Monday 29 June 2009

Trông chờ vào châu Á



Ngày 22.12.2008 Giờ 14:15
Vận tải biển
Trông chờ vào châu Á
Hàng tuyến Intra–Asia (nội Á) giảm khoảng 20% so với đầu năm, nguồn tin từ các hãng tàu cho biết, mức giảm này chỉ bằng 1/3 so với mức giảm của tuyến Âu–Mỹ. Điều này khiến cho các hãng tàu chuyên khai thác tuyến xa cũng nhảy vào khai thác tuyến Intra–Asia
Xuất khẩu qua châu Á phần nhiều là hàng thiết yếu nên không bị sụt giảm mạnh. Trong ảnh: gạo Việt Nam xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. Ảnh: Lê Quang Nhật
Thông tin từ một số doanh nghiệp xuất khẩu mây tre lá và nhựa vào thị trường Mỹ cho biết lượng hàng cuối năm sụt giảm khoảng 60% so với đầu năm. Cá biệt có doanh nghiệp chỉ xuất cầm chừng với lượng hàng chỉ còn 10%. Theo một số doanh nghiệp xuất hàng gỗ đi Mỹ, châu Âu, sự suy giảm lượng xuất khẩu có thể xuất hiện rõ rệt trong năm 2009 do hiện nay các trung tâm phân phối của đối tác thông báo đóng cửa hàng loạt ở nước ngoài. Một số khách hàng lớn mất dần khả năng thanh toán đơn hàng.
Trước việc hàng hoá xuất khẩu đi châu Âu và Mỹ sụt giảm nặng nề, các hãng tàu tăng cường khai thác tuyến châu Á. Ngay cả hãng tàu lớn như Maersk theo một công bố mới đây cho biết, vận tải nội Á sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Hãng tàu khổng lồ này có kế hoạch tăng cường tuyến nội Á thông qua một hãng tàu trực thuộc là MCC.
Theo nhận định của các hãng tàu, tuyến châu Á nổi lên như điểm sáng trong tình hình vận tải biển khó khăn như hiện nay là nhờ cơ cấu hàng hoá. Hàng hoá xuất khẩu tuyến này đa số là các mặt hàng thiết yếu như nông sản, cao su, hạt nhựa… nên mức sụt giảm không nghiêm trọng như tuyến châu Âu và Mỹ.
Một doanh nghiệp chuyên xuất hàng đi Hàn Quốc cho biết mặt hàng xuất khẩu của công ty đang rất hút hàng. Mỗi tuần doanh nghiệp này xuất trung bình 10 container loại 40 feet đi cảng Incheon. Doanh nghiệp này đang xuất hàng mạt cưa được ép thành những thanh gỗ nhỏ hình vuông để người dân xứ kim chi đốt sưởi ấm vào mùa đông. Lượng hàng rời từ các cảng TP.HCM đi các cảng châu Á cũng không sụt giảm nhiều như dự báo nhờ hàng gạo và sắn lát. Theo ông Le Som Bo, giám đốc công ty Xếp dỡ cảng Sài Gòn, đơn vị ông đã xếp dỡ 600.000 tấn cát cho các tàu vào ăn hàng từ đầu tháng 10 đến nay.
Hàng giảm, cước phí cũng giảm nhiều khiến cho các hãng tàu gặp nhiều khó khăn. Giá cước đi Thái Lan, Singapore, Đài Loan đang ở mức 30 USD/TEU (tương đương với container 20 feet). Các cảng của Hàn Quốc giá chỉ còn 100 USD/TEU. Cước đi cảng chính của Nhật cũng giảm từ 350 USD xuống còn 250 USD/TEU so với đầu năm. Tuy vậy các hãng tàu khai thác tuyến này vẫn đủ bù chi phí do giá nhiên liệu giảm và khoản thu đáng kể từ THC (phí xếp dỡ). Theo đại diện một hãng tàu, chi phí nhiên liệu từng chiếm 30% đến 40% tổng chi phí hoạt động nay đã giảm còn khoảng 10%.
Phí xếp dỡ hiện nay cũng đóng góp một phần của nguồn thu để các hãng tàu nhỏ cầm cự. Cụ thể hãng tàu thu phí THC cho tuyến Intra–Asia là 70 USD cho một container 20 feet nhưng chỉ trả lại cho cảng 40 USD theo quy định.
Năm 2008 là năm vô cùng khó khăn cho các hãng tàu. Hết điêu đứng vì giá dầu tăng cao từ giữa năm lại đến suy thoái thương mại toàn cầu ở giai đoạn hiện tại. Một số hãng tàu biến mất khỏi Việt Nam như SYMS (Trung Quốc), Dong Nam A (Hàn Quốc).
Vỹ Tân
source
http://sgtt.com.vn/Detail41.aspx?ColumnId=41&newsid=45112&fld=HTMG/2008/1221/45112

No comments:

Post a Comment