Monday 29 June 2009

Thử xây dựng mô hình nông - công - thương – tín



Ngày 19.12.2008 Giờ 13:56
PHÁT TRIỂN KINH TẾ LÚA
Thử xây dựng mô hình nông - công - thương – tín
Nông dân bây giờ phải “tự bơi” trong canh tác, thu hoạch, tồn trữ và bán lúa. Có lẽ hơn ai hết, họ mong muốn có một tổ chức hỗ trợ và tạo lợi ích cho họ ngày càng nhiều hơn
Sau năm 1975, các chành lúa gạo tại đồng bằng sông Cửu Long bị “xoá sổ”, trở thành các xí nghiệp quốc doanh. Lực lượng hàng xáo và thương lái cũng bị xoá sổ.
Doanh nghiệp tự tác, nông dân tự bơi
Nông dân hiện vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nên chi phí sản xuất cao. Ảnh: L.Q.N
Nếu sau khi cải tạo, Nhà nước tổ chức phối hợp hoạt động của các công ty lương thực (gồm nhà máy xay, kho và trạm thu mua) với công ty vật tư nông nghiệp và ngân hàng, kết hợp với các trạm cơ giới, trạm bảo vệ thực vật, trạm giống thì hoàn toàn có thể vừa thay thế vai trò của các chành vựa và chắc chắn có hiệu quả cao hơn cho quốc gia, vừa làm lời nhiều hơn cho nông dân nhờ không phải vay nặng lãi, “tỷ suất” phân/lúa hợp lý hơn và được hỗ trợ tốt hơn trong canh tác lúa.
Lực lượng hàng xáo rút vào hoạt động buôn chuyến nhỏ lẻ suốt thời kỳ ngăn sông cấm chợ. Và lần hồi lực lượng này “sống” lại với chủ trương đổi mới, trước sự “bất lực” của các công ty quốc doanh lúa gạo trong việc thu mua, và trong thương trường, muốn có lời nhiều hơn, dĩ nhiên họ cũng không ngần ngại ép giá nông dân. Từ “tư thương ép giá” ra đời từ đó, tồn tại đến ngày nay, mặc dù ngày nay đa số thương lái và hàng xáo là cánh tay nối dài của các công ty lương thực thời đổi mới.
Các công ty lương thực ngày nay chỉ còn hoạt động trong việc thu mua gạo, mua bán trong nước và xuất khẩu gạo là chính. Tổ chức thu mua không có gì mới mẻ, giống như các doanh nghiệp tư nhân, thậm chí dựa vào các chợ gạo của các doanh nghiệp tư nhân (tại An Cư Bà Đắc – Tiền Giang, Sa Đéc – Đồng Tháp...). Chợ gạo đầu mối Thốt Nốt chưa biết đến bao giờ mới hình thành. Sàn giao dịch lúa gạo thì chắc còn lâu. Các kho lẫm tiếp thu từ chành vựa và xây dựng mới lần hồi xuống cấp, hư hỏng và thậm chí một số được... hoá giá, rất ít được xây dựng thêm. Toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 30 silo với sức chứa 30.000 tấn do các tổ chức nước ngoài tặng biếu.
Nông dân, phải “tự bơi” trong canh tác, thu hoạch, tồn trữ và bán lúa. Nhà nước cũng có chính sách, có xúc tiến đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, nhưng đến nay chưa có một dự án đầu tư nào vào sản xuất kinh doanh lúa gạo tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Và chắc chắn cũng chưa có một dự án nào được xây dựng như một mô hình – có khả năng nhân lớn và rộng – phát triển kinh tế lúa.
Mô hình đề xuất
