chủ đất cũ và những người “kinh tế mới” hết sức căng thẳng, nguy cơ đâm chém nhau luôn đe doạ nổ ra. Ngay cả tập đoàn cũng phải có lực lượng dân quân tự vệ.
Phương sách mà ông Phả áp dụng ở xã Vĩnh Nhuận vào thời điểm ấy là dùng cơ chế kinh tế để chỉ giao đất cho những người thực sự có khả năng làm ruộng. Thực chất của tiến trình ấy là đưa ruộng, từng bước trở về tay chủ cũ. Ông Nguyễn Minh Nhị, khi đó đang làm phó giám đốc sở Nông nghiệp, đi “thực tế” xã Vĩnh Nhuận và khi trở về, ông thấy “được giải toả”. Kinh nghiệm của Vĩnh Nhuận là một trong những cơ sở để An Giang, ngay từ những năm 1987, 1988 có được quyết định 303, đưa máy móc và đất đai về lại cho các chủ cũ.
Ông Đoàn Ngọc Phả nhớ lại: “Lúc đầu, quyết định 303 chỉ nhằm giải quyết tranh chấp, sau không ngờ nó lại khuyến khích được nhiều chủ đất bỏ công sức và vốn liếng ra canh tác”. Cùng với sự trở lại của các chủ đất là sự tan rã của các tập đoàn. Và, chính điều đó đã mở đầu cho An Giang một thời kỳ khai hoang phục hoá mới. Trong vòng năm năm, đã có 90 ngàn hecta ruộng được khai phá. Có lẽ, nếu không có tầng lớp trung nông được khôi phục và mới xuất hiện thì tứ giác Long Xuyên đã không thể trở thành một vựa lúa lên tới 450 ngàn hecta như ngày nay.
“Địa chủ” bây giờ rất khác
Vừa qua, khi giá lúa lên đến 6.000 – 7.000đ/kg, nông dân vẫn không vui vì đó là giá thương lái bán cho doanh nghiệp, trong khi nông dân đã hết lúa từ lâu. Ảnh: L.Q.N
Phó chủ tịch Lê Minh Tùng cho biết từ lâu, An Giang đã xác định vai trò quan trọng của tầng lớp trung nông trong phát triển nông nghiệp. Trước đây, tứ giác Long Xuyên là một xứ nghèo và tỉnh nhận ra chỉ có trung nông mới có năng lực để khai thác đất đai có hiệu quả. Ông Tùng cho rằng tích tụ ruộng đất là một xu thế tất yếu. Cho dù luật ghi “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” thì Nhà nước cũng không bao giờ có thể lấy lại ruộng đất mà những người dân đang nắm giữ. Trong một chừng mực nào đó, những quy định hiện hành chỉ cản trở những người tôn trọng tuyệt đối các chuẩn mực pháp lý, khi họ muốn đầu tư vào lĩnh vực này.
Mặt khác, theo ông Đoàn Ngọc Phả, thời Tây, địa chủ chỉ cần thế lực, thôn tính đất đai trên bản đồ rồi giao cho tá điền khai khẩn. Ngày nay, đất ruộng giá đã rất cao, không ai có thể kinh doanh bằng cách mua ruộng rồi “phát canh thu tô” được nữa. Những chủ đất lớn nhất ở An Giang như ông Châu Thành Phú, Đặng Văn Hiện, Nguyễn Lợi Đức… đều là những người “trực canh”. Họ không những phải là nông dân giỏi, mà còn phải là những nhà doanh nghiệp giỏi.
Ông Nguyễn Minh Nhị cho rằng, sở dĩ chất lượng và giá gạo của ta kém hơn các nước trong khu vực là có nguyên nhân sâu xa từ chính sách hạn điền. Ruộng đất manh mún chỉ có thể sản sinh ra các tá điền chứ không thể nào sản sinh ra được những doanh nhân trong nông nghiệp. Không có những doanh nhân lớn, biết tổ chức sản xuất, có đầu óc quản lý, am hiểu thị trường, nền nông nghiệp của nước ta sẽ muôn đời lệ thuộc. Ông Nguyễn Lợi Đức kể, đã có không ít doanh nhân nước ngoài muốn làm ăn với mình nhưng không thành vì ta chỉ có những nhà nông làm ăn nhỏ, gieo cấy những giống quen chứ không thể canh tác trên diện rộng những giống lúa mà thị trường bên ngoài ưa chuộng. Tuy là nước xuất khẩu đứng hàng thứ hai, vì thế, hạt gạo Việt Nam vẫn “vô danh” trên thị trường thế giới.
Quá trình tích tụ ruộng đất ở nông thôn chắc chắn sẽ làm xuất hiện những nông dân không còn ruộng. Tuy nhiên, sẽ không có xung đột vì chính những nông dân có dăm ba công ruộng ấy tự nguyện bán lại ruộng đất. Một khi, ruộng đất được tích tụ hàng chục, hàng trăm hecta thì những dịch vụ như kho tàng, cắt sấy, chế biến… sẽ có nhu cầu xuất hiện. Công nghiệp hoá sẽ từ đấy mà hình thành trên nền tảng nông nghiệp, nông thôn, chứ không chỉ hình thành nhờ hàng ngàn hecta đất trồng lúa được giao cho các nhà kinh doanh khu công nghiệp.
Tất nhiên, quá trình “ly hương” của một bộ phận nông dân cũng là không thể tránh khỏi. Tiến sĩ Lê Minh Tùng cho rằng, cơ cấu lao động chắc chắn sẽ thay đổi khi Việt Nam trở thành một nước công nghiệp. Ở những quốc gia phát triển, lượng dân số lao động trong khu vực nông nghiệp sẽ giảm dần xuống còn từ 2 – 4%. Ông Tùng nói tiếp: “Nếu không cho tích tụ, thì nền nông nghiệp của chúng ta sẽ chỉ đủ ăn chứ không bao giờ có thể làm giàu”. Mặt khác, cũng sẽ có những nông dân tương tự phải “ly nông” khi ruộng đất được chuyển qua các mục đích sử dụng khác. Vậy thì tại sao có thể giao hàng ngàn hecta đất ruộng cho các nhà đầu tư làm sân golf mà không thể để cho các nhà nông tự làm thay đổi bộ mặt nông thôn từ tích tụ ruộng đất.
Huy Đức – Trọng Tín – Hùng Anh
source
http://sgtt.com.vn/Detail29.aspx?ColumnId=29&NewsId=35123&fld=HTMG/2008/0602/35123

No comments:

Post a Comment