Mô hình này trước hết xuất phát từ một nguồn vốn lớn, được tổ chức và điều hành một cách khoa học theo định hướng kinh tế thị trường (trong nước và xuất nhập khẩu), có sức thuyết phục nông dân tham gia bằng đất đai và công sức (từng bước). Mô hình được hình thành từ việc thành lập một công ty hoạt động liên hợp canh tác lúa – tồn trữ, chế biến gạo và các phụ phẩm – thương mại vật tư, gạo và các phụ phẩm – cung cấp tín dụng cho canh tác lúa, thương mại gạo, hỗ trợ đời sống nông dân. Đồng thời với việc sinh lời từ các hoạt động nông – công – thương – tín, công ty còn tạo lợi ích cho địa phương bằng cách tạo ra hiệu quả sinh lời cao hơn cho nông dân, ổn định thị trường và giá cả lúa – vật tư, hướng nông dân vào hợp tác đầu tư với công ty, đưa kinh tế lúa của địa phương vào sản xuất lớn, ổn định chất lượng và có thương hiệu, đóng góp phát triển hạ tầng kỹ thuật và phúc lợi nông thôn địa phương, từng bước tiến đến đô thị hoá nông thôn, đồng thời thực hiện chủ trương của Nhà nước về cơ giới hoá, sinh học hoá, hoá học hoá trong canh tác lúa; công nghiệp hoá và hiện đại hoá ngành trồng lúa.
Mô hình công ty có địa bàn hoạt động trong các vùng lúa trọng điểm như bán đảo Cà Mau, tây sông Hậu, tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, đầu tư xây dựng mô hình trên một diện tích trước mắt khoảng 3.000 hecta. Công ty bán giống đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cho nông dân với giá rẻ hơn giá thị trường (do đặt hàng cho các nhà sản xuất giống với số lượng lớn), cho vay vốn canh tác và sinh sống trong mùa vụ với lãi suất thấp như ngân hàng phát triển nông nghiệp hoặc cho vay phân bón, thuốc sâu với tỷ suất lúa/vật tư theo thời giá hoặc rẻ hơn (do mua hoặc nhập khẩu với số lượng lớn, có nghiên cứu giá thị trường quốc tế), bao tiêu và bảo hiểm giá mua lúa theo hợp đồng. Công ty đầu tư máy nông nghiệp cho nông dân thuê hoặc làm dịch vụ cho nông dân (máy cày, xới, bơm, tuốt lúa, gặt đập liên hợp...), đầu tư silo với sức chứa khoảng 3.000 tấn (tồn trữ, sấy, bảo quản lúa, làm dịch vụ cho nông dân), đầu tư nhà máy xay, lau bóng (hoặc liên kết với các nhà máy đạt tiêu chuẩn hiện có tại địa phương), ép dầu cám, phát điện từ trấu..., hợp tác với các doanh nghiệp tư nhân tại địa phương trong việc thu mua lúa, gạo nguyên liệu và xuất khẩu gạo thành phẩm... và làm cánh tay nối dài cho các công ty lương thực.
Sau ba năm, với hiệu quả đạt được, công ty sẽ thuyết phục nông dân hùn vốn mở rộng công ty bằng đất ruộng của họ (có thể rút lại sau ba năm). Khả năng sinh lời cao hơn trước hết là từ xoá bờ bao, hạ chi phí sản xuất nhờ sản xuất lớn (giảm bơm tưới tiêu, giảm phân bón thuốc sâu, khai thác toàn dụng cơ giới...). Từ năm thứ tư, mô hình sẽ mở đến 6.000 hecta. Và sau năm năm, mô hình hoàn chỉnh sẽ ở vào khoảng 10.000 hecta, phạm vi của một huyện, vừa với khả năng quản lý của một công ty, có khả năng xuất khẩu khoảng 100.000 tấn gạo/năm. Vốn đầu tư khởi điểm của một mô hình khoảng năm triệu USD và hoàn chỉnh với khoảng 10 triệu USD.
Mô hình này nghe ra chắc không mới, nhưng đầy tính hiệu quả kinh tế và hiệu quả kinh doanh, nếu được Nhà nước ủng hộ...
Sơn Nguyễn
source
http://sgtt.com.vn/Detail29.aspx?ColumnId=29&newsid=44995&fld=HTMG/2008/1218/44995

No comments:

Post a Comment